Đồng quản lý là một phương thức quản lý, trong đó nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm và chức năng quản lý với những người sử dụng nguồn lợi. Đây là một mô hình quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên dựa trên sự phối hợp giữa người dân và các cơ quan quản lý, hướng đến việc bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử, phát triển kinh tế xã hội cộng đồng địa phương, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Cùng với mục tiêu trên, Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương đã được thành lập với sự đồng thuận cao của người dân và chính quyền địa phương, nhằm quản lý hơn 19 km2 mặt nước biển được giao, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử đi kèm.
Đề án thành lập Tiểu Khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương được triển khai từ năm 2011 – 2013 theo quyết định số 2614/QĐ – UBND ngày 22/8/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam. Nhiều hoạt động đã được triển khai trong những năm này, từ các hoạt động tham vấn cộng đồng, điều tra nguồn lợi, xã hội, môi trường, phân vùng chức năng… đến việc thiết lập một tổ chức cộng đồng do chính người dân bầu ra, quản lý một số hoạt động trên địa bàn: các hoạt động du lịch, khai thác thủy sản, truyền thông và nâng cao nhận thức. Đến năm 2013, Quy chế quản lý Tiểu Khu chính thức được phê duyệt và ban hành theo quyết định số 20/2013/QĐ – UBND ngày 03/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam. Cho đến nay, Ban quản lý cộng đồng Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương đã có 18 thành viên, bao gồm 01 Trưởng ban, 02 Phó ban, 01 thư ký và các tổ: Tổ truyền thông, Tổ tuần tra và Tổ tự quản.
Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển Bãi Hương do người dân quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả. Cũng giống như những mô hình đồng quản lý khác, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong quá trình quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên là vấn đề cốt lõi. Đây cũng là thuộc tính đầu tiên quan trọng đối với mỗi khu đồng quản lý, bên cạnh sự chia sẻ trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền địa phương cùng với sự hỗ trợ về mặt phương pháp của các cơ quan chuyên môn, cơ quan nghiên cứu khoa học. Người dân được tham gia vào việc lập kế hoạch quản lý, và tổ chức, triển khai các hoạt động trên địa bàn: hoạt động truyền thông, tổ chức các dịch vụ du lịch, dọn vệ sinh, hay phối hợp với lực lượng biên phòng trong công tác tuần tra, giám sát hoạt động khai thác thủy hải sản trên địa bàn… với khả năng của mình nhằm khẳng định quyền làm chủ ở khu vực được giao, góp phần phát huy vai trò, sức mạnh của cộng đồng.
Ảnh 1. Cộng đồng đi tuần tra trên biển
Ảnh 2. Cộng đồng thảo luận
Trải qua gần 8 năm hoạt động, kể từ khi dự án được phê duyệt, Tiểu khu đồng quản lý Bảo tồn biển thôn Bãi Hương đã đạt được một số kết quả nhất định như: ban hành quy chế quản lý Tiểu khu đồng quản lý Bảo tồn biển thôn Bãi Hương, đạt được sự đồng thuận của người dân, nhờ đó người dân tích cực tham gia vào các hoạt động tại địa phương hơn, cơ cấu tổ chức ngày càng được hoàn thiện, năng lực của người dân ngày càng được nâng cao, thu hút nhiều tổ chức đến đầu tư, môi trường và nguồn lợi của Tiểu khu ngày càng được giữ gìn, bảo vệ, quang cảnh sạch đẹp tạo điều kiện thu hút du khách đến tham quan ngày càng đông. Từ đó, thu nhập người dân được nâng cao đáng kể, đời sống được cải thiện. Hoạt động khai thác thuỷ sản trong phạm vi Tiểu khu đã được kiểm soát chặt chẽ từ số lượng phương tiện cho đến công suất tàu thuyền, chủng loại ngư cụ, kích thước mắt lưới, đối tượng khai thác… thông qua việc Ban quản lý cộng đồng đã tổ chức cho người dân thôn Bãi Hương đăng ký khai thác thuỷ sản.Để đạt được những thành tựu trên, đóng góp to lớn nhất phải kể đến là sự chung tay của BQL cộng đồng Tiểu khu Đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương và cả cộng đồng người dân Tiểu khu trong tất cả các hoạt động nhằm hướng đến sự phát triển lâu dài trên chính mảnh đất của mình.
Ảnh 3. Cộng đồng phối hợp đi tuần tra xử lý vi phạm
Đồng quản lý là một mô hình quản lý không mới trên thế giới và tại Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy, để vận hành có hiệu quả, thu hút và phát huy sức mạnh của cộng đồng trong công tác quản lý là điều không dễ dàng.Tiểu khu Đồng quản lý bảo tồn biển Bãi Hương là đơn vị đầu tiên trên cả nước được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam trao quyền quản lý và sử dụng mặt nước biển với khoảng 19,05km2. Vừa vận hành mô hình Đồng quản lý, vừa tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động trên địa bàn, Ban quản lý cộng đồng Tiểu khu gặp không ít khó khăn như chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan, các phương tiện khai thác ngoài địa phương vẫn còn hoạt động trong phạm vi Tiểu khu, năng lực còn hạn chế,… Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng của Ban quản lý Cộng đồng và các bên liên quan: Chính quyền địa phương, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm… nguồn lợi và hệ sinh thái ở Tiểu khu được bảo vệ, ý thức người dân được nâng cao, đời sống được cải thiện. Điều này đã khẳng định hơn nữa tính hiệu quả của mô hình trong phương thức quản lý tài nguyên, gắn vai trò, trách nhiệm của người dân vào nguồn tài nguyên tại địa phương, sử dụng hợp lý, hướng đến sự phát triển bền vững.
Nguyễn Thúy – Phòng TT&KS