Báo động tình trạng săn bắt động vật hoang dã tại rừng Cù Lao Chàm

3.1k lượt xem

Rừng Cù Lao Chàm được đánh giá là rừng nguyên sinh với độ che phủ lên đến 70% cùng sự nổi trội đa dạng sinh học về hệ thực vật, động vật rừng. Kết quả nghiên cứu mới nhất năm 2020 thuộc dự án Trường Sơn Xanh về kiểm kê đa dạng sinh học rừng đặc dụng Cù Lao Chàm đã định danh được 624 loài thực vật thuộc 418 chi và 130 họ (bổ sung thêm 23 họ và 105 loài cho khu hệ thực bậc cao trên cạn tại Cù Lao Chàm so với các kết quả nghiên cứu trước đây. Cụ thể, nghiên cứu này cũng đãghi nhận 13 loài thú nhỏ thuộc 9 họ; , 11 loài lưỡng cư thuộc 5 họ và 40 loài bò sát thuộc 13 họ. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã thống kê được 33 loài chim, nâng tổng số loài ghi nhận đến nay tại Cù Lao Chàm lên 43 loài và đặc biệt ghi nhận và định loại được 88 loài bướm thuộc 6 họ, đây là công trình nghiên cứu về bướm đầu tiên tại Cù Lao Chàm. Một số hình ảnh sinh vật đặc hữu tại Cù Lao Chàm.

A-DongvatHD06112020-01

Hình 1. Sóc nâu bụng đỏ – Nguồn ảnh: Khu BTB Cù Lao Chàm

A-DongvatHD06112020-02

Hình 2. Khỉ vàng – Nguồn ảnh: Lê Xuân Ái

A-DongvatHD06112020-03

Hình 3: Gõ biển – Nguồn ảnh: Khu BTB Cù Lao Chàm

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, khu hệ động, thực vật rừng Cù Lao Chàm đang chịu nhiều tác động từ thiên nhiên và con người.Cụ thể, vào tháng 7/2020, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với UBND xã Tân Hiệp, lực lượng quản lý bảo vệ rừng và cộng đồng địa phương tiến hành khảo sát, nghiên cứu đa dạng sinh học rừng kết hợp tuần tra trên đảo Hòn Laođã phát hiện các dấu hiệu của hành vi bẫy, bắt động vật hoang dã (ĐVHD) trong rừng đặc dụng. Kết quả khảo sát hiện trường kết hợp với thông tin thu thập được từ người dân, đoàn nghiên cứu kết hợp tuần ra đã đưa ra các nhận định:

– Hành vi bẫy bắt ĐVHD đã diễn ra trong thời gian dài trước thời điểm tuần tra. Các loại bẫy rất đa dạng, tinh vi như là đường bẫy lưới, bẫy dây rút bằng dây nilong, các loại dây phanh xe và dây có gắn lưỡi câu…vv.

– Hầu hết các khu vực trên đảo đều có vị trí bẫy bắt. Tập trung chủ yếu tại các khe suối, hồ nước Bãi Bìm, khu vực đường sau đảo, khu vực phía Tây Bắc đảo Hòn Lao, khu vực rừng phía sau thôn bãi Hương.

– Đặc biệt đã phát hiện và gỡ bỏ đường bẫy lưới dài hơn 25 mét trong đó có 01 cá thể Tê Tê, là loài nằm trong Phụ lục II của Công ước CITES về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp và được xếp hạng Nguy cấp (EN) trong Sách đỏ Quốc tế (IUCN) bị chết tại khu vực phía bắc đảo.

– Có nhiều đối tượng dùng súng để bắn chim, các loại thú rừng và bò sát như Trăn, Rắn, Kỳ đà, Tắc Kè, kể cả khỉ và sử dụng điện để đánh bắt cá tại hồ nước bãi Bìm, khu vực ruộng nước trên đảo vẫn diễn ra.

– Nhiều người dân trên đảo ồ ạt khai thác cây bình vôi về làm cảnh và mua bán (đây là loài nằm trong danh lục quý hiếm của sách đỏ IUCN)

– Số lượng lớn chó nuôi của các đơn vị thi công các công trình trên đảo xâm nhập vào rừng tự nhiên để truy đuổi, săn bắt đe dọa trực tiếp đối với ĐVHD đang sinh sống trên đảo.

Ngoài ra, việc để xảy ra một số vụ cháy rừng tại Cù Lao Chàm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thực vật, động vật rừng trên đảo, đặc biệt là các loài quý hiếm.

Một số hình ảnh ghi nhận trong lúc tuần tra tại rừng Cù Lao Chàm:

A-DongvatHD06112020-04

Hình 4. Bẫy chim – Nguồn ảnh: Lê Mạnh Hùng

A-DongvatHD06112020-05

Hình 5. Tê tê chết vì mắc bẫy – Nguồn ảnh: Khu BTB Cù Lao Chàm

A-DongvatHD06112020-06

Hình 6. Bẫy dây phanh xe, móc lưỡi câu bắt Tắc kè – Nguồn ảnh: Khu BTB Cù Lao Chàm

A-DongvatHD06112020-07

Hình 7. Bẫy thu được trong quá trình tuần tra – Nguồn ảnh: Khu BTB Cù Lao Chàm

Những sự việc trên đang đẩy rừng Cù Lao Chàm đứng trước nhiều nguy cơ mà chủ yếu là từ chính con người đang sinh sống, làm việc trên đảo. Để khẩn cấp chấm dứt việc bẫy bắt động vật, tăng cường công tác bảo vệ rừng và PCCCR, bên cạnh sự can thiệp và vào cuộc kịp thời bằng chính sách, pháp luật, thì việc mỗi người dân đang sinh sống, làm việc trên đảo tự nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã là điều thiết yếu, quyết định sự tồn tại và phát triển của khu hệ động – thực vật trên đảo. Việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên chính là bảo vệ nguồn sống của hơn 2.500 cư dân và hàng triệu du khách đến thăm đảo mỗi năm. Đây chính là sứ mệnh của thành phố Hội An trong việc giữ gìn và phát huy danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.

Đề nghị người dân, các đơn vị đóng chân trên đảo, lượng lượng công nhân các công trình trên đảo và du khách cần chấp hành:

– Không chặt, đốt phá cây rừng

– Không mang vật dụng dễ cháy nổ vào rừng – Không khai thác cây rừng, săn bắt động vật rừng

– Không mua bán, tàng trữ, tiêu thụ ĐVHD theo qui định của pháp luật.

– Nếu phát hiện hành vi vi phạm cần báo ngay cho chính quyền địa phương, Trạm Kiểm lâm Cù Lao Chàm hoặc các cơ quan chuyên môn.

Mọi hành vi vi phạm tùy mức độ sẽ bị xử phạt hành chính, hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thúy Trang-BQL KBTB Cù Lao Chàm

Bình luận