Công tác tuần tra, kiểm soát trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm Khó khăn và giải pháp

10.6k lượt xem

Công tác tuần tra, kiểm soát trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã được triển khai ngay từ những ngày đầu thành lập Khu bảo tồn biển với nhiệm vụ quản lý các hoạt động khai thác thủy sản và kiểm soát hoạt động vui chơi giải trí trên biển, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra và xử lý các trường hợp vi phạm… nhằm làm giảm tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, nguồn lợi thủy hải sản.

Vùng biển Cù Lao Chàm giàu tài nguyên, là nơi thu hút ngư dân cả trong và ngoài khu bảo tồn đến khai thác thủy hải sản, trong đó có nhiều trường hợp khai thác không đúng qui định của Luật và Qui chế quản lý Khu bảo tồn biển kể cả các hoạt động của du khách đến tham quan, trải nghiệm. Điều này đã và đang gây sức ép rất lớn lên nguồn lợi và các hệ sinh thái. Công tác tuần tra, kiểm soát vì thế mà gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất, về hoạt động khai thác: Việc người dân xã đảo Tân Hiệp khai thác bất hợp pháp trong vùng cấm của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có thể nói hiện nay rất hiếm, tuy nhiên các phương tiện ngoài địa phương (xã Cẩm Kim, Cẩm An – Hội An, Duy Hải – Duy Nghĩa – huyện Duy Xuyên, các xã thuộc huyện Núi Thành, thậm chí đến từ các tỉnh lân cận như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi …) lại có xu hướng gia tăng . Chỉ riêng trong tỉnh Quảng Nam, đã có đến 13/15 địa phương có hoạt động khai thác trong Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm với tổng số 635 phương tiện (Nguyễn Văn Vũ, 2016). Các phương tiện đến từ tỉnh khác thường có công suất lớn và khai thác bằng nhiều hình thức khác nhau: nghề câu, lưới rê, lưới vây… nghiêm trọng hơn cả là các hình thức mang tính hủy diệt: giã cào, sử dụng kích điện,… Bên cạnh đó, một bộ phận nhỏ ngư dân khai thác bằng nghề lặn, do tính chất nghề khai thác trực tiếp nguồn lợi trên rạn nên gây tác động lớn cho hệ sinh thái rạn san hô. Trong khi người dân xã đảo ra sức giữ gìn thì các ngư dân bên ngoài lại đến khai thác, mâu thuẫn phát sinh và gây nhiều trở ngại cho việc vận động người dân xã đảo tham gia vào công tác bảo tồn.

Công tác tuần tra luôn có sự phối hợp với các lực lượng chức năng như công an xã Tân Hiệp, Biên phòng Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, các đối tượng vi phạm ngày càng ngày càng tỏ ra manh động, bất hợp tác, chống đối với, thậm chí uy hiếp đối với lực lượng chức năng. Không ít lần, chủ phương tiện vi phạm đã thách thức bằng cách tăng tốc chạy trốn mang theo cả nhân viên tuần tra khi họ tiếp cận sang phương tiện của mình để thực thị nhiệm vụ

 Hình 1,2: Hoạt động khai thác thủy sản ngày càng diễn biến phức tạp

Bên cạnh đó, một số người dân thu mua hải sản từ người khai thác bất hợp pháp thường xuyên theo dõi thông tin tuần tra để báo cho các đối tượng này. Do đó, khi chưa tiếp cận được thì các đối tượng này đã kịp bỏ trốn.

Thứ hai, về hoạt động kiểm soát dịch vụ du lịch: Du khách là người trực tiếp sử dụng dịch vụ du lịch trên các hệ sinh thái như: hoạt động snorkeling (lặn ngắm san hô không khí tài), scuba diving (lặn có khí tài), sea walking (đi bộ dưới đáy biển). Tuy nhiên, hầu hết du khách không được phổ biến về nội quy, quy định trước khi tham gia dịch vụ tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Do đó, bên cạnh các hoạt động truyền thông trực quan như pano, tờ rơi,… thì thuyền trưởng và hướng dẫn viên có trách nhiệm hướng dẫn cho khách những nội quy này.

Hằng năm, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đều có những khóa tập huấn, phổ biến về nội quy, quy định trong Khu bảo tồn biển cho các công ty tổ chức dịch vụ du lịch. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều trường hợp vi phạm: du khách đứng trên rạn san hô, khai thác thủy sản trong vùng cấm, đậu đỗ/neo đậu tàu thuyền không đúng quy định, cho du khách lặn biển/câu cá không đúng phân vùng… Sự hợp tác của tất cả các bên từ chính quyền đến các cơ quan chuyên môn và các công ty du lịch, đặc biệt là các hướng dẫn viên, thuyền trưởng sẽ là giải pháp hữu hiệu cho sự trải nghiệm của hàng ngàn du khách mỗi ngày đồng thời đảm bảo sự phát triển kinh tế một cách lâu dài.

Hình 3. Hướng dẫn khách bơi lội không đúng nơi quy định

Với những hiện trạng và khó khăn trên, lực lượng chức năng cần nâng cao hiệu quả công tác tuần tra thông qua:

(1) Mở rộng địa bàn, đa dạng và linh hoạt trong phương thức tuần tra;

(2) Đẩy mạnh công tác truyền thông cho các ngư dân, thuyền trưởng, hướng dẫn viên, du khách và các bên liên quan bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng;

(3) Duy trì và mở rộng mạng lưới tuần tra cộng đồng theo phương châm “mỗi ngư dân là một tuần tra viên”, khi phát hiện các trường hợp vi phạm, họ sẽ báo về Đội tuần tra hoặc các lực lượng có liên quan để tiến hành thực thi tuần tra kịp thời;

(4) Ứng dụng công nghệ, trang thiết bị tiên tiên như máy định vị, camera, bộ đàm và các dụng cụ khác để xử lý thông tin chính xác, hiệu quả.

(5) Đào tạo, nâng cao năng lực cho Đội tuần tra, kiểm soát về kiến thức bảo tồn; quản lý nhà nước về bảo tồn, thực thi pháp luật, vi phạm hành chính; kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống trong công tác tuần tra.

Ngoài ra, Luật Thủy sản 2017, đặc biệt là Nghị định 42/2019/NĐ-CP ban hành ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng chính phủ về việc Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực từ ngày 5 tháng 7 năm 2019, đã nâng mức phạt một cách thỏa đáng đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt vi phạm trong khu bảo tồn. Việc nâng cao hiệu quả tuần tra kết hợp với tăng cường thực thi pháp luật của nhà nước, hi vọng sẽ tác động đến nhận thức và hoạt động của ngư dân, du khách, hướng đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hợp pháp, bền vững trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. trong thời gian đến.

Nguyễn Thúy – BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Bình luận