Thứ tư, 07 Tháng 6 2017 16:15 Số truy cập:9849
Thông tin chung
Trai tai tượng (tridacna) là loài động vật thân mềm, hai mảnh vỏ, có giá trị cao ở nhiều khía cạnh khác nhau. Chúng được sử dụng rộng rãi trong nuôi cảnh và chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do có kích thước lớn, màu sắc khoang vỏ đa dạng, sặc sỡ. Về sinh học, Trai tai tượng có nguồn gen quý hiếm, giữ vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái rạn san hô.
Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy, Trai tai tượng chỉ phân bố trên các rạn san hô ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương [5]. Chúng có mối quan hệ mật thiết với quần xã và các điều kiện sinh thái trong hệ sinh thái rạn san hô. Những thay đổi của hệ sinh thái rạn san hô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các loài Trai tai tượng [3], [4].
Ở Việt Nam, Trai tai tượng được tìm thấy tại 8 đảo: Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Hòn Cau, Hòn Mun, Nam Yết, Lý Sơn và Cù Lao Chàm. Ngoại trừ loài Trai tai tượng vàng nghệ (Tridacna crocea) còn khá phong phú ở Vườn quốc gia Côn Đảo, các đảo còn lại nguồn lợi này còn khá thấp [1].
Trong nhiều năm gần đây, nguồn lợi Trai tai tượng đang bị giảm sút nhanh chóng, một số loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng do khai thác quá mức và thiếu hợp lý [1]. Hậu quả của việc này là nhiều loài đã được đưa vào Danh lục đỏ Việt Nam như loài Trai tai tượng khổng lồ (Tridacna gigas), Trai tai tượng vảy (Tridacna squamosa), Trai tai tượng lớn (Tridacna maxima),...vv. Đặc biệt 02 loài trước đây có thông tin phân bố ở vùng biển Việt Nam là Trai tai tượng khổng lồ và Trai tai nghé (Hippopus hippopus) không còn phát hiện trong các nghiên cứu gần đây [1].
Hiện trạng nguồn lợi Trai tai tượng ở Khu BTB Cù Lao Chàm
Kết quả các đợt khảo sát năm 2015 đã ghi nhận được 03 loài Trai tai tượng có mặt ở Cù Lao Chàm gồm: Tridacna squamosa, Tridacna maxima và Tridacna crocea. Chúng phân bố tại hầu hết vùng rạn san hô có độ sâu từ 1mét đến 8 mét nước, tập trung chủ yếu ở khoảng 3m ÷ 4m nước, hiếm gặp ở độ sâu trên 9 mét [2].
Mật độ các loài Trai tai tượng trung bình trên các mặt cắt khảo sát đạt 1,34 cá thể/500m2, không có dấu hiệu tăng sau hơn 12 năm thực hiện công tác bảo tồn biển. Đây là mật độ thuộc nhóm thấp nhất trong 8 đảo có xuất hiện loài này ở Việt Nam. Các đảo có mật độ quần xã Trai tai tượng cao như Côn Đảo (299,6 cá thể/500m2), Nam Yết (10,6 cá thể/500m2) [2].
Hình 1: Trai tai tượng lớn (Tridacma maxima) ở Cù Lao Chàm Nguồn ảnh: Nguyễn Văn Vũ
Chiều dài các cá thể Trai tai tượng bắt gặp trong các đợt khảo sát từ 60mm đến 360mm, tần suất nhóm chiều dài chiếm ưu thế từ khoảng 140mm đến 260mm. Quần đàn Trai tai tượng có xu hướng giảm mạnh số lượng ở nhóm kích thước trên 260mm và rất hiếm gặp ở kích thước chiều dài trên 300mm. Kết quả nghiên cứu năm 2015 đã cho thấy, 95% số lượng cá thể Trai tai tượng ở Cù Lao Chàm có chiều dài nhỏ hơn kích thước cho phép khai thác trong tự nhiên [2].
Tổng trữ lượng quần thể Trai tai tượng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ước tính còn khoảng 3.700 cá thể, với trọng lượng gần 6.700 kg. Loài chiếm ưu thế là Tridacna maxima với tỉ lệ gần 75% tổng số lượng cá thể của quần đàn [2].
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tổng sản lượng khai thác các loại Trai tai tượng tại Khu BTB Cù Lao Chàm trong năm 2013 vào khoảng từ 1.800 ÷ 2.500 cá thể. 02 loài bị khai thác nhiều nhất là Tridacna maxima và Tridacna squamosa. Chiếm tỉ lệ khoảng 65% so với trữ lượng còn lại năm 2015 [2].
Bên cạnh việc khai thác quá mức, Trai tai tượng ở Cù Lao Chàm đang chịu nhiều tác động khác liên quan đến các yếu tố ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là việc lắng đọng trầm tích ở các khu vực quanh Cù Lao Chàm đã tác động trực tiếp đến khả năng sinh tồn của chúng. Trai tai tượng không thể sinh sống được ở những nơi có độ đục cao vì chúng cần ánh sáng để tảo cộng sinh (zooxanthellae) trên cơ thể của chúng quang hợp, tổng hợp các chất dinh dưỡng nuôi chúng [4].
Hình 2: trầm tích từ các công trình trên Đảo Nguồn ảnh: BQL Khu BTB CLC
Như vậy, nguồn lợi Trai tai tượng trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm còn lại rất ít, với mật độ chỉ 1,34 cá thể/5002 như hiện nay thì khả năng tự phục hồi trong tư nhiên rất khó khan. Do vậy cần có những giải pháp nhằm bảo vệ và phục hồi lại nguồn lợi quý này.
Giải pháp nào cho bảo vệ, phục hồi nguồn lợi Trai tai tượng ở Khu BTB CLC?
Trước mắt, cần thực hiện nghiêm túc Nghị định 103/2013/NĐ-CP và Quy chế quản lý Khu BTB CLC. Theo đó, không được phép khai thác Trai trai tượng quanh năm trong Khu BTB, việc vi phạm có thể xử phạt lên đến 40 triệu đồng.
Thực hiện giải pháp chuyển vị những cá thể Trai tai tượng ở các khu vực khó quản lý và có mật độ thấp về nuôi dưỡng trong tự nhiên tại khu vực có mật độ cao hơn nhằm tăng cơ hội thụ tinh giữa các cá thể trong mùa sinh sản và tạo được nguồn giống tự nhiên bổ sung cho nguồn lợi trong khu vực.
Về lâu dài, việc bảo vệ và phục hồi nguồn lợi Trai tai tượng tại Khu BTB Cù Lao Chàm phải gắn với công tác bảo vệ môi trường nước biển và chất lượng các hệ sinh thái rạn san hô trong khu vực. Đặc biệt, cần ngăn chặn các nguyên nhân làm gia tăng độ đục của nước biển, gây lắng đọng trầm tích ở các khu vực sinh sống của Trai tai tượng là hết sức cần thiết.
Nguyễn Văn Vũ – BQL Khu BTB Cù Lao Chàm
Tài liệu tham khảo:
[1] Nguyễn Quang Hùng, 2010. Nghiên cứu phục hồi và phát triển nguồn lợi Trai tai tượng (họ Tridacnidae) ở biển Việt Nam. Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Viện Nghiên cứu Hải Sản.
[2] Nguyễn Văn Vũ, 2017. : Điều tra thành phần loài, vùng phân bố, kích thước quần thể, hiện trạng khai thác và xây dựng giải pháp bảo vệ giống Trai tai tượng (Tridacna) và Bàn mai (Pinna) tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Báo cáo tổng kết, Ban quản lý Khu bảo tong biển Cù Lao Chàm.
[3] Elizabeth Gosling, 2004. Bivalve Mollusc – Biology, Ecology anh Cuture. ISBN 0-852-38234-0. Blackwell Publishing. 452p.
[4] Klumpp, D.W. and Griffiths, C.L. (1994), Contributions of phototrophic and heterotrophic nutrition to the metabolic and growth requirements of four species of giant clam (Tridacnidae). Marine Ecology Progress Series. 115, 103-115.
[5] Lucas, J.S. (1988), Giant clams: Description, distribution and life history, p. 21-32, In Copland, J.W. and Lucas, J.S., (eds), Giant clams in Asia and the Pacific, ACIAR Monograph No. 9.
Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng
Du lịch sinh thái cộng đồng Cù Lao Chàm
Khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An