Đánh giá việc thực thi Quy chế Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

2.7k lượt xem

Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm gồm 7 hòn đảo: Hòn Lao, Hòn Cụ, Hòn Khô, Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai và vùng biển xung quanh các đảo với tổng diện tích 23.500 ha (235 km2). Sau hơn 13 năm thực hiện, những nội dung trong Quy chế Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành theo Quyết định số 88/2005/QĐ-UBND ngày 20/12/2005) đã bộ lộ những hạn chế, bất cập trong việc thực thi như diện tích vùng bảo vệ nghiêm ngặt quá nhỏ; các quy định liên quan đến phân vùng chức năng chưa rõ; các qui định về kích thước phương tiện khai thác chưa phù hợp …vv. Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên Khu bảo tồn biển gắn liền với công cuộc phát triển kinh tế xã hội bền vững và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (gọi tắt là Ban quản lý) đã tham vấn ý kiến các cơ quan, ban, ngành và cộng đồng ngư dân tại Cù Lao Chàm về việc sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến xây dựng quy chế mới, đây là một trong những cơ sở quan trọng để thiết lập và cho ra đời Quy chế Quản lý Khu bảo tổn biển Cù Lao Chàm đã được ban hành kèm theo Quyết định số 09/2020/QĐ-UBND ngày 17/7/2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là Quy chế 2020).

A-QCQL2021-29062021-01

Hình 1: Bản đồ phân vùng chức năng Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm theo Qui chế 2020

Sau 1 năm triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến Quy chế 2020 Ban quản lý đã phối hợp với các đơn vị liên quan (Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm, Công an xã Tân Hiệp, UBND các xã ven biển,…) tổ chức 20 buổi truyền thông và đối thoại trực tiếp về thực thi Quy chế 2020 cho cộng đồng ngư dân 16 xã ven biển tỉnh Quảng Nam; nhóm thanh niên tham gia khai thác, đánh bắt, các doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên kinh doanh các dịch vụ du lịch bơi lặn biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Đợt truyền thông kết hợp đối thoại rộng rãi này nhằm phổ biến đến tất cả các cá nhân, tổ thức tham gia hoạt động tại Khu bảo tồn biển về những quy định mới liên quan đến các ngành nghề, phương tiện và phạm vi hoạt động; đối thoại trực tiếp, lắng nghe và kịp thời giải quyết các vướng mắc mà người dân đang gặp phải khi thực thi Quy chế 2020. Nhằm tiếp cận đến nhiều đối tượng khác nhau, Ban quản lý cũng đã đa dạng hóa các phương thức truyền thông như: phát tờ rơi đến từng tàu cá trong các hoạt động tuần tra kiểm soát trên biển và phát thanh nội dung Quy chế 2020 trên sóng các đài truyền thanh truyền hình của các xã ven biển tỉnh Quảng Nam.

A-QCQL2021-29062021-02

Hình 2: Truyền thông Quy chế 2020 tại xã Cẩm An

A-QCQL2021-29062021-03

Hình 3: Ngư dân xã Duy Hải trao đổi về khoảng cách địa lý giữa các vùng chức năng KBTB.

A-QCQL2021-29062021-04

Hình 4: Truyền thông Quy chế 2020 tại xã Tam Hải

A-QCQL2021-29062021-05

Hình 5: Truyền thông Quy chế 2020 tại phường Cửa Đại.

Trong suốt thời gian triển khai và thực hiện Quy chế 2020, Ban quản lý đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng xã Tân Hiệp. Tuy nhiên, đối với ngư dân từ các địa phương khác thì gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền cũng như thực thi các điều khoản trong Quy chế 2020 đã ban hành, một số ngư dân vẫn chưa nắm hết các điều khoản và đồng thời vẫn có một số đối tượng đã nắm nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Theo số liệu thống kê của Ban quản lý trong 6 tháng đầu năm 2021, đã xử lý 52 vụ vi phạm về việc khai thác đánh bắt, tăng 12 vụ so với cùng kì năm trước, đa phần các trường hợp vi phạm là chủ phương tiện ngoài địa phương (không thuộc xã Tân Hiệp) và nghề vi phạm chủ yếu là nghề lưới vây.

A-QCQL2021-29062021-06

                       Hình 6: Tàu cá Quảng Ngãi sử dụng công cụ kích điện đánh bắt thủy sản trái phép (Nguồn ảnh:                                  Phòng Tuần tra & Kiểm soát)

A-QCQL2021-29062021-07

Hình 7: Ngư dân xã Cẩm Kim hành nghề giã cào trái phép trong KBTB CLC (Nguồn ảnh: Phòng Tuần tra & Kiểm soát)

A-QCQL2021-29062021-08

        Hình 8: Ngư dân xã Tân Hiệp sử dụng súng tự chế để khai thác thủy sản trái phép tại KBTB CLC (Nguồn ảnh:             Phòng Tuần tra & Kiểm soát)

A-QCQL2021-29062021-09

Hình 9: Nghề lưới vây hoạt động trái phép trong KBTB CLC (Nguồn ảnh: Phòng Tuần tra & Kiểm soát)

Như chúng ta đã biết, hệ sinh thái biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và nuôi dưỡng sinh vật, cung cấp nguồn lợi thủy sản, điều hòa khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Tuy vậy, các hệ sinh thái này đang đứng trước các nguy cơ đe dọa và rủi ro từ các hoạt động phát triển kinh tế, tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, hoạt động du lịch không đúng quy định, sự ô nhiễm môi trường từ rác thải du lịch – đặc biệt là rác thải nhựa và túi ni lông.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên, bảo vệ và phát triển các loài động vật, thực vật thủy sinh và các hệ sinh thái tự nhiên tại Khu bảo tồn biển việc tuyên truyền, việc phổ biển để người dân nắm vững và tuân thủ các quy định của Quy chế 2020 là điều hết sức cần thiết. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao nhận thức và chấp hành tốt các nội dung của Qui chế 2020 của cộng đồng và các bên liên quan trong công tác bảo tồn tài nguyên, đảm bảo khai thác hợp lý nguồn lợi và duy trì sinh kế bền vững của cộng đồng trong và xung quanh Khu bảo tồn biển.

Thanh Thảo – BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Bình luận