Tóm tắt: Du lịch bền vững là một nội dung quan trọng của chương trình phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc được tái khẳng định tại Hội nghị Johannesburg – 2002 và của Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 – Agenda 21). Phát triển du lịch bền vững với điểm đến là khu bảo tồn biển cần được triển khai cùng với mô hình khai thác và bảo tồn các loài thủy sinh quý hiếm. Cua Đá Cù Lao Chàm là nghiên cứu trường hợp để hỗ trợ xây dựng và phát triển thành thương hiệu loài đặc trưng, có chỉ dẫn địa lý góp phần phát triển du lịch bền vững. Với cách tiếp cận quan điểm phát triển bền vững (PTBV), khoa học quản lý và phương pháp thống kê, tổng hợp, tổng kết thực tiễn nghiên cứu này làm rõ sự cần thiết phát triển du lịch bền vững dựa vào người dân địa phương cùng với mô hình kết hợp khai thác với bảo tồn cua Đá bền vững hơn ở Cù Lao Chàm. Qua đó, cải thiện thu nhập của người dân địa phương thúc đẩy hoạt động bảo tồn ở khu dự trữ sinh quyễn thế giới Cù Lao Chàm.
Từ khóa: Nguồn lợi thủy sản, Cua Đá, Cù Lao Chàm, du lịch bền vững.
Summary: Sustainable tourism is considered to be an important part in the program agenda of sustainable tourism development reaffirmed and approved in United Nations’ Report of the World Summit on Sustainable Development, Johannesburg-2002 and in “The strategic orientation for sustainable development in Vietnam” (Vietnam Agenda 21). Sustainable tourism development within the protected marine and coastal areas should accordingly be implemented along with the models of exploitation and protection of rare aquatic species. Gecarcoidea lalandii (Cua Đá) in Cu Lao Cham, Hội An is a case study with the aim to support the building and developing a typically local brand of a specific species, with geographical indications in contributing to sustainable tourism development. Adopting the sustainable development approach, science management and statistically synthetized practice, this paper highlighted the necessity of sustainable tourism development based on the marine and coastal community for the protection of Gecarcoidea lalandii (Cua Đá) in Cu Lao Cham. Hence, this can improve local people’s livelihoods and enhance the conservation practice in Cham Island Biosphere Reserve.
Keywords: Aquatic resources, Gecarcoidea lalandii, Cu Lao Cham, sustainable tourism.
Đặt vấn đề
Phát triển du lịch bền vững (DLBV) thường dùng các khu bảo tồn và vườn quốc gia làm điểm đến và được tổ chức thực hiện bởi các chủ thể liên quan như ban quản lý các khu bảo tồn, vườn quốc gia; cơ quan chính quyền (địa phương, trung ương); các công ty du lịch, đại diện người dân địa phương. Phát triển du lịch, hình thành các sản phẩm DLBV cùng với các hình thức tổ chức đào tạo, nghiên cứu, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản từ khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là định hướng phát triển dựa vào ba trụ cột theo quan điểm PTBV: bảo vệ môi trường, phát triển xã hội – văn hóa và phát triển kinh tế.
Đồng quản lý và chiến lược truyền thông không chỉ liên quan đến việc quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn liên quan đến việc nâng cao nhận thức cho người dân về các phương pháp quản lý nguồn lợi có sự tham gia của cộng đồng/đồng quản lý, đào tạo cho cán bộ liên quan về công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản mang tính bền vững cũng như hỗ trợ cho các tổ công tác, hợp tác xã và hội nghề thủy sản…
Con cua Đá Cù Lao Chàm (Gecarcoidea lalandii) đã từng được quản lý theo nội dung của Chỉ thị 04 được UBND thành phố Hội An ban hành năm 2009 về tạm dừng khai thác, vận chuyển, buôn bán cua Đá Cù Lao Chàm nhằm phục hồi đối tượng này tại xã Tân Hiệp. Tuy nhiên, trên thực tế cua Đá vẫn bị người dân đánh bắt, vận chuyển và buôn bán trái phép tại Cù Lao Chàm, nhất là trong mùa du lịch từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm. Mặc dầu, chính quyền địa phương đã có nhiều hoạt động giám sát, ngăn chặn, xử lý, nhưng cua Đá vẫn bị khai thác lén lút và kết quả là khó có thể kiểm soát và dự báo được sự phục hồi của loài động vật này tại Cù Lao Chàm. Năm 2010, phối hợp với Quỹ Môi trường Toàn Cầu và thành phố Hội An, Hội Nông dân xã Tân Hiệp đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm”. Dự án được tiến hành từ tháng 1/2010 đến tháng 12/2012, đã nghiên cứu xây dựng được khung quản lý và một mô hình cộng đồng bảo vệ, khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm đã được hình thành.
Nội dung:
1. Phát triển du lịch bền vững
Theo Mạng Lưới tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (United Nation World Tourism Organization Network – UNWTO), phát triển DLBV thể hiện ở sự kết hợp hài hoà giữa mục tiêu bảo vệ môi trường, xã hội và văn hóa, với phát triển kinh tế.
Về môi trường, phát triển DLBV đặt ra yêu cầu khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường. Khai thác nguồn tài nguyên một cách có trách nhiệm, đảm bảo các nguồn tài nguyên tái sinh và phát triển để thế hệ mai sau tiếp tục khai thác và bảo tồn. Sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường đóng vai trò chủ yếu trong phát triển DLBV, duy trì quá trình sinh thái thiết yếu, giúp duy trì di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học tự nhiên. Bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm, bảo vệ nguồn nước, không khí và đất không bị ô nhiễm. Đảm bảo sự hài hòa về môi trường sinh sống cho các loài động thực vật cũng là kiểm soát môi trường sống của con người được an toàn (Bùi Đức Hùng; 2012).
Về xã hội và văn hóa, phát triển DLBV đặt ra yêu cầu đảm bảo các vấn đề về xã hội, tăng trưởng kinh tế du lịch phải tham gia giải quyết việc làm cho người dân địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm bớt các tệ nạn xã hội, đảm bảo ổn định xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tôn trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa, các giá trị truyền thống của cộng đồng địa phương (Bùi Đức Hùng, 2012).
Về kinh tế, phát triển DLBV thể hiện ở sự tăng trưởng và phát triển lành mạnh, hiệu quả của tất cả các sản phẩm du lịch, đặc biệt, các sản phẩm du lịch liên quan đến sử dụng tài nguyên thiên nhiên và nhân văn (Trave, C và cộng sự; 2017). Sự phát triển của ngành du lịch không làm tổn hại đến ngành khác. Là sự tiến bộ về kinh tế do du lịch mang lại thể hiện ở quá trình tăng trưởng kinh tế cao, ổn định, sự thay đổi về chất của kinh tế du lịch gắn với quá trình tăng năng suất lao động và quá trình chuyển dịch cơ cấu sản phẩm du lịch theo hướng bền vững (Bùi Đức Hùng, 2013). Bảo đảm hoạt động du lịch tồn tại lâu dài, cung cấp những lợi ích kinh tế tới tất cả những người hưởng lợi và được phân bổ một cách công bằng, bao gồm cả những nghề nghiệp và cơ hội thu lợi nhuận ổn định. Phát triển DLBV về kinh tế còn thể qua việc người làm du lịch, chính quyền địa phương được hưởng lợi, và người dân địa phương có công ăn việc làm.
Mục đích hoạt động DLBV của dân cư là cung cấp sản phẩm du lịch và thu lợi nhuận. Mục đích này phù hợp với mục tiêu chung của đất nước nếu góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế – xã hội của quốc gia một cách bền vững, lấy con người làm trung tâm và phát triển con người (Bùi Đức Hùng, 2012).
Mối quan hệ giữa nghèo khổ với suy thoái môi trường đã tạo nên một cái vòng lẩn quẩn. Người dân nghèo phải tìm mọi cách để sống được bằng việc khai thác tài nguyên thiên nhiên (Bùi Đức Hùng, 2016). Hoạt động du lịch ở khu vực chậm phát triển thường thiếu tri thức, thiếu vốn, thiếu công nghệ, cho nên năng suất lao động thấp, sử dụng năng lượng và nguyên liệu với hiệu suất thấp. Vậy phải lựa chọn, hoặc hạn chế phát triển du lịch để bảo vệ môi trường hay phải tăng trưởng du lịch để xoá nạn nghèo khổ. Rõ ràng, không thể chọn con đường phát triển du lịch bằng mọi giá nhưng cũng không cực đoan bảo vệ môi trường trong tình trạng duy trì đời sống nghèo khổ của người dân địa phương. Vấn đề ở đây là cách thức phát triển du lịch sao cho ảnh hưởng tới môi trường hợp lý và không quá mức. Muốn vậy, cần thay đổi thói quen, tập quán cung cấp sản phẩm du lịch, lối sống trong cộng đồng dân cư. Thành quả cung cấp các sản phẩm DLBV không chú trọng nhiều đến số lượng mà phấn đấu đạt chất lượng và hiệu quả cao.
Phát triển du lịch thường gắn với sản phẩm, điểm đến và phương thức hoạt động du lịch (Briguglio, L. (2017). Đứng trên quan điểm phát triển DLBV đòi hỏi chủ đầu tư lựa chọn hoạt động đảm bảo những chỉ tiêu nghiêm ngặt về môi trường; nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch; đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, năng suất lao động và năng lực cung cấp sản phẩm DLBV.
Hoạt động DLBV phải sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng và không gây ô nhiễm môi trường. Không thể tiến hành hoạt động du lịch bằng cái giá phải trả là sự huỷ hoại về môi trường sinh thái, làm lu mờ bản sắc văn hoá dân tộc nhưng cũng không theo đuổi, giữ gìn môi trường trong tình trạng kém phát triển (Bùi Đức Hùng, 2016). Điều đó, đòi hỏi phải tạo ra, thúc đẩy thực hiện quá trình “Du lịch bền vững”, xây dựng mô hình hoạt động du lịch theo hướng thân thiện với môi trường.
Hiệu quả kinh tế hoạt động du lịch phải gắn với tiến bộ, công bằng xã hội. Đặc biệt, quan tâm đầu tư phát triển DLBV khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa dựa vào cộng đồng nhằm làm cho mức sống của thành thị và nông thôn không chênh lệch nhiều và ngày càng được nâng cao. Nhân tố con người có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả trong cả trước mắt và lâu dài. Do đó, phải chăm lo phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, tham mưu chính sách, đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp du lịch và công nhân kỹ thuật; có chính sách đào tạo và sử dụng nhân tài, (Bùi Đức Hùng, 2013). Nâng cao chất lượng giáo dục để nâng cao dân trí và trình độ nghề du lịch. Phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng của các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, cải thiện điều kiện lao động, vệ sinh môi trường sống và an toàn lao động trong hoạt động du lịch. Tổ chức tốt việc ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ mới. Tôn trọng, nâng niu, có kế hoạch phát huy những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể làm nền tảng trong hình thành nhân cách của cư dân, của người lao động, đạo đức và văn hoá trong kinh doanh của doanh nhân du lịch (Bùi Đức Hùng, 2016). Trong quá trình đó, cần quan tâm xây dựng, thực hiện các mô hình phát triển DLBV.
2. Mô hình phát triển du lịch bền vững dựa vào người dân địa phương: trường hợp bảo tồn cua Đá Cù Lao Chàm – Hội An
Hình 1: Cua Đá Cù Lao Chàm (Gecarcoidea lalandii).
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm trở thành điểm đến du lịch đã từ khá sớm. Tuy nhiên đến năm 2011, hoạt động du lịch mới bắt đầu có sự đóng góp trở lại cho hoạt động bảo tồn biển Cù Lao Chàm thông qua vé tham quan. Trong những năm gần đây, vé tham quan khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã được chấp thuận ở mức 70.000 đồng/người. Số lượng du khách trung bình khoảng 500.000 lượt khách/năm, đã thu được một nguồn kinh phí đáng kể cho việc tái đầu tư trở lại các hệ sinh thái của khu vực (Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, 2017).
Cua Đá Cù Lao Chàm (Gecarcoidea lalandii) là động vật biển nhưng sống ở trên rừng, chỉ xuống biển vào thời gian sinh sản để duy trì nòi giống. Vì vậy cua Đá Cù Lao Chàm là “cầu nối” giữa biển với rừng. Đồng thời là sinh vật chỉ thị cho sức khỏe của hai hệ sinh thái biển và rừng tại Khu bảo tồn biển cùng tên này. Thời gian bầy đàn cua Đá phát triển hưng thịnh nhất cũng là lúc mà rừng Cù Lao Chàm xanh tươi cùng tiếng chim hót và biển Cù Lao Chàm sản vật cá, tôm đầy ấp trong các rạn san hô. Tuy nhiên, cua Đá đã bị khai thác quá mức cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng du khách đến thăm đảo hàng ngày (Trinh, C.M, 2013). Sáng kiến xây dựng mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm được hình thành với mục đích bảo tồn, quản lý và sử dụng vào mục đích phát triển DLBV.
Hình 2: Rừng Cù Lao Chàm, nơi cua Đá sinh sống
Năm 2013, Tổ cộng đồng bảo vệ và khai thác bền vững cua Đá Cù Lao Chàm ra đời với 18 thành viên đến nay tăng lên 43 thành viên và đã được gắn nhãn hiệu sinh thái lên sản phẩm cua Đá Cù Lao Chàm. Cùng với chính quyền địa phương, tổ cộng đồng đã thực nghiệm quy tắc khai thác cua Đá có kiểm soát. Cua Đá được khai thác với số lượng cho phép, không mang trứng, theo mùa vụ và kích thước chiều ngang mai cua không nhỏ hơn 7cm (Trinh, C.M, 2011).
Hình 3: Cua Đá Cù Lao Chàm (Gecarcoidea lalandii) / Cua Đá tại Hòn Dài được người dân địa phương bảo vệ không khai thác trong thời gian 3 năm từ 10/2016 đến 8/2019
Trong 4 năm từ 2013 đến 2016, đã khai thác và gắn nhãn sinh thái tổng cộng 18.972 cua Đá, trong đó 12.780 đực và 6.192 cái. Năm 2016, tổng số được gắn nhãn là 5.020 con, trong đó 3.582 đực và 1.438 cái; với kích thước trung bình chiều ngang mai cua khai thác 7,9 cm, so quy định tối thiểu 7 cm. Cua Đá khai thác đúng quy định được dán nhãn sinh thái. Giá bán tổi thiểu 1.000.000 đồng/kg; Lệ phí là 50.000 đồng/kg sử dụng vào chi phí in nhãn, quản lý, thuế tài nguyên và vận hành của Tổ. Từ ngày 1/8 đến 28/2 hàng năm là mùa sinh sản nên cua Đá được quản lý và bảo vệ (không đánh bắt – theo Chỉ thị 04). Cua Đá được khai thác từ tháng 1/3 đến 31/7 với số lượng cho phép khai thác là 10.000 con/năm, trọng lượng bình quân của cua Đá khai thác từ 4 đến 5 con/1kg (Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, 2017).
Khai thác cua Đá thường vào ban đêm và chỉ có người đàn ông trong gia đình thực hiện, phụ nữ tham gia là người bán cua Đá. Bắt cua Đá thường là ngư dân có nhiều kinh nghiệm, khi cua Đá trở thành mặt hàng quý đối với du lịch thì có nhiều thanh niên trẻ tham gia (số người trẻ dưới 30 tuổi tham gia bắt cua Đá lên đến 40% tổng số người bắt cua Đá tại Cù Lao Chàm).
Hình 4: Cua Đá được kiểm tra theo quy định và dán nhãn sinh thái
Bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm đã và đang góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng cùng xã hội hành động bảo vệ môi trường, động vật hoang dã tại địa phương và quốc gia. Hoạt động của Tổ cộng đồng đã tăng cường bảo vệ rừng tự nhiên Cù Lao Chàm thông qua việc nuôi thử nghiệm cua Đá trong cộng đồng. Kết quả cho thấy là cần bảo vệ rừng tự nhiên để tạo môi trường thiên nhiên cho loài cua Đá sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh hơn nhiều so với nuôi trong cộng đồng dân cư. Đồng thời Tổ cộng đồng triển khai quy tắc khai thác theo kích thước, số lượng, mùa vụ, vùng đã và đang bảo tồn được khoảng 75% số lượng cua Đá trong tự nhiên.
Sáng kiến Tổ cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm đã và đang góp phần vào phát triển du lịch bền vững tại địa phương. Với hình ảnh con cua Đá được gắn nhãn sinh thái thể hiện những nỗ lực rất lớn của cộng đồng với bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường (Trinh, C.M, 2013). Cua Đá gắn nhãn sinh thái là sản phẩm DLBV tại Cù Lao Chàm. Ngày nay khách du lịch đến với Cù Lao Chàm không chỉ để thưởng thức cảnh quan thiên nhiên, văn hóa mà còn đến để biết được cách ứng xử của người dân Cù Lao Chàm với con cua Đá như thế nào? (Trinh, C.M, 2013). Nhiều địa phương khác như Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quốc đã và đang học tập mô hình này để triển khai tại địa phương của mình.
Hình 5: Điểm dán nhãn sinh thái cua Đá Cù Lao Chàm
Cua Đá được bảo vệ và khai thác hợp lý đã góp phần thích ứng biến đổi khí hậu một cách tích cực vì muốn bảo tồn và khai thác cua Đá một cách bền vững Tổ cộng đồng và người dân phải tích cực trong bảo vệ rừng và đặc biệt là rừng tự nhiên. Cua Đá Cù Lao Chàm là loài sống cần có môi trường độ ẩm cao và nguồn thức ăn động thực vật đặc biệt là côn trùng phong phú, vì vậy cần phải giữ gìn rừng trong điều kiện khỏe mạnh. Hoạt động bảo tồn cua Đá đồng thời cung cấp một sinh kế cộng đồng bền vững đã và đang tạo điều kiện cho người dân giảm áp lực khai thác biển, ảnh hưởng đến rạn san hô, thảm cỏ biển, đây là các hệ sinh thái góp phần trong giảm lượng khí nhà kính (lắng đọng CO¬2).
Sáng kiến bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm đã và đang thể hiện một sự tích cực trong việc bảo vệ quyền hưởng dụng tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng. Cua Đá là tài sản cộng đồng, thông qua bảo tồn, giá trị đó càng được nâng lên với ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Với sự hợp tác giữ gìn và cam kết giữa các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân địa phương, cua Đá Cù Lao Chàm đã, đang được bảo vệ và bảo tồn cho sinh kế bền vững của cộng đồng (Trinh, C.M, 2013).
3. Thảo luận
Cùng với phát triển DLBV dựa vào người dân địa phương địa phương, cua Đá Cù Lao Chàm cần phải được bảo vệ và tăng giá trị trao đổi theo giá cả thị trường tương xứng với sự quý hiếm của nguồn gien và thương hiệu nhãn sinh thái của cộng đồng. Chính sự tham gia của cộng đồng trong việc tạo ra và bảo vệ các giá trị văn hóa riêng từ mỗi thôn, làng của người dân sẽ tạo nên phát triển bền vững cho phố cổ Hội An (Trinh Thi Thu & cộng sự, 2014). Sáng kiến bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm đã và đang đóng góp, chia sẻ nhiều kinh nghiệm học tập như đề xuất ý tưởng cần được xây dựng dựa trên nền tảng cái cộng đồng có, không nên trên cái cộng đồng cần; phát huy tối đa nguồn lực địa phương.
Cua Đá Cù Lao Chàm cần được tiếp cận theo phương thức quản lý tổng hợp. Nguồn lực sẵn có ở địa phương được phép quy ra giá trị bằng tiền làm nguồn vốn đối ứng tham gia vào hoạt động của sáng kiến. Cộng đồng và các bên liên quan được tham gia với sự minh bạch trong chia sẻ lợi ích, trách nhiệm quản lý bảo vệ, khai thác và bảo tồn. Đồng thời, cua Đá Flagship Species cần được nghiên cứu xây dựng thương hiệu, thành biểu tượng và đại diện cho sản phẩm hàng hóa, sản phẩm DLBV chất lượng cao của Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm./.
Tài liệu tham khảo
[1] Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (2017), Báo cáo tổng kết năm 2017
[2] Briguglio, L. (2017); Sustainable tourism on small island jurisdictions with special reference to Malta. ARA: Revista de Investigación en Turismo, 1(1).
[3] Bùi Đức Hùng (2012), Một số vấn đề cơ bản về phát triển bền vững vùng Duyên hải Nam Trung Bộ trong quá trình đô thị hóa, Nxb Từ Điển Bách Khoa, Hà Nội
[4] Bùi Đức Hùng (2013), Phát triển bền vững kinh tế vùng Trung Bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, Nxb Từ Điển Bách Khoa, Hà Nội
[5] Bùi Đức Hùng (2016), Mô hình tăng trưởng hướng tới tăng trưởng xanh ở vùng Nam Trung Bộ hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
[6] Trinh, C.M (2011), Đồng quản lý tài nguyên và môi trường tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển T11 (2011), 2, tr.79-95.
[7] Trinh, C.M. (2013). Du lịch sinh thái Cù Lao Chàm – Hội An, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. Số 6-7 (104-105).2013. Tr. 17-27.
[8] Teh, L., & Cabanban, A. S. (2007). Planning for sustainable tourism in southern Pulau Banggi: an assessment of biophysical conditions and their implications for future tourism development. Journal of Environmental Management, 85(4), 999e100
[9] Trinh, Thi Thu, Chris Ryan & Jenny Cav, 2014, Souvenir sellers and perceptions of authenticity–The retailers of Hội An, Vietnam, Tourism Management 45, 275-283.
[10] Trave, C., Brunnschweiler, J., Sheaves, M., Diedrich, A., & Barnett, A. (2017). Are we killing them with kindness? Evaluation of sustainable marine wildlife tourism. Biological Conservation, 209, 211-222.
Bùi Đức Hùng[1]; Chu Mạnh Trinh[2]; Trịnh Thị Thu[3]
[1] Viện Khoa hội xã hội vùng Trung Bộ
[2] Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm
[3] Viện Khoa hội xã hội vùng Trung Bộ