Ứng dụng công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART) tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm: Những bước đi đầu tiên

2.5k lượt xem

1. Giới thiệu/Thông tin chung

– Công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART) được xây dựng để nâng cao nỗ lực chống săn trộm và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật tại các Khu bảo tồn và các vùng được quản lý. SMART cho phép thu thập, lưu trữ, trao đổi thông tin và đánh giá dữ liệu về: nỗ lực tuần tra (ví dụ: thời gian tuần tra, khu vực và khoảng cách tuần tra), kết quả tuần tra (ví dụ: số lượng bẫy được gỡ, các hoạt động vi phạm lâm luật), mức độ đe dọa và các hoạt động thực thi pháp luật khác. “Phương pháp tiếp cận SMART” bao gồm công cụ quản lý hiện trường tiên tiến với các hoạt động nâng cao năng lực và bộ tiêu chuẩn cho hoạt động bảo tồn. Khi SMART được sử dụng một cách hiệu quả sẽ tạo và duy trì quá trình trao đổi thông tin giữa các đội tuần tra, người phân tích dữ liệu và nhà quản lý. Phương pháp tiếp cận SMART có thể giúp cải thiện đáng kể công tác bảo vệ động vật hoang dã và môi trường sống của chúng.

– Hiện nay, SMART đã được áp dụng tại hơn 70 quốc gia với trên 1000 VQG, KBTtrên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, có khoảng hơn 30 khu đã sử dụng phần mềm này: VQG Bạch Mã, Cúc Phương, Núi Chúa… từ những năm 2010. SMART được xem như một cụ thu thập và quản lý dữ liệu hiệu quả bởi việc xây dựng các truy vấn, báo cáo giúp người dùng có thể lấy được thông tin mình cần một cách chính xác và nhanh, thể hiện được một số yếu tố trên bản đồ và mở rộng quản lý với các hoạt động khác của VQG, KBT.

2.Hiện trạng quản lý dữ liệu tuần tra kiểm soát tại KBTB Cù Lao Chàm

Từ khi thành lập Khu BTB đến nay, số liệu tuần tra, kiểm soát quản lý các phương tiện khai thác thủy sản và các phương tiện triển khai dịch vụ du lịch thường được thu thập một cách thủ công bằng cách ghi chép trên giấy các lượt tuần tra, kiểm soát, các thông tin vi phạm: địa chỉ người vi phạm, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt… Việc xử lý số liệu từ đó cũng trở nên thủ công, mất khá nhiều thời gian của người quản lý đặc biệt khi so sánh dữ liệu qua các năm, và không thể hiện trực quan các dữ liệu thông qua hình ảnh. Trong khi đó, hằng năm Ban quản lý tiến hành rất nhiều lượt tuần tra, kiểm soátbằng nhiều hình thức, phương tiện (trung bình hằng năm khoảng 200 lượt)và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, công nghệ viễn thám, bản đồ… được áp dụng nhiều vào quản lý các hoạt động nói chung cũng như theo dõi các hoạt động bảo tồn, động vật hoang dã…

– Năm 2018, Ban quản lý KBTB bắt đầu được tiếp cận với công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra SMART. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, chỉ có các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn trên cạn áp dụng công cụ này. Các hoạt động tham gia tập huấn, sử dụng GPS, áp dụng thử nghiệm công cụ SMART bắt đầu được nghiên cứu và triển khai, thiết lập mô hình dữ liệu mới cho Khu bảo tồn có hợp phần biển. Đến năm 2020, công cụ SMART chính thức được áp dụng tại KBT. Bên cạnh ghi chép lại các thông tin tuần tra, vi phạm trên giấy, dữ liệu còn được thu thập qua GPS (lưu đường tuần tra, điểm vi phạm) và xử lý trên phần mềm SMART. Thông qua việc thiết lập các truy vấn, báo cáo tuần tra được chạy tự động theo thời gian tùy chọn mà không cần các thao tác xử lý số liệu thủ công như trước đây.

Ngoài ra, các nội dung trên được thể hiện trực quan trên các biểu đồ, bản đồ phân vùng Khu BTB.

3.Kết quả

3.1. Vận hành công cụ

– Mô tả thiết bị vận hành

Để vận hành và áp dụng công cụ SMART vào quản lý các hoạt động tuần tra, kiểm soát cần có thiết bị GPS và biểu mẫu nhập liệu hoặc smartphone, máy tính. Các thiết bị: smartphone và máy tính đều được cài phần mềm SMART tương ứng với hệ điều hành tương thích và theo cùng một mô hình dữ liệu có thiết lập sẵn theo khu vực mình quản lý.

– Quy trình và nhân lực vận hành

Hình 1: Các bước trong phương pháp tiếp cận SMART để giám sát thực thi pháp luật

Tuần tra viên thu thập và ghi lại dữ liệu về những nơi họ đi và những gì họ thấy, chẳng hạn như các hoạt động của con người, các biện pháp xử lý, các quan sát về động vật hoang dã và các đặc điểm sinh cảnh. Có hai hình thức thu thập dữ liệu: thu thập dữ liệu bằng GPS và giấy hoặc bằng Smartphone có cài đặt ứng dụng SMART (gọi là SMARTMOBILE). Dữ liệu này được quản trị viên đưa vào phần mềm SMART trên máy tính và xử lý lỗi, sau đó phân tích và tạo báo cáo. Dữ liệu được xử lý thành các bảng, biểu đồ và bản đồ trực quan thể hiện nỗ lực, phạm vi và kết quả tuần tra, tạo cơ sở cho việc phân tích và đánh giá hiệu quả của quá trình tuần tra. Tiếp theo đó, dựa trên báo cáo tạo được tiến hành đánh giá và phản hồi, thảo luận về những kết quả đạt được với ban lãnh đạo. Từ đó xây dựng kế hoạch/ chiến lược tuần tra trong giai đoạn tiếp theo.

Hình 2: Hệ thống SMART

Hình 2: Hệ thống SMARTTất cả các quy trình, thiết bị, ứng dụng như trên tạo thành một hệ thống. Người quản trị có thể tạo những truy vấn và báo cáo khác nhau tùy vào mục đích lấy thông tin.

3.2. Kết quả

3.2.1. Lập báo cáo công tác tuần tra, kiểm soát

Hình 3: Số lượt tuần tra theo từng phương thức và phương tiện tuần tra

Hình 4: Tổng hợp các trường hợp vi phạm

Hình 5: Tổng hợp các hình thức xử lý vi phạm và các trường hợp vi phạm trong hoạt động du lịch

Thông tin về dữ liệu tuần tra, kiểm soát và các trường hợp vi phạm được chạytự động theo khung thời gian tùy chọn và mẫu báo cáo được thiết lập sẵn.

Báo cáo trên cho thấy, số liệu có thể được phân tích cụ thể từng trường thông tin khác nhau: số lượt tuần tra theo từng hình thức, phương thức, số vi phạm khai thác thủy sản theo nghề, theo phân vùng chức năng của Khu bảo tồn biển, các trường hợp vi phạm trong hoạt động du lịch biển…

Bên cạnh đó các số liệu có thể được biểu diễn bằng biểu đồ,tùy theo nhu cầu người dùng.

Ngoài ra, với việc sử dụng GPS hoặc điện thoại thông minh để lưu đường đi tuần tra, tọa độ các điểm vi phạm, kết quả tuần tra có thể được biểu thị thông qua bản đồ.

Hình 6: Bản đồ đường tuần tra

Hình 7: Bản đồ các điểm vi phạm

3.2.2. Đánh giá

SMART là một công cụ hỗ trợ quản lý hiệu quả, giúp đội tuần tra có thể nắm được các thông tin khai thác, du lịch một cách nhanh chóng, ngành nghề khai thác theo mùa vụ, diễn biến khai thác theo mùa để thay đổi linh hoạt các phương thức tuần tra khác nhau hoặc đề xuất các biện pháp khác nhằm ngăn chặn các hành vi không đúng quy chế Khu bảo tồn cũng như các quy định khác có liên quan. Bên cạnh đó, thông qua báo cáo, ban lãnh đạo có thể nhìn thấy bức tranh chung về những nỗ lực tuần tra cũng như tình hình vi phạm trên địa bàn.

Từ những thông tin thu thập được, người quản trị có thể xây dựng nhiều báo cáo khác nhau phục vụ cho công tác chuyên môn của đơn vị.

Vì là đơn vị đầu tiên trên cả nước áp dụng công cụ SMART vào tuần tra, kiểm soát ở Khu bảo tồn có hợp phần biển, do đó trong quá trình vận hành gặp không ít khó khăn:

Thao tác lưu dữ liệu trên GPS và ghi chép nhật ký tuần tra chưa tốt;

Chưa ghi chú và đưa vào các thông tin cần thiết khác để quản lý: điều tra đa dạng sinh học, sự cố môi trường, theo dõi động vật hoang dã…

Thao tác sửa lỗi tracks (đường đi), tạo truy vấn và báo cáo dữ liệu chưa thuần thục;

Chưa tạo liên kết báo cáo với cấp lãnh đạo.

4. Kết luật và kiến nghị

4.1. Kết luận

Qua hơn 1 năm vận hành thử nghiệm SMART đã góp phần bước đầu tạo sự thuận lợi trong công tác tuần tra trên biển: chủ động và khoa học hơn trong công tác báo cáo, xác định xu hướng trong khai thác thủy sản của ngư dân; từ đó giúp Khu bảo tồn biển hướng dẫn ngư dân khai thác hiệu quả hơn nhưng không ảnh hưởng đến công tác bảo tồn biển;

Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn biển đã tự tin nắm bắt, vận hành và ứng dụng sâu rộng trên các tuyến/hình thức tuần tra.

4.2 Kiến nghị

Tiếp tục thu thập dữ liệu tuần tra, kiểm soát, vi phạm và tạo báo cáo qua công cụ SMART.

Áp dụng SMARTMOBILE vào thu thập dữ liệu hiện trường thay bằng GPS và nhật ký ghi chép.

Mở rộng các trường thông tin thu thập dữ liệu vào SMART trong năm 2022: theo dõi động vật hoang dã (còn sống, chết, đối tượng: rùa biển, cá heo…); theo dõi các chương trình điều tra đa dạng sinh học, sự cố môi trường.

Mở rộng áp dụng SMART thu thập dữ liệu của hợp phần rừng: tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng.

Mở rộng đào tạo, tập huấn và áp dụng chương trình SMART khác: chương trình SMART nâng cao, SMART connect.

Một số hình ảnh hoạt động:

 Nguyễn Hồng Thúy, Huỳnh Ngọc Diên

BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Bình luận