Cù Lao Chàm được biết đến là một Khu bảo tồn biển có các hệ sinh thái đa dạng và phong phú như: rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, vùng triều bờ đá, … Trải qua hơn 15 năm hình thành và phát triển, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã được vận hành, quản lý hiệu quả giúp bảo tồn tốt các hệ sinh thái, duy trì nguồn lợi thủy sản và bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Khu bảo tồn biển là mô hình quản lý tài nguyên rất cần thiết nhằm hạn chế quá trình suy thoái, tăng cường khả năng phục hồi và phát triển của các hệ sinh thái, nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển kinh tế hiện nay cũng đang là vấn đề thách thức đối với công tác bảo tồn. Trong đó, khai thác thủy sản có sử dụng phương thức và ngư cụ mang tính hủy diệt và sự phát triển ồ ạt của du lịch đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các giá trị đa dạng sinh, nguồn lợi thủy sản và môi trường tại Khu bảo tồn biển.
Trước thực trạng đó, Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (gọi tắt là Quy chế) năm 2020 thay cho Quy chế năm 2005 là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần quản lý, vận hành Khu bảo tồn biển có hiệu quả. Qua gần một năm áp dụng, thực hiện Quy chế, cộng đồng ngư dân các xã ven biển tỉnh Quảng Nam đã nắm bắt, thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số trường hợp vi phạm do các quy định mới về vùng khai thác, kích thước phương tiện, loại nghề hoạt động,…
Trở lại với xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam – 01 trong 16 xã ven biển đã được truyền thông, phổ biến Quy chế vào năm 2020, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có dịp đối thoại với ngư dân thuộc Chương trình “Tấm áo ngư dân” và tuyên truyền bảo vệ hệ sinh thái Cù Lao Chàm. Tại chương trình, bà con ngư dân đã chia sẻ nhiều ý kiến và nhận thức được cần phải đánh bắt khai thác hợp lý nhằm duy trì nguồn lợi thủy sản và cam kết thực hiện đúng các quy định, chính sách của nhà nước, sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn các hành vi gây hại trong Khu bảo tồn biển, đặc biệt là khai thác dùng thuốc nổ, công cụ mang tính hủy diệt.
Ông Nguyễn Quang Thành, ngư dân thôn Hà Bình, người có nhiều năm hoạt động nghề chụp mực chia sẻ “Bây giờ đâu đâu cá, tôm, mực cũng cạn kiệt, chỉ riêng Cù Lao Chàm được bảo tồn tốt nên nguồn lợi phong phú. Riêng tôi cam kết sẽ thực hiện đúng Quy chế để đảm bảo ngư trường khai thác và thông báo cho bảo tồn khi thấy các phương tiện hoạt động trái phép. Tôi chắc chắn bà con tại đây cũng vậy!”
Ông Trần Quang Đạo – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Minh cho rằng, “Khu bảo tồn biển có giá trị to lớn đối với bà con ngư dân vùng biển, đây là ngư trường khai thác truyền thống, giàu nguồn lợi. Chúng ta phải quyết tâm bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi và đa dạng sinh học biển không chỉ cho chúng ta hôm nay mà còn dành cho thế hệ mai sau, phải góp sức bảo tồn vì một thương hiệu Cù Lao Chàm!”
Đối thoại với ngư dân các xã ven biển tỉnh Quảng Nam là một trong những hoạt động thuộc Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được phối hợp, lồng ghép trong các chương trình sinh hoạt của Hội Nông dân các xã ven biển tỉnh Quảng Nam. Tiếp sau buổi đối thoại với ngư dân tại xã Bình Minh, BQL sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động này tại các xã thuộc huyện Duy Xuyên và các huyện ven biển khác.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay và các hành vi vi phạm vì mục đích kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản thì sự đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng là động lực mạnh mẽ và là những cánh tay nối dài giúp truyền thông, nâng cao nhận thức, góp phần quản lý, vận hành Khu bảo tồn biển đạt hiệu quả. Vấn đề này giúp trả lời cho câu hỏi làm sao để các hệ sinh thái được bảo tồn nguyên vẹn mà không ảnh hưởng đến sinh kế, nghề truyền thống của cộng đồng./.
Một số hình ảnh tại buổi Đối thoại
Hình 4: Ông Lê Vĩnh Thuận – Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm trao đổi, giải đáp những thắc mắc và các vấn đề ngư dân quan tâm
Thùy Hương – BQL KBTB CLC