Ngày đầu tiên:
Đón tôi tại cảng Cửa Đại là những luồng gió mùa cấp 5, cano không được đi là quyết định cuối cùng tôi nghe và tất nhiên đoàn phải đi tàu đò ra Cù lao chàm. Sự hớn hở của đứa sinh viên năm 4 muốn biết cảm giác mạnh khi được đi cano thay vào đó là say sóng biển. Sóng nhấp lên cao rồi thả tự do xuống nước làm tôi chỉ nhận thức được rằng có lẽ mình đang trong vai “Pi” của bộ phim “Life of Pi” nổi tiếng đoạt 4 giải Oscar năm 2012, choáng váng tột độ, đầu óc quay cuồng, chỉ mong tàu tới Cù Lao Chàm thật nhanh là tôi lúc ấy.
Hình 1: Cầu cảng Bãi Làng tấp nập khi tàu đò đến
Và rồi, cầu cảng Bãi Làng hiện ra trước mắt, cảnh đò tấp nập, ai cũng vội vàng làm tôi cuốn theo. Du khách thong thả muốn thưởng thức Cù lao chàm. Cô chú đi buôn hối hả cân đo để có hàng hóa kịp bán buổi sớm. Đập vào mắt tôi là tấm bảng chào lớn, không giống bất kì những nơi tôi đã đến “Quý khách hãy cùng chúng tôi không sử dụng túi nilong để bảo vệ môi trường”.
Hình 2: Cù Lao Chàm chào đón chúng tôi theo kiểu riêng của mình
Được biết Cù Lao Chàm qua những bài báo nói về san hô, trước khi rời tàu tôi cố nán lại 1 tí để muốn tận mắt thấy, những tập đoàn san hô bàn nhỏ lấp ló dưới những mỏm đá. Tôi bất ngờ trước lời giới thiệu của chú Chu Mạnh Trinh – cán bộ Khu bảo tồn biển Cù lao chàm (KBTBCLC), lúc trước (từ năm 2003 trở về trước) cầu cảng Bãi Làng là nơi người dân đổ rác, vứt súc vật chết, các loài san hô (chỉ sinh sống tại những vùng nước trong) từng có rất nhiều ở vùng này đã chết trước sự ô nhiễm như vậy, thế nhưng bây giờ đã thấy dấu hiệu tái sinh của san hô, một tín hiệu đáng mừng cho cả cán bộ KBTBCLC, người dân và du khách.
Hình 3: San hô bàn Cù Lao Chàm
Trước những thay đổi trên, tôi tự hỏi tại sao người dân trên đảo không sử dụng túi nilong, tại sao từ một nơi san hô không thể sống được giờ đây san hô đã được tái sinh mạnh mẽ? Cù Lao Chàm có được ngày hôm nay không thể không kể đến quá trình dài làm việc từ năm 2003 đến nay của các cán bộ KBTB CLC và người dân xã đảo. Từ những ngày đầu tiên, các cán bộ KBTB CLC phải tổ chức các lớp học để nâng cao nhận thức của người dân, trách nhiệm của họ đối với đảo. Tùy từng chủ đề trao đổi các cô chú phải lựa chọn thời gian phù hợp nhất với đặc trưng làm việc của người dân sao cho số lượng người dân đi học là cao nhất, ví dụ chủ đề Đa dạng sinh học dạy từ 1 buổi đến 2 buổi trong một tuần, chủ đề Rác thải, tác hại của túi nilong được dạy 3 buổi một tuần,….cứ như thế, các kiến thức tưởng như là hàn lâm, kinh điển như tại sao phải bảo vệ cua đá, những loài rùa có ở Cù Lao Chàm, tác hại túi nilong không phải sinh viên nào cũng biết thế nhưng người dân nơi này lại nhớ vanh vách, họ hiểu rằng, một khi đã hiểu được bản chất sự việc thì việc thay đổi hành động sẽ rất nhanh chóng. Và Cù Lao Chàm ngày hôm nay chúng ta thấy chính là thành quả mà những con người này xứng đáng nhận được!
Theo dự kiến chúng tôi chỉ có 1 ngày trên đảo, chuyến đi này thật ra là buổi họp mặt của các cán bộ KBTBCLC, thế nhưng tôi phải cám ơn áp thấp nhiệt đới và ảnh hưởng của gió mùa, tàu đò, cano không thể đi được vì sóng quá lớn. Điều này giúp tôi có thêm 3 ngày trên đảo, tôi được đi nhiều nơi hơn, được biết nhiều nét mới dưới sự hướng dẫn của chú Trinh – 1“huấn luyện viên” gạo cội mà tôi nghĩ không phải bất kì những du khách đến Cù Lao Chàm cũng có thể nhận ra. Tôi sẽ giới thiệu từng nơi tôi đi, những con người, những cảnh đẹp đã gặp cho bạn nghe, tôi không nghĩ nó là tất cả nhưng nó cũng có thể là một phần giúp cho chuyến khám phá Cù Lao Chàm của bạn thêm đặc sắc hơn.
Hình 4: Người dân dùng túi giấy dựng bánh ít cho du khách
Sau khi cập cảng cũng đã 11h trưa, cảm giác say sóng làm đầu tôi còn hơi chút choáng, đón chúng tôi là các anh chị cán bộ KBTBCLC, tay bắt mặt mừng các anh chị dẫn đoàn vào Trung tâm KBTCLC. Được tham gia phiên chúc tết đầu năm, mọi người chúc nhau sức khỏe, chúc cho cuộc sống bà con xã đảo sang năm mới sẽ được cải thiện hơn, chúc cho những dự định, dự án sắp thực hiện tại Cù lao chàm sẽ thành công – một cảm giác thân thiết của tình anh em, tình đồng đội len lõi, làm tôi thấy ấm lòng.
Hình 5: Gặp mặt đầu năm tại Trung tâm truyền thông Bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Đoàn chúng tôi xuống tàu, tiếp tục đi chúc tết tại Tiểu khu bảo tồn biển Bãi Hương (TKBTBBH). Tôi say đắm nhìn phong cảnh 2 bên, thiên nhiên thật ưu đãi cho xã đảo này, núi rừng xanh ngắt được ngăn cách với bờ biển bởi bãi cát trắng xóa, những chiếc chòi đón khách du lịch nhìn xa xa như những chiếc nấm xinh xinh. Bữa tiệc đầu năm linh đình với sự hòa quyện thức ăn của đất liền mang ra như Bê thui Cầu Mống, bún Phấn Duy Xuyên, còn cô chú ngoài đảo đón tiếp chúng tôi với mực nướng chấm nước mắm gừng, cá Nhồng 11kg hấp nấm mèo, bánh ít lá gai đặc sản Cù lao,…Là sinh viên, tôi rất được các cô chú quan tâm, điều này làm tôi có 1 chút xấu hổ vì đôi lúc muốn chơi hơn là học.
Hình 6: Chúng tôi đi thăm Bãi Hương trên tàu tuần tra bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Hình 7: Làng chài Bãi Hương
Hình 8: Chúc Tết tại Tiểu Khu Bảo tồn biển Bãi Hương, Cù Lao Chàm
Nói chuyện với tôi là chú Trần Hoàng – Trưởng thôn Bãi Hương, cảm nhận sâu sắc nhất của tôi về người đàn ông dưới dáng người cao gầy, làn da đen rám nắng đúng chất dân biển là sự phấn khởi về đời sống của bà con nơi đây được cải thiện qua từng năm, niềm tự hào về đảo hiện ra trong từng câu nói, ánh mắt, nó lan tỏa đến cả tôi – cô sinh viên năm 4 lần đầu tiên ra đảo và cũng là lần đầu tiên tiếp xúc với người dân sống trên đảo. Chú khoe về việc thực hiện thành công 4 không trong năm vừa rồi “ Không có tệ nạn – Không sinh con thứ 3 – Không túi nilong – Không điện”, cái “không” thứ 4 là một thiệt thòi đối với người dân ở đây, không giống như đất liền, điện chỉ có trong thời gian bị bó hẹp, buổi trưa từ 11h30 – 13h và buổi tối từ 17h – 22h (mùa đông), 18h – 22h (mùa hè), các dự án của Nhật, Đức đang chạy thử nghiệm điện gió nhưng chưa có kết quả. Tuy vậy, bà con vẫn vui vẻ sống và coi cái thiệt thòi này như một đặc sản chỉ có ở Cù lao chàm.
Hình 9: Hình kỷ niệm với các chú, cô và anh chi tại Bãi Hương
Trở về Bãi Làng, sau khi nghỉ ngơi. Chúng tôi được nghe chú Trinh giới thiệu về đảo qua sa bàn, phòng trưng bày tuy chưa đủ qui mô nhưng cũng cung cấp không ít thông tin cho du khách từ những chương trình, dự án đã thực hiện được trưng bày trên các tấm apphich, pano, đến tiêu bản của các loài rùa, ốc, sò, cua đá,.. những loại hải sản đặc trưng của xã đảo, lưới đánh cá, áo tơi đi mưa làm từ lá dừa nước thay cho áo mưa tiện lợi làm bằng nilong. Ở giữa căn phòng, cột trụ chống được biến hóa thành phong cảnh đảo với bãi cát trắng xóa, dưới biển là đàn san hô nhiều màu, bầu trời xanh lồng lộng cùng những cánh chim yến bay lượn. Cuộc sống người dân ở đây từ bao đời như hiện ra đầy đủ trong căn phòng này.
Hình 10: Áo tơi đi mưa của người dân Cù Lao Chàm
Những con đường nghoằn nghèo, dốc lên cao lại xuống thấp tựa như đường lên phố núi Buôn Mê Thuột dẫn chúng tôi đến Bãi Ông. Vì sao gọi là Bãi Ông nhỉ? Theo lời người dân, dân biển rất tôn thờ cá Ông, cá Ông chính là mảnh pháp y (áo choàng sau) của Quan Thế Âm quăng xuống biển để cứu giúp cư dân vùng biển trong cơn giông tố, thế nên người ta lập ngay một miếu thờ cá Ông bên biển, từ đó cái tên Bãi Ông ra đời. Bãi Ông tuy có nhen nhóm mầm mống du lịch nhưng vẫn giữ nét hoang sơ của riêng mình, hàng dừa đong đưa trong gió chiều như mời gọi du khách.
Hình 11: Bãi Ông tuyệt đẹp và tôi nhặt được một con sao biển
Chúng tôi quay về homestay lúc trời xẩm tối. Vậy là hết ngày đầu tiên, tôi nắn nót ghi từng dòng chữ vào nhật kí, hẹn sáng mai, tôi sẽ tiếp tục khám phá thêm nhiều nét đẹp hơn nữa về nơi này, mắt tôi díp lại và ngủ lúc nào không hay.
Hình 12: Bữa cơm tối ấm áp tại homestay
Ngày thứ 2:
Có người nói rằng, người làm công tác cộng đồng tốt là người phải đi vào trong dân, hiểu dân muốn gì, có dân thì việc khó trăm lần cũng xong. Thế nên, tôi có 1 buổi cà phê sáng với chú Xá – thợ lặn số 1 tại Cù Lao Chàm. Nếu trên cạn bạn biết từng đường đi, ngõ ngách thì dưới nước, con cá, con cua làm ổ chỗ nào, san hô nhìn ở đâu là đẹp nhất phải hỏi đến chú Xá. Gia đình chú Xá có 1 sạp hàng tại chợ Tân Hiệp, cô chú bán nhiều hàng, khi nghe hỏi về túi nilong, chú trả lời như 1 chuyên gia. Chú chia sẻ kinh nghiệm của gia đình, khi khách hàng mua dép, chú sẽ xin lại bao gói dép vì nếu khách hàng lấy đi thì sau đó họ cũng vứt, nó làm ô nhiễm môi trường, sạp chú xin lại để dùng vào việc phù hợp hơn. Ngoài ra, chú còn có sáng kiến cho chính quyền về việc quản lí tình trạng sử dụng túi nilong trên đảo, người dân trên đảo hoàn toàn không muốn sử dụng túi nilong, nhưng những kiện hàng chuyển từ đất liền vào được đóng gói bằng tui nilong, vô hình chung mang rác ra ngoài đảo, nên chú Xá kiến nghị với cán bộ môi trường của đảo nên tăng cường thanh tra các kiện hàng mang từ đất liền ra, nếu có túi nilong sẽ tịch thu hàng hoặc nộp phạt. Với mô hình phát triển du lịch sinh thái, người dân đang từng bước làm chủ cuộc sống của mình, tham gia góp ý kiến để chính quyền có những biện pháp phù hợp gần sát dân hơn.
Hình 13: Nói chuyện với chú Xá
Những gì tôi thấy, đang chứng minh cho những điều chú Xá nói, 100% những người dân đi chợ đều mang giỏ xách, người bán hàng hoàn toàn không sử dụng túi nilong. Nể phục thật, đây là nơi đầu tiên trên cả nước thực hiện thành công đến mức này. Nói chuyện với các cô bán hàng, tôi biết được rằng giỏ xách và túi giấy không tiện lợi bằng túi nilong, những buổi ban đầu mới thực hiện, các cô không đồng ý nhưng khi so sánh lợi ích của việc không sử dụng túi nilong để bảo vệ môi trường, các cô đã quyết tâm thực hiện theo. Giờ đây, “không sử dụng túi nilong” đã trở thành thương hiệu của Cù Lao Chàm.
Hình 14: Thật đơn giản, người dân xách giỏ đi chợ và không sử dụng túi nilong
Chú Trinh lại dẫn chúng tôi đến thăm nhà chị Phương một cơ sở chế biến cá khô trên đảo, biết được giờ đây người phụ nữ có thêm sinh kế từ việc tham gia sản xuất thay vì chỉ ở nhà nuôi con như trước. Sinh kế thay thế gắn với bảo tồn, tạo việc làm và không phụ thuộc nhiều mùa vụ. Qua cuộc nói chuyện với chị, tôi hiểu được vấn đề chị đang gặp rắc rối, chị nghĩ rằng du lịch sinh thái phải phụ thuộc nhiều vào các hướng dẫn viên du lịch bên ngoài, từ đó phát sinh những tiêu cực. Sau khi tiếp xúc với cán bộ KBTBCLC, chị hiểu nên tìm cách để tạo một sản phẩm riêng, du lịch sinh thái là tập hợp cộng đồng “biết nói”, mỗi người dân sẵn sàng là một hướng dẫn viên khi cần, chính điều này sẽ thu hút khách du lịch.
Hình 15: Chị Phương kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện làm cá khô Cù Lao Chàm
Từ nhà chị Phương chúng tôi đi xuống xóm Giữa và xóm Mới, mọi người đang bận rộn chuẩn bị cho lễ hội đầu năm, các thanh niên trong làng đang cắt dán chiếc thuyền hình cá Ông, con Lân sẽ thả xuống biển vào 9h ngày 16 tháng giêng, cầu cho mưa thuận gió hòa để bà con đi biển yên tâm.
Hình 16: Bà con xóm Mới chuẩn bị lễ hội đầu năm
Ngày thứ 3:
Chúng tôi đi thắp hương và “bốc quẻ” đầu năm tại ngôi chùa cổ được xây từ năm Cảnh Hưng (1722), ngôi chùa với kiến trúc cổ chưa được trùng tu như đưa ta lạc về ngày xưa. Băng qua đường ruộng, chúng tôi đến thăm tịnh xá Ngọc Truyền, tịnh xá chưa được khánh thành, thế nhưng tôi không ngờ rằng, để xây dựng được tịnh xá to và đồ sộ như thế, sư Tấn – người đứng đầu tịnh xá đã đi xin kinh phí khắp mọi nơi trong và ngoài nước, và số tiền xây dựng tịnh xá lên đến hơn 70 tỉ đồng.
Hình 17: Thăm Chùa Hải Tạng, ngôi chùa cổ tại Cù Lao Chàm
Hình 18: Thăm Tịnh Xá Ngọc Truyền
Chiều hôm đó, thấy trời có vẻ tạnh mây mưa chúng tôi ra cầu cảng chờ tàu, được tin có người dân đau ruột thừa ở tình trạng vô cùng cấp bách lại không có tàu vào đất liền, Bộ đội Biên phòng Cù Lao Chàm nhanh chóng cấp ngay một tàu sắt chở vào cảng Thọ Quang Đà Nẵng. Chuyến đi tốn 1 tấn dầu trị giá 22 triệu đồng, số tiền này cơ quan tự bỏ ra coi như ủng hộ người dân. Không về đất liền được nhưng chúng tôi không muốn phí thời gian, trời còn mưa lâm râm, đoàn chúng tôi vẫn quyết tâm lên rừng, tôi muốn thấy toàn cảnh Cù lao nhìn từ trên cao xuống và đặc biệt là bãi rác Eo Gió. Thiệt không phụ lòng chúng tôi, Cù Lao Chàm đẹp khi nhìn gần và càng đẹp hơn lúc nhìn xa, những ngôi nhà, chùa, cánh đồng ruộng xanh mướt ẩn ẩn hiện hiện sau màn mưa. Mưa mỗi lúc nặng hơn, chúng tôi vội vã đi về.
Hình 19: Tàu Biên Phòng đưa người dân bị đau ruột thừa vào đất liền
Hình 20: Âu thuyền Cù Lao Chàm được nhìn từ trên cao và trong mưa
Ngày thứ 4:
Cuối cùng áp thấp nhiệt đới đã tan, bầu trời Cù Lao Chàm sau những ngày mưa gió trong veo, cảm giác thật yên bình. Những ngày ở đây, sự thân thiện của cư dân làm tôi trở thành dân đảo lúc nào không hay, tôi nhớ cả đường đi, nhớ tên từng cô, chú. Nhưng hết gió cùng nghĩa là tàu sẽ đi lại và tôi phải rời nơi này, buồn thật, tôi phải cảm ơn chú Trinh, chú Trần Hoàng, chú Xá, cô Phương,… mỗi người đều cho tôi những bài học quí giá, tôi có nhiều dự định cho nơi này lắm, người dân còn nhiều thiệt thòi, họ không có điện, không có bác sĩ để chữa bệnh, các hướng dẫn viên trong đất liền không hiểu rõ nơi này nên nhiều lúc thuyết minh sai các vấn đề ở Cù Lao Chàm. Thiết nghĩ còn rất nhiều việc để làm để cải thiện đời sống cư dân, giữ vững tiềm năng du lịch, khuyến khích người hướng dẫn viên tự tìm hiểu giới thiệu sản phẩm cộng đồng, góp phần phát triển Cù Lao Chàm, làm được điều này cần đến sự góp sức của cả chính quyền và người dân.
Hình 21: Tạm biệt Cù Lao Chàm, chúng tôi trở về đất liền trong nắng ấm!
Chúng tôi trở về đất liền vào một ngày nắng ấm như vậy đấy, nhưng suy nghĩ xin nhường chỗ cho sự tận hưởng thiên nhiên, tôi hít một hơi thật sâu, hẹn một ngày không xa nhé Cù Lao Chàm, tôi sẽ trở lại!
Nguyễn Thị Thanh Hoàng – Sinh viên năm 4, Trường Đại học Sư Phạm, Đại học Đà Nẵng