TRUYỀN THÔNG QUY ĐỊNH CÁC NGHỀ ĐƯỢC PHÉP KHAI THÁC VÀ HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ KHAI THÁC THỦY SẢN BỀN VỮNG TRONG KHU BẢO TỒN BIỂN CÙ LAO CHÀM

6 lượt xem

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là ngư trường lý tưởng để ngư dân trong và ngoài địa phương tham gia khai thác thủy sản với các loại ngành nghề khác nhau. Trong thời gian qua, cộng đồng nói chung và ngư dân nói riêng đã góp phần bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ ngư trường khai thác cho cộng đồng địa phương trong thực thi các quy định bảo tồn các đối tượng tài nguyên, bảo vệ nguồn lợi, phối hợp, hỗ trợ tuần tra, kiểm soát xử lý các phương tiện vi phạm trong và ngoài địa phương. Chính tất cả những nỗ lực từ các cơ quan ban ngành đến cộng đồng đã góp phần bảo vệ và gìn giữ Khu bảo tồn biển mang nhiều những giá trị bền vững như hiện nay.

Nhằm duy trì những kết quả đạt được đó, việc thực hiện đúng và đủ các quy định có liên quan trong Khu bảo tồn biển bao gồm thực hiện Quy chế Quản lý Khu bảo tồn biển và đăng ký khai thác thủy sản là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Trên cơ sở lựa chọn các ngành nghề KTTS có tính hợp pháp và tính hợp lý (mang tính truyền thống, có tính lựa chọn sinh học cao), Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm xây dựng danh mục các ngành nghề được phép hoạt động và dự kiến cho phép đăng ký khai thác tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (dành cho ngư dân Cù Lao Chàm và đối với phương tiện tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 9m) để người dân được biết, đăng ký và thực hiện đúng quy định. Cụ thể:

I. Các nghề khai thác thủy sản được phép hoạt động trong KBTB Cù Lao Chàm, gồm:

1. Lưới rê 1 lớp: Lưới dày, lưới 2, lưới thanh 3, lưới trích, lưới cá củ, lưới cao, lưới cá kình, lưới cá bi.

2. Lưới 3 lớp: lưới 3 lớp mực, lưới 3 lớp ghẹ.

3. Nghề câu: Câu vàng, câu tay.

4. Lờ/Bẫy/rập: Rập ghẹ, lờ mực

5. Nghề lặn truyền thống

II. Đăng ký khai thác thủy sản:

  1. Thời gian thực hiện đăng ký: Từ lúc ra thông báo này đến hết ngày 31/12/2024.
  2. Hình thức đăng ký: Đăng ký trực tiếp với BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm theo quy trình:

+ Tổ chức, cá nhân gửi Giấy đăng ký khai thác thủy sản theo mẫu đến Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm;

+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận Giấy đăng ký, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm xem xét và xác nhận Giấy đăng ký khai thác cho tổ chức, cá nhân. Trong trường hợp không được xác nhận, BQL sẽ trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Ngoài các quy định nêu trên, để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động trong KBTB Cù Lao Chàm và bảo vệ ngư trường khai thác bền vững, đề nghị bà con ngư dân có hoạt động khai thác thủy sản trong Khu bảo tồn biển phải đảm bảo và tuân thủ các điều kiện sau:

– Phương tiện tàu cá của ngư dân phải được đăng kiểm, đăng ký tàu thuyền và xin cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP ban hành ngày 8/3/2019 về việc “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản” và Nghị định 37/2024/NĐ-CP ban hành ngày 4/4/2024 về việc “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản”.

– Tuân thủ các quy định thuộc Quy chế quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (ban hành kèm theo Quyết định số 09/2020/QĐ-UBND ngày 17/7/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam)

– Không khai thác các loài nằm trong danh mục cấm của Quy chế và Phụ lục II Nghị định 37/2024/NĐ-CP ban hành ngày 4/4/2024 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định S 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thủy sản.

– Tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường biển.

                                                 Thúy Trang-BQL KBTB Cù Lao Chàm

MẪU: Giấy đăng ký khai thác thủy sản trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm