Chiến lược gắn kết sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn Di sản và phát triển bền vững tại địa phương / những khó khăn trở ngại trong công tác vận động cộng đồng ở Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm và Khu Dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An.

8.4k lượt xem

Sự tham gia của cộng đồng vào quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản và phát triển bền vững là vô cùng quan trọng, bởi lẽ cộng đồng là chủ nhân chính thức của di sản; sự tham gia của cộng đồng vào quá trình này được thể hiện theo nhiều cấp độ khác nhau, tuy nhiên người dân phải được thể hiện vai trò là một chủ thể thực sự. Vì vậy, sự tham gia không chỉ là biết, hiểu mà phải hợp tác hành động và sinh lợi chính trên những giá trị di sản mình đang bảo vệ, bảo tồn. Nghiên cứu gần đây về sự tham gia của cộng đồng trong Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho thấy người dân phải được tham gia tích cực và thực sự vào bảo tồn và phát huy giá trị di sản và một khi quyền tham gia ấy được xây dựng, bảo vệ và phát triển thì sinh kế của người dân được cải thiện và kinh tế xã hội của địa phương đó phát triển. Năng lực và nhận thức về bảo tồn và phát triển của cộng đồng phải được không ngừng nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu cải thiện sinh kế và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Tổng quan

Nghiên cứu chiến lược gắn kết sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn di sản và phát triển bền vững tại địa phương, cũng như những khó khăn, trở ngại trong công tác vận động cộng đồng ở Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm và Khu Dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An được tiếp cận theo các mốc thời gian bao gồm (1) thảo luận phân vùng bảo tồn biển Cù Lao Chàm 2004-2005; (2) xây dựng kế hoạch quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm 2008; (3) xây dựng kế hoạch quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An 2015; (4) xây dựng kế hoạch quản lý hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh 2017; (5) xây dựng các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường và cải thiện sinh kế như: mô hình xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt hộ gia đình thành phố Hội An 2010-2013; (6) mô hình cộng đồng bảo tồn và khai thác hợp lý cua đá (Gecarcoidea lalandii) Cù Lao Chàm 2010-2015; (7) lồng ghép các tour du lịch học tập bao gồm bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rác thải, bảo tồn cua đá, homestay cho các đối tượng cộng đồng đến từ Lý Sơn, Sa Huỳnh, Quảng Ngãi; (8) xây dựng chương trình giáo dục cộng đồng tham gia bảo tồn di sản và phát triển bền vững tại Đảo Bé, Lý Sơn, Sa Huỳnh, Quảng Ngãi. Phương pháp tiếp cận hệ thống sự tham gia theo phân tích nguồn lực địa phương (ABCD); hiện trạng quản lý di sản DPSIR (dẫn lực, áp lực, hiện trạng, tác động, đáp ứng); nguyên tắc SMART (cụ thể, lượng hóa, khả thi, hợp lý, thời gian), SWOT (mặt mạnh, yếu, cơ hội và thách thức) được sử dụng trong quá trình nghiên cứu. Hoạt động bảo tồn di sản được xây dựng và phát triển lần lượt theo các nhóm giải pháp giáo dục truyền thông, nghiên cứu, sinh kế, tuần tra, giám sát, chính sách, và quan hệ quốc tế. Du lịch sinh thái, văn hóa với sự tham gia của cộng đồng được ưu tiên phát triển khu sinh quyển với sự kết nối vùng từ biển đảo đến ven bờ, cửa sông đến thượng nguồn.

Hình 1: Quá trình bảo tồn đa dạng sinh học biển và ven bờ tại Cù Lao Chàm – Hội An và gắn kết sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn di sản và phát triển bền vững tại địa phương.

Mục tiêu

(1)Tổng hợp được mô hình thực tiễn gắn kết sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn giá trị di sản và phát triển bền vững tại địa phương (thành phần và cấp độ của sự tham gia).

(2) Chiến lược xây dựng và phát triển sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn và phát huy giá trị di sản và phát triển bền vững.

(3) Phân tích các khó khăn trở ngại trong vận động cộng đồng và các giải pháp cải thiện.

Kết quả đạt được

(1) Quy hoạch phân vùng và quy chế quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm 2005.

(2) Sự tham gia của cộng đồng và kế hoạch quản lý bảo tồn biển Cù Lao Chàm 2008.

(3) Sự tham gia của cộng đồng và kế hoạch quản lý sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An 2015.

(4) Sự tham gia của cộng đồng và kế hoạch quản lý hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh 2017.

(5) Mô hình xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt hộ gia đình thành phố Hội An.

(6) Mô hình cộng đồng bảo tồn và khai thác bền vững cua đá (Gecarcoidea lalandii) Cù Lao Chàm.

(7) Mô hình du lịch cộng đồng Cù Lao Chàm – Hội An với nhiều tours trình diễn như tour quản lý rác thải sinh hoạt hộ gia đình; tour bảo tồn cua đá Cù Lao Chàm; tour đa dạng sinh học Cù Lao Chàm.

Bài học kinh nghiệm

1) Một mô hình đồng quản lý di sản và phát triển bền vững được xác định trong đó 4 thành phần cơ bản của xã hội bao gồm quản lý, khoa học, doanh nghiệp và người dân được gắn kết theo một khung điều phối nhằm đạt được sự đồng thuận cao nhất (biết, hiểu, hợp tác, sinh lợi…), (Chu Mạnh Trinh, 2011/2016).

Cù Lao Chàm và Hội An sau 15 năm xây dựng hiện nay đã và đang trở thành điểm học tập về bảo tồn gắn kết với cải thiện sinh kế địa phương và hài hòa với phát triển kinh tế xã hội cho các nơi bắt đầu làm bảo tồn; Đồng thời, chính người dân tham gia bảo tồn đã và đang có cơ hội truyền đạt giới thiệu lại kiến thức và kinh nghiệm cũng như những thành quả của họ cho người dân, khách du lịch. Thực tiễn Cù Lao Chàm và Hội An về bảo tồn và phát triển du lịch cộng đồng như homestay, thuyền thúng, đêm Hội An, quản lý rác thải, nhãn sinh thái cua Đá, lá rừng, bãi biển, rạn san hô…được giới thiệu trực tiếp đến người dân. Đồng thời những bức tranh sinh động này được người dân trao đổi, thảo luận và tư vấn các cách làm phù hợp đã và đang chuyển đổi nhận thức của du khách. Các phân tích lý thuyết được tổng kết từ thực tiễn tại Cù Lao Chàm và Hội An đã khẳng định bảo tồn là động lực để phát triển, người dân và vai trò của người dân địa phương là chủ thể của du lịch cộng đồng tại khu bảo tồn. Bên cạnh đó, hoạt động doanh nghiệp được giới thiệu và các giá trị kết nối được bổ sung để người du khách nhận định được bảo tồn và phát triển là 2 mặt của một vấn đề thống nhất với nhau.

Hình 2: Mô hình phân tích hệ thống trong quản lý bảo tồn biển và sinh quyển tại Hội An. Tiếp cận ABCD/DPSIR được lồng ghép hỗ trợ cho công tác xây dựng kế hoạch.

2) Một khung điều phối được xây dựng nhằm đảm bảo hoạt động điều phối được vận hành. Đồng thời qua khung điều phối, nhận thức và năng lực của đội ngũ điều phối được xác định, đảm bảo chất lượng vận hành và tiêu chuẩn hóa chất lượng của sự tham gia, gia tăng sự đồng thuận trong cộng đồng và xã hội.

Kết quả nghiên cứu về quản lý ở Cù Lao Chàm cho thấy hoạt động điều phối bảo tồn biển không chỉ đòi hỏi năng lực hiểu biết về các mô hình phát triển bền vững liên quan từ thượng nguồn đến biển khơi mà còn cần kỹ năng làm việc với cộng đồng cũng như trong nghiên cứu thực địa, trong phòng thí nghiệm và kể cả bảo tàng. Đặc biệt cần làm tốt trong quá trình phân tích, xây dựng chính sách, hỗ trợ tư vấn cho cộng đồng xây dựng chính sách phát triển bảo tồn biển và kinh tế – xã hội địa phương. Mục đích hoạt động du lịch bền vững của cộng đồng dân cư là cung cấp sản phẩm du lịch và thu lợi nhuận và mục đích này phù hợp với mục tiêu chung của đất nước nếu góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế – xã hội của địa phưong, quốc gia một cách bền vững, lấy con người làm trung tâm và phát triển con người (Bùi Đức Hùng, 2012). Việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá và tài nguyên con ngửời góp phần phát triển sinh kế, thu nhập cho ngưòi dân địa phưong Hội An (Trịnh Thị Thu và cộng sự, 2014). Tôn trọng, nâng niu, có kế hoạch phát huy trong quá trình bảo tồn những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể làm nền tảng trong hình thành nhân cách của cư dân, của người lao động, đạo đức và văn hoá trong kinh doanh của doanh nhân du lịch (Bùi Đức Hùng, 2016). Tập hợp, liên kết các nhóm yếu tố hoạt động cơ bản trong khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được thể hiện ở Hình 3.Cụ thể, các hoạt động điều phối trong quá trình bảo tồn tại Cù Lao Chàm phần lớn tập trung vào hỗ trợ giới thiệu kiến thức, sử dụng kiến thức thông qua kỹ năng và thể hiện hành động. Vì vậy hoạt động giáo dục, truyền thông bảo vệ tài nguyên môi trường là nhiệm vụ hàng đầu của bảo tồn, bên cạnh đó là hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng kiến thức, hiểu biết và thông tin về nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, môi trường cũng như văn hóa xã hội trong và xung quanh khu bảo tồn. Ngoài ra, hoạt động xây dựng và phát triển sinh kế phù hợp với bảo tồn cũng được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho người dân địa phương có thể tham gia thể hiện hành động bảo tồn và kinh tế xã hội đi kèm. Hoạt động với sự tham gia đầy đủ các bên liên quan và người dân địa phương nhằm xây dựng công cụ quản lý như kế hoạch quản lý khu bảo tồn, quy chế quản lý khu bảo tồn, kế hoạch và quy chế quản lý chuyên đề về hệ sinh thái vùng cửa sông ven bờ.

Hình 3: Chuỗi các sự kiện trong quá trình bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm

3) Một cơ chế tài chính bền vững nhằm đảm bảo được hoạt động điều phối được xây dựng, duy trì và phát triển. (Chu Mạnh Trinh, Bùi Đức Hùng, Trịnh Thị Thu, 2018)

Quá trình đầu tư xây dựng khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được bắt đầu từ 10/2003 đến 10/2011 với nguồn vốn đầu tư 2,5 triệu đô (tương đương khoảng 50 tỷ đồng) (Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm 2008, 2014) từ chính phủ Đan Mạch và sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan của Việt Nam. Từ năm 2011, hoạt động du lịch đã bắt đầu có sự đóng góp trở lại cho bảo tồn Cù Lao Chàm thông qua vé tham quan Khu Bảo tồn biển.Trong những năm gần đây, vé tham quan khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã được chấp thuận ở mức 70.000 đồng/người. Số lượng du khách trung bình khoảng 500.000 lượt khách/năm (Trinh, C.M, 2016), đã thu được một nguồn kinh phí đáng kể cho việc tái đầu tư trở lại các hệ sinh thái của khu vực.

Nhìn chung, phân tích chi phí và lợi ích từ các khu bảo tồn biển cho thấy việc đầu tư ban đầu để đạt được sự đồng thuận cao trong cộng đồng thường kéo dài từ 8 đến 10 năm, đối với Cù Lao Chàm cũng vậy, thời gian đầu tư được tính từ những ngày đầu cho đến khi được đồng thuận cao và nguồn thu từ du lịch một cách đáng kể được tính tổng cộng đến hơn 11 năm (Trinh, C.M, 2011). Việc xây dựng và hoàn thiện các kỹ năng điều phối tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm từ việc tiếp nhận kiến thức đến thành thạo sử dụng và thể hiện được hành động được tính toán tổng từ 8 đến 10 năm, tuy nhiên các khu bảo tồn khác ngày nay, có thể rút ngắn được quãng thời gian này theo tiếp cận kinh nghiệm điều phối của Cù Lao Chàm. Dự báo thời gian đạt được sự đồng thuận bảo tồn, nếu bắt đầu từ kinh nghiệm Cù Lao Chàm sẽ được rút ngắn còn lại từ 3 đến 5 năm. Câu hỏi đặt ra là tại sao, nếu học tập kinh nghiệm Cù Lao Chàm thì thời gian đồng thuận cho bảo tồn được rút ngắn còn lại từ 3 đến 5 năm? Thực ra trong quá trình xây dựng và phát triển bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thời gian tìm kiếm, nghiên cứu cho các phương pháp tiếp cận, giáo dục, truyền thông cộng đồng rất dài, chiếm hơn 1/3 đến 1/2 tổng số thời gian đạt được đồng thuận cao tại đây. Vì vậy, học tập Cù Lao Chàm là học tập các phương pháp tiếp cận, các kỹ năng từ thực tiễn trong công tác cộng đồng.Đồng thời Cù Lao Chàm đã và đang là hiện trường lớn cho việc đào tạo các nguồn lực này đến các khu bảo tồn mới tại địa phương và khu vực. Một vài khu bảo tồn mới như Khu Bảo tồn hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh, Khu Bảo tồn Đảo Bé, Lý Sơn, Quảng Ngãi cũng đang trong quá trình tiếp cận theo hướng Cù Lao Chàm.

Hình 4: Chi phí và lợi ích mang lại từ Khu Bảo tồn tại địa phương.

4) Quy hoạch phân vùng bảo tồn và phát triển du lịch bền vững (Chu Mạnh Trinh 2016 / 2017).

Nếu như từ những ngày đầu làm bảo tồn, du lịch chỉ là một con số rất bé, thì ngày nay du lịch đã và đang đạt đến con số nửa triệu du khách viếng thăm, một con số không nhỏ đối với quần dảo này. Du lịch đến với cộng đồng, giờ đây không chỉ được nghe, biết, hiểu các câu chuyện về đảo, về biển về con người và cuộc sống ở đây, mà du lịch còn mong muốn được trải nghiệm, được học tập và cao hơn nữa là được sáng tạo, tìm tòi điều mới lạ mang về làm quà không chỉ cho mình mà cho cả người thân ở nhà. Chính vì vậy, đã đến lúc người dân địa phương cần được nâng cao năng lực giao tiếp, ứng xử không chỉ với thiên nhiên, văn hóa, cộng động mà còn chính với du khách, người đi du lịch. Người Cù Lao Chàm hiện tại chính là người hướng dẫn viên du lịch nói, truyền đạt, giới thiệu lại cho du khách về những gì mình đã và đang làm để bảo tồn và phát triển, đồng thời cũng chính người Cù Lao Chàm cần phải tổ chức hoạt động cho người du khách học tập, tìm tòi và khám phá ra điều mới lạ, những câu chuyện mà cộng đồng ở đây gầy dựng nên.

Hình 5: Quy hoạch không gian du lịch vài kiến nghị chính sách quản lý không gian phát triển bền vững.

5) Đối với du lịch cộng đồng, người đi du lịch như người học, còn hướng dẫn du lịch như là người thầy, môi trường du lịch là trường học. (Bùi Đức Hùng, Chu Mạnh Trinh, Trịnh Thị Thu, 2018).

Cũng giống như người đi học, người đi du lịch cần kết quả mang về nhà từ các chuyến du lịch.Các món quà mang về không chỉ là hiện vật mà còn là các kinh nghiệm, cảm xúc, kỷ niệm, câu chuyện, bài học…khi về nhà. Muốn vậy, người đi du lịch cần phải được thưởng thức các sản phẩm du lịch một cách say sưa, với nhiều sáng tạo. Người đi du lịch phải được tham gia, trao đổi, trải nghiệm, học tập và nếu được chính họ cần phải được tham gia khảo sát, nghiên cứu, đánh giá chất lượng du lịch, cũng như toàn bộ môi trường tạo nên hoạt động du lịch tại nơi đó. Trong khi đó người hướng dẫn du lịch cần phải có phương pháp… Người hướng dẫn du lịch cũng giống như người thầy giảng bài trên lớp, tuy nhiên thường tại các điểm du lịch người hướng dẫn viên làm một nhiệm vụ chung là cung cấp thông tin, “thuyết giảng” là phương pháp chính và người du lịch thường chỉ nghe để biết và hiểu các vấn đề. Tại các khu bảo tồn ngày nay, người hướng dẫn du lịch thường phải làm nhiều nhiệm vụ, tại đó phần lớn công việc là phải tổ chức cho người đi du lịch tìm hiểu, trải nghiệm, học tập và sáng tạo được cái mới mang về từ chuyến du lịch mình tham gia, bởi lẽ ở đó, tại các khu bảo tồn, một hiện thực khách quan đã và đang tạo cơ hội cho người hướng dẫn làm được công việc tổ chức ấy. Tuy nhiên kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, không ai có thể tổ chức tốt các hoạt động du lịch trong khu bảo tồn bằng người dân địa phương ở đó, bởi lẽ chính họ thường “diễn thuyết”, hướng dẫn bằng chính con tim của họ, bằng chính đôi bàn tay khéo léo tài hoa của họ, bằng chính kinh nghiệm mà cả cuộc đời họ gắn bó với quê hương mình tạo nên, bằng chính những vấp ngã và trưởng thành mà họ đã và đang từng trải qua…Đó chính là cuộc sống của người dân địa phương tại các khu bảo tồn, đó chính là văn hóa, đó chính là thiên nhiên và đó chính là cộng đồng được gắn kết. Tất cả đã và đang tạo nên phần hồn của du lịch!

Hình 6: Nghiên cứu phân tích hệ thống từ mô hình gắn kết cộng đồng vào bảo tồn di sản và phát triển bền vững, bao gồm A = bảo tồn đa dạng sinh học / di sản; C = nguồn lực đầu vào; D = sinh kế; B = năng lực cộng đồng; Điều phối = mô hình vận hành

6. Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được đặc biệt quan tâm (Chu Mạnh Trinh, 2013).

Ngày nay, khi nói đến du lịch thường người ta hay nghĩ đến cách tiếp cận. Du lịch không còn bó hẹp trong một phạm vi nhỏ, một địa điểm hoặc đơn thuần là một điểm đến. Tất nhiên, điểm đến trước tiên cần phải độc đáo, nhưng không để rồi tất cả những gì mong muốn từ người du lịch cũng đều được bỏ dồn vào đó. Du lịch được kết nối, phát triển theo phạm vi mở rộng liên vùng, và du lịch được gắn kết, chia sẻ với nhiều lợi ích khác nhau. Nếu như trước đây hoặc hiện tại vẫn còn theo suy nghĩ của một số doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận xây dựng dự án du lịch tại chính các nơi đã được bảo tồn, bảo vệ như là vùng lõi với cảnh quan rừng tự nhiên, rạn san hô, thảm cỏ biển hoặc một dải rừng ngập mặn, một cồn cát ven sông, cánh đồng lúa hoặc một làng mạc hoặc một bãi biển…thì ngày nay, một quan điểm phát triển du lịch cần và rất cần sự đa dạng của các sản phẩm được gắn liền và được kết nối với nhau, và quan trọng hơn cả là liệu hoạt động du lịch tại khu vực đó có phần hồn hay không?

Sự kết nối các sản phẩm du lịch góp phần tạo nên các câu chuyện đặc trưng của các điểm đến đó và dễ dàng đi vào lòng người, tâm hồn của du khách, góp phần tạo nên sự sáng tạo, cái chất, cái tạo mật để du khách mang về theo kỷ niệm và hứa hẹn cho các chuyến viếng thăm tiếp theo. Theo kết quả khảo sát mức độ tham gia của người đi du lịch và môi trường du lịch tại Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam và Lý Sơn, Quảng Ngãi, cũng như Đà Nẵng cho thấy tại các điểm du lịch giải trí, nghỉ dưỡng, phần lớn được cung cấp bởi doanh nghiệp, người đi du lịch chỉ cần biết, hiểu các phương tiện sử dụng là có thể hưởng thụ được các dịch vụ cung cấp du lịch tại các nơi này một cách phù hợp. Tuy nhiên đối với các hoạt động du lịch được cung cấp bởi người dân địa phương thì người đi du lịch cần phải có một “năng lực” hưởng thụ cao hơn hoặc cần phải có một mức độ tham gia cao hơn đó là sự hợp tác tích cực, chủ động hơn thì mới hưởng dụng hết các trải nghiệm, học tập mà môi trường và người dân địa phương ở đó cung cấp. Trong khi đó, các dịch vụ du lịch được cung cấp bởi thiên nhiên và văn hóa với chất lượng nguyên vẹn thì người đi du lịch cần được trang bị nhiều kỹ năng và kiến thức hơn nữa thì mới hưởng thụ được trọn vẹn các giá trị của dịch vụ sinh thái và văn hóa cung cấp, thông thường các hình thức dịch vụ du lịch này là nghiên cứu, khám phá.

Hình 7: Du lịch sinh thái – giải pháp tài chính bền vững.

Kiến nghị/Đề xuất

(1)Tiếp cận phân tích nguồn lực cộng đồng để xây dựng và phát triển bảo tồn di sản và du lịch bền vững. Nguồn lực cộng đồng cần được phân tích một cách chi tiết và đầy đủ bao gồm các nguồn tài sản cá nhân, nhóm và công cộng cả hữu hình và vô hình, đồng thời kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và tâm hồn, tình yêu của con người, của cộng đồng, của quê hương, đất nước cũng là một nguồn tài sản lớn bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, xã hội.

(2) Lấy Cù Lao Chàm – Hội An làm case study (trường hợp nghiên cứu) để học tập, đào tạo về gắn kết sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn di sản và phát triển bền vững, xây dựng chương trình giáo dục cộng đồng cho các địa phương về bảo tồn di sản và du lịch bền vững.

(3) Những nơi bắt đầu tiếp cận với bảo tồn di sản và phát triển bền vững như tại các địa phương Lý Sơn, Đức Phổ (Sa Huỳnh), Núi Thành (Tam Hải), Tam Kỳ (Tam Thanh / Sông Đầm) cần xây dựng một dự án / chương trình bảo tồn để hỗ trợ cho phát triển du lịch và kinh tế xã hội địa phương.

(4) Những địa phương đã và đang có du lịch như Lý Sơn, Núi Thành (Tam Hải) cần được xây dựng và triển khai chương trình thu phí tham quan học tập để hỗ trợ tài chính cho bảo tồn và xây dựng năng lực phát triển bền vững. Lấy trường hợp Cẩm Thanh làm điểm nghiên cứu học tập về xây dựng tài chính bền vững cho bảo tồn và phát triển du lịch tại địa phương.

(5) Một kế hoạch quản lý với sự tham gia đầy đủ các bên liên quan cần thiết được xây dựng nhằm xác định được tầm nhìn, mục đích, mục tiêu, chiến lược, hoạt động, phương pháp cũng như tổ chức thực hiện, giám sát và tài chính bền vững.

Tài liệu tham khảo

[1] Bùi Đức Hùng, Chu Mạnh Trinh, Trịnh Thị Thu (2018), “Phát triển du lịch bền vững dựa vào người dân địa phương; Nghiên cứu trường hợp: Bảo tồn cua Đá (Gecarcoidea lalandii) Cù Lao Chàm – Hội An”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất: Phát triển du lịch bền vững ở Miền trung Việt Nam và ASEAN, trang 447 – 459, Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, ISBN: 978-604-956-319-5, 5/2018.

[2] Chu Mạnh Trinh, Bùi Đức Hùng, Trịnh Thị Thu (2018), “Giải pháp tài chính bền vững cho khu bảo tồn biển từ phát triển du lịch – Mô hình ở Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất: Phát triển du lịch bền vững ở Miền trung Việt Nam và ASEAN, trang 601 – 619, Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, ISBN: 978-604-956-319-5, 5/2018.

[3] Chu Mạnh Trinh (2013). Du lịch sinh thái Cù Lao Chàm – Hội An, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. Số 6-7 (104-105).2013. Tr. 17-27.

[4] Chu Mạnh Trinh (2011), Đồng quản lý tài nguyên và môi trường tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển T11 (2011), 2, tr.79-95.

[5] Chu Mạnh Trinh (2014), “Building Resilience in Hoi An city, Viet Nam through the Cham Islands Marine Protected Area (Chapter 17 – Viet Nam. P.149)”, Safe Havens: Protected Areas for Disaster Risk Reduction and Climate Change Adaptation. Gland, Switzerland: IUCN. xii + 168 pp , (Murti, R. and Buyck, C. (ed.) (2014).

[6] Chu Mạnh Trinh (2017), Du lịch Lý Sơn, Quảng Ngãi – Tiếp cận bảo tồn để phát triển bền vững, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam, Trang Thông tin Điện tử (www.culaochammpa.com.vn).

[7] Chu Mạnh Trinh (2016), Ứng dụng luận điểm 4 cột trụ giáo dục vào đào tạo truyền thông giáo dục cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường; Nghiên cứu trường hợp điển hình về hoạt động môi trường của sinh viên Đại học Quảng Nam cùng cộng đồng ở Hội An, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Quảng Nam, ISSN 0866-7586. Số 08/2016.

Chu Mạnh Trinh – Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Bình luận