Đa dạng sinh học biển Cù Lao Chàm từ góc nhìn thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn

13.3k lượt xem

Sông suối là con đường giao lưu vật chất giữa lục địa và biển, không chỉ có ảnh hưởng trực tiếp đến các loài di cư sông – biển, biển – sông mà còn là hành lang xâm nhập của các sinh vật biển vào nước ngọt trong quá khứ và hiện tại, góp phần hình thành khu hệ động vật nước ngọt [5]. Sông suối còn là nơi duy trì nguồn gen của các loài thủy sinh cho các thủy vực nước tĩnh thuộc lưu vực của chúng, đồng thời là nơi cung cấp nhiều giá trị cho cuộc sống con người không chỉ vùng thượng du mà rất quan trọng đối với vùng trung du, hạ du và vùng biển đảo.

1. Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn đã tạo ra hành lang đa dạng sinh học phong phú cho tỉnh Quảng Nam.

Với lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu, phần lớn diện tích phía Tây của tỉnh Quảng Nam được bao phủ bởi 425.921 ha rừng trong đó rừng tự nhiên chiếm đến 91,3% (388.803 ha) với độ phủ trung bình đạt 40% [1] . Nằm len lỏi trong những cánh rừng đại ngàn là hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn với diện tích lưu vực lên đến 9.597km2, là một trong chín lưu vực sông lớn của cả nước và là lưu vực sông lớn nhất của khu vực Trung Trung Bộ. Dòng chính là sông Thu Bồn bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Linh cao 2.598m, chiều dài sông chính 204km [4] chảy theo hướng Nam – Bắc dọc sườn Đông dãy Trường Sơn, chuyển hướng Tây – Đông qua vùng đồng bằng rồi đổ ra biển Cù Lao Chàm qua Cửa Đại (sông Thu Bồn) và cửa sông Hàn (Đà Nẵng) [4]. Lưu vực này kết hợp với lưu vực sông Tam Kỳ ở phía Nam, sông Bung, sông Túy Loan ở phía Bắc, các sông Vĩnh Điện ở trung du, sông Trường Giang chạy sát bờ biển và thông ra biển qua cửa An Hòa – Núi Thành và Cửa Đại – Hội An đã tạo ra một vùng sinh thái rộng lớn, nổi trội về tính đa dạng sinh học, tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao thoa sinh vật giữa lục địa và biển. Như vậy, dù có khoảng cách khá xa về địa lý nhưng vùng thượng du, trung du, hạ du, vùng bờ và biển khơi theo lưu vực sông tỉnh Quảng Nam có sự liên hệ mật thiết về mặt sinh thái. Muốn phát huy những ưu thế này, chúng ta không được phép tách rời chúng trong quá trình quản lý.

Hình 1: Lưu vực sông luôn gắn liền với vùng biển đảo tại Quảng Nam.

2. Ưu thế sinh thái và đa dạng sinh học đang dần bị đánh mất.

Để phát huy những giá trị sinh thái mang lại, tỉnh Quảng Nam đã thiết lập và đi vào hoạt động một cách hiệu quả các khu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững cho toàn bộ lưu vực. Phía thượng nguồn có Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Khu bảo tồn Sao La ở phía Tây, các Khu bảo vệ cấp cộng đồng thuộc vùng ngập nước ven biển như Khu bảo vệ rừng ngập mặn Cẩm Thanh (Hội An), Cồn Sy (Núi Thành), Tịch Tây (Núi Thành) và Khu bảo tồn biển/Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Mỗi khu bảo tồn có những giá trị, mục tiêu riêng nhưng chúng đều có mối liên hệ sinh thái một cách khắn khít, phụ thuộc nhau từ thượng nguồn cho tới vùng biển. Đây là một ưu thế rất lớn để phát huy các giá trị do lưu vực sông và vùng ven bờ mang lại. Tuy nhiên những ưu thế đó đang dần mất đi do các hoạt động của con người từ thượng nguồn cho tới biển đảo.

– Diện tích rừng tự nhiên đang dần bị mất đi.

Hình 2: Diện tích rừng tự nhiên đang dần mất đi cho rừng sản xuất và hồ thủy điện.

– Dòng sông vùng thượng nguồn đang bị cắt đứt thành nhiều đoạn nhỏ, rời rạc.

Hiện có 43 công trình thủy điện đang hoạt động trong số hàng trăm dự án đang xin phép [6]. Các đập thủy điện đã cắt đứt dòng sông thành nhiều đọan nhỏ, nhiều công trình còn đổi chiều dòng chảy tự nhiên, gây thiếu nước cục bộ tại hạ du và nghiêm trọng nhất là mất đi các hệ sinh thái thượng nguồn, cắt đứt vòng đời của nhiều loài thủy sản di cư.

Hình 3: Mặt dù đang là cuối mùa mưa (tháng 2/2014) nhưng dòng chính sông Vu Gia từ sau chân đập thủy điện Đakmi 4 (Phước Sơn) hướng về Thành Mỹ (Huyện Nam Giang) khô rốc nước, phơi trơ đáy.

Tính trên phương diện sinh thái rộng lớn hơn, chúng ta có thể ví phần rừng như là thịt và phần sông suối như là mạch máu của một cơ thể, khi mạch máu bị tắt nghẽn thì làm sao phần thịt được nuôi sống?

– Lưu vực đang chịu nhiều tác động.

Hình 4: Vu Gia – Thu Bồn đang oằn mình trước tình trạng đào đải vàng và khai thác cát.

Hiện tượng khai thác vàng, cát xây dựng cùng với diện tích rừng tự nhiên mất đi đã gây sạt lở, ô nhiễm, nghiêm trọng cho dòng sông. Chất cyanua được sử dụng trong quá trình khai thác vàng chính là thủ phạm đầu độc các dòng sông và giết chết cá tôm và các loài thủy sinh khác.

– Nhiều khu công nghiệp, dân cư đang xả thải ra các dòng sông.

Hình 5: Nguồn nước sông Thu Bồn đang chịu nhiều áp lực ô nhiễm từ công nghiệp, đô thị.

– Diện tích rừng ngập mặn và vùng ven bờ bị mất dần.

Hình 6: Nhiều diện tích rừng ngập mặn được chuyển sang ao nuôi tôm và các công trình dân sinh.

Tại Cẩm Thanh – thành phố Hội An trong giai đoạn 1990-2000 có đến 84,04 ha diện tích rừng dừa nước bị mất đi do các ao nuôi tôm (34,74 ha), chuyển sang đất phi nông nghiệp (35,8 ha), chuyển sang đất nông nghiệp (13,5 ha) [3]. Và hiện nay, rừng ngập mặn vốn đã bị thu nhỏ lại đang tiếp tục bị các công trình chiếm lĩnh với nhiều mục đích khác nhau.

Hình 7: Cầu Cửa Đại đang thi công vắt ngang qua rừng ngập mặn Cẩm Thanh

Theo UBND xã Cẩm Thanh cho biết, dự án công trình cầu Cửa Đại sẽ làm mất khoảng hơn 70.000 gốc dừa nước tại Cẩm Thanh – Hội An, chất thải và quá trình thi công cũng làm chết nhiều dừa nước.

– Những tác động từ công trình xây dựng tại vùng cửa sông.

Hàng loạt các công trình như nhà máy xử lý nước thải của thành phố Hội An, công trình cầu Cửa Đại, các khu tái định cư… vv đã lấy đi rất nhiều diện tích rừng dừa nước. Bên cạnh đó, quá trình thi công và chất thải của các hoạt động này có ảnh hưởng đến sức khỏe của rừng dừa nước tại hạ lưu.

Hình 8: Dừa nước Cẩm Thanh đang bị ảnh hưởng từ việc thi công cầu Cửa Đại.

– Bờ biển đang bị bê-tông hóa.

Bờ biển cùng với các thảm thực vật bề mặt như rau muống biển, phi lao sẽ đảm trách vai trò giao thoa, tiêu năng của sóng biển và gió. Đây chính là một hệ sinh thái rất quan trọng đối với các loài nhuyễn thể ven bờ và cực kỳ quan trọng đối với rùa biển để tìm nơi đẻ trứng. Hiện tại vùng đệm này đang là sở hữu của các khách sạn, khu nghĩ dưỡng, đường giao thông…vv.

Hình 9: Toàn bộ diện tích bờ biển Cửa Đại đang bị bê-tông hóa.

Cái mất mát lớn mà chúng ta chưa cân đo, lượng hóa bằng con số đó là những giá trị về mặt cảnh quan biển để thu hút du khách, hệ sinh thái doi cát mà bản thân chúng sẽ mang lại cho con người những giá trị vững chắc.

3. Những hậu quả sinh thái, con người và sinh quyển.

Sự mất đi khá nhiều diện tích rừng tự nhiên đồng nghĩa với việc mất đi các hệ sinh thái thượng nguồn, rừng không phát huy được vai trò giữ nước và tất yếu sẽ thiếu nước vào mùa khô nhưng lại tăng cường lũ vào mùa mưa gây sạt lở và phá hủy tàn khốc từ thượng nguồn cho đến tận biển khơi. Sinh kế của người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hình 10: Tình trạng mất đất canh tác, không có việc làm tại khu tái định cư công trình thủy điện Đakmi 4 (Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Các con sông phơi trơ đáy đồng nghĩa với việc mất đi hệ sinh thái sông suối và tính đa dạng sinh học nơi đây. Các loài cá quí thượng nguồn Quảng Nam như cá niên (Onychostoma), cá chiên (Bagarius), cá ngựa xám (Tor tambroides) và rất nhiều loài khác gắn liền vối khu hệ sinh thái sông suối cũng sẽ biến mất. Các đập thủy điện dày đặc tại thượng nguồn như những cái kéo khổng lồ đã cắt đứt các dòng sông, cắt đứt nguồn sống của khu hệ sinh thái rừng, cắt đứt vòng đời của các loài cá di cư. Điển hình nhất của tỉnh Quảng Nam đó là các loài trong giống cá chình (Anguilla), vòng đời của chúng có một nửa ở biển và một nửa ở các sông suối nước ngọt và vùng thượng nguồn.

Các dòng sông không duy trì được dòng chảy tối thiểu là mối hủy diệt tàn khốc không chỉ đối với các khu vực thượng nguồn mà nó còn ảnh hưởng đến tận các vùng trung du, hạ du và cả vùng biến đảo cách xa chúng hơn 200 km.

Sự ô nhiễm dòng sông đã giết chết rất nhiều loài thủy hải sản trong các khu hệ sinh thái lưu vực sông. Việc mất diện tích rừng ngập mặn, mất các vùng sinh thái đệm ven bờ đã gia tăng mức độ ô nhiễm, xâm nhập mặn và đẩy nhanh tốc độ thủy mạc hóa vùng bờ tỉnh Quảng Nam.

Theo qui trình vận hành hồ chứa thủy điện tại Quảng Nam do Bộ Tài Nguyên dự thảo chuẩn bị trình Chính Phủ, hạ du sông Vu Gia trong mùa cạn sẽ thiếu đến 700 triệu m3 nước so với điều kiện tự nhiên nếu không có đập thủy điện, việc này sẽ gây thiệt hại gấp 5 đến 10 lần giá trị kinh tế mà thủy điện Đakmi 4 mang lại. Ông Huỳnh Vạn Thắng – Phó Giám Đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng tuyên bố: “Nếu bộ Tài Nguyên Môi Trường không sửa dự thảo thì Đà Nẵng phải kiện ra tòa chứ không còn đường nào khác”[2].

Hình 11: Ông Huỳnh Vạn Thắng trao đổi với VnExpress về việc sẽ kiện Bộ TNMT nếu không sửa đổi qui trình vận hành hồ chứa thủy điện (ảnh Nguyễn Đông – VnExpress)

Vùng biển Cù Lao Chàm, điểm cuối cùng trong lưu vực sông Vu Gia Thu Bồn sẽ là nơi gánh chịu toàn bộ những ảnh hưởng, tác động về mặt sinh thái, môi trường và tài nguyên.

Hình 12: Ô nhiễm vùng biển Cù Lao Chàm có nguồn gốc từ các hoạt động trong lưu vực.

4. Sự di cư và việc xây dựng các “Thang cá” tại các đập thủy điện.

Trong tự nhiên có 03 kiểu di cư của các loài có liên quan giữa sông suối và biển cả:

(1) Diadromous: Tên gọi chung cho các loài cá mà trong vòng đời của chúng buộc phải di chuyển giữa nước ngọt và nước mặn. Tiếng Hy Lạp: “Dia’ có nghĩa là “giữa”. Kiểu di cư này có ba loại theo 3 vùng cụ thể:

– Anadromous là loại sống phần lớn ở biển, sinh sản trong vùng nước ngọt. Tiếng Hy lạp: “Ana” có nghĩa là “lên trên”.

– Catadromous là loại cá sống trong nước ngọt, sinh sản trong biển. Tiếng Hy Lạp: “Cata” có nghĩa là “xuống dưới”.

– Amphidromous là loại di chuyển giữa nước ngọt và nước mặn trong một phần vòng đời của chúng, nhưng không phải để sinh sản. Tiếng Hy Lạp: “Amphi” có nghĩa là “cả hai”.

(2) Potamodromous là loại chỉ di cư trong nước ngọt. Tiếng Hy Lạp: “Potamos” có nghĩa là “sông”.

(3) Oceanodromous là loại chỉ di cư trong vùng nước mặn. Tiếng Hy Lạp: “Oceanos” có nghĩa là “đại dương”.

Tại Quảng Nam, chúng ta có đầy đủ các loài với các kiểu di cư nêu trên, chúng di cư theo chu kỳ đều đặn, có loài chỉ di cư vài trăm mét nhưng cũng có loài di cư hàng ngàn ki-lô-mét chẳng hạn như cá chình Anguilla và tôm hùm (Panulirus). Đây là tập tính tự nhiên để các loài để có thể tồn tại và phát triển quần đàn. Tuy nhiên con đường di cư của chúng đang bị quá nhiều rào cản và mối nguy hiểm, chắc chắn sẽ khó đảm bảo được nguồn gen của các loài này.

Để duy trì quần thể các loài di cư, người ta phải ưu tiên xây dựng con đường đi riêng cho chúng tại các nơi bị cản trở và được gọi là “Thang cá”. Đây là một cấu trúc được bố trí nằm trên hoặc nằm xung quanh một bờ cản để tạo điều kiện cho các loài cá di cư tự nhiên. Đa số các “Thang cá” được thiết kế đảm bảo cá có thể vượt quanh các bờ cản bằng các bậc cấp tương đối thấp (vì vậy nên mới có tên gọi là “thang”). Vận tốc nước chảy xuống các bậc thang phải đủ lớn để hấp dẫn cá đến thang nhưng đồng thời không chảy quá xiết đến nỗi cuốn trôi cá trở xuống phía hạ nguồn hoặc làm cho cá đuối sức và không thể tiếp tục cuộc hành trình của chúng lên thượng nguồn.

Hình 13: Đập thủy điện Sông Bung 5, huyện Nam Giang, Quảng Nam chặng kín dòng và “thang cá” tại Đập thủy điện Bonneville trên sông Columbia, Oregon, Hoa Kỳ.

Thông tin sơ bộ từ các nhà quản lý cho thấy hầu hết các đập thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng như trên toàn quốc, chưa có công trình nào có bố trí đường đi riêng cho các loài di cư.

5. Tầm nhìn cho Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Rạn san hô Cù Lao Chàm cùng với các thảm cỏ biển, rong biển, vùng triều bờ đá và các hệ sinh thái vùng ngập nước đã hình thành nên tính đa dạng sinh học cho vùng bờ tỉnh Quảng Nam. Đây chính là giá trị đặc trưng nổi trội mà Khu bảo tồn biển/Khu dự trữ sinh quyển thế giới cần bảo vệ để phát huy những lợi ích do chúng mang lại. Những giá trị này được chi phối theo qui luật tự nhiên và chúng có mối liên hệ rất mật thiết với vùng cửa sông, vùng bờ biển và đặc biệt là thượng nguồn và lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam. Trong tự nhiên, phải trãi qua hàng triệu năm để tạo được một sự ổn định về số lượng các loài, kích thước các quần thể và sự tương tác giữa các quần xã mà chúng ta gọi là “cân bằng sinh thái”. Ấy thế nhưng sự cân bằng này đang bị phá vỡ, sông Vu Gia – Thu Bồn đang chịu những tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các giá trị sinh thái và đời sống cư dân.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm với sứ mệnh bảo tồn và phát huy những giá trị sinh thái của vùng hạ lưu sông Thu Bồn mang lại. Như vậy, ngoài việc quản lý trực tiếp tại hạ lưu, trong chiến lược hành động cần có những can thiệp trên toàn bộ lưu vực theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp và thích ứng. Có như thế thì danh hiệu “Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm” do UNESCO công nhận mới được gìn giữ cho hôm nay và mai sau./.

Tài liệu tham khảo.

[1] Bách khoa toàn thư mở. (2013). Quảng Nam.

[2] Đông, N. (2014). Đà Nẵng dọa kiện Bộ Tài Nguyênhttp://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/da-nang-doa-kien-bo-tai-nguyen-2952159.html.

[3] Phú, N. N. (2012). Phân tích và đánh giá biến động diện tích rừng dừa nước (Nypa fruticans Wurmb) tại xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam. Khóa luận tốt nghiệp – Đại học nông lâm Huế.

[4] Tân, N. N. Tài nguyên nước Vu Gia – Thu Bồn. Dự án ứng dụng.

[5] Tạng, V. T. (2003). Cơ sở sinh thái học. Nhà xuất bản giáo dục.

[6] Tín, T. (27/3/2012). Quảng Nam rà soát hơn 40 đập thủy điệnhttp://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ra-soat-hon-40-dap-thuy-dien-o-quang-nam-2226798.html.

Lê Ngọc Thảo – Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm

Bình luận