Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An (KSQ) chính thức được UNESCO công nhận vào ngày 26 tháng 5 năm 2009 dựa trên các giá trị tài nguyên thiên nhiên và nhân văn rất đặc trưng. Nơi đây được đánh giá là có sự đa dạng các hệ sinh thái của vùng hạ lưu, vùng bờ và biển đảo trong tính đa dạng thuộc loại bậc nhất Việt Nam và là vùng đất giàu tài nguyên nhân văn với các di tích văn hóa lịch sử, lối kiến trúc nghệ thuật. Trong số các khu sinh quyển thế giới tại Việt Nam, Cù Lao Chàm – Hội An là một minh chứng rõ nét nhất về sự giao lưu, kết hợp hài hòa và sinh động giữa con người và thế giới tự nhiên.
Công cụ vận hành – nền tảng của sự phát triển.
Ra đời sau tại Việt Nam nhưng Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đã nhanh chóng chọn lựa cách tiếp cận phù hợp dựa trên các lợi thế về điều kiện tự nhiên – văn hóa, xác định mục tiêu chiến lược, cơ chế quản lý tiên tiến và đặc biệt đã có được công cụ vận hành hiệu quả hoạt động của Khu sinh quyển.
Một kế hoạch quản lý tổng hợp cho KSQ năm 2015-2019, tầm nhìn đến năm 2030 được các bên liên quan hợp tác xây dựng trên cơ sở vận dụng các cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả bao gồm: tiếp cận hệ sinh thái, tiếp cận lưu vực, tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ, tiếp cận từ đỉnh núi đến rạn san hô (R2R). Tất cả đều hướng tới việc xây dựng Khu sinh quyển theo mô hình SLIQ: Tư duy hệ thống – Qui hoạch cảnh quan – Điều phối liên ngành và – Kinh tế chất lượng.
Hình 1: Các bên cùng tham gia các hoạt động trong KSQ theo mô hình SLIQ
Để thực thi kế hoạch quản lý, một đề án phát triển bền vững khu sinh quyển giai đoạn 2015-2035, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được xây dựng nhằm cụ thể hóa mục tiêu cho từng giai đoạn, cơ sở để thu hút đầu tư, sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước.
Hình 2: Tọa đàm PTBV Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An tại Hà Nội
Hỗ trợ cho việc thực hiện Kế hoạch và Đề án phát triển bền vững, năm 2015 UBND thành phố Hội An ban hành Quy chế Quản lý Khu sinh quyển trong đó quy định rõ nguyên tắc, cơ chế và phương thức quản lý KSQ. Đây công cụ pháp lý để thực hiện việc điều chỉnh các hành vi, các hoạt động trong các phân vùng chức năng đảm bảo chiến lược bảo tồn và phát triển bền vững danh hiệu Khu sinh quyển.
Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế – Đòn bẩy kích thích.
Trong 8 năm, Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đã mời gọi, tiếp đón, trao đổi và thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện với nhiều giáo sư, chuyên gia, các viện trường từ trong nước và quốc tế. Đây là chiến lược hợp tác như một đòn bẩy giúp khu sinh quyển thực hiện tốt 3 chức năng quan trọng đó là bảo tồn – hỗ trợ và phát triển. Thông qua đó, giúp quảng bá hình ảnh và các giá trị của Khu sinh quyển một cách nhanh chóng và hiệu quả trên phạm vi toàn cầu. Kể từ năm 2014, các chương trình được tổ chức hằng năm tại Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An gồm: “Lớp học mùa hè” cho hơn 30 sinh viên đến từ Đại học Aahurs – Đan Mạch và Đại học Đà Nẵng, sinh viên trao đổi về phương thức quản lý môi trường bền vững; Lớp học IHP – Climate Change cho các sinh viên của tổ chức World Learning – Hoa Kỳ tìm hiểu về sự thích ứng của cộng đồng địa phương về an ninh lương thực, năng lượng và tài nguyên nước trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu; khóa học “Global Village” được phối hợp với Đại Học Hiroshima (Nhật Bản) và Đại học PSU – Hoa Kỳ.
Hình 3: Cán bộ khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An hướng dẫn sinh viên quốc tế
Bên cạnh các khóa học ngắn hạn, Khu sinh quyển đã nhận được sự hợp tác từ các tổ chức, các viện trường trong nước và quốc tế như Viện Hải Dương, Viện Tài nguyên và Môi trường Đại học Huế (IREN), Viện môi trường và Phát triển bền vững (VESDI), Green Việt, Đại học Vrije Universiteit Brussel (VUB) – Bỉ, Cơ quan phát triển thủy sản Hàn Quốc (FIRA)…vv để xây dựng kế hoạch và thực hiện các chương trình trọng yếu như quan trắc chất lượng nước, khảo sát đa dạng sinh học, phục hồi nguồn lợi tự nhiên, nghiênc cứu các giải pháp lâm sinh, giảm thiểu khí phát thải do suy thoái và phá rừng (REDD) và chi trả dịch vụ môi trường rừng (FPES) tìm giải pháp chống xói lở bãi biển, phục hồi rừng ngập mặn, nghiên cứu và cơ chế tài chính tiềm năng cho việc quản lý lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn sinh kế bền vững…vv.
Truyền thông, quảng bá – Nhân tố trọng tâm.
Truyền thông được xác định là hoạt động xuyên suốt trong 8 năm qua, hoạt động này được tổ chức hằng năm với nội dung, hình thức, đối tượng truyền thông luôn được thay đổi để phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển của Khu sinh quyển. Ngoài chương trình truyền thông một chiều bằng các bài viết, truyền thanh truyền hình, tờ rơi, panel, áp phích, phim tư liệu, các hình thức truyền thông hai chiều được chú trọng thực hiện bao gồm: tham vấn ý kiến cộng đồng, giáo dục ngoại khóa cho học sinh, tổ chức các đối thoại, các hội thảo khoa học. Đặc biệt hiệu quả truyền thông được thông nâng cao, thông tin về khu sinh quyển được lan tỏa nhanh chóng, sâu rộng qua việc phát động các cuộc thi như: Thanh niên với Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An, ảnh nghệ thuật Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An trong mắt tôi, sáng tác biểu trưng (Logo) khu sinh quyển, viết với chủ đề Em yêu biển đảo quê em..vv.
Hình 4: Các hoạt động truyền thông được tổ chức thường xuyên cho nhiều đối tượng
Sự tham gia của các bên liên quan – Chìa khóa thành công.
Phát huy vai trò điều phối, khu sinh quyển luôn chủ động tổ chức các buổi tọa đạm, hội thảo chuyên đề hay đối thoại để lôi kéo sự tham gia, chia sẻ thông tin, thảo luận, gắn trách nhiệm của các bên liên quan nhằm hướng tới một sự đồng thuận trong quản lý, đầu tư, khai thác tài nguyên.
Hình 5: Mô hình hợp tác 4 nhà trong quản lý, khai thác, bảo tồn cua đá CLC
Sự hợp tác này nhằm mục tiêu tạo nên một sức mạnh đồng thuận, xuyên suốt từ cơ quan quản lý nhà nước, sự đầu tư phát triển của doanh nghiệp, tôn chỉ bảo tồn của các nhà khoa học và sự đáp ứng của cộng đồng sinh sống, phát triển sinh kế trong phạm vi khu sinh quyển nhưng vẫn bảo vệ được 7 tiêu chí của UNESCO đã công nhận.
Sự tham gia, thể hiện vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan được ghi nhận từ kết quả các cuộc hội thảo chủ đề như là: Tiếp cận từ đầu nguồn xuống biển (R2R); Hài hòa phát triển bền vững vùng bờ Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An (ISCD); Rừng dừa nước Cẩm Thanh trong sự liên kết giữa lưu vực sông, đường bờ và biển cả; Vai trò của doanh nghiệp trong việc phát triển thương hiệu và xây dựng nhãn hiệu sinh thái khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An, v.v… Hay là các cuộc đối thoại: Đối thoại bàn tròn cấp cao, Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và vùng bờ Đà Nẵng – Quảng Nam: Một cách tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển”; Vai trò sinh thái của hệ thống cồn bãi tự nhiên – Ứng xử các bên liên quan hướng tới phát triển bền vững; Quan điểm các bên liên quan hướng tới sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững rừng dừa nước và tài nguyên hạ lưu sông Thu Bồn, v.v….
Hình 6: Các đối thoại chuyên đề và sự cam kết tham gia của đại diện các bên liên quan trong công cuộc bảo tồn, phát huy danh hiệu Khu sinh quyển
Đây là các sự kiện được tổ chức nhằm tăng cường nhận thức các bên liên quan hiểu rõ về giá trị của Khu sinh quyển, tăng cường công tác bảo tồn để làm nguồn lực cho sự phát triển. Đồng thời, qua các cuộc đối thoại, các bên liên quan cũng đã thảo luận và đạt được thỏa thuận bằng văn bản ghi nhớ về trách nhiệm của mình trong công cuộc bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên nói chung trong Khu dự trữ sinh quyển.
Hình 7: Hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ trong nâng cao năng lực và phát triển sinh kế bền vững trong khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An
Như vậy, sau 8 năm chinh phục được danh hiệu Khu sinh quyển từ UNESCO, khu sinh quyển, thành phố Hội An đã có sự chuyển biến rất quan trọng trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Tất cả sự phát triển đều được dựa trên nền tảng của bảo tồn, hướng tới mục tiêu bảo vệ 7 tiêu chí của khu sinh quyển. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu cho sự vào cuộc một cách tích cực, có trách nhiệm và đạt được sự đồng thuận cao của các bên liên quan thông qua mô hình hợp tác 4 nhà: Nhà nước – Nhà nông – Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp trong công cuộc bảo tồn các giá trị tài nguyên của địa phương nhưng mang ý nghĩa toàn cầu, tôn chỉ quan trọng của UNESCO đối với các khu sinh quyển./.
Lê Ngọc Thảo – Ban Thư ký Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An