Tiếp nối thành công các đợt tập huấn về Khảo cổ học dưới nước ở Hà Nội năm 2012 và ở Hội An, Nghệ An năm 2013-2014, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã hợp tác với các chuyên gia quốc tế, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và Trung tâm Quản lý và bảo tồn Di sản văn hóa Hội An tổ chức khóa tập huấn quốc tế lần đầu tiên về thực hành lặn khảo sát khảo cổ học dưới nước tại Hội An từ 14/6 đến 12/7 năm 2015.
Đây là khóa tập huấn về Khảo cổ học dưới nước quy mô nhất từ trước tới nay với sự tham dự của 38 thành viên, trong đó có 11 huấn luyện viên và 20 học viên đến từ 13 quốc gia: Úc, Hà Lan, Hungary, Ai len, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Sri Lanka, Phillippines, Indonesia, Thai Lan, Campuchia và Việt Nam. Khóa tập huấn đã nhận được sự hỗ trợ về chuyên gia và tài chính của UNESCO, SPAFA, quỹ RCE của Hà Lan, quỹ CEEVN của Hoa Kỳ và sự đóng góp về vật chất cũng như tinh thần của nhiều tổ chức và cá nhân khác.
Hình 1: Khai mạc khóa tập huấn
Trong 4 tuần hoạt động sôi nổi, các thành viên đã thực hiện các nội dung lặn khảo sát dùng bình khí nén (SCUBA diving) tại các điểm di tích quanh đảo Cù Lao Chàm, thực hiện các thao tác lăn khảo sát theo tuyến (line survey), theo vòng tròn (circle survey), xác định điểm di tích bằng GPS, chụp ảnh dưới nước và ảnh không gian ba chiều (3D), quay video, đặt lưới tọa độ và xây dựng bản vẽ, lập file dữ liệu cho các di tích và di vật phát hiện dưới nước v.v.
Hình 2: Xây dựng bản vẽ dưới nước (Photo: Ian Mc Cain)
Hình 3: Cắm mốc phạm vi khảo sát cho một khu vực dưới nước (Photo: Ian Mc Cain)
Hình 4: Ghi chú các dữ liệu vào file (Photo: Ian Mc Cain)
Hình 5: Chụp ảnh di vật xuất lộ dưới nước (Photo: Ian Mc Cain)
Song song với các buổi thực hành dưới nước, các học viên đã được chia thành các nhóm, dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên thực hiện các phương pháp khảo sát dân tộc học, phỏng vấn hồi cố, ghi âm, ghi hình, đo vẽ, khảo tả các loại phương tiện dưới nước của cư dân bản địa tại các khu vực làng nghề truyền thống và xưởng đóng tàu. Các sưu tập hiện vật phát hiện dưới nước như gồ gốm sứ, di tồn tàu, thuyền, súng canon và các di tích di vật liên quan tới các hoạt động thương mại trên biển hiện đang lưu giữ tại các bảo tàng của Hội An và tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng được các học viên thực hành khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu.
Hình 6: Thực hành nghiên cứu gốm sứ tại Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Photo: Le Thi Lien)
Hình 7: Một nhóm nghiên cứu tại Xưởng đóng tàu Đõ Văn Thành (Photo: Ian Mc Cain)
Khóa tập huấn là cơ hội để nâng cao các kĩ năng, thao tác, thực hiện các phương pháp khảo sát, nghiên cứu dưới nước, kĩ năng phối hợp làm việc nhóm dưới nước và nghiên cứu, khảo sát, làm việc nhóm trên bờ. Đồng thời đây cũng là cơ để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng hợp tác giữa các cá nhân, tổ chức và giữa các Quốc gia về Khảo cổ học dưới nước trong tương lai. Kết thúc khóa học, thông qua việc đánh giá các bài trình bày tổng hợp kết quả khóa tập huấn, tất các học viên đều đạt kết quả tốt và đã được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học.
Hình 8,9: Ban tổ chức trao chứng chỉ cho các học viên tham gia (Photo: Nguyen Thanh Huy)
Hình 10: Chụp ảnh kỷ niệm sau lễ bế mạc khóa tập huấn (Photo: Le Thi Lien)
Việc tổ chức thành công khóa tập huấn lần này cộng với sự ghi nhận nhiều thông tin giá trị về khảo cổ học trong các chuyến khảo sát thực địa là cơ sở vững chắc để khẳng định được những giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng mà vùng đất Hội An đang sở hữu. Và thực tế là các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế và của Việt Nam đã có ý kiến đề xuất thành lập một Trung tâm về Khảo cổ học dưới nước tại Hội An trong thời gian tới. Nếu việc này trở thành hiện thực, đây sẽ là một cơ hội tốt để có thể nghiên cứu và khám phá rõ hơn về lịch sử, văn hóa,… đồng thời quảng bá hình ảnh con người và vùng đất Hội An đến với bạn bè quốc tế./.
* Lời cảm ơn: Xin chân thành cảm ơn TS. Nguyễn Thị Liên và CN. Đinh Thị Thanh Nga (Viện Khảo cổ học) đã hỗ trợ cung cấp thông tin cho bài viết này!
Nguyễn Thành Huy-BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm