Lặn bắt hải sản trong vùng cấm

7.5k lượt xem

Ngày 12/9/2018 lực lượng tuần tra Ban quản lý Khu Bảo tồn biển phát hiện và xử lý một trường hợp vi phạm khai thác hải sản trong vùng cấm . Đối tượng bị bắt giữ là ông Phạm Thanh Hải, là người dân địa phương, trú tại thôn Bãi Làng-xã Tân Hiệp-thành phố Hội An đồng thời là thành viên của tổ xe ôm tự quản do UBND xã thành lập.

Hành vi của ông Hải gây tổn hại đến hệ sinh thái rạn san hô và các giá trị đa dạng sinh học biển. Với mức phạt 3.400.000 đồng cùng với hình thức cảnh cáo trước tổ xe ôm, nếu tái phạm thêm một lần nào nữa sẽ bị khai trừ ra khỏi tổ, có lẽ đây là một bài học đối với ông Hải nói riêng và cho những ai có ý định thực hiện việc khai thác trái phép tại vùng cấm của Khu Bảo tồn biển nói chung.

Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm là vùng biển được đánh giá cao về sự đa dạng sinh học với hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển với nhiều loại thủy hải sản có giá trị cư ngụ. Để có được một bức tranh đại dương đầy màu sắc như vậy không phải tự nhiên mà có; mà đó là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của những người làm công tác bảo tồn, từ việc nghiên cứu phục hồi san hô, phân vùng bảo vệ… cho đến việc tuần tra ngăn chặn các đối tượng khai thác trái phép.

Bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học biển chính là bảo vệ đời sống của chính cộng đồng sống trong môi trường đó và cũng là bảo vệ cho tương lai của con cháu chúng ta sau này chứ không phải cho một ai khác. Vì vậy, mỗi người dân đều nên góp phần vào việc bảo vệ và duy trì sự đa dạng sinh học, có thể từ những việc nhỏ như bảo vệ môi trường biển, tuân thủ các quy định của chính quyền và cơ quan chức năng… Mỗi hành động nhỏ mang lại những ý nghĩa to lớn, quan trọng là xuất phát từ việc làm của mỗi cá nhân, vụ việc một cá nhân sống trong một môi trường biển phong phú, hưởng lợi ích từ biển mà lại không biết bảo vệ như trường hợp ông Hải nói trên thì thật đáng xấu hổ. Chính người dân nơi đây nhưng lại không biết bảo vệ như vậy thì làm sao tránh khỏi những trường hợp người dân nơi khác đến khai thác, phá hoại những thành quả mà chúng ta phải nỗ lực không ngừng mới có được.

Mong rằng trường hợp trên chỉ là một con sâu làm rầu nồi canh, hơn hết mỗi chúng ta phải hiểu rõ những gì ta làm có ảnh hưởng gì cho tương lai, cho con cháu chúng ta sau này nếu như ta vẫn tiếp tục sai phạm và khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên. Mỗi người dân chúng ta phải nâng cao ý thức trong việc giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và góp phần tham gia bảo vệ cùng với cơ quan chức năng thì đó mới là giải pháp bền vững cho tương lai.

Thúy Trang – BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Bình luận