Hội nghị toàn cầu về công tác bảo tồn IUCN World Parks Congress Sydney 2014

9.3k lượt xem

Hội nghị toàn cầu về công tác bảo tồn năm 2014 – Sydney, được tổ chức bởi IUCN và được đăng cai bởi Chính phủ Australia, và Tiểu bang News South Wales. Hội nghị đã tập hợp hơn 6.000 đại biểu từ hơn 170 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là Hội nghị lần thứ hai về công tác bảo tồn toàn cầu, Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức tại Nam Phi vào năm 2003. Hội nghị toàn cầu về công tác bảo tồn là sáng kiến của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), được tổ chức 10 năm một lần nhằm tổng kết, đánh giả lại công tác bảo tồn trên toàn cầu và xây dựng các nghị quyết cho hoạt động bảo tồn 10 năm đến.

Hình 1: Đoàn Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm tham dự Hội nghị

Trong 8 ngày làm việc từ 12/11/2014 đến 20/11/2014, Hội nghị được tổ chức bởi nhiều hoạt động theo các chủ đề bao gồm: Biển và Đại dương; Di sản thiên nhiên thế giới; Xã hội; Phát triển năng lực. Trong mỗi chủ đề các dòng thông tin được phát triển theo các mục tiêu bao gồm: Đạt được mục đích của bảo tồn; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Nâng cao sức khỏe cộng đồng; Hỗ trợ phát triển cuộc sống; Giải hòa các thách thức; Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng quản lý, quản trị; Tôn trọng văn hóa, tri thức bản địa; Truyền lửa cho thế hệ tương lai.

Hội nghị toàn cầu IUCN năm 2014 về công tác bảo tồn được kết thúc với Nghị quyết Sydney. Nghị quyết Sydney đã đưa ra một chương trình với nhiều kỳ vọng về bảo vệ các tài sản tự nhiên trải rộng từ việc ngăn cản sự mất mát rừng mưa nhiệt đới tại khu vực Châu á Thái bình dương và nhân gấp ba lần việc bảo vệ bờ biển tại Châu Phi đến lời cam kết trồng 1,3 tỷ cây xanh dọc theo đường tơ lụa lịch sử. Nghị quyết bao gồm nhiều cam kết từ các chính phủ, tổ chức thế giới, doanh nghiệp tư nhân, lãnh đạo của các bộ tộc, cộng đồng và cá nhân. Nghị quyết tập trung vào nhu cầu cần thiết phải tăng cường các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ các khu vực thiên nhiên, kể cả việc nhân rộng bảo tồn cảnh quan trên đất liền và đại dương. Nghị quyết chứa đựng các cam kết đầu tư cho các giải pháp tự nhiên nhằm ngăn chặm việc suy giảm đa dạng sinh học, khắc phục biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro và tác động của thiên tai, cải thiện an ninh thực phẩm và nguồn nước, và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Nghị quyết còn nhằm vào mục tiêu thúc giục mọi người trên toàn thế giới, theo nhiều thế hệ và các nền văn hóa khác nhau, tham gia trải nghiệm kỳ quan của thiên nhiên thông qua các khu bảo tồn.

Hình 2: Triển lãm bảo tồn

Nghị quyết Sydney mở đường thực hiện mục tiêu chiến lược toàn cầu là bảo tồn ít nhất 17% diện tích lục địa và 10% đại dương đến năm 2020. Đồng thời bên cạnh đó, các báo cáo về bảo tồn cũng khẳng định, cùng song hành với phấn đấu đạt được mục tiêu trên, nhiều nỗ lực và sáng kiến mới cần được thực hiện để các vùng, khu vực quan trọng về đa dạng sinh học và dịch vụ sinh thái được bảo tồn và quản lý tốt. Nghị quyết Sydney còn kêu gọi sự gia tăng khẩn cấp bảo tồn biển, đại dương phạm vi quốc gia và quốc tế. Nghị quyết nhấn mạnh vào nhu cầu gia tăng đầu tư và chất lượng của quản lý và quản trị các khu bảo tồn. Đa dạng, chất lượng và sinh động hóa của sự quản lý, quản lý đảm bảo được tính hiệu quả và sự thành công lâu dài của các khu bảo tồn. Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã kêu gọi quyền lợi của các bộ tộc người địa phương cần được công nhận một cách mạnh mẽ hơn thông qua chính sách quản lý các khu bảo tồn. Nguồn kiến thức bản địa và các hệ thống quản lý đóng vai trò rất quan trọng trong kết quả lâu dài của của Bảo tồn và chất lượng cuộc sống cộng đồng. 23 khu bảo tồn được công nhận là những mô hình quản lý tốt theo Sáng kiến danh sách xanh IUCN được tặng thưởng tại Hội nghị từ các nước Australia, Trung Quốc, Columbia, Pháp, Ý, Kenya, Spain, và Triều Tiên, kể cả các Khu bảo tồn được quản lý bởi các bộ tộc người địa phương. Các nước Croatia, Ecuador, Mexico, Nepal, Peru, và Nga bày tỏ sự cam kết của mình đăng ký thực hiện đánh giá theo tiêu chí danh sách xanh IUCN vào pha tiếp theo của sang kiến này. Hội nghị cũng tập trung chú ý đến nhu cầu cần được đảm bảo các khu bảo tồn được thành lập đúng vị trí nhằm ngăn ngừa sự suy thoái loài trong tương lai. Hội nghị cũng được nghe báo cáo từ Sách Đỏ IUCN rằng con sâu tai phổ biến trên thế giới (earwig) bị tuyên bố là một trong những loài tuyệt chủng và các loài như cá ngừ đuôi xanh Thái Bình Dương, cá nóc Trung Quốc, và cá chình Châu Mỹ là trong những loài bị đe dọa hiện nay do nhu cầu sử dụng gia tăng.

Hình 3: Trình diễn văn nghệ với thời trang dân tộc

Một trong những điểm chú ý quan trọng là Hội nghị tập trung vào phân tích hiệu quả chi phí và lợi ích của các khu bảo tồn trên thế giới, kể cả việc đóng góp của chúng vào giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; và đồng thời kêu gọi các mô hình hỗ trợ tài chính cho hoạt động này, kết hợp nguồn hỗ trợ cộng đồng và doanh nghiệp. Công nghệ hiện đại cũng được lồng ghép như một công cụ mới được sử dụng trong bảo tồn thiên nhiên như giám sát tài nguyên biển và khai thác thủy sản bất hợp pháp theo Google. Đồng thời cơ quan NASA cũng cung cấp các ảnh cắt lớp vệ tinh phục vụ cho việc giám sát các khu bảo tồn.

Các ví dụ về cam kết của các nước đối với hoạt động bảo tồn cho thời gian 10 năm tiếp theo:

+ Australia: Cam kết chi 2 triệu AUD cho chương trình bảo tồn các loài bị đe dọa trong các vườn quốc gia; 6 triệu AUD hỗ trợ bảo tồn biển vùng Tam Giác Rạn San hô; 6 triệu AUD cho hoạt động tuần tra giám sát và bảo vệ Vùng Rạn San Hô Great Barrier Reef.

+ Bangladesh: Cam kết thiết lập Khu Bảo tồn biển cấp quốc gia đầu tiên nhằm bảo vệ các loài cá voi, cá heo, rùa biển, cá mập, và những động vật biển khác.

+ Brazil: Cam kết thiết lập bảo tồn đến 5% diện tích mặt nước biển và cũng cố diện tích bảo tồn rộng 60 triệu ha trong rừng Amazon đến năm 2020.

+ Trung Quốc: Cam kết mở rộng diện tích bảo tồn đến 20% lãnh thổ và bảo tồn 40 triệu ha rừng.

+ French Polynesia: Cam kết thành lập khu bảo tồn biển mới tại các quần đảo Austral.

+ Gabon: Cam kết thành lập mạng lưới bảo tồn biển mới chiểm khoảng 23% diện tích mặt nước.

Hình 4: Hoa của bảo tồn trong vườn quốc gia

+ Nhật Bản: Cam kết xây dựng hướng dẫn cho các nhà quản lý khu bảo tồn giảm thiểu rủi ro thiên tai.

+ Cộng hòa Kiribati ký cam kết với Hoa Kỳ về hợp tác bảo tồn biển rộng 490.000 hải lý vuông tại các đảo Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và Khu bảo tồn Phoenix của Kiribati.

+ Madagascar: Cam kết mở rộng gấp 3 lần diện tích bảo tồn biện hiện có thông qua mạng lưới các khu bảo tồn biển.

+ Panama: Cam kết phục hồi 01 triệu ha đất thoái hóa thông qua thành lập các khu bảo tồn.

+ Québec, Canada: Cam kết bảo vệ 600.000 km2 đất từ hoạt động công nghiệp cho bảo tồn đa dạng sinh học.

+ Nga: Cam kết thành lập mới 27 khu bảo tồn cấp liên bang và mở rộng diện tích của 12 khu bảo tồn hiện có; đồng thời nâng diện tích bảo tồn biển lên đến 28% hiện có. Nga đồng thời cam kết nâng diện tích các khu bảo tồn biển lên đến 17 triệu ha. Đồng thời Nga cam kết phục hồi loài báo Persian (Persian Leopard) và thành lập 2 khu bảo tồn bảo vệ loài bò hoang dã (European Bison) để nâng số lượng cá thể của loài này lên đến 2.000 con tại Nga.

+ Nam Phi: Là nước chủ nhà đăng cai Hội Nghị Bảo tồn IUCN 2003, cam kết mở rộng các khu bảo tồn gấp 3 lần so với diện tích hiện tại trong 10 năm đến.

+ Hoa Kỳ: Cam kết của Dịch vụ Vườn Quốc gia thiết lập chương trình tiếp nhận 100,000 thanh niên làm việc tại các khu bảo tồn của Hoa Kỳ.

Đoàn công tác của Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam do Giám đốc Trần Thị Hồng Thúy làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị với 2 ngày tham gia tập huấn về Nhận thức và tăng cường vai trò của các khu bảo tồn cho giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu và sau đó là 8 ngày hòa nhập với các hoạt động của Hội nghị.

Đoàn Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tham gia trình bày tại Hội nghị với chủ đề “Lồng ghép hạ tầng xanh (Green infrastructure) với hạ tầng xám (Grey infrastructure)” nhằm xây dựng và tăng cường tính thích ứng của Khu Bảo tồn biển và Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An nhất là trong giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng. Đồng thời các giá trị nổi bật của Bảo tồn biển cũng được thảo luận. Đối với KBTB Cù Lao Chàm, đó là mục tiêu của bảo tồn biển gắn liền với lợi ích cộng đồng và cũng chính lợi thế này mà Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm ngày càng thu nhận được nhiều sự quan tâm của khách du lịch, người làm bảo tồn và nghiên cứu, bảo vệ tài nguyên môi trường biển tại địa phương, quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, để các giá trị trên được duy trì bền vững, một mạng lưới liên kết cần được xây dựng, bao gồm liên kết với vùng bờ, và lưu vực.

Hình 5: Hoạt động dã ngoại

Từ Hội nghị, Đoàn Cù Lao Chàm cũng đã mang về một nguồn tài liệu phong phú về công tác bảo tồn trên khắp thế giới. Trong thời gian đến nguồn tài liệu thu thập được từ Hội nghị sẽ được lưu giữ, nghiên cứu và xây dựng thành các giải pháp cụ thể áp dụng tại Khu Bảo tồn biển và Khu Dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An. Đồng thời Nghị quyết – Cam kết Sydney 2014 về công tác bảo tồn sẽ được nghiên cứu, lồng ghép và xây dựng thành hành động cụ thể tại địa phương.

Hình 6: Tham dự diễn đàn

Hội nghị toàn cầu IUCN 2014 Sydney về công tác bảo tồn đã tạo điều kiện giới thiệu Khu bảo tồn biển và Khu Dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đến với bạn bè thế giới nhất là những người làm công tác bảo tồn trên toàn cầu. Đồng thời hội nghị đã tạo cơ hội kết nối làm việc với tổ chức bảo tồn thế giới IUCN, NOAA, GEF, EU… về đào tạo nâng cao năng lực quản lý và phát triển bảo tồn.

Hình 7: Giám đốc Khu Bảo tồn Cù Lao Chàm làm việc với chuyên gia đào tạo NOAA về chương trình đánh giá hoạt động bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm vào năm 2015 đến

Đối với KBTB và KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An, việc mở rộng quan hệ quốc tế và nghiên cứu nâng cao năng lực quản lý bảo tồn là rất quan trọng và là chiến lược lâu dài. Trên cơ sở các hợp tác hiện nay với các Viện, Trường trong nước và quốc tế như: Viện Hải Dương học Nha Trang, Viện Nghiên cứu Hải Sản Hải Phòng, Đại học Đà Nẵng, Đại học Aarhus Đan Mạch, Đại học Portland, Hoa Kỳ, NOAA, IUCN, UNESCO, GEF…KBTB Cù Lao Chàm cần nâng cao chất lượng hợp tác, mở rộng chương trình, phạm vi nghiên cứu nhằm phục vụ hiệu quả bảo tồn góp phần phát triển du lịch, kinh tế địa phương.

Hội nghị cũng đã cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng về quản lý bảo tồn và trong thời gian đến Đoàn sẽ lồng ghép các thông tin được giới thiệu vào việc biên soạn các tài liệu phục vụ nghiên cứu, giáo dục, tuyên truyền, đào tạo cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường tại Khu Bảo tồn biển, Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An.

Trần Thị Hồng Thúy, Chu Mạnh Trinh – Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Bình luận