“Ô nhiễm môi trường”, “rác thải đại dương”, “rác thải nhựa”, “túi ni lông” có lẽ đã không còn là những cụm từ xa lạ đối với chúng ta mỗi ngày, khi mà thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng cũng như giải quyết những hậu quả từ các loại rác thải, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe con người.
Tại Việt Nam nói chung và tại thành phố Hội An nói riêng, với tốc độ phát triển du lịch một cách nhanh chóng, nhất là các điểm đến như xã Cẩm Thanh và xã Tân Hiệp, điều này đã ít nhiều gây nên những ảnh hưởng về môi trường. Với mục đích tìm kiếm những giải pháp phù hợp trong việc giảm thiểu rác thải cho thành phố di sản Hội An, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã triển khai Dự án “Xây dựng và chia sẻ mô hình không chất thải tại cộng đồng Châu Á được lựa chọn” với hai địa phương được chọn xây dựng mô hình thí điểm là Tân Hiệp (đại diện cho vùng lõi) và Cẩm Thanh (đại diện cho vùng đệm) của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An. Lớp tập huấn “Phương pháp khảo sát thu thập thông tin và kiểm toán rác thải sinh hoạt hộ gia đình” được tổ chức nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, cộng đồng 2 xã và các tình nguyện viên. Đây là những hạt nhân, có vị trí, tiếng nói trong cộng đồng và sẽ là người đồng hành với người dân trong việc nâng cao nhận thức và thực hiện các hoạt động về giảm thiểu rác thải trong thời gian sắp đến thuộc Dự án.
Lớp tập huấn diễn ra vào ngày 22/6/2020 tại Nhà Cộng đồng xã Cẩm Thanh đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của các học viên. Nội dung truyền tải là những kiến thức về: Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, ứng dụng công cụ KoBo Toolbox trong thu thập và xử lý thông tin bằng hình thức phỏng vấn nhanh (do ThS. Lê Ngọc Thảo – Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ dinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An chia sẻ); Cách xác định nguồn gốc phát sinh chất thải, xác định khối lượng chất thải và các vấn đề trong quá trình xử lý rác thải trong sinh hoạt (do ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chuyên viên Kiểm toán rác thải trình bày).
Sau lớp tập huấn, các học viên sẽ tiến hành thu thập nguồn thông tin, dữ liệu cần thiết để miêu tả, đánh giá tổng thể về nhận thức của người dân trong việc quản lý rác thải sinh hoạt qui mô hộ gia đình. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất các giải pháp hiệu quả với từng bên liên quan, phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân có ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, phòng chống ô nhiễm, nhất là việc sử dụng và xử lý rác thải nhựa.
Xoay quanh các nội dung của chương trình tập huấn, các học viên và báo cáo viên đã có những thảo luận rất sôi nổi nhằm làm rõ các vấn đề, những tình huống liên quan khi thực hiện hoạt động sắp tới. Bên cạnh đó, cộng đồng địa phương cũng đã chia sẻ các thông tin hữu ích liên quan đến tình hình thực tế của mỗi địa phương và rút ra những bài học kinh nghiệm để vận dụng vào thực tiễn khi thực hiện công tác khảo sát,kiểm toán rác thải cũng như triển khai dự án trên địa bàn Cẩm Thanh và Tân Hiệp.
Hình 4; 5; 6; 7: Học viên tham gia ý kiến tại lớp tập huấn.
Thanh Thảo – BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm