Bảo vệ rừng Cù Lao Chàm là nhiệm vụ quan trọng, song hành và không thể tách rời với mục tiêu bảo tồn tài nguyên biển. Đây là tiếp cận dựa trên mối liên kết và sự tương tác giữa các hệ sinh thái rừng – biển mà Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang nỗ lực thiết lập nhằm tạo cơ sở khoa học cho quản lý liên ngành, phát triển đa mục tiêu, xây dựng nền tảng cho các nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công cuộc bảo tồn – phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên và các giá trị nổi trội của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An
Thực hiện chuỗi các hoạt động của dự án Trường Sơn Xanh do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, bắt đầu từ ngày 17/03/2020, Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (BQL) phối hợp với “Nhóm Bảo tồn Cộng Đồng Cù Lao Chàm” (BTCĐ*) triển khai chiến dịch truyền thông nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Các hoạt động lần này là cơ sở tiền đề cho việc xúc tiến thành lập Khu Bảo tồn Thiên nhiên Cù Lao Chàm trong thời gian đến.
Mặc dù trong thời gian thực hiện biện pháp “Giãn cách xã hội” để phòng ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ thị 16 của Chính Phủ, nhưng các thành viên Nhóm BTCĐ cùng với BQL đã tổ chức chương trình truyền thông tại xã đảo một cách linh hoạt, hiệu quả và vẫn đảm bảo chấp hành nghiên túc Chỉ thị 16 của Chính Phủ.. Điều này cho thấy sự cố gắng của nhóm BTCĐ trong việc phát huy vai trò của nhóm từ lúc bắt đầu thành lập đến nay.
Các hoạt động dự kiến triển khai trong vòng 01 tháng, bao gồm:
– Hoạt động thứ nhất (diễn ra vào ngày 17/03/2020): Tuyên truyền lưu động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ động vật hoang dã tại xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm). Nhóm diễu hành là các thành viên nhóm BTCĐ, BQL và lực lượng tình nguyện viên có trang bị băng rôn, hình ảnh, loa phát thanh di chuyển khắp các tuyến đường trên đảo để tuyên truyền cho bà con về ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã trên đảo. Thông điệp thật đơn giãn, dễ hiểu:“Hãy để động vật hoang dã sống trong hoang dã” được nhóm sử dụng để truyền đạt đến bà con, những người sống trong vùng lõi Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới.
Hình 1: Băng rôn tuyên truyền
Hình 2, 3: Nội dung pano truyền thông
Hình 4,5,6,7: Các thành viên nhóm BTCĐ tham gia buổi tuyên truyền lưu động (Photo: Thúy Trang)
– Hoạt động thứ hai: Triển lãm tranh/ảnh (dự kiến tổ chức tại Nhà Văn Hóa thôn Bãi Hương). Tại đây sẽ trưng bày các bức tranh/ảnh về thiên nhiên sống động, hùng vĩ; các loài động/thực vật, loài quí hiếm, vai trò của rừng Cù Lao Chàm đối với tài nguyên nước, điều hòa khí hậu, sự sinh tồn các loài hoang dã và đặc biệt là duy trì cuộc sống của 2.500 cư dân cùng với các lực lượng đóng chân trên đảo và phục vụ hơn 500.000 du khách đến thăm đảo hằng năm; Bên cạnh đó, các tác phẩm cũng sẽ phản ảnh chân thực hiện trạng và những tác động từ thiên nhiên, con người đến sự tồn tại và phát triển của rừng nguyên sinh/rừng đặc dụng Cù Lao Chàm trong tính đa dạng sinh học, mối liên kết với tài nguyên biển tại đảo, kể cả vùng cửa sông Thu Bồn và khu hệ sinh thái rừng phia Tây của đất nước.
Một số hình ảnh tranh triển lãm:
Hình 8: Thiên nhiên hùng vĩ Cù Lao Chàm (Photo Phan Công Sanh)
Hình 9: Tê tê tại rừng Cù Lao Chàm (Photo @Time-Shrines)
Hình 10: Khỉ vàng Cù Lao Chàm (Photo Lê Xuân Ái)
Hình 11: Khoe sắc thắm (Photo Trần Ngọc Toàn)
Hãy sống hòa hợp, chan hòa với thiên nhiên như cái cách thiên nhiên cho ta những gì vốn có vậy, nó cho ta vẻ đẹp, nó cho ta không khí trong lành… Sẽ thật đẹp nếu chim được bay lượn trên bầu trời, các loài thú được nhảy nhót vui chơi trên những cành cây, muôn hoa đua nhau nở rộ và không có bất kì sự xâm hại nào của con người. Vì thế chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã như là bảo vệ lá phổi, sự sống của chính chúng ta vậy.
Hoạt động triển lãm tranh/ảnh cùng với các đợt tuyên truyền khác thể hiện sự đa dạng hóa hình thức truyền thông, giúp người dân xã đảo nhận ra được rừng Cù Lao Chàm đẹp, quý giá như thế nào và rằng “Rừng chính là cuộc sống của cư dân đảo”. Chính vì lẽ đó, mỗi người dân sẽ tự nhận thức, suy nghĩ để có những hành động cụ thể nhằm góp phần gìn giữ, vun đắp cho cánh rừng nguyên sinh mãi xanh, cường tráng, đủ sức che chở và nuôi dưỡng con người nơi đây như lịch sử vốn có hàng ngàn năm của quần đảo Cù Lao Chàm – vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
* Nhóm Bảo tồn cộng đồng Cù Lao Chàm (BTCĐ) được thành lập vào ngày 16/07/2018 bao gồm 25 thành viên với mục tiêu tuyên truyền, nâng cao nhận thức, huy động cộng đồng tham gia; tăng cường giám sát, phối hợp trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học theo chủ trương xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng,bảo tồn thiên nhiên của Đảng và Nhà nước.
Nhóm BTCĐ (photo Phan Công Sanh)
Thúy Trang-BQL Khu BTB CLC