Vừa qua, ngày 06/3/2024, UBND thành phố Hội An đã tổ chức một cuộc họp về kết quả điều tra, nghiên cứu và kiến nghị các giải pháp thực hiện đối với công tác bảo tồn, quản lý loài Cua đá tại đảo Cù Lao Chàm với sự chủ trì của ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cùng với sự góp mặt của đại diện các ban ngành liên quan gồm UBND xã Tân Hiệp, Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên môi trường, Phòng Tư pháp, Phòng Tài chính, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hạt kiểm lâm Bắc Quảng Nam, BQL Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An. Đặc biệt cuộc họp có sự tham gia của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, BQL dự án BR và chuyên gia tư vấn ThS Nguyễn Phi Uy Vũ hiện đang tài trợ và thực hiện chương trình quan trắc Cua đá tại Cù Lao Chàm từ năm 2021 đến nay. Cuộc họp được xem là một những bước đi đầu tiên tổ chức lại khâu quản lý và phục hồi hiện trạng Cua đá đang trong tình thế rất đáng báo động trong những năm gần đây.
Phát biểu khai mạc cuộc họp đồng chí Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng và giá trị sinh thái, kinh tế của loài Cua đá cũng như sự đồng thuận của các bên liên quan trong quá trình hình thành nên thương hiệu “Cua đá dán nhãn sinh thái” tại Cù Lao Chàm. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy thương hiệu Cua đá Cù Lao Chàm là vấn đề hết sức cần thiết hiện nay.
Tại cuộc họp, đại diện BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã trình bày tổng quan quá trình quản lý, bảo vệ và khai thác Cua đá tại Cù Lao Chàm từ năm 2009 đến nay. Và ThS Nguyễn Phi Uy Vũ báo cáo kết quả quan trắc Cua đá tại Cù Lao Chàm từ năm 2021 đến năm 2023. Đáng chú ý, kết quả thu được từ quá trình quan trắc cho thấy số lượng tức thời Cua đá năm 2023 giảm 33% so với năm 2021 với số lượng cá thể ước tính là 19.628 cá thể, trong đó khu vực Hòn Dài giảm nhiều nhất (72,4%). Cùng với thực tế quan trắc và tham vấn cộng đồng đã cho thấy mô hình quản lý Cua đá tại Cù Lao Chàm đang gặp phải nhiều thiếu sót dẫn đến chưa thể kiểm soát việc khai thác Cua đá một cách đồng bộ và chặt chẽ.
Thông qua các báo cáo và ý kiến góp ý, thảo luận của các ban ngành tham dự cuộc họp, ông Nguyễn Thế Hùng đã kết luận như sau:
- Hiện trạng Cua đá tại Cù Lao Chàm dù đang trong tình thế vô cùng báo động, nhưng vẫn còn có thể phục hồi được nếu các cơ quan đơn vị và cộng đồng cùng chung tay góp sức, và để đạt được điều đó, ông cho rằng quan trọng nhất phải gấp rút tiến hành các cuộc đối thoại giữa các cơ quan đơn vị liên quan cùng với cộng đồng khai thác Cua đá tại Cù Lao Chàm để thảo luận, tháo gỡ những vướng mắc trong cộng đồng, làm cơ sở để xây dựng quy chế, phương án quản lý và khai thác thác Cua đá có sự tham gia của cộng đồng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- UBND xã Tân Hiệp cùng các ngành liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến quy định pháp luật về việc khai thác Cua đá đến cộng đồng địa phương.
- BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tiếp tục phối hợp với chuyên gia tư vấn nghiên cứu lựa chọn khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, cấm khai thác Cua đá để đưa vào quy chế.
- Đề nghị Dự án BR tiếp tục hỗ trợ chương trình quan trắc Cua đá và kinh phí tổ chức hội thảo, tham quan học tập các mô hình liên quan đến việc quản lý và khai thác bền vững Cua đá nói riêng và các tài nguyên khác nói chung.
Trần Thị Phương Thảo – BQL KBTB CLC