Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (BQL) được thành lập theo Quyết định số 888/QĐ-UBND ngày 24/3/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam. BQL có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Bảo tồn biển, tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát triển các loài động thực vật thuỷ sinh, duy trì diễn thế tự nhiên các hệ sinh thái trong Khu bảo tồn biển (KBTB); tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng cư dân sống trong và xung quanh KBTB; Phối hợp với cộng đồng dân cư sống bên trong và xung quanh khu bảo tồn đề xuất và tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm cải thiện sinh kế; nghiên cứu khoa học, văn hoá xã hội và các loại hình dịch vụ có thu liên quan đến KBTB theo quy định của pháp luật; tổ chức triển khai các dự án phục hồi hệ sinh thái, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản… Ngoài ra BQL còn là cơ quan trực của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, trực tiếp phụ trách việc triển khai các hoạt động của Khu sinh quyển (KSQ).
Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh – Trung tâm GreenViet chính thức được thành lập theo quyết định số 44/QĐ-LHH ngày 04 tháng 10 năm 2012 của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng (tên gọi tắt là GreenViet). Với sứ mệnh là nghiên cứu, phổ biến giá trị của đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu giúp cộng đồng hình thành lối sống thân thiện với thiên nhiên. Tầm nhìn của đơn vị là trở thành Trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, truyền thông và giáo dục trong lĩnh vực Đa dạng sinh học ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên đến năm 2020.
Lĩnh vực hoạt động chính của Trung tâm GreentViet là nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, đề xuất các giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học và sử dụng nguồn tài nguyên bền vững; Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu lên đa dạng sinh học và đời sống con người; Chia sẻ tài liệu cho cơ quan chức năng của nhà nước trong tiến trình hoạch định chính sách nhằm bảo vệ tốt đa dạng sinh học, môi trường của quốc gia và thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu.
Sau thời gian cùng làm việc, khảo sát thực tế, chia sẻ thông tin giữa BQL khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, hai bên đã thống nhất chọn ngày 17/10/2016 là ngày ký kết Thỏa thuận hợp tác.
Tham gia buổi lễ ký kết gồm đại diện lãnh đạo, các phòng ban của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và vui mừng đón nhận sự hiện diện của Ông Trần Hữu Vỹ – Giám đốc Trung tâm GreenViet; TS. Hà Thăng Long – Chủ tịch hội đồng sáng lập; Cùng các anh chị đến từ trung tâm GreenViet.
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm GreenViet và BQL nhằm tăng cường hỗ trợ nhau trong việc xây dựng, thực hiện và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH, bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục bảo tồn ĐDSH tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.
Nội dung thỏa thuận hợp tác như sau:
1. Xây dựng và thực hiện dự án:
a. Hai bên chia sẻ cho nhau những ý tưởng liên quan đến vấn đề bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, cùng nhau xây dựng dự án, vận động tài trợ và thực hiện các dự án chung tại KSQ;
b. Ưu tiên xây dựng và thực hiện các dự án liên quan đến bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm, loài mới, xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH và giám sát ĐDSH cho KSQ. Các chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư sinh sống trong KSQ, đặc biệt trong vùng lõi và vùng đệm về bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã. Xây dựng các đề xuất tạo sinh kế cho người dân vùng đệm nhằm giảm áp lực tác động từ cộng đồng đến KSQ.
c. Phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong việc xây dựng và thực hiện các hoạt động liên quan đến giáo dục, đào tạo, trao đổi học thuật (các khóa tập huấn ngắn hạn, tham quan học tập, luận văn, luận án tốt nghiệp…) đối với các đối tượng học sinh, sinh viên, học viên, giảng viên, nghiên cứu sinh, chuyên gia có nhu cầu nghiên cứu và tìm hiểu về lĩnh vực bảo tồn và quản lý tài nguyên ở Sơn Trà hay KSQ.
2. Chia sẻ thông tin:
a. Hai bên sẵn sàng chia sẻ tài liệu, ấn phẩm, các báo cáo khoa học, các công trình nghiên cứu liên quan đến công tác bảo tồn thiên nhiên để hỗ trợ thông tin xây dựng dự án bảo tồn và hướng tới hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về ĐDSH ở cạn cho Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An;
b. Đưa logo của mỗi bên vào website nhằm tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong việc với giới thiệu hoạt động của mỗi bên đến cộng đồng;
c. Kết quả nghiên cứu của các dự án do hai bên cùng xây dựng và thực hiện chỉ được chia sẻ cho bên thứ ba sau khi chính thức công bố hoặc có sự đồng ý của cả hai bên.
d. Hai bên sẽ phối hợp tổ chức hội thảo Hội thảo khoa học định kỳ (từng năm hoặc hai năm một lần). Trong đó chủ đề chính sẽ liên quan đến hiện trạng về tài nguyên đa dạng sinh học (rừng và biển) ở khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng, và thực trạng công tác quản lý và bảo tồn tài nguyên ở khu vực này. Đây là diễn đàn quan trọng để các cán bộ chuyên môn của hai bên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, quản lý và thảo luận, định hướng các giải pháp hiệu quả hơn.
3. Nâng cao năng lực:
a.Mỗi bên ưu tiên cho cán bộ của bên còn lại tham gia các hội thảo, khóa tập huấn nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nâng cao năng lực làm việc, năng lực phối hợp của hai bên;
b. BQL hỗ trợ cho Trung tâm GreenViet trong việc tiếp nhận các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn do GreenViet tiến hành khi có nhu cầu, hỗ trợ thủ tục thực hiện các dự án liên quan đến KSQ do hai bên cùng phối hợp thực hiện;
c. Trung tâm GreenViet hỗ trợ BQL tìm kiếm các nguồn kinh phí hoặc đối tác tài trợ thiết bị kỹ thuật phục vụ nghiên cứu thực địa.
Trong những năm qua công tác quản lý và bảo vệ Rừng tại Cù Lao Chàm được đánh giá là tương đối tốt. Tuy nhiên những nghiên cứu chuyên môn về đa dạng sinh học Rừng còn rất hạn chế, chỉ mới dừng lại ở một số đề tài, dự án nhỏ như nghiên cứu Cây thuốc, Lá rừng (Phòng Kinh tế Hội An), Cua đá (Đại học Sư phạm Đà Nẵng),,.. Năm 2015, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được lãnh đạo cấp trên giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch bảo vệ Rừng Cù Lao Chàm, việc ký thỏa thuận hợp tác với một đơn vị có chuyên môn như GreenViet sẽ hỗ trợ tích cực cho BQL trong quá trình xây dựng kế hoạch, xây nên bức tranh tổng thể về Rừng Cù Lao Chàm, qua đó góp phần quản lý tốt hơn Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.
ThS Phạm Thị Kim Phương – BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm