Tin tức - sự kiện

Những người trẻ làm việc ở độ sâu 7 - 30 m dưới mặt biển

PDF.InEmail

Thứ hai, 05 Tháng 6 2023 15:38 Số truy cập:37

Ở độ sâu từ 7 - 30 m so với mặt nước biển, những chàng trai, cô gái sinh ra trên đảo Cù Lao Chàm (TP.Hội An, Quảng Nam) ngày ngày âm thầm theo đuổi công việc bảo vệ biển, đảo theo cách riêng của họ. Người dân nơi đây thương mến gọi họ là những người "bảo tồn biển".

Họ là thành viên Đội tuần tra - kiểm soát thuộc Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đều có chung niềm tự hào là công dân của khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Ông Lê Vĩnh Thuận, Phó giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, cho biết 12 thành viên của Đội tuần tra - kiểm soát tuổi tầm 30, đều là thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra và lớn lên trên đảo, nên bơi lặn rất thuần thục. Họ đều có chứng chỉ lặn được cấp bởi Hiệp hội lặn biển (PADI) dành cho các cấp độ từ Open Diving Water (18 m), Advanced Diving Water (30 m) định hướng và xử lý các tình huống dưới nước, Rescue Diving Water ở độ sâu hơn 30 m có thể xử lý cứu nạn, cứu hộ dưới đáy biển. 

A-nguoitre05062023-01

Ảnh 1. Minh Toàn chuẩn bị xuống vị trí giám sát rạn san hô đang được phục hồi ở độ sâu 15 m

Lặn và làm việc hàng giờ ở các vườn ươm san hô

Thành viên đầu tiên chúng tôi gặp ở Đội tuần tra - kiểm soát là Nguyễn Thị Hồng Thúy (29 tuổi), cô gái duy nhất của đội, nhưng tinh thần làm việc và khả năng vượt qua các áp lực công việc dưới nước không thua gì nam giới. Thúy tốt nghiệp đại học ngành quản lý nguồn lợi thủy sản, với mong muốn gắn bó với biển, đảo nơi mình sinh ra.

Chứng chỉ lặn biển quốc tế 18 m của Thúy cho cô tự tin đi cùng đồng đội tới khắp các đảo, lặn và làm việc hàng giờ ở các vườn ươm san hô, vùng phục hồi san hô dưới độ sâu hơn 7 - 10 m. Vì là nữ nên nhiệm vụ của Thúy có phần nhẹ nhàng hơn, đó là giám sát tốc độ sinh trưởng và phục hồi của các rạn san hô cũng như các hệ sinh thái biển, ghi chép và xử lý số liệu giám sát đa dạng sinh học, xử lý sao biển gai (loài thiên địch của san hô), vệ sinh đáy biển... Ngoài ra, Thúy còn cùng đồng đội lặn xuống đáy biển để đánh dấu ranh giới các phân vùng chức năng bảo tồn biển (vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái, vùng dịch vụ hành chính/du lịch). 

A-nguoitre05062023-02

Ảnh 2. Những “vệ binh” biển đảo luôn hỗ trợ nhau làm việc theo đội, nhóm dưới nước để đảm bảo an toàn

Một thành viên của đội cũng gây ấn tượng về sự chuyên nghiệp và tận tụy là Nguyễn Tấn Lương (29 tuổi), thế hệ thứ 3 sinh ra trên đảo. Bằng kỹ năng thuần thục và chuyên nghiệp, Lương chuẩn bị cho tôi đầy đủ mặt nạ, áo lặn, áo điều phối khí, bình dưỡng khí có thể lặn hơn 45 phút dưới nước để xem các chuyên gia làm việc.

Trong đội, đạt kỹ năng lặn ở cấp độ Advanced Diving Water cùng với Lương còn có Nguyễn Minh Toàn (31 tuổi), những người "bạn đồng hành" ở độ sâu 30 m để khoan đóng mốc và cắm phao phân vùng nghiêm ngặt, bảo dưỡng hệ thống phao phân vùng. Làm việc ở khu vực này, ngoài thể lực và kỹ thuật, họ còn cần kinh nghiệm và sự am hiểu vùng biển, cũng là lợi thế chung của toàn đội vì họ đều sinh ra ở đảo.

Giữ gìn đa dạng sinh học cho đời sau

Đây là mong muốn chung của những "vệ binh" giữ đảo. Nếu ở đất liền, giá trị công việc của người trẻ thường được quy chiếu bằng thu nhập, thì ở đảo điều đó chỉ là một phần nhỏ. "Dù công việc rất đặc thù, khá vất vả mà thu nhập cũng chỉ ở mức trung bình, nhưng tôi chưa thấy ai trong chúng tôi nghĩ đến chuyện thay đổi công việc và rời đảo. Không chỉ là niềm đam mê với bơi lặn, với công việc dưới nước, với đa dạng sinh học Cù Lao Chàm, mà với chúng tôi đó còn là niềm tự hào, là trách nhiệm với quê hương, với môi trường sống nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi có gia đình và những người thân yêu của mình", Nguyễn Minh Toàn tâm sự.

A-nguoitre05062023-03

Ảnh 3. Hồng Thúy cùng đồng đội kiểm tra dụng cụ để chuẩn bị làm việc hàng giờ dưới nước Những người trẻ làm việc ở độ sâu 7 - 30 m dưới mặt biển

A-nguoitre05062023-04

Ảnh 4. Lương, Phong, Toàn (từ trái sang) sẵn sàng vào vị trí làm nhiệm vụ cắm chốt phao bù ở độ sâu 30 m

Cũng vì yêu nên ngoài nỗ lực gìn giữ và bảo tồn biển, những thanh niên "vệ binh" của đảo cũng luôn trăn trở, tìm cách để đảm bảo sinh kế cho người dân, giảm áp lực khai thác, đánh bắt thủy hải sản.

"Chỉ có bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái đặc hữu thật tốt mới giúp Cù Lao Chàm trở thành một điểm đến du lịch khác biệt, thân thiện so với những nơi khác trong mắt du khách. Chúng tôi rất cần một nghiên cứu đánh giá về sức chịu tải của các hệ sinh thái, cả về phương tiện di chuyển lẫn khả năng phục vụ lưu trú, ẩm thực… để có thể đảm bảo hài hòa, giảm thấp nhất xung đột giữa bảo tồn và phát triển", Nguyễn Thị Hồng Thúy tâm tư.

Trong số những thành viên Đội tuần tra - kiểm soát mà tôi gặp, có một người khá đặc biệt, thường đảm nhận những phần việc về kỹ thuật biển, dẫn đường và xử lý cứu hộ ở độ sâu hơn 30 m theo tiêu chuẩn Rescue Diving Water. Đó là Nguyễn Văn Phong (32 tuổi), thành viên cốt cán của đội, người thường xuyên có những trải nghiệm tuyệt vời nhất ở các hệ sinh thái nơi đây, đặc biệt là những loài san hô xanh, san hô đỏ quý hiếm. Đó cũng là động lực để Phong và toàn đội nỗ lực hết mình vì sinh thái biển thông qua công việc bảo tồn.

"Chúng tôi mong muốn được tiếp nối nhau trong công việc bảo tồn, giữ gìn không chỉ riêng san hô mà các hệ sinh thái khác nữa, không để khai thác bừa bãi, mất giá trị dự trữ sinh quyển của Cù Lao Chàm. Giá trị này không thể ngày một ngày hai mà có được. Đó là giá trị trường tồn và bền vững của đa dạng sinh học dành cho cả đời sau", Phong chia sẻ.

Theo nguồn: Thanhnien.vn

 

Không khai thác, mua bán và tiêu thụ tôm hùm từ ngày 1/4 đến 30/5 hằng năm

PDF.InEmail

Thứ tư, 19 Tháng 4 2023 08:56 Số truy cập:265

Tôm hùm thuộc nhóm giáp xác có kích thước lớn trong họ Palinuridae, là loại hải sản có giá trị dinh dưỡng và xuất khẩu cao. Ở Việt Nam, tôm hùm phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Chúng thường sống ở các vùng biển có độ sâu từ 25-30m nơi có các rạn san hô, bãi đá với nhiều hang hốc và khe rãnh. Trong tự nhiên, tôm hùm là động vật ăn tạp, thường đi kiếm ăn vào chiều tối, thức ăn yêu thích là các loài giáp xác khi chúng đang lột xác (tôm, cua, ghẹ) sò, vẹm, cá rạn,..vv. Tôm hùm sinh trưởng, tăng trọng lượng và kích thước thông qua quá trình lột xác. Chu kỳ lột xác của mỗi loài tôm hùm phụ thuộc vào các yếu tố ngoại cảnh như: nhiệt độ nước, ánh sáng, độ mặn, thức ăn,.... và các yếu tố nội tại của cơ thể chúng. Theo các nghiên cứu gần đây, trong số 8 loài tôm hùm được ghi nhận tại các vùng biển Việt Nam thì tại Cù Lao Chàm có 06 loài, đó là: Tôm hùm đỏ, Tôm hùm bông (sao, xô), Tôm hùm sen (vằn, râu trắng), Tôm hùm mốc (sỏi, xanh chân dài, lông), Tôm hùm ma (tôm hùm đầu dứa), Tôm hùm xanh (tôm hùm đá). Ngoài giá trị về mặt kinh tế, với sự phong phú về thành phần giống loài, chúng tạo nên mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn, có vai trò thiết yếu trong hệ sinh thái biển và đại dương góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học.

Hình ảnh một số loại tôm hùm được ghi nhận tại vùng biển Cù Lao Chàm

A-Tomhum1042023-01

Hình 1. Tôm hùm đỏ Panulirus longipes

A-Tomhum1042023-02

Hình 2. Tôm hùm bông Panulirus ornatus

A-Tomhum1042023-03 

Hình 3. Tôm hùm mốc Panulirus stimpsoni

 A-Tomhum1042023-04

Hình 4. Tôm hùm sen Panulirus versicolor

 A-Tomhum1042023-05

Hình 5. Tôm hùm ma Panulirus penicillatus

A-Tomhum1042023-06 

Hình 6. Tôm hùm đá Panulirus homarus

Hiện nay với giá trị dinh dưỡng cao, nhu cầu sử dụng tôm hùm ngày càng nhiều đã làm gia tăng áp lực khai thác và hệ lụy tất yếu là nguồn lợi bị suy giảm, sinh cảnh tự nhiên bị tác động mạnh trên diện rộng, đặc biệt là tại các vùng rạn san hô và khu bảo tồn biển như Cù Lao Chàm.

A-Tomhum1042023-07 

Hình 7. Lực lượng chức năng tại Cù Lao Chàm kiểm kê tôm hùm trước thời điểm cấm 01/4-31/5.

Để bảo vệ nguồn lợi tôm hùm tự nhiên, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và đảm bảo sinh kế cho cộng đồng một cách bền vững, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ, bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm như Tôm hùm tại Nghị định số 26/2019/ NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2019 và Nghị định 42/2019/NĐ - CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ như sau:

- Không được khai thác, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài tôm hùm có nguồn gốc khai thác tự nhiên trong thời gian từ 01/4-30/5 hằng năm;

- Nên chia sẻ, phổ biến thông tin nêu trên đến người dân, du khách, cơ sở thu mua, nhà hàng và toàn xã hội nhằm góp phần bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi tôm hùm tự nhiên.

Tại Điều 8 Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nêu rõ: Khai thác trái phép loài thủy sản không đảm bảo điều kiện theo quy định thuộc Nhóm II của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản dưới 10 kg;

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 10 kg đến dưới 20 kg;

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 20 kg đến dưới 50 kg;

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 50 kg đến dưới 100 kg;

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 100 kg trở lên.

(Bài viết sử dụng tư liệu và hình ảnh từ đề tài “Điều tra thành phần loài, vùng phân bố, hiện trạng khai thác và xây dựng mô hình đồng quản lý tôm hùm, vú nàng tại Cù Lao Chàm” của tác giả Lê Ngọc Thảo và ctv, 2013).

Thúy Trang-BQL KBTB

 
 

Đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào (Khánh Hòa)

PDF.InEmail

Thứ ba, 04 Tháng 4 2023 14:26 Số truy cập:334

Ngày 24/3/2023, tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra Lễ Công bố Quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu bảo vệ Hệ sinh thái biển Rạn Trào, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Sự kiện được Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp cùng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa và UBND huyện Vạn Ninh tổ chức với sự tham gia hơn 100 đại biểu từ các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương và đông đảo cộng đồng.

Đọc thêm...

 
 

Bảo vệ cá mó vì một rạn san hô khỏe mạnh

PDF.InEmail

Thứ ba, 28 Tháng 3 2023 14:32 Số truy cập:509

Cá Mó, Mó vẹt hay còn gọi là cá Vẹt có tên tiếng Anh là Parrotfish thuộc họ Scaridae, thường sống trên các rạn san hô nhiệt đới. Sở dĩ nó có tên gọi là cá Vẹt vì bộ răng của chúng có khoảng 1.000 chiếc, sắp xếp trong 15 hàng, hợp nhất với nhau, tạo thành cái mỏ giống con Vẹt. Loài cá này có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, lớp vảy thường có màu xanh óng ánh và có thể thay đổi màu sắc theo điều kiện ngoại cảnh và lúc chuyển giới tính thụ động. Cá mó thuộc nhóm ăn thực vật, thức ăn yêu thích của chúng là các loài tảo biển có trong các rạn san hô sống, san hô chết và trên đá. Mỗi ngày chúng thường dành khoảng 90% thời gian để tìm kiếm thức ăn.

Đọc thêm...

 
 

Tổng kết hoạt động của Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An

PDF.InEmail

Thứ sáu, 03 Tháng 3 2023 15:18 Số truy cập:427

Sáng ngày 23/2, UBND thành phố đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2023 của Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới (BQL Khu sinh quyển) Cù Lao Chàm – Hội An. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố – Trưởng BQL Khu sinh quyển chủ trì hội nghị.

A-tongketKSQ03032023-01

Đọc thêm...

 
 

Trang 1 trong tổng số 53

..