Các loài rùa biển ở nước ta nằm trong danh mục các loài quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.
Vùng biển Cù Lao Chàm trước đây là môi trường sống của các loài rùa biển vì các các hệ sinh thái sinh thái: san hô, cỏ biển, bãi triều, …và có 09 bãi cát ven đảo, tất cả các sinh cảnh đó là môi trường sống rất quan trọng cho các loài rùa biển. Bãi biển Cù Lao Chàm từng ghi nhận sự hiện diện của rùa biển, là nơi rùa lên đẻ trứng. Do sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là sự phát triển của hoạt động du lịch nên trong khoảng 10 năm trở lại không ghi nhận trường hợp rùa biển lên bãi đẻ, nhưng số lượng rùa biển bị sa lưới tại Cù Lao Chàm được ghi nhận hằng năm. Năm 2015-2016, Cù Lao Chàm ghi nhận được 15 trường hợp rùa biển bị sa lưới, trong đó các cá thể còn sống được nhóm tình nguyện viên rùa biển, cán bộ bảo tồn vận động ngư dân thả về biển, cá thể chết được hiến cho Khu bảo tồn biển làm tiêu bản truyền thông.
Hình 2: Bãi Ông Cù Lao Chàm trước đây và bây giờ
Hình 3: Sự lai vãng liên tục và quá mức của du khách làm rùa không tiếp cận được bãi.
Hình 4: Rùa biển sa lưới được ngư dân Cù Lao Chàm thả về với biển
Nhận thấy vai trò của việc bảo vệ loại rùa biển khỏi nguy cơ tuyệt chủng, và sinh vật quan trọng của khu bảo tồn biển.
Qua điều tra, phỏng vấn (cuối tháng 3/2016) có 97,1% số người được phỏng vấn có nguyện vọng, mong muốn thực hiện kế hoạch bảo tồn, phục hồi lại cho rùa biển.
Với mục tiêu quản lý, bảo tồn và phục hồi hiệu quả, bền vững các loài rùa biển và nơi sinh cư của chúng tại vùng biển Cù Lao Chàm, ngày 1 tháng 7 năm 2016, UBND thành phố Hội An đã ban hành kế hoạch bảo tồn, phục hồi rùa biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến 2040 (Kế hoạch).
Một số nội dung trọng tâm của kế hoạch giai đoạn 2016-2020 như:
– Rà soát và điều chỉnh các phân khu chức năng của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã được phê duyệt, trên cơ sở đó thiết lập quy hoạch ít nhất 01 khu vực biển ưu tiên quản lý, bảo tồn rùa biển theo hướng đồng thời là phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt biển đảm bảo theo quy định tại Nghị định 57/2008/NĐ-CP ngày 02/05/2008 của Chính phủ về ban hành quy chế quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.
– Nâng cao năng lực quản lý, bảo tồn tài nguyên, môi trường biển và rùa biển thích ứng với giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương hiện nay góp phần thực hiện chương trình bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường của quốc gia, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững tại địa phương.
– 100% cán bộ, nhân viên Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được tập huấn kiến thức về rùa biển và kỹ năng, kỹ thuật về quản lý, bảo tồn, cứu hộ rùa biển.
– 100% cộng đồng dân cư, chủ các phương tiện chuyên khai thác thủy sản sống tại đảo Cù Lao Chàm được tập huấn, nâng cao nhận thức về bảo tồn rùa biển, các chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo tồn rùa biển và các kỹ năng, kỹ thuật cứu hộ rùa biển khi mắc câu, dưới lưới không chủ ý; nghiên cứu đề xuất phương án chuyển đổi sinh kế cho người dân có ảnh hưởng trong quy hoạch phân vùng bảo tồn rùa biển.
– Thực hiện bảo tồn chuyển vị trứng rùa biển về ấp nở tại Cù Lao Chàm (thực hiện liên tục trong 03 năm: 10 tổ trứng/năm) – Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý, bảo tồn rùa biển tại Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
– Cập nhật và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ, bảo tồn rùa biển; tham quan, chia sẽ kinh nghiệm về tổ chức, quản lý và bảo tồn rùa biển tại một số địa phương trong nước.
– Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng sống ven biển tại thành phố Hội An, các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Nam về các chính sách, pháp luật hiện hành liên quan đến bảo tồn rùa biển cũng như môi trường sống của chúng.
Trong đó, hoạt động bảo tồn nguyên vị và chuyển vị được xem là hai hoạt động quan trọng nhất. Bảo tồn nguyên vị thông qua các hoạt động như phục hồi sinh cảnh sống của rùa biển, trả lại các bãi biển để rùa lên đẻ trứng, cấm các phương tiện lưu thông và hạn chế ánh sáng trong khu vực giành cho rùa biển. Trên cơ sở đảm bảo được các yếu tố thuận lợi cho rùa biển từ bảo tồn nguyên vị. Hoạt động chuyển vị nhằm tạo nguồn giống rùa biển cho Cù Lao Chàm bằng việc chuyển giao kỹ thuật quản lý, ấp nở trứng rùa từ Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Bảo tồn biển tốt chưa hẳn bảo vệ rùa biển tốt, nhưng bảo tồn rùa biển tốt thì chắn chắn công tác bảo tồn biển tại địa phương đó là tốt. Vì vậy có thể nói bảo tồn rùa biển chính là bảo tồn biển.
ThS Phạm Thị Kim Phương – BQL Khu BTB CLC