Công tác thực thi pháp luật tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm: Kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản của các tàu cá ngoài xã Tân Hiệp

3.1k lượt xem

Tóm tắt

Khu bảo tồn biển (KBTB) Cù Lao Chàm được thành lập từ năm 2006, với giá trị đặc trưng là hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, vùng triều bờ đá, bãi biển cũng như rừng nguyên sinh trên đảo trong mối hài hòa với đời sống của hơn 2.500 cư dân đảo qua bao đời. Mặc dù là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An nhưng các hoạt động của con người vẫn được diễn ra thường xuyên.

Vùng biển Cù Lao Chàm không chỉ là ngư trường truyền thống của ngư dân xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), nơi đây còn là nơi thu hút nhiều phương tiện khai thác thủy sản (KTTS) từ các địa phương khác và đang gây nhiều khó khăn trong công tác thực thi pháp luật, thực hiện Quy chế quản lý Khu bảo tôn biển và các quy định khác của địa phương.

1. Giới thiệu

Sau khi được công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới (5/2009), lượng du khách đến Cù Lao Chàm có sự gia tăng đột biến. Điều này kéo theo nhu cầu sử dụng các loại hải sản tăng cao, ngư dân tăng cường hoạt động khai thác để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hình 1: Tổng số khách du lịch đến Cù Lao Chàm từ 2007 – 2019 (nguồn: BQL KBTB Cù Lao Chàm)

Mùa vụ KTTS cao điểm từ tháng 3 đến tháng 9 Dương lịch hàng năm với tổng doanh thu của các nghề KTTS năm 2014 ước tính vào khoảng 89 tỷ đồng (Nguyễn Văn Vũ, 2016). Chính vì vậy, áp lực lên hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển ngày càng lớn đang đẩy các hệ sinh thái quan trọng của KBTB Cù Lao Chàm đứng trước nguy cơ suy thoái. Việc tìm ra các giải pháp thích ứng bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển là nhiệm vụ then chốt của KBTB/Khu dự trữ sinh quyển. Bài viết này tập trung phân tích hiện trạng, xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trong KBTB Cù Lao Chàm của các tàu cá đến từ các địa phương khác ngoài xã Tân Hiệp.

2. Hiện trạng nghề của các phương tiện KTTS trong tỉnh Quảng Nam đang hoạt động tại KBTB Cù Lao Chàm

Ngoài ngư dân Tân Hiệp hoạt động trên ngư trường truyền thống của mình, các phương tiện khai thác của ngư dân từ các xã phương khác thuộc thành phố Hội An và các huyện thị ven biển tỉnh Quảng Nam cũng đến hoạt động tại KBTB Cù Lao Chàm (số liệu cụ thể được mô tả trong Bảng 1). Tổng số phương tiện hoạt động KTTS trong KBTB khoảng 640 chiếc. Các phương tiện hoạt động nghề lưới rê, nghề câu và lưới kéo chiếm số lượng nhiều nhất. Nghề lờ, lặn và chụp mực có số phương tiện ít nhất.

Bảng 1: Các nghề và hệ số hoạt động (%) khai thác thủy sản tại KBTB (nguồn: Nguyễn Văn Vũ, 2016)

Từ Bảng 1 ta thấy: ngoài ngư dân xã Tân Hiệp hoạt động thường xuyên trên vùng biển thuộc KBTB còn có phương tiện từ các địa phương khác như: Duy Nghĩa – Duy Xuyên, Tam Hải – Núi Thành, Cẩm An, Cẩm Kim – Hội An cũng hoạt động khá thường xuyên trên vùng biển này.

Nghề lưới kéo là nghề xuất hiện ở nhiều địa phương nhất với 7/13 xã/phường có phương tiện hoạt động. Tuy nhiên, không phải tất cả các nghề nói trên chỉ tập trung khai thác ở bên trong mà còn hoạt động ở vùng biển xung quanh KBTB.

Xét về công suất tàu thuyền, nghề câu có tổng công suất lớn nhất với 6.481 CV, chiếm 40% tổng công suất của các phương tiện hoạt động trong KBTB. Tiếp theo đó là các nghề lưới kéo chiếm 21%, nghề lưới rê chiếm 15% và lưới vây là 13% (Nguyễn Văn Vũ, 2016) (Hình 2).

Lưới kéo là nghề cần phải có máy tàu lớn. Tuy nhiên với công suất trung bình 67 CV thì phương tiện này không đủ khả năng hoạt động ở vùng biển xa bờ, đặc biệt là vào mùa đông. Thực tế khảo sát cho thấy, đa số các phương tiện này chủ yếu hoạt động ở vùng biển xung quanh đảo Cù Lao Chàm và vùng biển ven bờ từ Đà Nẵng đến huyện Núi Thành, Quảng Nam.

Hình 2: Tỉ lệ (%) công suất theo từng loại nghề KTTS trong KBTB (nguồn: Nguyễn Văn Vũ, 2016)

Bảng 2: Công suất trung bình của phương tiện theo nghề (nguồn: Nguyễn Văn Vũ, 2016)

Đối với phương tiện KTTS của ngư dân xã Tân Hiệp chủ yếu hoạt động các nghề lưới rê, công suất máy trung bình khoảng 10 CV, so với số lượng và công suất trung bình của các loại nghề hoạt động trên cùng ngư trường Cù Lao Chàm thì phương tiện của ngư dân địa phương là quá nhỏ (xã Tân Hiệp có 175 chiếc, tổng công suất 1750 CV, chiếm 11% so với tổng công suất của các phương tiện tàu cá trong tỉnh hoạt động KTTS tại Cù Lao Chàm). Điều này dẫn đến tình trạng ngư dân địa phương không thể cạnh tranh được ngư trường với các ngư dân đến từ những nơi khác ngay chính trên vùng hoạt động truyền thống của mình.

Các loại nghề KTTS của ngư dân Cù Lao Chàm đa số là lưới rê 1 lớp và 3 lớp; đây là các loại nghề lưới nổi vùng hoạt động không ảnh hưởng đến rạn san hô và cỏ biển. Các nghề KTTS ảnh hưởng đến các hệ sinh thái quan trọng của KBTB đến từ các địa phương trong tỉnh nhất là nghề lặn đêm, lưới kéo, lưới vây và pha xúc.

3. Thực trạng vi phạm trong KBTB Cù Lao Chàm của các phương tiện KTTS đến từ các địa phương ngoài tỉnh Quảng Nam.

Song song với hoạt động KTTS của tàu cá trong tỉnh Quảng Nam, sự hiện diện của các tàu cá của các tỉnh/thành: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Ninh Thuận , Khánh Hoà cũng là vấn đề đáng quan tâm tại KBTB Cù Lao Chàm hiện nay.

Bảng 3: Số lượt và số tiền phạt của tàu cá ngoài tỉnh tại KBTB (nguồn: BQL KBTB Cù Lao Chàm)

Các nghề KTTS chủ yếu của tàu cá ngoài tỉnh gồm: lưới vây bao gồm có 2 dạng (lưới vây rút chì và lưới vây kết hợp ánh sáng), lưới kéo (giã cào hoặc giã cào bay) và pha xúc (ngư dân gọi tên khác là pha dộng), nghề lặn (từ ngư dân thành phố Đà Nẵng).

Ngoài công suất lớn, hầu hết các tàu cá ngoài tỉnh có chiều dài lớn hơn 12 m, số lượng lao động khoảng 15 – 20 người/tàu; hoạt động vào ban đêm và xuất hiện đột xuất khi nghe thông tin có đàn cá tại khu vực lân cận Cù Lao Chàm, trong đó phần lớn hoạt động tại Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương. Ngoài ra do tính chất của các nghề KTTS là tận diệt và không có tính chọn lọc nên ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến ngư trường và đa dạng sinh học tại KBTB.

Phương thức đánh bắt của các nghề KTTS từ phương tiện ngoài tỉnh Quảng Nam hoạt động tại KBTB Cù Lao Chàm

a. Nghề Lưới kéo

Lưới kéo (giã cào) đánh bắt theo nguyên lý “lọc nước, bắt cá”. Cá bị lùa vào lưới bởi sự di chuyển tới miệng lưới kéo và bị giữ lại ở đụt lưới. Do vậy lưới kéo là ngư cụ khai thác mang tính chủ động, cá không thể thoát ra khỏi lưới nếu như không có khả năng quay chạy ngược ra được miệng lưới. Đa phần lưới kéo hoạt động tại KBTB là loại lưới kéo tầng đáy và có tính chất khai thác triệt để kể cả con non.

Lưới kéo cao tốc: thường được sử dụng kết hợp với tàu cá có công suất máy lớn (trên 400 CV/tàu), tốc độ di chuyển nhanh và cào sát nền đáy biển.

Trong quá trình đánh bắt, giềng chì của lưới kéo chuyển động chà xát với đáy biển làm phá vỡ các cấu trúc đáy biển như thảm cỏ biển, rạn san hô…làm hư hỏng môi trường sống của các sinh vật tầng đáy và gần đáy.

b. Nghề Lưới vây

b1. Nghề Lưới vây rút chì

Lưới vây rút chì đánh bắt theo nguyên lý “lọc nước bắt cá”. Lưới vây được thả từ tàu và kéo lên tàu. Lưới vây chuyên đánh cá đi thành đàn và chỉ thả lưới đến một độ sâu nhất định nào đó theo điều khiển của người khai thác. Đối tượng khai thác của nghề lưới vây chủ yếu là cá cơm, cá nục, mực cơm,..vv và thường hoạt động ban ngày.

b2. Nghề lưới vây kết hợp ánh sáng

Tương tự như nghề khai thác lưới vây thông thường cũng bao gồm tàu, vàng lưới vây, các trang bị phụ trợ khác. Tuy nhiên, lưới vây đánh cá kết hợp ánh sáng còn cần phải có máy phát điện, hệ thống chiếu sáng và bảng phân phối điện. Nguồn sáng các phương tiện ngoài tỉnh thường sử dụng đèn có công suất khoảng 1000 W số lượng 20 bóng/phương tiện; hoạt động về ban đêm (Hình 6).

c. Nghề pha xúc

Nguyên lý hoạt động của nghề này là đánh cá bằng ánh sáng. Nguồn sáng các phương tiện này thường sử dụng từ đèn cao áp có công suất trên 1000 W và được kết thành cụm với sự hỗ trợ của các thiết bị hội tụ ánh sáng nên cường lực sáng mạnh hơn; mỗi cụm có từ 12 – 18 bóng đèn (Hình 7, 8). Đây là loại nghề được xếp vào loại khai thác tận diệt, không có tính chọn lọc và được thực hiện chủ yếu vào ban đêm.

d. Nghề lặn:

Sử dụng thiết bị lặn truyền thống (dây hơi, thiết bị cung cấp oxy Compressor), nghề này hoạt động trực tiếp và bắt các sinh vật biển có giá trị kinh tế cao trên rạn san hô; nghề này được đa số ngư dân thực hiện khai thác kèm theo súng thun, súng điện nhằm nâng cao số lượng thành phẩm.

4. Một số quy định pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản liên quan đến KBTB

Luật Thủy sản 2017 được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2017, tiếp đếnChính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều nghị định và thông tư hướng dẫn liên quan đến khai thác thủy sản như: Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017 (gọi tắt Nghị định 26); Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (gọi tắt Nghị định 42), Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hướng dẫn về bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản… đây là những cơ sở pháp lý trọng yếu nhằm quản lý, bảo vệ và hướng dẫn khai thác thủy sản một cách bền vững nhất; tạo điều kiện cho KBTB và lực lượng tuần tra trên biển thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả.

Theo Khoản 1, Điều 48 Luật Thủy sản 2017, toàn bộ phạm vi của KBTB Cù Lao Chàm được quy định là vùng biển ven bờ. Ngoài ra tại Điểm c, Khoản 1, Điều 43 Nghị định 26 quy định: Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi; tàu đăng ký tại tỉnh nào thì chỉ được hoạt động tại vùng ven bờ của tỉnh đó; trừ trường hợp có thỏa thuận về hoạt động tàu cá ở vùng ven bờ của Ủy ban nhân dân hai tỉnh (tác giả: hiện nay UBND tỉnh Quảng Nam chưa có thỏa thuận về vùng biển ven bờ với UBND tỉnh/thành nào). Do đó hành vi KTTS tại KBTB của các phương tiện ngoài tỉnh là vi phạm nghiêm trọng Nghị định 26 và được xử phạt với mức phạt tiền cao nhất lên đến 80.000.000 đồng theo Nghị định 42; cộng với các hình thức phạt bổ sung (tước giấy phép khai thác, tước quyền sử dụng văn bằng chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá….). Riêng vi phạm tại các vùng phục hồi sinh thái và vùng bảo vệ nghiêm ngặt mức phạt lên đến 200.000.000 đồng.

Hình 11: Tàu cá Khánh Hòa vi phạm tại KBTB ngày 01/4/2020. Ảnh: Mai Xinh

Ngoài ra, theo nội dung của Nghị định 26 và Nghị định 42, các tàu cá trong tỉnh Quảng Nam nếu được phép KTTS tại KBTB phải tuân thủ nghiêm về: ngư cụ khai thác; nghề khai thác; đối tượng khai thác; vùng và mùa vụ khai thác; trong đó đáng chú ý nếu các tàu cá vi phạm KTTS tại vùng phục hồi sinh thái mức phạt tiền tối đa là 150.000.000 đồng, đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt là 200.000.000 đồng (Khoản 3, 4, Điều 9, Nghị định 42) và các hình thức phạt bổ sung khác.

5. Công tác tuần tra kiểm soát, thực thi pháp luật

5.1. Về công tác truyền thông, nâng cao nhận thức

Truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân và các bên có liên quan là một trong những nhiệm vụ được Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (BQL) đặc biệt quan tâm. Với nhiều hình thức phong phú như: tập huấn, tuyên truyền, phát tờ rơi, phát thanh,… trong những năm qua, BQL đã phối hợp với các cơ quan có chức năng thường xuyên giới thiệu, hướng dẫn và tuyên truyền cho ngư dân của 16 xã/ phường ven biển thuộc các huyện, thành phố trong tỉnh Quảng Nam về các Luật, Nghị định, Quy chế Quản lý KBTB, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thủy sản và các quy định hiện hành tại đia phương nhằm nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật của cộng đồng.

Tại các đợt truyền thông trực tiếp, lực lượng thực thi pháp luật đã trao đổi, đối thoại với ngư dân nhất là ngư dân tại các địa phương có số lượng tàu cá hoạt động tại phạm vi KBTB nhiều nhất như: Tam Hải, Tam Tiến (huyện Núi Thành), Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), Bình Hải (Thăng Bình) để làm rõ những hành vi được phép và không được phép KTTS của các đối tượng tàu cá này. Sau gần 15 năm, qua đợt đánh giá KHQL 5 năm lần 2 hầu hết ngư dân 16 xã/phường ven biển nắm cơ bản những loại nghề, phương tiện được phép hoạt động tại vùng biển Cù Lao Chàm;

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng một số ngư dân khai thác trái phép tại khu vực này do nguồn lợi thủy sản phong phú cộng thêm nhu cầu của thị trường ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, các hình thức truyền thông chưa phù hợp với tất cả các nhóm đối tượng, …

5.2. Về công tác tuần tra kiểm soát

Ngay từ khi mới thành lập, BQL xác định rõ ngoài lực lượng thực thi pháp luật trên biển như Biên phòng, Công an các cấp và Đội tuần tra KBTB thì còn có vai trò không hề nhỏ của mạng lưới tuần tra cộng đồng (Tổ tuần tra Tiểu khu bảo tồn biển thôn Bãi Hương, các tổ nhóm nghề khai thác thủy sản tại địa bàn xã Tân Hiệp và thông tin từ người dân), đây là lực lượng chính giúp BQL nắm được tình hình, diễn biến trên biển một cách sát sao từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuần tra trong việc tiếp cận và xử lý các tàu cá vi phạm một cách hiệu quả.

Với số lượng 175 phương tiện của ngư dân địa phương, lịch mùa vụ trải dài quanh năm và ngư trường chủ yếu là các đảo lớn nhỏ trên vùng biển Cù Lao Chàm nên lượng thông tin mà lực lượng tuần tra thu nhận được từ mạng lưới cộng đồng này rất lớn từ đó chọn lọc và tính toán các phương án tuần tra kiểm soát phù hợp.

Hình thức tuần tra tại KBTB Cù Lao Chàm có sự linh hoạt phụ thuộc nguồn thông tin và lịch mùa vụ khai thác tại ngư trường này, như:

+ Tuần tra định kỳ, thường xuyên;

+ Tuần tra đột xuất;

+ Tuần tra phản ứng nhanh;

+ Tuần tra trên đường bộ.

Bảng 4: Số lượt tuần tra và số vụ phát hiện vi phạm (nguồn: BQL KBTB Cù Lao Chàm)

Tùy thuộc tính chất, mức độ và hình thức tuần tra, lực lượng thực thi pháp luật trên biển áp dụng nhiều nội dung kiểm soát khác nhau để tăng tính hiệu quả, như: truyền thông hướng dẫn chủ phương tiện thực hiện nghiêm Quy chế quản lý KBTB; kiểm tra thủ tục hành chính tàu cá KTTS đảm bảo theo quy định của nhà nước; kiểm soát các tàu cá ngoài tỉnh; đặc biệt nội dung phát hiện – ngăn chặn – xử lý vi phạm đang diễn ra trên biển được lực lượng tập trung cao độ.

Thời gian qua, mặc dù có nhiều thuận lợi trong công tác phối hợp tuần tra nhất là sự phối hợp chặt chẽ các lực lượng, công cụ pháp lý…, tuy nhiên công tác này gặp nhiều khó khăn nhất định, đó là:

Đối với tàu cá trong tỉnh Quảng Nam

+ Số lượng tàu cá có hoạt động KTTS quá nhiều (tác giả: 635 chiếc), phạm vi hoạt động rộng (235 km²) nên khó kiểm soát toàn diện; các chủ phương tiện tinh vi; tranh thủ khai thác lén lút; xóa dấu vết bằng chứng và chống đối lực lượng tuần tra khi bị phát hiện.

+ Có sự cấu kết thông tin giữa các chủ phương tiện và các đầu mối thu mua thủy sản tại đảo về lịch trình, hoạt động của lực lượng tuần tra.

+ Trên thực tế KBTB Cù Lao Chàm không quản lý được toàn bộ nghề KTTS tại đây.

Đối với tàu cá ngoài tỉnh Quảng Nam

+ Hoạt động chớp nhoáng, tranh thủ ngư trường xuất hiện các đàn cá lớn; tàu có kích thước và công suất máy lớn khó tiếp cận.

+ Chủ phương tiện manh động đôi lúc sử dụng vũ lực chống đối với lực lượng tuần tra.

6. Kết luận và kiến nghị

Trong thời gian qua được sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển về lĩnh vực thủy sản và sự giúp sức của mạng lưới tuần tra cộng đồng, đã minh chứng KBTB là công cụ hữu hiệu trong quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Cù Lao Chàm. Để nâng cao hiệu quả kiểm soát, đặt biệt là đối với tàu cá từ các địa phương ngoài xã Tân Hiệp, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

6.1. Đối với tàu cá trong tỉnh Quảng Nam

+ Tăng cường công tác truyền thông 2 chiều giữa BQL và các đơn vị phối hợp tuần tra với ngư dân địa phương về các quy định trong lĩnh vực thủy sản bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng hơn.

+ Nghiên cứu và tiến tới hình thành mạng lưới tuần tra cộng đồng với nòng cốt là ngư dân Tân Hiệp có cùng nhóm nghề KTTS.

+ Áp dụng công nghệ thông tin trong công tác tuần tra kiểm soát.

+ Đề xuất lực lượng công an điều tra, xử lý các đối tượng cung cấp thông tin về lịch trình, hoạt động của Đội Tuần tra cho chủ phương tiện KTTS.

+ Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tổng cục Thủy sản đưa nội dung cấp hạn ngạch, thực hiện đăng ký hoạt động KTTS trong phạm vi các KBTB vào các văn bản quy phạm pháp luật.

6.2. Đối với tàu cá ngoài tỉnh Quảng Nam

+ Mở rộng mạng lưới thông tin cộng đồng, nắm bắt nhanh, kịp thời sự xuất hiện của các phương tiện này để có phương án tuần tra hiệu quả.

+ Quyết liệt áp dụng các biện pháp xử lý mạnh đối với tàu cá ngoài tỉnh vi phạm tại KBTB và đề xuất nâng cao chế tài xử phạt hành chính đối với các tàu cá này để mang tính răn đe và lan tỏa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiện trạng khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Nguyễn Văn Vũ, 2016.

2. Tác động của một số nghề hải sản đến hệ sinh thái rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Nguyễn Văn Vũ, 2016.

3. Báo cáo kết quả công tác tuần tra kiểm soát của BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm các năm 2017 – 2019.

Thông tin sự việc:

Vào lúc 18h50 ngày 01/04/2020 trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, lực lượng tuần tra gồm: BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm; Công an xã Tân Hiệp và Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm đã phát hiện 17 phương tiện khai thác thủy sản chủ yếu bằng nghề lưới vây rút chì kết hợp ánh sáng chuẩn bị thực hiện mẻ lưới tại khu vực phía Nam Hòn Tai nằm trong phạm vi Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Tiếp cận hiện trường, lực lượng tuần tra đã tiến hành xua đuổi và truy bắt các phương tiện, đến 19h10 cùng ngày đã bắt được 02 phương tiện, gồm:

1. Tàu Đình Tân số hiệu KH 91234TS có công suất 800 CV do ông Nguyễn Văn Cảnh (sinh năm 1966), trú tại tổ 04 Phường Vĩnh Tường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa làm chủ phương tiện.

2. Tàu mang số hiệu KH 93845TS có công suất 800 CV do ông Võ Văn Tám (sinh năm 1968) trú tại Vũng Ngán, Phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa làm chủ phương tiện.

Căn cứ Khoản 3, Điều 3, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017, toàn bộ phạm vi của KBTB Cù Lao Chàm thuộc vùng ven bờ. Đối chiếu theo Khoản 4, Điều 21, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ, Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; hành vi của 02 chủ phương tiện đã vi phạm quy định về vùng khai thác thủy sản; ngoài ra tàu Đình Tân vi phạm tại Khoản 2, Điều 38, Nghị định 42 về quy định đối với thuyền viên không có tên trong Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá.

Với các hành vi vi phạm nêu trên, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm đã tham mưu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định xử phạt hành chính trên lĩnh vực thủy sản đối với 02 chủ phương tiện trên với tổng số tiền phạt là 51.500.000 đồng. Trong quá trình xử lý các phương tiện này, lực lượng tuần tra cũng đã tuyên truyền, giải thích về hành vi vi phạm của các chủ phương tiện, đồng thời đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh Covid 19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Huỳnh Ngọc Diên – Trưởng Phòng Phòng Truyền thông và PTCĐ

BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Bình luận