Hải sâm hay còn có tên gọi khác là Đồn đột, Đỉa biển là loài thuộc ngành Động vật da gai, phân bố khắp các đại dương từ vùng nước nông đến biển sâu. Hiện nay trên thế giới có khoảng 1.250 loài hải sâm, trong đó có khoảng 90 loài phân bố tại Việt Nam.
Hải sâm có nhiều đặc điểm sinh học thú vị, một số đặc điểm sinh học có ý nghĩa, vai trò quan trọng cho vùng biển mà nó sinh sống.
1. Thức ăn của hải sâm là phù du và các chất mùn bã hữu cơ. Điều này làm Hải sâm được ví như máy lọc tự động cho môi trường được trong sạch. Mỗi cá thể Hải sâm có thể thải ra khoảng 40kg trầm tích sạch trong 1 năm.
2. Hải sâm có thân hình trụ đối xứng xuyên tâm, trục cơ thể nằm ngang khi di chuyển nên dễ phân biệt các bộ phận theo chiều dọc cơ thể. Đầu trước là miệng có các xúc tu để bắt mồi, đầu sau là hậu môn. Mặt bụng có 5 hàng chân ống để di chuyển.
3. Hải sâm thở nhờ một cây hô hấp được nối với hậu môn của chúng. Chúng thở bằng cách bơm oxy qua hậu môn, sau đó oxy được đưa vào trong cây hô hấp và thải cacbonic thông qua hậu môn.
Hậu môn của Hải sâm là chỗ trốn tránh kẻ thù cho các sinh vật nhỏ hơn như cá ngọc (pearlfish), một số loài cua nhỏ. Không chỉ là nơi trú ẩn, cá ngọc sẽ sử dụng nội tạng của hải sâm làm thức ăn.
4. Hải sâm có khả năng tái sinh cao, khi bị tấn công Hải sâm thường tiết ra những tia nhầy màu trắng đục để làm mồi cho kẻ thù. Nếu kẻ thù vẫn tiếp tục tấn công thì Hải sâm lại nôn toàn bộ nội tạng của mình cho kẻ thù ăn, rồi sau đó lẫn trốn, khoảng 20 ngày sau sẽ tái tạo lại nội tạng mới. Trong một số tình huống, hải sâm có thể tự làm lỏng collagen để dễ dàng luồn lách qua các khe hẹp để thoát thân.
5. Hải sâm sinh sản bằng cách phóng tinh trùng và trứng vào trong nước biển, sự thụ tinh ngoài sẽ tạo ra ấu trùng và phát triển trong môi trường nước biển. Một số loài Hải sâm cũng có thể sinh sản vô tính bằng cách tách đôi. Mỗi nửa tách đôi sẽ tái tạo các cơ quan bị thiếu và về cơ bản trở thành một bản sao của động vật ban đầu.
(Nguồn: Website Bảo tàng Hải dương học Nha Trang).
Tại vùng biển Cù Lao Chàm, hiện nay có 6 loài Hải sâm phân bố: Hải sâm đen, Hải sâm bụng đỏ, Hải sâm trắng,… Môi trường sống của Hải sâm là vùng rạn san hô – nền đáy cát, thảm cỏ biển. Nhờ sức sinh sản lớn nên Hải sâm có thể duy trì và phát triển tốt.
Trong thời gian từ tháng 6/2023 đến nay, do nhu cầu thu mua Hải sâm của một số nhà buôn hải sản đặc biệt tăng cao, kéo theo hoạt động khai thác thuỷ sản bằng hình thức lặn tại vùng biển Cù Lao Chàm rất rầm rộ. Điều này tạo áp lực cho công tác quản lý, áp lực đối với các vùng rạn san hô và chuỗi đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Trong quá trình khai thác, một số ngư dân chưa nắm hết các các quy định liên quan đến hoạt động khai thác thuỷ sản nói chung và hải sâm nói riêng, do vậy tại bài viết này tác giả trích dẫn các quy định liên quan đến hoạt động khai thác hải sâm nhằm giúp ngư dân hiểu hơn về giá trị của hải sâm đối với chuỗi đa dạng sinh học và khai thác đúng theo quy định của pháp luật.
+ Tại Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản), một số loài hải sâm không được phép khai thác: Hải sâm hổ phách (Thelenota anax), Hải sâm lựu (Thelenota ananas), Hải sâm mít hoa/Hải sâm dừa (Actinopyga mauritiana), Hải sâm trắng (Holothuria (Metriatyla) scabra). Trong đó, loài Hải sâm trắng (Holothuria (Metriatyla) scabra) có phân bố tại vùng biển Cù Lao Chàm.
+ Tại khoản 5, điều 9, Quy chế quản lý Tiểu khu Đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương (Quyết định 20/2013/QĐ-UBND ngày 3/7/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc Ban hành Quy chế quản lý Tiểu khu Đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương); nghề lặn khai thác các loài thủy sản bị nghiêm cấm. Do đó, không được khai thác thủy sản nói chung và hải sâm nói riêng trong phạm vi Tiểu khu Đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương bằng hình thức lặn.
+ Hoạt động khai thác không được phép thực hiện trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (theo Quyết định 09/2020/QĐ-UBND ngày 17/7/2020 của UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam về việc ban hành Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm).
Nguyễn Thúy – BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm