Ngày 03/7/2013, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quy chế quản lý Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương, tại Quyết định số 20/QĐ-UBND. Với quyết định này, tỉnh đã giao cho cộng đồng thôn Bãi Hương 19,05 km2 diện tích mặt biển và phần đảo để cộng đồng tham gia bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn lợi tài nguyên. Đây có thể xem là quyết định đầu tiên cụ thể hoá chính sách đồng quản lý/quản lý dựa vào cộng đồng địa phương của nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn biển nói riêng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, môi trường nói chung.
Theo Quy chế được ban hành, Tiểu khu được phân thành các vùng chức năng, bao gồm:
– Vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi): là vùng có rạn san hô phong phú, được bảo vệ và quản lý và bảo vệ chặt chẽ, nhằm hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của các loài hải sản.
– Vùng phục hồi sinh thái: là vùng được quản lý, bảo vệ và tổ chức các hoạt động nhằm phục hồi hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản tự nhiên nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng. Theo định hướng, một số diện tích trong khu vực này có thể sẽ được bổ sung cho Vùng bảo vệ nghiêm ngặt trong tương lai.
– Vùng phát triển: bao gồm vùng phát triển du lịch và vùng khai thác hợp lý. Đây là vùng quy hoạch để tổ chức các hoạt động du lịch và khai thác thuỷ sản hợp lý, nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống, cải thiện sinh kế cộng đồng dân cư Tiểu Khu BTB Bãi Hương.
Hình 1: Tiểu Khu BTB thôn Bãi Hương trong Khu BTB Cù Lao Chàm
Giờ đây, người dân thôn Bãi Hương đã có đủ cơ sở để thực hiện quyền của mình trong công tác bảo vệ các giá trị tài nguyên tại địa phương và được hưởng lợi trọn vẹn từ những thành quả do chính họ bảo vệ mang lại.
Ông Trần Hoàn – Trưởng thôn Bãi Hương, Phó Ban quản lý cộng đồng – phát biểu tại cuộc họp xây dựng kế hoạch quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ngày 08/8/2013: “trước đây mình sợ rằng bảo vệ là để cho người ngoài đến khai thác. Giờ đây không còn nghi ngại gì nữa hết, nhà nước đã trao quyền cho bà con mình quản lý và khai thác hợp lý rồi, vậy thì trách nhiệm của bà con mình là phải tích cực tham gia, để bảo vệ nguồn lợi, tài nguyên của chính bà con chúng ta”.
Hình 2: Cộng đồng tham gia thảo luận kế hoạch quản lý Khu BTB
Từ trước đến nay, trong hoạt động khai thác hải sản, luôn tồn lại quan niệm “điền tư, ngư chung”, không có sự phân quyền trong quản lý và chia sẻ lợi ích. Do vậy, nguồn lợi hải sản, đặc biệt là vùng biển ven bờ đang bị suy giảm ở mức báo động. Nếu không có các giải pháp bảo vệ kịp thời thì cộng đồng ngư dân ven biển sẽ bị tác động mạnh mẽ bởi sự suy giảm này. Do vậy, giải pháp giao vùng mặt nước để cộng đồng địa phương quản lý, bảo vệ và khai thác với sự hướng dẫn về kỹ thuật và pháp luật của các ban, ngành như tỉnh Quảng Nam là một hướng đi mang tính gợi mở để giải quyết hiện trạng này được tốt hơn trong tương lai không xa.
Tuy vậy, thách thức cho mô hình Tiểu khu đồng quản lý trong thời gian đến là rất lớn, đó là: giải quyết xung đột trong hoạt động khai thác nguồn lợi giữa cộng đồng bên ngoài – bên trong địa phương, giữa các nhóm hộ trong nội tại cộng đồng; xây dựng kế hoạch hành động và cơ chế tài chính bền vững để duy trì hoạt động của cộng đồng khi mô hình kết thúc; tìm kiếm các loại hình sinh kế bổ trợ, thay thế trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách giảm mức độ khai thác để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản,… Với các thách thức này, ngoài sự nỗ lực của cộng đồng địa phương, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các ban, ngành, các tổ chức thì mô hình mới đạt được hiệu quả mong muốn.
Nguyễn Văn Vũ – BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm