Trứng rùa biển Côn Lao (Côn Đảo – Cù Lao Chàm) đã được chuyển vị từ đảo Bảy Cạnh, Vườn Quốc gia Côn Đảo về quản lý ấp nở tại khu vực Bãi Bấc, Cù Lao Chàm. Hành trình chuyển vị với khoảng cách hơn 1000 kilomet bằng nhiều phương tiện, trải qua các cung bậc cảm xúc khác nhau. Để rồi những nhà quản lý, những người làm công tác bảo tồn và cộng đồng đã vỡ òa trong hạnh phúc khi đón những chú rùa Côn Lao đầu tiên ra đời tại Cù Lao Chàm.
Thực hiện Thông báo Kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại Thông báo số 245/TB-UBND ngày 9/6/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam “Thống nhất xây dựng khu bảo tồn rùa biển để bảo tồn và phát triển các giống rùa biển đặc hữu tại Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm”; Hưởng ứng Kế hoạch Hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam, giai đoạn 2016-2025, Ngày 01/7/2016, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hội An đã ban hành Kế hoạch hành động bảo tồn và phục hồi rùa biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thành phố Hội An giai đoạn 2016-2025 tầm nhìn đến năm 2040. Và ngày 25/4/2017, Đề tài “Phục hồi và bảo tồn rùa biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm” được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự toán và cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Hình 1: Hội đồng xét duyệt thuyết minh đề cương Đề tài
Theo Kế hoạch, Đề tài sẽ có 03 năm chuyển vị trứng rùa biển từ Vườn Quốc gia Côn Đảo về quản lý ấp nở tại khu vực Bãi Bấc, Cù Lao Chàm. Trứng rùa được chuyển vị 02 lần/năm, 5 tổ trứng/đợt với số lượng khoảng 450 trứng.
Công việc bắt đầu từ việc xin giấy phép tặng và vận chuyển trứng rùa biển. Theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, rùa biển thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo pháp luật. Mọi hoạt động có liên quan đến rùa biển phải tuân thủ các quy định. Được sự thống nhất và cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, UBND và các ngành chức năng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 24 – 29/8/2017 và ngày 16 – 21/9/2017, Ban quản lý đã cử 02 đoàn công tác tham gia chuyển vị trứng rùa biển.
Quá trình chuyển vị trứng rùa từ Vườn Quốc gia Côn Đảo về Cù Lao Chàm trải qua nhiều phương tiện.
Từ sân bay Tân Sơn Nhất, trứng rùa được chia và vận chuyển bằng 02 cách như sau:
Hình 2: Đoàn công tác tiếp cận đảo Bảy Cạnh, Côn Đảo
Hình 3: Rùa mẹ đẻ trứng ở đảo Bảy Cạnh, Côn Đảo
Hình 4: Tôi mong ước được nhìn thấy những chú rùa con trên bãi biển Cù Lao Chàm từ những quả trứng rùa ở Côn Đảo.
Hình 5 -8: Trứng rùa 40 ngày tuổi trong tự nhiên được BQL VQG Côn Đảo tặng cho Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Những tổ trứng rùa biển bắt đầu một hành trình mới, với hi vọng sẽ được vận chuyển an toàn và ấp nở thành công trên vùng đất mới.
Hình 9: Trứng rùa biển được vận chuyển từ đảo Bảy cạnh về đảo Trung tâm
“Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” câu thành ngữ ấy chưa bao giờ đầy ý nghĩ hơn lúc này – những tổ trứng rùa được đoàn công tác trân trọng, ôm ấp, bảo vệ và gởi gắm vào biết niềm hy vọng….. Cảng hàng không Côn Đảo và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng tạo điều kiện để các tổ trứng không bị soi chiếu khi qua cửa kiểm tra an ninh.
Hình 10: Các tổ trứng rùa được đoàn công tác mang lên máy bay dưới dạng hành lý xách tay để tránh va chạm.
Trong quá trình đó, tại Cù Lao Chàm công cuộc chuẩn bị chào đón các tổ trứng rùa cũng vô cùng vất vả. Việc sàn cát khi làm hồ ấp trứng giúp loại vỏ rác, các mảnh san hô chết, đá vụn,…tạo độ thoáng và tươi xốp cho đất, với mong ước trứng rùa được bảo vệ ở điều kiện tốt nhất – như nơi chúng được sinh ra – các bãi cát đẹp tự nhiên ở Côn Đảo.
Hình 11-12: Sàn từng hạt cát chuẩn bị cho sự trở về và ngôi nhà mới được dựng lên để đón các tổ trứng rùa biển
Và một hành trình mới bắt đầu!!
Hình 13-14: Các tổ trứng được Khu bảo tồn biển vận chuyển ra Cù Lao Chàm
Hình 15-16: Những quả trứng rùa biển đầu tiên được BQL và cộng đồng đặt vào lòng đất mẹ
Hình 17: Những quả trứng rùa căng tròn được đặt vào hồ ấp trứng
Hình 18-19: Những bữa trưa vội vã trong quá trình chuyển vị
Hình 20: Niềm vui thể hiện trên từng khuôn mặt sau một hành trình dài đầy vất vả
Và hành trình chờ…..đợi!!
Sau khi các tổ trứng được đặt vào hồ ấp trứng, BQL khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với nhóm tình nguyện viên rùa biển và cộng đồng túc trực 24/24 để bảo vệ hồ ấp trứng. Vị trí hồ ấp trứng khá xa so với khu dân cư, sinh hoạt thiếu thốn cộng thêm thời tiết của 2 lần chuyển vị khác nhau: đợt 1 thì nắng nóng, đợt 2 thì mưa ẩm. Tuy nhiên, vượt lên tất cả cán bộ BQL, nhóm tình nguyện viên và cộng đồng luôn quyết tâm để chờ đón điều kỳ diệu xảy ra!
Hình 21: Cán bộ Khu bảo tồn biển trực hồ ấp trứng 24/24 giờ trong điều kiện thiếu thốn vẫn luôn rạng rỡ nụ cười hy vọng
Cái cảm giác hình thành từ lúc đặt trứng vào hồ ấp về chẳng thể nào diễn tả được: vừa lo lắng, hy vọng xen lẫn mong đợi. Từng ngày, từng ngày….thời gian trôi đi thật chậm để sự hồi hộp ngày càng tăng lên. Chúng tôi lo thời tiết nắng nóng của đợt 1 không biết có ảnh hưởng đến trứng không? Và những cơn mưa nặng hạt của đợt 2 có làm chặt lớp đất ảnh hưởng đến sự trụt đất hay không? Lo lắng và lo lắng!
Rồi cái thời khắc được mong chờ cũng đến! 20h30h ngày 8/9/2017 đồng nghiệp chúng tôi phát hiện hiện tượng đất trụt, những cán bộ kỹ thuật được một đêm mất ngủ. Tôi cứ mong sao trời mau sáng để bắt chuyến tàu sớm nhất ra đảo, xem cái gọi là trụt đất và xem những chú rùa Côn Lao như thế nào.
Hình 22-23: Đất trụt báo hiệu những mầm sống đã bắt đầu trổi dậy dưới lòng đất mẹ
Hình 24-25: Đoàn thanh niên rộn ràng dọn đường cho rùa con về biển
Hình 26: Các em nhỏ Cù Lao chàm cũng hân hoan đón chào rùa con
Thời điểm đó, thời điểm mà chúng tôi gọi là “dấu mốc” trong sự nghiệp bảo tồn của mình. Những chú rùa Côn Lao đã chính thức lộ diện!
Ngày 9/9/2018, Một ngày khá đẹp. ThS Lê Xuân Ái bắt đầu nhấc cái sọt nhựa dùng để bảo vệ tổ trứng. Chúng tôi cùng nhau đếm: một, hai, ba,……..năm mươi, năm mốt,…..năm lăm.
Khi chuyển vị trứng rùa tôi chỉ dám “Ước gì có được vài chú nở” điều đó sẽ tạo thêm động lực cho những người làm bảo tồn biển như chúng tôi. Tôi cũng được bế các chú rùa ấy: năm sáu, năm bảy…….sáu mươi hai! Với Tôi như vậy là đủ lắm rồi, Tôi không tin vào mắt mình và không tin vào sự thật rằng bên dưới lớp đất kia còn có rùa. Một tỷ lệ nở với tôi là quá thành công rồi. Thế rồi chú rùa biển thứ 65 rồi các bạn ơi, chú rùa cuối cùng – chú rùa thứ 66 đã làm cho tỷ lệ nở của tổ trứng rùa đầu tiên đạt con số tuyệt đối 100%.
Tất cả như vỡ òa, có nước mắt rơi..nhưng đó là nước mắt của hạnh phúc vỡ òa, tình yêu thiên nhiên của những người bảo tồn, của sự mong mỏi của chính quyền, của cộng đồng Cù Lao Chàm. Và rồi cả 2 đợt chuyển vị đã thành công ngoài mong đợi, với 900 trứng rùa biển được chuyển vị từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm cho tỷ lệ nở hơn 90%. Rùa biển được thả về biển để tiếp tục hành trình sinh tồn của mình.
Hình 27: ThS Lê Xuân Ái cười hạnh phúc với chú rùa Côn Lao đầu tiên
Hình 28-29: Tổ trứng rùa đầu tiên có tỷ lệ nở thành công tuyệt đối
Hình 30: Niềm vui được chia sẻ ngay tại bãi biển
Hình 31: Cộng đồng và du khách cùng nhau thả rùa về biển
Hình 32: Những chú rùa Côn Lao đang về với mẹ đại dương
Thời điểm rùa con đội cát chui lên thường là buổi sáng sớm. Rùa con ngay sau khi rời tổ, lập tức hướng về phía đại dương. Chúng dùng đôi cánh của mình bò đến mép nước nhanh nhất có thể. Có một điều kỳ lạ là rùa con sau ngay mới khi được sinh ra đã xác định được phương hướng. Không có chú rùa nào đi lạc về phía rừng.
Rùa con ngay sau khi được sinh ra gặp rất nhiều mối nguy hiểm: chúng phải dùng hết sức bò thật nhanh ra biển để tránh kẻ thù trên cạn như còng, chim,…. và đến biển chú bơi một mạch hòa vào dòng đại dương với túi thức ăn dự trữ của mình (hay còn gọi là túi noãn). Những chú rùa được sống sót và trưởng thành thì khoảng 30 năm sau, Rùa mẹ sẽ quay về lại đúng nơi nó được sinh ra để làm tổ và đẻ trứng, thực hiện thiên chức của mình. Tỷ lệ sống sót của rùa con rất thấp, và được xếp là loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Vì vậy, chúng ta hãy cùng cầu mong rùa con sẽ an lành khi về với mẹ đại dương.
Hình 33: Sau khi rùa con được thả ra, các bạn trẻ Cù Lao Chàm đã cùng nhau viết thông điệp “1000 điều ước cho rùa con”
Những chú rùa con vội vã về với biển khơi, đây được xem là thời khắc đẹp nhất của loài rùa, để bắt đầu một cuộc hành trình mới trong cuộc đời của rùa biển – rong đuổi khắp các đại dương. Còn chúng tôi, những người bảo tồn biển cũng tiếp tục hành trình chuyển vị trứng rùa biển từ Vườn Quốc gia Côn Đảo về Cù Lao Chàm để nhân giống cho tương lai.
Hành trình chuyển vị trứng rùa biển năm 2017 được gọi là hành trình cảm xúc của những người làm công tác bảo tồn. Giờ đây, chúng ta có thể khẳng định các bãi biển tại Cù Lao Chàm rất phù hợp cho sự phục hồi rùa biển. Khu bảo tồn biển đã và đang làm tất cả để phục hồi rùa biển trong tương lai. Bên cạnh việc tiếp tục hành trình chuyển vị, chúng tôi đang chuẩn bị cho một hành trình mới “Hành trình bảo tồn nguyên vị – để những chú rùa được sinh ra ở Cù Lao Chàm cách đây hơn 25 năm được quay về và đẻ trứng tại Cù Lao Chàm. Chúng tôi mong được thấy rùa con của Cù Lao Chàm. Vì vậy, chúng tôi cần hơn nữa sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà khoa học và sự quyết tâm của chính quyền và cộng đồng trong công tác phục hồi và bảo tồn rùa biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ./.
ThS Kim Phương – BQL KBTB CLC