Lợi bất cập hại từ việc cho cá ăn trong các vùng “Rạn san hô”

116 lượt xem

Rạn san hô là hệ sinh thái có năng suất sinh học cao, không những có giá trị về mặt sinh thái mà còn có giá trị về mặt kinh tế lâu dài nếu được khai thác một cách hợp lý. Tuy chỉ chiếm khoảng 0,1% diện tích toàn cầu nhưng rạn san hô được đánh giá là một hệ sinh thái có vai trò đặc biệt quan trọng của đại dương, chúng góp phần cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp cho 10% tổng sản lượng nghề cá trên toàn thế giới (Theo bài viết Quản lý và phục hồi rạn san hô phục vụ phát triển du lịch sinh thái ở Khánh Hòa, PGS.TS Võ Sỹ Tuấn, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trên trang Tạp chí điện tử của Bộ tài nguyên và môi trường).

Cù Lao Chàm được đánh giá là vùng biển có đa dạng sinh học cao với hệ sinh thái hơn 356 héc-ta rạn san hô với tổng cộng 337 loài san hô cứng thuộc 40 giống và 17 họ, rạn san hô khỏe mạnh là môi trường thuận lợi cho sự phát triển và sinh trưởng của các loài thủy hải sản tại vùng biển Cù Lao Chàm.

Hình 1. Hệ sinh thái rạn san hô Cù Lao Chàm

Hệ sinh thái rạn san hô không chỉ có đóng góp lớn cho ngành khai thác thủy hải sản mà còn thúc đẩy sự phát triển các hoạt động du lịch và dịch vụ. Tại Cù Lao Chàm, các hoạt động du lịch, dịch vụ dựa trên hệ sinh thái của Rạn san hô như snorkeling, scuba diving, đi bộ dưới đáy biển đã trở thành nguồn thu nhập lớn và mang lại nhiều lợi ích kinh tế tích cực. Các hoạt động, dịch vụ này cũng đã góp phần quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp, sự phong phú, đa dạng của hệ sinh thái Rạn san hô, tài nguyên sinh vật biển. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích này, cũng cần xem xét những tác động tiêu cực mà những hoạt động dịch vụ này mang lại, trong đó là vấn đề “Cho cá ăn trên các vùng Rạn san hô trong Tour dịch vụ”

Hình 2: Du khách tham gia bơi, lặn ngắm san hô

Việc cho cá ăn trên các vùng Rạn san hô được lồng ghép trong chương trình tour dịch vụ có thể tạo ra cơ hội kinh doanh và thu nhập cho các đơn vị, công ty hay cá nhân tổ chức hoạt động trong việc thu hút khách hàng với loại hình dịch vụ hấp dẫn, thú vị, đối với du khách trải nghiệm loại hình dịch vụ này sẽ được tương tác trực tiếp với các loài cá, sinh vật sống dưới biển, tạo cảm giác thích thú, mức độ hài lòng cao. Tuy nhiên việc này thực sự không mang tính sinh thái và tác động tiêu cực với Rạn san hô, các loài cá, sinh vật sống trên vùng rạn. Các lý do có thể kể đến như sau:

  1. Thay đổi tập tính sinh học của các loài cá: thay vì với cơ chế tự đi kiếm ăn theo bản năng sinh tồn thì các loài cá sẽ có động thái chờ đợi nguồn thức ăn từ con người qua việc cho chúng ăn từ các hoạt động dịch vụ, ngoài ra tính cạnh tranh, thù địch, sự xung đột giữa các loài cá cũng sẽ cao hơn khi việc cho ăn diễn ra thường xuyên.
  2. Gây hại trực tiếp cho các loài cá: Việc cho cá ăn các loại thức ăn như bánh mì, cơm…đã phần nào tác động đến sự sinh trưởng, phát triển của các loài cá rạn bởi lẽ mỗi loài cá có một chế độ ăn khác nhau và đa phần không ăn tạp, việc cho cá ăn các loại thức ăn khác so với tập tính vốn có sẽ làm rối loạn các loại vi khuẩn trong dạ dày, gây rối loạn hệ tiêu hóa của chúng, dấn đến việc sức khỏe của chúng trở nên xấu đi hoặc có thể gây chết chúng.
  3. Gây hại cho hệ sinh thái trong khu vực: Các loài cá thay đổi tập tính, chết hoặc suy giảm số lượng sẽ gây mất cân bằng chuỗi thức ăn tại vùng rạn từ đó dẫn tới việc mất cân bằng sinh học tại khu vực đó, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái Rạn san hô, sản lượng cá giảm sẽ là điều kiện để tảo, rong biển phát triển, khi tảo, rong biển phát triển sẽ hạn chế cơ chế hô hấp, quang học của san hô, từ đó sức sống của san hô sẽ bị ảnh hưởng.

    Hình 3: Du khách cho cá ăn khi tham gia tour đi bộ dưới biển

    Việc cho cá ăn được lồng ghép vào các chương trình tour dịch vụ có thể mang lại những lợi ích về mặt kinh tế du lịch nhưng việc làm này không mang tính khoa học, tính sinh thái, đặc biệt sẽ gây ra rất nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường biển, sức khỏe các loài cá, sinh vật biển và nhất là đối với hệ sinh thái rạn san hô.

    Nguồn bài viết:

    https://www.petmetwice.com/can-fish-eat-bread/

    – https://onbird.vn/vi/5-ly-do-tai-sao-khong-nen-cho-ca-an-khi-lan-ngam-san-ho/

    Hình 3. Khuyến cáo không cho cá ăn trong quá trình bơi lặn biểnHiện nay tour trải nghiệm lặn ngắm san hô của công ty OnBird tại Phú Quốc đã có nghiêm cấm du khách cho cá ăn trong quá trình bơi lặn biển vì vậy để Cù Lao Chàm phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đề nghị các công ty du lịch đang hoạt động tại vùng biển Cù Lao Chàm không cho động vật biển ăn thức ăn có nguồn gốc xuất xứ từ con người trong phạm vi Khu Bảo tồn biển.

    Thúy Trang-BQL Khu BTB Cù Lao Chàm