Tối ngày 21/02/2025, tại Quảng Trường 24/3, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Trong khuôn khổ Lễ Bế mạc “Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia – Quảng Nam 2024”. Ngoài chương trình chiếu phim tổng kết, UBND tỉnh còn tổ chức tri ân các tổ chức quốc tế có đóng góp trong lĩnh vực đa dạng sinh học ở Quảng Nam, đồng thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần vào thành công của “Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia – Quảng Nam 2024”. Bên cạnh đó, còn tổ chức công bố Quyết định thành lập và chiếu phim tư liệu về khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Được biết, để có cơ sở công bố Quyết định thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm (Khu BTTN.CLC), trong suốt 20 năm kể từ khi công bố Quyết định thành lập Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Khu BTB.CLC) năm 2006 đến nay, các cấp lãnh đạo từ Trung ương, tỉnh, thành phố, đặc biệt là đội ngũ viên chức và người lao động của BQL Khu BTB.CLC đã nỗ lực không ngừng nhằm phấn đấu xây dựng, bảo tồn, phục hồi và phát triển các giá trị vốn có tại khu BTB.CLC (vùng lõi Khu DTSQ thế giới CLC – HA). Nơi hội tụ khá đầy đủ các hệ sinh thái đặc trưng quan trọng của vùng bờ và vùng biển đảo, điều quan trọng hơn đó chính là mối liên kết sinh thái giữa các vùng trong và ngoài KSQ đã tạo ra nhiều điểm nổi trội và hết sức phong phú cho Khu BTB.CLC đó là sự liên kết hay nói cách khác là sự kết nối, giao thoa giữa các hệ sinh thái: Sông ngòi; Cửa sông; Rừng ngập mặn; Cồn cát; Bãi biển; Triều bờ đá và các hệ sinh thái biển (San hô, cỏ biển, rong biển…vv) đặc biệt là hệ sinh thái rừng trên đảo CLC không chỉ đóng vai trò cung cấp nguồn thực phẩm và nước ngọt cho người dân mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ Quốc phòng – An ninh và phát triển kinh tế – xã hội bền vững đã tạo ra sự đa dạng sinh học cả về “Rừng, biển và ven bờ”.
Việc đề xuất, nghiên cứu hồ sơ dự án thành lập Khu BTB.CLC được khởi động vào tháng 10/2003 từ dự án “Hỗ trợ mạng lưới các Khu BTB tại Việt nam” do tổ chức DANIDA tài trợ theo hiệp định được chính phủ Việt Nam và Đan Mạch ký kết vào năm 2002 và dự án Khu BTB.CLC chính thức được khởi động vào tháng 10/2003. Đến ngày 24/3/2006, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 888/QĐ-UBND chính thức thành lập Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm trực thuộc UBND tỉnh Quảng Nam. Từ đó đến nay, Khu BTB.CLC đã có nhiều thay đổi về tổ chức. Đặc biệt ngày 26/5/2009, tại Đảo Jeju Hàn Quốc, Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình Con người và sinh quyển của UNESCO đã chính thức công nhận CLC – HA là Khu DTSQ thế giới với những giá trị độc đáo, riêng có trong hệ thống 11 Khu DTSQ thế giới tại Việt Nam với tổng diện tích khoảng 33.475ha, gồm 3 phân vùng chính, trong đó vùng lõi 11.560ha (toàn diện tích của Khu BTB.CLC), vùng đệm (20.350ha) và vùng chuyển tiếp (1.565ha). Các giá trị đặc trưng, nổi trội của Khu sinh quyển đó là: Khu BTB.CLC; Khu Di sản văn hóa Phố cổ Hội An; Rừng đặc dụng CLC; Rừng dừa nước xã Cẩm Thanh; Hệ thống cồn bãi tự nhiên tại vùng cửa sông Thu Bồn; Các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An qua bao thời kỳ lịch sử.

(Lễ Bế mạc “Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia – Quảng Nam 2024” ảnh Huỳnh Lê Vũ Hoàng)
Có thể nói, danh hiệu Khu DTSQ Thế giới CLC – HA là sự ghi nhận của UNESCO và cộng đồng quốc tế về những nỗ lực vượt bậc trong thời gian dài của người dân, các tầng lớp xã hội, các thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, giáo dục và các cấp chính quyền thành phố Hội An trong công tác bảo tồn và phát triển những tài sản của địa phương nhưng mang ý nghĩa toàn cầu.
Ngày 27/7/2009, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 2457/QĐ-UBND về việc chuyển BQL Khu BTB.CLC – QN về trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam; ngày 02/4/2013 tiếp tục ban hành Quyết định số 1025/QĐ-UBND chuyển giao BQL Khu BTB.CLC trực thuộc Sở NN&PTNT về UBND thành phố Hội An quản lý;

(Bản đồ phân vùng chức năng do BQL Khu BTB Cù Lao Chàm cung cấp)
Ngày 27/3/2018, Dự án Trường Sơn Xanh chính thức khởi động từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam làm chủ dự án. Thời gian thực hiện dự án là 05 năm. Phạm vi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và được tập trung ưu tiên tại các huyện: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Phú Ninh, Núi Thành, Đại Lộc và 04 Khu bảo tồn: Khu Bảo tồn loài Sao La, Khu BTTN Sông Thanh, Khu Bảo tồn Voi và Khu BTB.CLC. Đến tháng 4/2020, UBND thành phố Hội An chính thức giao BQL Khu BTB.CLC phối hợp cùng các chuyên gia chuyên ngành và đơn vị tư vấn (Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển Đồng Xanh) xúc tiến chuẩn bị xây dựng hồ sơ thành lập Khu BTTN.CLC để trình HĐND thành phố xem xét và lãnh đạo các cấp phê duyệt. Sau khi có chủ trương, các đơn vị đã triển khai các công việc như: khảo sát hiện trường tại CLC; đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học; tổ chức thu thập các luận chứng khoa học – kỹ thuật …vv để xây dựng Hồ sơ Dự án và tham vấn ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan từ cơ sở đến trung ương.
Toàn bộ nội dung hồ sơ dự án thành lập Khu BTTN.CLC được xây dựng dựa trên các Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 về “Phê duyệt quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024 về “Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Và toàn bộ hồ sơ dự án được kế thừa trên cơ sở hiện trạng của Khu BTB.CLC và đề nghị bổ sung thêm phần diện tích rừng đặc dụng, chức năng, nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ rừng cũng như diện tích đất rừng đặc dụng trên các đảo thuộc quần đảo CLC, đồng thời phân định rõ các phân khu chức năng cho phù hợp với Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Trên cơ sở đó, hồ sơ Dự án đã nhận được góp ý từ Bộ TN&MT; các sở, ban ngành của tỉnh Quảng Nam; UBMTTQVN thành phố Hội An; chính quyền địa phương xã Tân Hiệp cùng cộng đồng dân cư trên đảo; Ngày 10/3/2021, tại Kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố Hội An đã thống nhất thông qua hồ sơ Dự án thành lập Khu BTTN.CLC và tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng xem xét thẩm định, công nhận.
Ngày 20/02/2025, UBND tỉnh Quảng nam chính thức ban hành Quyết định số 416/QĐ-UBND về việc thành lập Khu BTTN.CLC, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Tên gọi đầy đủ “Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam”; tên gọi rút gọn “Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm”; tên tiếng anh: Cu Lao Cham Nature Reserve; thuộc phân hạng “Khu Dự trữ Thiên nhiên” được kế thừa trên cơ sở Khu BTB.CLC và bổ sung hệ sinh thái rừng tự nhiên trên các đảo nhằm hướng đến việc quản lý tổng hợp, liên kết hệ sinh thái giữa “Rừng – Biển và Vùng ven bờ”.

(Bản đồ phạm vi ranh giới, phân khu chức năng và vùng đệm Khu BTTN do BQL Khu BTB cung cấp)
Khu BTTN.CLC có địa giới hành chính thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, với tổng diện tích là 23.530ha, có tọa độ địa lý nằm trong phạm vi: 15052’30” đến 16000’00”N độ Vĩ Bắc và 108024’00” đến 108033’30”E Kinh độ Đông và được phân thành các phân khu chức năng gồm: phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu Phục hồi sinh thái; phân khu Dịch vụ – hành chính; và vùng đệm. Hệ thống 07 đảo gồm: Hòn Lao, Hòn Cụ, Hòn Khô, Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ, và Hòn Tai. Trong số này, Hòn Lao có diện tích lớn nhất, với khoảng 1.147ha, là nơi sinh sống và làm việc của cộng đồng dân cư xã đảo Tân Hiệp.
Khu BTTN.CLC sở hữu giá trị tài nguyên thiên nhiên vô cùng đa dạng và phong phú. Rừng đặc dụng với hơn 624 loài thực vật bậc cao có mạch đã được định danh, trong đó có nhiều loài thuộc nhóm nguy cấp quý hiếm và có giá trị làm thuốc (365 loài có giá trị làm thuốc/624 loài đã ghi nhận) và đặc biệt có 52 loài thực vật quý, hiếm, được ưu tiên bảo tồn, có tên trong Sách đỏ Việt Nam; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; Danh lục đỏ của IUCN như Acam set (Acampe ochracea (Lindl.) Hochr), Phong ba, bạc biển, Rubi (Argusia argentea (L. f.) Heine), Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn), Thiên tuế (Cycas rumphii Miq), Sến mật (Madhuca pasquieri (Dub.) H.J. Lam),… Bên cạnh đó, còn có sự đa dạng về các loài thú, chim, bò sát, lưỡng cư, côn trùng.
Nhìn lại chặng đường gần 20 năm đã qua, từ một xã đảo nằm trong diện khó khăn, thiếu thốn mọi mặt từ tinh thần đến vật chất; để mưu sinh, người dân phải khai thác san hô để làm vật liệu xây dựng; tài nguyên trên rừng, dưới biển bị khai thác không kiểm soát và mỗi năm xã đảo phải tiếp nhận hàng cứu trợ từ thành phố sau các đợt bão lũ hay dịp tết đến xuân về. Thì đến nay, CLC đã chuyển mình toàn diện, trở thành viên ngọc quý tỏa sáng trong hành trình của du khách thập phương, góp phần đưa xã Tân Hiệp thoát nghèo, vươn lên dẫn đầu cả tỉnh về mức thu nhập. Nền tảng của sự thay đổi đó chính là sự ra đời của Khu BTB.CLC và đặc biệt là Khu DTSQ thế giới CLC – HA. Với sứ mệnh bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn trong mối liên kết giữa rừng và biển, giữa đảo với đất liền, giữa lục địa với đại dương và thiêng liêng nhất chính là sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên đã thu hút 3.534.758 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (khách quốc tế 606.054 lượt), trong đó có 3.093.213 lượt khách mua phí tham quan và mang về cho ngân sách nhà nước mỗi năm hàng chục tỉ đồng. (số liệu thống kê từ năm 2007 đến 2024 do BQL Khu BTB.CLC cung cấp).

(Du khách qua cổng kiểm soát, chuẩn bị chuyến tham quan Cù Lao Chàm)
Có thể thấy, Quyết định thành lập Khu BTB.CLC và Danh hiệu Khu DTSQ thế giới CLC – HA đã thôi thúc chính quyền thành phố Hội An và người dân xã Tân Hiệp nỗ lực phấn đấu, gìn giữ và bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên sinh vật cả trên rừng, dưới biển và từng bước chuyển đổi sinh kế người dân từ khai thác thủy sản bấp bênh sang dịch vụ du lịch sinh thái bền vững. Từ chỗ người dân bắt rùa, thu trứng rùa làm thực phẩm thì đến nay toàn dân đã chung tay, góp sức trong công cuộc bảo vệ và tái phục hồi loài bò sát cổ cực kỳ quí hiếm của thế giới. San hô trước đây bị khai thác để làm cảnh, làm vật liệu xây dựng thì đến nay chúng được nâng niu và bảo vệ một cách tuyệt vời bởi chính người dân xã đảo trong sự hỗ trợ của khu bảo tồn, các nhà khoa học và chính quyền thành phố Hội An. Từ chỗ Cua đá bị khai thác bừa bãi thì đến nay nguồn lợi này đã được quản lý, khai thác, bảo tồn một cách hiệu quả, văn minh với sự vào cuộc của nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân địa phương. Cùng với đó, các sản phẩm khác trong Khu BTB.CLC nói riêng, Khu DTSQ thế giới CLC-HA nói chung cũng được định hướng ổn định về chất lượng, hướng tới thân thiện với môi trường và được gắn nhãn hiệu chứng nhận KSQ. Các mô hình này đã tạo được sự gắn kết giữa người sản xuất, người tiêu dùng, nhà quản lý trong việc sử dụng tài nguyên, tạo được niềm tin với tổ chức UNESCO và cộng đồng quốc tế.
Có thể nói, trước khi thành lập Khu BTB.CLC, UNESCO công nhận Danh hiệu Khu DTSQ thế giới CLC-HA, tại xã đảo Tân Hiệp, rác thải chưa được quản lý chặt chẽ nên người dân xả khắp mọi nơi từ trên rừng xuống dưới biển, từ nhà dân cho đến các nơi công cộng. Thì đến nay, rác thải tại CLC đã được quản lý chặt chẽ bằng nhiều cuộc vận động và đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là người dân xã đảo quyết tâm chung tay xây dựng quần đảo ngày càng “Xanh – Sạch – Đẹp” trong sạch hoàn mỹ. Tên tuổi ấy gắn liền với với chương trình “Nói không với túi nilon, ống hút nhựa, chai nước nhựa, các sản phẩm nhựa dùng một lần”. Không những thế, CLC còn là một trong những khu vực đầu tiên trên cả nước thực hiện việc kiểm toán rác thải trong khu dân cư, chợ, các nơi công cộng và cả trên các phương tiện khai thác thủy sản; chương trình đong đầy (refillable), phục hồi tài nguyên (MRF) do chính người dân thực hiện để làm ra các sản phẩm từ rác thải như nước rửa chén, nước lau sàn nhà, phân bón hữu cơ và nhiều sản phẩm hữu dụng, thân thiện với môi trường và tuyệt đối an toàn cho con người.
Những việc làm đầy ý nghĩa như “xách giỏ đi chợ”; các em nhỏ trên đảo tận dụng giấy, báo, lá cây để làm bao bì thay thế cho túi nilon; việc khai thác, sử dụng nguồn lợi một cách văn minh; người dân luôn yêu quí và nỗ lực bảo vệ các loài động thực vật quí hiếm chính là sự chuyển biến quan trọng, thành tựu nổi bật của Khu BTB, Khu sinh quyển. Ngay cả việc Khỉ ở CLC đang tràn xuống khu dân cư, gây xáo trộn lớn trong sinh hoạt, thiệt hại mùa màng và nguy hiểm đến con người thì cộng đồng nơi đây cũng vẫn cương quyết tìm cách bảo tồn quần thể linh trưởng quí này đồng thời đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân và du khách đến đảo. Tất cả những việc làm trên cùng với sự thân thiện, mến khách của người dân đã tạo được một CLC rất riêng, rất đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có được. Từ thành công của cuộc vận động “Giảm thiểu” tiến đến “Nói không với túi nilon vào năm 2009”; “Nói không với ống hút nhựa vào năm 2018” và “Giảm thiểu rác thải nhựa năm 2019”; Ngày 27/12/2024, UBND thành phố Hội An tiếp tục ban hành Thông báo số 642/TB-UBND và giao cho BQL Khu BTB.CLC tham mưu kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động “Du khách và ngư dân mang rác thải về bờ”.
Sau gần 20 năm được công nhận, Khu BTB.CLC nói riêng, Khu DTSQ thế giới CLC-HA nói chung đã tạo được niềm tin, sự yêu mến trong du khách và bạn bè quốc tế. Điều này đã tạo thêm động lực cho người dân cũng như chính quyền thành phố quyết tâm hơn nữa trong việc xây dựng CLC thực sự “Xanh – Sạch – Đẹp” cả về tự nhiên và con người, tương xứng với tầm của một Khu bảo tồn thiên nhiên; Khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Chính vì vậy, việc công bố Quyết định số 416/QĐ-UBND, ngày 20/02/2025 về việc thành lập “Khu BTTN.CLC, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam” trong giai đoạn hiện nay đã hội đủ các yếu tố “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hoà”.
Với sứ mệnh bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, quản lý và sử dụng tài nguyên bền vững, cải thiện sinh kế cộng đồng, Khu BTTN.CLC sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo CLC, tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn, khai thác các tiềm năng để phát triển du lịch, kinh tế góp phần vào phát triển bền vững tại xã Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam.
Dự kiến Lễ công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm sẽ được UBND thành phố Hội An tổ chức vào tháng 5 năm 2025 kết hợp với sự kiện kỷ niệm 16 năm ngày công nhận danh hiệu Khu DTSQ Thế giới CLC – HA./.
Lê Công Tuấn – BQL Khu BTTN.CLC