Hội thảo tham vấn về chỉ số đa dạng sinh học đa chiều

1.6k lượt xem

Sáng ngày 18/05/2022, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tham gia hội thảo tham vấn về chỉ số đa dạng sinh học đa chiều MBI (Multidimensional Biodiversity Index) theo thư mời của Tổ chức Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam(WWF) phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Sự kiện đánh dấu một bước quan trọng trong công tác điều tra và đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học (ĐDSH) tại Việt Nam, góp phần đặt nền móng cho việc phát triển chỉ số ĐDSH đa chiều trên quy mô toàn cầu.

Trong buổi hội thảo này, ban tổ chức đã trình bày khái niệm về MBI, nguồn gốc của dự án cũng như cách tiếp cận tại Việt Nam. Theo đó, MBI là một chỉ số được định lượng dựa trên các giá trị của: (1) đa dạng sinh học đối với tự nhiên (biodiversity for nature) như: độ đa dạng (diversity); độ phong phú (abundance); chức năng (function) và (2) đa dạng sinh học đối với con người (biodiversity for people) như: điều hòa (regulation), vật chất và hỗ trợ (materials and assistance), phi vật chất (non-materials). Sự lựa chọn các yếu tố nào của MBI là tùy thuộc vào ngữ cảnh của từng quốc gia thông qua ý kiến của các bên liên quan như: nhà khoa học, nhà quản lý, khối tư nhân và các tổ chức phi chính phủ.

A-DDSH 01

Hình 1: Bà Carolina Soto – Navarro (UNEP – WCMC) giới thiệu về dự án MBI toàn cầu

Xây dựng chỉ số ĐDSH đa chiều mang ý nghĩa cấp bách và kịp thời, khi thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực trước tình trạng suy thoái của các hệ sinh thái tự nhiên, mất mát ĐDSH, dân số toàn cầu bị phơi nhiễm với các loại dịch bệnh và đang phải trải qua đại dịch. Báo cáo Đánh giá toàn cầu về Đa dạng sinh học và các Dịch vụ hệ sinh thái (IPBES, 2019) nhấn mạnh một triệu loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Xu hướng suy giảm ĐDSH thể hiện rõ rệt ở các cấp độ hệ sinh thái, loài và gen. 75% diện tích mặt đất đã bị biến đổi đáng kể do các hoạt động khai thác quá mức của con người; 85% diện tích đất ngập nước bị mất đi và 66% diện tích đại dương bị các tác động tích lũy ngày càng tăng, đe dọa sự tồn tại của các loài sinh vật.

Các hoạt động của con người đang khiến thiên nhiên rơi vào tình trạng báo động đỏ, đòi hỏi chúng ta phải kịp thời đánh giá và kiểm soát “sức khỏe” của ĐDSH. Việt Nam cùng với Mexico, Nam Phi và Thụy Sỹ là bốn quốc gia được chọn để thí điểm tham gia Dự án Nghiên cứu Xây dựng Chỉ số Đa dạng Sinh học Đa chiều Toàn cầu.

A-DDSH 02

Hình 2: Bà Khưu Thùy Dương – Đại diện tổ chức WWF giới thiệu về MBI

Hoạt động thí điểm xây dựng chỉ số ĐDSH đa chiều cho Việt Nam kéo dài 1 năm, do WWF-Việt Nam và Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường hợp tác thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNEP-WCMC và các đối tác tại Việt Nam. Hoạt động có hai mục tiêu chính (1) xây dựng một chỉ số ĐDSH đa chiều, phản ánh toàn diện mối tương quan giữa hiện trạng ĐDSH và những đóng góp của ĐDSH cho con người và (2) cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án Nghiên cứu Xây dựng Chỉ số ĐDSH đa chiều toàn cầu. Đặc biệt, chỉ số ĐDSH của Việt Nam sẽ góp phần giúp dự án toàn cầu phát triển phương pháp đo lường ĐDSH có thể áp dụng rộng rãi với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chỉ số cũng giúp xác định cơ hội cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhận biết họ đang ở đâu, có thể đóng góp gì và chịu trách nhiệm như thế nào đối với hoạt động bảo tồn ĐDSH, cũng như đưa ra các quyết định cắt giảm các mối đe dọa từ hoạt động kinh doanh lên ĐDSH.

A-DDSH 03

Hình 3: TS Kim Thị Thúy Ngọc trình bày cơ hội cho việc xây dựng và thí điểm MBI tại Việt Nam

Hội thảo tham vấn thu hút sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các nhà bảo tồn đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam. Các đại biểu đã đóng góp các nội dung được tham vấn, cũng như các thông tin hữu ích mà đơn vị chủ trì và tư vấn sẽ vận dụng trong quá trình dự án diễn ra, xoay quanh các câu hỏi như: quy mô của nghiên cứu thí điểm, thời gian triển khai, các nguồn dữ liệu…

A-DDSH 04

Hình 4: Đại biểu tham gia góp ý tại hội thảo

ThS Kim Phương –  BQL KBTB

Bình luận