Từ ngày 15/3/2024 đến ngày 19/3/2024 tại Quảng trường 24/3, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam diễn ra sự kiện “Triển lãm kết hợp với Mitting hưởng ứng chiến dịch hành động vì động vật hoang dã”. Sự kiện này được xem là sự kiện mở đầu cho chuỗi sự kiện Năm phục hồi Đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024- “Chung sống hài hòa với thiên nhiên” nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng của thiên nhiên ban tặng; góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, sống hài hòa với thiên nhiên và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu.
Sự kiện triển lãm lấy ý tưởng chung là trực quan hóa mối quan hệ giữa thiên nhiên (Hệ sinh thái rừng – Hệ sinh thái đất ngập nước – Hệ sinh thái biển) và con người, làm nổi bật những can thiệp của cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong hành trình bảo tồn đa dạng sinh học của quốc gia nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.
Lễ khai mạc triển lãm, kết hợp với Mít tinh hưởng ứng chiến dịch hành động vì động vật hoang dã được tổ chức từ 17h00 ngày 15/3/2024 tại Quảng trường 24/3 với Khu vực trưng bày được bố trí theo 03 khu chính:
(1) Khu vực giới thiệu về Năm phục hồi đa dạng sinh học 2024, các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học;
(2) Khu vực trưng bày về chủ đề rừng, sông, đại dương
(3) Khu vực cảm nhận và kêu gọi hành động.
Ngoài ra, còn bố trí một số khu vực phụ gồm: Khu vực check-in chụp ảnh với backdrop, khu vực chiếu phim,video, tranh 3D về đa dạng sinh học, khu vực trò chơi tương tác.
Thông qua nội dung và hình ảnh trực quan, sinh động buổi triển lãm chia sẻ đến người xem góc nhìn đa chiều về nét đẹp của đa dạng sinh học; các mối đe dọa đa dạng sinh học và sự cấp thiết của công tác bảo tồn; hành động đóng góp của các tổ chức xã hội đã thực hiện để bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái đồng thời lan tỏa thông điệp “Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời”- chung tay hành động vì động vật hoang dã.
Tham gia triển lãm ảnh lần này, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã cung cấp các nội dung liên quan đến công tác bảo tồn biển về: đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên của Cù Lao Chàm, Cù Lao Chàm – hành trình hướng đến Điểm đến xanh; câu chuyện về bảo vệ hệ sinh thái biển, ven bờ và các loài nguy cấp; công tác truyền thông giáo dục về đa sạng sinh học và bảo vệ môi trường,…
Bên cạnh đó, một số hoạt động về công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm sẽ được triển khai nhằm hưởng ứng sự kiện quan trọng này như:
– Phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển;
– Lễ phát động trồng phục hồi Rừng trên tuyến đường ven đảo Cù Lao Chàm- Triển khai tổ chức trồng phục hồi rừng dọc theo các tuyến đường ven đảo phía Đông Bắc Hòn Lao, xã Tân Hiệp;
– Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An
– Và các hoạt động truyền thông khác như lắp đặt các poster, áp phích, Video truyền thông.
*Thông tin tham khảo về đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên Cù Lao Chàm:
Cù Lao Chàm được biết đến là nơi được thiên nhiên ban tặng cảnh quan độc đáo và sự đa dạng sinh học vô cùng nổi bật. Với nhiều hệ sinh thái quan trọng, bao gồm hệ sinh thái rừng thường xanh, hệ sinh thái nông nghiệp trên đảo, hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, hệ sinh thái bờ triều – vùng đá, v.v. tất cả những hệ sinh thái này được liên kết để hình thành hành lang đa dạng sinh học nối liền từ rừng xuống biển, biển – vùng bờ.
- Rừng Cù Lao Chàm là rừng nguyên sinh với tổng diện tích rừng bao phủ là 1.103,23 ha chiếm 67,15% tổng diện tích phần đảo nổi, hệ thực vật có 624 loài thuộc 418 chi, 130 họ, hệ động vật có 15 loài thú trong đó có 2 loài thú lớn là khỉ vàng và Tê tê JAVA, 133 loài thú nhỏ thuộc 9 họ, 3 chi, 33 loài chim, 51 loài bò sát và lưỡng cư thuộc 18 họ, 3 bộ.
- Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có hệ sinh thái biển vô cùng phong phú, đa dạng với 311 héc ta rạn san hô với 292 loài san hô cứng thuộc 40 giống, 17 họ và 45 loài san hô mềm, là nơi cư trú của các loài sinh vật biển trong đó có 277 loài cá, 156 loài thân mềm, 25 loài giáp xác, 22 loài da gai, 97 loài nhuyễn thể. Bên cạnh đó các hệ sinh thái khác ngoài hệ sinh thái rạn san hô như hệ sinh thái cỏ, rong biển, hệ sinh thái bãi biển… đã góp phần tạo nên bức tranh biển đảo đầy màu sắc.