Tiêu diệt kẻ thù của san hô tại Cù Lao Chàm

PDF.InEmail

Nằm trong kế hoạch hàng năm của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, ngày 22 và 23/3/2017 cơ quan đã triển khai kế hoạch thu bắt và tiêu hủy sao biển gai – một trong những mối nguy hại của rạn san hô.

 saobiengai24032017-01

Hình 1: Đội tuần tra Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ra quân tiêu diệt sao biển gai

Sao biển gai có tên khoa học là Acanthaster Planci, chúng sinh sống trên rạn và ăn polyp của san hô. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, một cá thể sao biển gai có thể ăn 1m2 san hô trong vòng một tháng. Do đó, nếu số lượng sao biển gai tăng lên sẽ tiêu diệt một diệt tích rạn đáng kể, gây mất cân bằng đa dạng sinh học của toàn hệ. Bề mặt trên cơ thể sao biển gai được bao bọc bởi hàng trăm gai nhọn và sắc, chúng sẵn sàng tiết ra chất độc nếu có vật thể nào chạm vào nó. Trong khi đó, bề mặt dưới của nó lại bao gồm các tua miệng nhỏ cũng tiết ra chất độc tiêu hủy rạn san hô khi di chuyển trên địa hình này. Trên thế giới đã có nhiều biện pháp để tiêu hủy loài sao biển gai này, nhưng bởi tính độc dược cao của chúng nên gây nguy hiểm trong việc thực hiện, đặc biệt là các phương pháp thu bắt thủ công vì dễ gây đau nhứt nếu lỡ tay chạm vào chúng.

saobiengai24032017-02 

Hình 2: Sao biển gai (Acanthaster Planci)

Qua quá trình khảo sát, kiểm tra tỷ lệ sống của rạn san hô, các cán bộ đội tuần tra của ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nhận thấy số lượng sao biển có mặt trên các rạn san hô khá nhiều nên đã chủ động triển khai kế hoạch thu bắt và tiêu hủy đối tượng này. Đây là một trong những hoạt động được tiến hành hằng năm vào ngày môi trường thế giới 5/6 và trước đó (tùy vào tình hình thực tế) để bảo vệ rạn san hô và môi trường sống quan trọng của nhiều loài thủy hải sản khác.

 saobiengai24032017-03

Hình 3: Chuẩn bị dụng cụ thu bắt sao biển gai

Kế hoạch thu bắt được triển khai hai ngày 22 và 23/3, với sự tham gia của phòng Tuần tra và phát triển cộng đồng, và Phó giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển – ông Lê Vĩnh Thuận. Các cán bộ đã tiến hành thu bắt tại một số vùng rạn quan trọng của Khu bảo tồn: Hòn Tai, Hòn Lá, khu vực vườn ươm và vùng phục hồi san hô: Bãi Tra, Bãi Nần, Bãi Bắc.

Sau hàng giờ tìm kiếm trên các vùng rạn, đội tuần tra đã thu bắt được 56 con sao biển gai với nhiều kích thước khác nhau, trong đó khu vực nhiều nhất là Hòn Tai.

saobiengai24032017-04-1 

saobiengai24032017-04-2

saobiengai24032017-04-3

Hình 4: Thu bắt sao biển gai từ các rạn san hô Sau khi được thu bắt, cán bộ đội tuần tra tiêu hủy sao biển gai tại các bãi cát trên đảo.

 saobiengai24032017-05

Hình 5: Sử dụng vôi và hóa chất để tiêu hủy sao biển gai

Với sự chủ động trong tình hình thực tế, những nỗ lực từ Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm sẽ góp phần hạn chế những tác động xấu đến rạn san hô, nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan và những giá trị khác cho Khu bảo tồn biển nói riêng và Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An nói chung.

Thúy Nguyễn - BQL Khu bảo tồn biển CLC


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

..