Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF 6) diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 23-29/6, ngày 29/6, đoàn đại biểu của GEF đã có chuyến thăm mô hình quản lý rác thải sinh hoạt tại thành phố Hội An và mô hình cộng đồng bảo tồn cua đá Cù Lao Chàm. Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cùng với Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Hội An, Hội Nông dân xã Tân Hiệp với vai trò đầu mối đã phối hợp tổ chức thành công sự kiện đặc biệt này. Dưới đây là một số thông tin, hình ảnh tổng hợp về hai chuyến tham quan thực địa.
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu dẫn đầu đoàn đại biểu thăm mô hình cua đá tại Cù Lao Chàm
Một vinh dự khá lớn và cũng là niềm tự hào không nhỏ của cộng đồng dân cư Cù Lao Chàm khi được đón tiếp bà Naoko Ishii- Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GEF cùng gần 50 đại biểu đến từ nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đến thăm và làm việc. Tiếp đoàn có bà Trần Thị Hồng Thúy- Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, bà Phạm Thị Mỹ Hương- Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Hiệp cùng đại diện các cán bộ đến từ hai đơn vị. Các đại biểu đã dành phần lớn thời gian trò chuyện cùng các thành viên Tổ khai thác cua đá tự quản và tìm hiểu về quy trình dán nhãn sinh thái dành cho cua đá. Năm 2010, phối hợp với Quỹ Môi trường Toàn Cầu và thành phố Hội An, Hội Nông dân xã Tân Hiệp đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm”. Trong thời gian 3 năm từ 1/2010 đến 12/2013, dự án đã cùng với cộng đồng và chính quyền địa phương nghiên cứu xây dựng được khung quản lý nhằm vận động người dân tham gia bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá tại Cù Lao Chàm. Thông qua các hoạt động điều tra, tuyên truyền, hội thảo, hội thi sáng tác logo xây dựng nhãn sinh thái cua Đá, thử nghiệm công năng của nhãn sinh thái, thành lập Tổ cộng đồng, xây dựng quy ước và trang thiết bị cho hoạt động của Tổ cộng đồng này, một mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm đã được hình thành.
Trong chương trình làm việc, đoàn cũng đã tham quan khu làng chài Bãi Làng, tìm hiểu về các làng nghề truyền thống như bánh ít lá gai, su sê, làm võng ngô đồng. Các đại biểu cũng ấn tượng với các chiến dịch môi trường được triển khai tại đây như Nói không với túi ni lông, ống hút nhựa vv…
Hình 1: Bà Naoko Ishii cùng đoàn đại biểu tham quan mô hình cua đá
Hình 2: Đoàn đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Cù Lao Chàm
Hình 3: Đoàn đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng tổ Cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá
Hình 4: Bà Naoko Ishii trò chuyện cùng ông Trần Công, thành viên tổ Cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá
Thăm quan mô hình quản lý rác thải tại Hội An
Trong cùng ngày, gần 50 đại biểu Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu cũng đã có chuyến thăm quan thực địa dự án “Xây dựng mô hình xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt tại thành phố Hội An”.
Các cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn biển đã hỗ trợ tích cực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hội An trong công tác hướng dẫn, phiên dịch cho đoàn. Đoàn đại biểu đã đến thăm quan học tập tại cơ sở đề bô chị Lê Thị Thu Vân (Bầu Ốc Thượng, Cẩm Hà), một trong những cơ sở được hưởng lợi từ dự án trước đây. Nhiều đại biểu đã tỏ ra khá thích thú khi chứng kiến quy trình vận hành của máy ép rác tự chế. Với chiếc máy này, cơ sở đã tiết kiệm được hơn một nửa thời gian và diện tích so với trước đây. Ngoài việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho các chị phụ nữ tại địa phương, cơ sở còn góp phần giải quyết đến 70% lượng rác thải tái chế của thành phố. Đoàn cũng đã đến thăm quan làng rau Trà Quế và đồng thời tìm hiểu về mô hình làm phân compost của hộ gia đình ông Nguyễn Thành Cử.
Dự án “Xây dựng mô hình xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt tại thành phố Hội An” được tài trợ bởi Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ môi trường toàn cầu (SGP GEF) từ năm 2011- 2013, thực hiện bởi Hội liên hiệp phụ nữ thành phố.
Mục tiêu của dự án đáp ứng được phần nào mục tiêu lâu dài trong chiến lược quản lý rác thải tại TP. Hội An, góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững di sản văn hóa thế giới ở Hội An. GEF đã đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện dự án, gồm: Hướng dẫn, truyền thông về phân loại rác thải tại nguồn, nâng cao năng lực đội ngũ những người thu mua ve chai trên địa bàn Hội An, làm phân compost…
Tại buổi trò chuyện cùng Hội liên hiệp phụ nữ thành phố về dự án, các đại biểu cũng có dịp gặp gỡ các thành viên của Tổ phụ nữ thu gom rác thải. Đây là nhóm hoạt động nòng cốt của dự án, là các chị thu mua ve chai trên địa bàn thành phố. Dự án đã hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, xây dựng và triển khai vay vốn sản xuất cho các thành viên trong nhóm. Phát biểu tại buổi trò chuyện, nhiều đại biểu cho rằng đây là một mô hình rất cần được nhân rộng bởi thông qua việc hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng hộ nghèo, khó khăn, hỗ trợ cho các chị buôn bán ve chai được vay vốn đã giúp kết hợp đươc sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường.
Một số hình ảnh tại chuyến thăm quan thực địa:
Hình 5: Hai đoàn đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Hình 6: Trò chuyện cùng cơ sở đề bô của bà Lê Thị Thu Vân
Hình 7: Đại biểu trò chuyện cùng các chị thuộc Tổ phụ nữ thu gom rác thải
Hình 8: Đại biểu thăm quan làng rau Trà Quế
Thảo Huyền – BQL KBTB CLC