Du lịch học tập, mô hình phát triển bền vững sinh kế cư dân Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An

5.1k lượt xem

Chu Mạnh Trinh , Lê Nhương , Phan Công Sanh

Tóm tắt:

Du lịch học tập hiện nay với Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (Khu DTSQ) như một làn gió nhẹ thoảng qua các cánh đồng, vườn rau, làng dừa, theo các dòng sông tràn ra biển đảo, rồi lại quay về phố cổ để rồi cùng ngồi lại với nhau ngẩm nghĩ và đúc kết nhiều bài học từ các mô hình, nỗ lực đóng góp vào bảo vệ môi trường, sinh thái, sinh kế cộng đồng và phát triển bền vững. Du lịch học tập bước đầu đến từ các nhóm sinh viên, tình nguyện viên nghiên cứu, trong và ngoài nướcdần đến các lớp học được tổ chức rộng rãi cho cộng đồng người dân tại địa phương và khắp nơi, chỉ tính trong năm qua và 3 tháng đầu năm 2019, có hàng chục đoàn công tác đến du lịch học tập tại Cẩm Thanh, Hội An và các vùng phụ cận với khoảng 1.000 người, thêm vào đó cũng khoảng hơn 1.200 sinh viên từ các trường đại học Việt Nam và Quốc tế và hàng ngàn du khách thường xuyên từ các công ty lữ hành [14], [15]. Câu chuyện về du lịch học tập tại Khu DTSQ được mô tả tiếp theo sẽ phản ảnh từ góc độ tiếp cận các nỗ lực xây dựng và quá trình hình thành, công tác tổ chức vận hành, các kết nối cộng đồng và liên kết hệ thống, xây dựng năng lực, chia sẻ lợi ích và định hướng phát triển trong tương lai. Câu chuyện cũng đúc kết được nhiều kinh nghiệm và hướng chia sẻ nhân rộng nhằm mở rộng pham vi và gắn kết để hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát triển ngày một được hài hòa.

Từ khóa: Du lịch học tập, Khu dự trữ sinh quyển, Mô hình đồng quản lý, Quy hoạch không gian phát triển du lịch.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong suốt quá trình dài từ năm 2009 đến nay, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (Khu DTSQ) được biết đến qua chương trình, dự án nhất là các nỗ lực từ sự tham gia của cộng đồng địa phương, trong nước và quốc tế [2] như là một điểm sáng, nơi mà các sáng kiến được hình thành và phát triển. Các dự án tăng cường năng lực quản lý môi trường cho thành phố Hội An [10]; phục hồi và bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh phục vụ du lịch sinh thái và phát triển bền vững [13]; cộng đồng tham gia phục hồi tự nhiên và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm [9]; và xây dựng mô hình xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt tại thành phố Hội An [16] đã và đang để lại kết quả có tiếng vang không những trong nước mà còn đến với quốc tế. Con cua đá Cù Lao Chàm với nhãn hiệu sinh thái, cây dừa nước Cẩm Thanh với những chiếc thuyền thúng du lịch, nói không với túi nylon, phân loại rác tại nguồn…đã và đang đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế người dân và phát triển kinh tế xã hội.

Hòa cùng dòng chảy đó, làng quê Cẩm Thanh, vùng đệm của Khu DTSQ, đã và đang thay da đổi thịt từng ngày theo hoạt động du lịch thuyền thúngtại rừng dừa nước, với 15 thuyền năm 2011 đến nay đã lên hơn 1.500 thuyền thúng [2]. Vườn rau hữu cơ Thanh Đông, một định hướng của nông nghiệp sạch, sinh thái đã dần thu hút được khách du lịch thông qua tham quan học tập và chất lượng thân thiện môi trường của sản phầm. Mô hình quản lý rác thải dựa vào cộng đồng đã từng bước gắn kết được sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, cũng như các nghiên cứu khảo sát, đánh giá khẳng định sự kết nối các kiểu hệ sinh thái và vùng giống, bãi đẻ, nuôi con non và nguồn lợi trong vùng cửa sông, ven bờ đến quần đảo Cù Lao Chàm, và sự hình thành ban quản lý du lịch xã Cẩm Thanh hiện tại là những nỗ lực to lớn của địa phương cho bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên với vai trò một vùng đệm của Khu DTSQ, Cẩm Thanh vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức với nhiều bức xúc bao gồm như vườn rau hữu cơ ở quy mô nhỏ chỉ 1hecta diện tích và 10 hộ tham gia, chưa đủ rộng để có thể cáng đáng được nhiều nhu cầu lớn hơn của làng quê này. Hoạt động du lịch chưa được bền vững, tổn thương đến cây dừa nước, ô nhiễm tiếng ồn xua đuổi chim di cư, cùng với chèo kéo du khách, xây dựng ồ ạt đi kèm với rác thải, và đánh bắt hủy duyệt làm suy giảm chất lượng môi trường, suy giảm nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học. Hiện trạng sử dụng tài nghiên môi trường tại Cẩm Thanh đã và đang để lại nhiều mâu thuẫn lớn giữa bảo tồn và phát triển, trong khi cộng đồng muốn giữ gìn, bảo vệ tài nguyên môi trường để hưởng dụng lợi ích cao hơn nhưng năng lực tham gia quản lý, bảo vệ của cộng đồng chưa được tương xứng.

Hình 1: Sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam, nơi hạ nguồn là thành phố Hội An, rừng dừa nước Cẩm Thanh và quần đảo Cù Lao Chàm gần bờ, cách vùng cửa sông 15 km [6]


Vì vậy, ý tưởng du lịch học tập nhằm kết nối hài hòa các sáng kiến cộng đồng trong Khu DTSQ tại làng quê Cẩm Thanh, nhằm hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế người dân và phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững là một sự cần thiết không những hiện nay mà cho cả tương lai. Thực hiện ý tưởng này không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng làng quê Cẩm Thanh, mà còn góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng các mô hình bảo tồn tại Hội An, phù hợp với tiếp cận nhiều nguồn lực hợp tác 4 nhà: quản lý, doanh nghiệp, khoa học, và người dân. Đồng thời tiến hành hoạt động du lịch học tập sẽ xây dựng và phát triển một bộ máy điều phối công tác bảo tồn một cách hoàn thiện, có thể đảm nhận được các hoạt động kinh tế xanh – kinh tế bảo tồn; những bài học kinh nghiệm đúc kết được, các kỹ thuật mô hình hệ thống tại Khu DTSQ là vô cùng quý giá, cần được nhân rộng và tạo điều kiện để các địa phương trong vùng, các cơ sở đào tạo, các khu bảo tồn đến học tập.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Tiếp cận phát triển cộng đồng dựa vào nguồn lực địa phươngABCD (asset based community development); phân tích hiện trạng quản lý di sản theo khung dẫn lực, áp lực, hiện trạng, tác động, đáp ứng DPSIR (drivers, pressures, state, impact, responses); nguyên tắc cụ thể, lượng hóa, khả thi, hợp lý, thời gian SMART (specific, measurable,attainable, reasonable, time), phân tích mặt mạnh, yếu, cơ hội và thách thức SWOT (strengths, weaknesses, opporntunities, threats) được sử dụng.

2.2. Kế thừa nguồn tài liệu thứ cấp, và làm việc nhóm.

2.3. Thực địa theo tour bằng xe đạp, thuyền thúng và đi bộ, với phỏng vấn, quan sát, ghi chép, thảo luận, trình bày theo học cụ giấy A0, bút màu, máy ghi âm, ghi hình.

III. HOẠT ĐỘNG

3.1. Tổ chức tập hợp lực lượng cộng đồng thiết kế tour, phân công nhiệm vụ, tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn, thuyết minh.

3.2. Tổ chức tour học tập với các chương trình tour 1 ngày, tour 2 ngày, 1 đêm, tour 4 ngày 3 đêm đối với người tham gia từ các cộng đồng làng chài tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, sinh viên từ trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Cẩn Thơ, Đại học Khoa học Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Portland, Oregon, Hoa Kỳ, các lớp tập huấn quốc tế Zero Waste – Gaia, Chi cục Biển Đảo Quảng Nam, Hội Liên hiệp khoa học Kỹ thuật Nghệ An,…

3.3. Phối hợp với chính quyền địa phương trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho trung tâm giáo dục cộng đồng, trang thiết bị, phương tiện truyền thông 1 chiều.

3.4. Liên kết với trường đại học, giảng viên hợp tác tổ chức đào tạo tại địa phương

3.5. Tổng hợp, đúc kết xây dựng mô hình

3.6. Hội thảo trình bày, nhân rộng mô hình

3.7. Tổ chức famtrip giới thiệu tour du lịch học tập

IV. KẾT QUẢ

4.1. Cộng đồng ba làng dừa, lúa, và rau tại xã Cẩm Thanh được kết nối du lịch học tập qua câu chuyện kể về sự chuyển biến theo thời gian theo kết quả của các dự án Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF – SGP) về thu gom, phân loại rác tại nguồn, làm phân compost, xây dựng tổ tự quản, cũng như các hoạt động về bảo vệ, bảo tồn rừng dừa nước, xây dựng và phát triển sinh kế thay thế, kết nối cùng các kết quả hợp tác từ Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN), Chương trình hành động vì đô thị (Action for City), Quỹ Động vật Hoang dã (WWF), Chương trình Liên minh Đất ngập nước (WAP) và Vườn rau hữu cơ Thanh Đông [12]. Hoạt động của vườn rau hữu cơ Thanh Đông trong giai đoạn từ năm 2015, 2016, 2017 [11] là một quá trình hợp tác và gắn kết rất hài hòa giữa người nông dân, chính quyền địa phương và nhà khoa học nhằm phục hồi các giá trị truyền thống của nông nghiệp làng quê Việt Nam, cải thiện dần tác động môi trường sinh thái từ những can thiệp của hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học gây ô nhiễm. Năm 2018, vườn rau hữu cơ Thanh Đông tiếp cận đề tài Viện Địa Lý (ĐTDL.XH-02/16), nhằm xây dựng mô hình hài hòa giữa lợi ích bảo tồn, sinh kế và phát triển kinh tế xã hội tại khu hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh.

Hình 2 : Quá trình phát triển bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh, Hội An [13].

4.2.Mô hình quản lý và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh được mô phỏng theo hình 3, trong đó về mặt quản lý Nhà nước hệ sinh thái rừng được quản lý bởi luật, nghị định và các thông tư, hướng dẫn và quy chế cấp tỉnh, thành phố, điều này tương ứng với quản lý tài sản công cộng trong một hệ sinh thái. Bên cạnh đó một phần rất quan trọng làm nền tảng cho các luận cứ khoa học là sự gắn kết với tư vấn khoa học từ Quốc tế, Việt Nam, tỉnh, thành, địa phương và kiến thức bản địa là sự kết nối với UNESCO, Bộ, Ngành, Cơ quan Nghiên cứu Khoa học, Trường Đại học, Bảo tồn…được trực tiếp và gián tiếp đến hiện trường, cộng đồng. Phần động lực cho sự quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát triển lâu bền là nội lực cộng đồng được nghiên cứu liên kết và hợp tác, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm dưới các hình thức tổ chức hợp tác xã, hoặc theo cơ chế hợp tác chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên liên quan theo tổ chức ban quản lý.

Hình 3: Mô hình quản lý và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh [3].

Mô hình kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường nâng cao năng lực cộng đồng, trong đó có quản trị và quản lý sinh quyển nhằm tăng cường tính thích ứng của bảo tồn, và cộng đồng địa phương, theo những chuyển biến và thay đổi mới. Đồng thời khung nhu cầu năng lực của nhân viên ban điều phối bảo tồn và khung xác định vai trò chủ thể của người dân địa phương trong Khu DTSQ cũng được xác định.

4.3. Sinh kế của 10 hộ nông dân vườn rau được cải thiện theo ghi nhận trong thời gian 2018 so sánh năm 2014, 2015, 2016, 2017 đa dạng và gia tăng [11]. Các hộ gia đinh nông dân vườn ra không chỉ có thu nhập qua lượng ra thu hoạch mà còn từ hoạt động du lịch bao gồm thuyết trình viên tại các buổi học, hướng dẫn canh tác, bơi thuyền thúng tại Sông Đò, hướng dẫn tham quan kết nối làng lúa, làng dừa, cũng như cùng gia đình dạy học nấu ăn cho du khách.

4.4. Hệ sinh thái nông nghiệp được bảo vệ, bảo tồn được phản ảnh thông qua diện tích vườn rau được mở rộng đồng thời diện tích vùng đệm với canh tác lúa cũng được áp dụng theo hướng hữu cơ theo các quy định canh tác của vườn rau, và quy định canh tác của vùng đệm. Vườn rau và phương thức canh tác hữu cơ đã và đang chiến lượcphát triển nông nghiệp hữu cơ tại thành phố Hội An, nhằm góp phần quan tâm không những chất lượng sản phẩm hàng hóa mà còn bảo vệ sức khỏe của người nông dân, người tiêu dùng và môi trường hệ sinh thái.

4.5. Hỗ trợ du lịch phát triển nhất là du lịch học tập tại Cẩm Thanh từ số lượng du khách đến tham quan học tập đến kết nối các hoạt động homestay, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, giải khát dịch vụ cho thuê xe đạp và các sinh kế cộng đồng gắn liền. Nhiều sinh kế hộ gia đình tại địa phương Cẩm Thanh cũng như lân cận được gắn kết, bước đầu đã tiếp cận được cách làm, tạo cơ hội khởi nghiệp nhất là các hướng phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế bảo tồn.

4.6. Nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa như nói không túi nylon, ống hút nhựa, ly nhựa dùng một lần…gắn liền với những ý tưởng mới từ học sinh, sinh viên, giới trẻ, các quầy shop bền vững, các chương trình tự nguyện, tham gia vận động người dân hướng đến một cộng đồng không rác thải, một đại dương không chất thải nhựa tương lai.

4.7. Khái niệm nông nghiệp hữu cơ về sức khỏe người nông dân, sức khỏe cộng đồng, sức khỏe hệ sinh thái được giới thiệu, ứng dụng và hưởng lợi bởi cộng đồng địa phương chung quanh vườn rau, lan rộng từ Cẩm Thanh, đến những làng quê lân cận, và từ Hội An đến các điểm kết nối du lịch học tập như Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam và Hòa Bắc, Đà Nẵng.

4.8. Kết nối sinh thái làng dừa, làng lúa, làng rau tại Cẩm Thanh bước đầu đã và đang tạo nên nhiều cơ hội cho người tham quan và du lịch. Một điều đáng quý là ý nghĩa của các giá trị dịch vụ sinh thái được gắn liền tạo cơ sở cho hoạt động giáo dục sinh thái tại các làng quê này. Nhiều câu chuyện từ cuộc sống của người dân địa phương đượcđúc kết xây dựng tạo nên một sức hấp dẫn mới cho du khách không những về cảnh quan, mà các yếu tố khác về văn hóa, đời sống, lịch sử cũng được lồng ghép.

4.9. Quy hoạch không gian du lịch bền vững với các phân vùng hợp lý vùng lõi, vùng cộng đồng và vùng chuyển tiếp với các đầu tư cho hình thành và phát triển các giá trị dịch vụ phục vụ du khách hưởng thụ các giá trị tự nhiên văn hóa và cộng đồng mang lại.

V. THẢO LUẬN

5.1. Những bài học kinh nghiệm được chia sẻ từ tổ chức cộng đồng, mô hình đồng quản lý.

Các tổ chức cộng đồng như 10 hộ gia đình nông dân vườn rau Thanh Đông, những nhân tố nào làm nên chất lượng hợp tác này tại địa phương. Thực ra tổ hợp này chính là đàn ong và sản phẩm chính là mật của vườn rau là sản phẩm rau không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học! Sản phẩm rau không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học là đại diện của một cam kết giữa người nông dân, chính quyền, nhà khoa học, và doanh nghiệp cho một sức khỏe với một môi trường trong lành, và như người nông dân nói, khỏe mạnh cho người nông dân trồng trọt, khỏe mạnh cho người tiêu thụ và khỏe mạnh cho môi trường và đất đai. Chuyện kể từ các bác nông dân rằng từ ngày thực hiện các nguyên tắc của rau hữu cơ, các bác nhận thấy hăng say lao động hơn, khỏe mạnh hơn, và đồng thời làng quê có rau hữu cơ và vùng đệm là các cánh đồng lúa cũng dần dần theo hướng hữu cơ nên sự thanh bình càng trở nên sâu đậm và quyến luyến hơn, đồng thời có rất nhiều người ngoại quốc về thuê nhà lưu trú trong khu vực chung quanh vườn rau này. Gắn kết vườn rau với ruộng đồng và các đoàn du lịch học tập, một sản phẩm theo tour du lịch sinh thái được hình thành và mang lại nhiều ý tưởng mới.

5.2. Những bài học kinh nghiệm được chia sẻ từ xây dựng chương trình du lịch học tập tại Khu DTSQ.

Hiện nay một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tổ chức học tập cho sinh viên đạt được ngưỡng sáng tạo, sinh viên cần phải được lao động một cách sáng tạo trong lớp hoặc ngoài hiện trường. Muốn vậy sinh viên phải được học trong một môi trường sinh động, ví dụ như tại Khu DTSQ, với những cảnh quan thiên nhiên, con người, văn hóa và cộng đồng một cách kết nối, phụ thuộc, màu sắc, âm thanh…luôn gây sự chú ý của người học, người xem, thưởng thức, hoặc sự tò mò, đặt câu hỏi…Tại Khu DTSQ có nhiều cơ hội đặt sinh viên vào trong các mối tương tác với người dân, với cộng đồng, tìm hiểu các câu chuyện,… Làm thế nào để tăng cơ hội tương tác giữa người tham gia du lịch học tập với người dân địa phương tại hiện trường? Thông thường nhiều cơ hội như sinh viên nghỉ giải lao ăn chè, với việc chọn một quán chè mà người địa phương buôn bán với kinh nghiệm dài như một ví dụ có cô bán chè thâm niên đến 43 năm, hoặc người làm và bán bánh xu sê hơn 30 năm, người bán mì Quảng,…và những câu chuyện để tâm sự. Tìm kiếm người dân có khả năng cung cấp và sẳn sàng chia sẻ thông tin trong Khu DTSQ là cộng việc hàng ngày của người làm công tác nghiên cứu cộng đồng tại đây, sau đó là tìm cách kết nối, xây dựng và phát triển câu chuyện. Câu chuyện về thu mua và xử lý rác thải tái chế (ve chai)ở Cẩm Hà, câu chuyện làm phân compost tại vườn rau Trà Quế, câu chuyện con cua Đá, lá thuốc, rau rừng tại đảo Cù Lao Chàm. Trong phân tích ABCD, một làng quê truyền thống khi được mô tả trên bản đồ tài sản cộng đồng đã và đang thể hiện một mạng lưới kết nối các nguồn lực cộng đồng dày kín, đồng thời các thành phần được liên kết với nhau thành một khung kín, không thành phần nào bị đứng ngoài. Trong bài tập của chiều ngày thứ nhất học tập ABCD tại xã Cẩm Thanh với việc mô tả chi tiết tại 8 thôn cũng đã bắt đầu thể hiện được các yếu tố này.Một câu hỏi đặt ra là làm sao tổ chức được cho sinh viên hiểu và tìm kiếm được cơ hội gặp được người dân cùng nhau thảo luận và mô tả các mối quan hệ này.Trong lúc trình bày về kết quả mô tả mapping, sinh viên có thể chia sẻ kinh nghiệm đi khảo sát theo nhóm ngoài hiện trường với các nhóm khác.Sinh viên cần được phân biệt làm việc nhóm và độc lập, hoặc làm việc có tổ chức, phân chia công việc, hoặc tác nghiệp với cộng đồng, cũng như được giới thiệu và tập làm bản đồ mặt cắt.

5.3. Những bài học kinh nghiệm về xây dựng năng lực cộng đồng, mô hình đồng quản lý tại Khu DTSQ. Một câu chuyện vui nhưng có thật rằng cơ quan quản lý bảo tồn mời các doanh nghiệp hoạt động du lịch trong Khu DTSQ đến ký cam kết thực thi các quy định bảo tồn, tuy nhiên rất ít doanh nghiệp đến tham dự; Câu hỏi đặt ra là liệu doanh nghiệp có hợp tác với bảo tồn?Thực ra lật ngược lại vấn đề là hợp tác để làm gì.Một khi hợp tác là tìm đến một lợi ích trong Khu DTSQ và lợi ích đó là gì? Phải chăng là làm gia tăng giá trị tài sản cá nhân, hay là nhóm hay là công cộng. Nếu một trong 3 hoặc cả ba được gia tăng giá trị thì các thành viên trong khu bảo tồn có thể tham gia.Tuy nhiên, nếu họ nhận thấy không một giá trị nào được gia tăng hoặc có khi còn tốn kém thì họ không tham gia.Vậy thì Khu DTSQ là làm thế nào để kết nối các giá trị đó được gia tăng, chứ không phải là cần sự cam kết của một thành phần nào với sự kết nối đó.Từ nghiên cứu giáo dục cộng đồng, một tiêu chí đặt ra là năng lực cộng đồng phải được nâng cao, do vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để biết được năng lực cộng đồng ấy được nâng cao, với các thông số nào. Ví dụ trường hợp vườn rau Thanh Đông, một tập thể 10 hộ nông dân tại đây đã và đang cùng nhau hợp tác theo một phương thức canh tác không thuốc trừ sâu và không phân bón hóa học, và họ đã và đang tạo nên một sản phẩm nông nghiệp chất lượng, sạch và thân thiện với môi trường.

VI. KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

6.1. Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch học tập được đặc biệt quan tâm. Ngày nay, khi nói đến du lịch thường người ta hay nghĩ đến cách tiếp cận. Du lịch không còn bó hẹp trong một phạm vi nhỏ, một địa điểm hoặc đơn thuần là một điểm đến. Tất nhiên, điểm đến trước tiên cần phải độc đáo, nhưng không để rồi tất cả những gì mong muốn từ người du lịch cũng đều được bỏ dồn vào đó. Du lịch được kết nối, phát triển theo phạm vi mở rộng liên vùng, và du lịch được gắn kết, chia sẻ với nhiều lợi ích khác nhau. Nếu như trước đây hoặc hiện tại vẫn còn theo suy nghĩ của một số doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận xây dựng dự án du lịch tại chính các nơi đã được bảo tồn, bảo vệ như là vùng lõi với cảnh quan rừng tự nhiên, rạn san hô, thảm cỏ biển hoặc một dải rừng ngập mặn, một cồn cát ven sông, cánh đồng lúa hoặc một làng mạc hoặc một bãi biển…thì ngày nay, một quan điểm phát triển du lịch cần và rất cần sự đa dạng của các sản phẩm được gắn liền và được kết nối với nhau, và quan trọng hơn cả là liệu hoạt động du lịch tại khu vực đó có phần hồn hay không. Sự kết nối các sản phẩm du lịch góp phần tạo nên các câu chuyện đặc trưng của các điểm đến đó và dễ dàng đi vào lòng người, tâm hồn của du khách, góp phần tạo nên sự sáng tạo, cái chất, cái tạo mật để du khách mang về theo kỷ niệm và hứa hẹn cho các chuyến viếng thăm tiếp theo [4]. Theo kết quả khảo sát mức độ tham gia của người đi du lịch và môi trường du lịch tại Hội An, Quảng Nam và Lý Sơn, Quảng Ngãi, cũng như Đà Nẵng cho thấy tại các điểm du lịch giải trí, nghỉ dưỡng, phần lớn được cung cấp bởi doanh nghiệp, người đi du lịch chỉ cần biết, hiểu các phương tiện sử dụng là có thể hưởng thụ được các dịch vụ cung cấp du lịch tại các nơi này một cách phù hợp [7]. Tuy nhiên đối với các hoạt động du lịch được cung cấp bởi người dân địa phương thì người đi du lịch cần phải có một “năng lực” hưởng thụ cao hơn hoặc cần phải có một mức độ tham gia cao hơn đó là sự hợp tác tích cực, chủ động hơn thì mới hưởng dụng hết các trải nghiệm, học tập mà môi trường và người dân địa phương ở đó cung cấp. Trong khi đó, các dịch vụ du lịch được cung cấp bởi thiên nhiên và văn hóa với chất lượng nguyên vẹn thì người đi du lịch cần được trang bị nhiều kỹ năng và kiến thức hơn nữa thì mới hưởng thụ được trọn vẹn các giá trị của dịch vụ sinh thái và văn hóa cung cấp, thông thường các hình thức dịch vụ du lịch này là nghiên cứu, khám phá.

6.2. Quy hoạch phân vùng bảo tồn và phát triển du lịch bền vững tại Khu DTSQ. Nếu như từ những ngày đầu làm bảo tồn tại vùng đệm Khu DTSQ, du lịch chỉ là một con số rất bé, thì ngày nay du lịch đã và đang đạt đến con số hơn triệu du khách viếng thăm, một con số không nhỏ đối làng quê này [3], [11]. Du lịch đến với cộng đồng, giờ đây không chỉ được nghe, biết, hiểu các câu chuyện về đảo, về biển về con người và cuộc sống ở đây, mà du lịch còn mong muốn được trải nghiệm, được học tập và cao hơn nữa là được sáng tạo, tìm tòi điều mới lạ mang về làm quà không chỉ cho mình mà cho cả người thân ở nhà. Chính vì vậy, đã đến lúc người dân địa phương cần được nâng cao năng lực giao tiếp, ứng xử không chỉ với thiên nhiên, văn hóa, cộng động mà còn chính với du khách, người đi du lịch. Người làng quê Cẩm Thanh hiện tại chính là người hướng dẫn viên du lịch nói, truyền đạt, giới thiệu lại cho du khách về những gì mình đã và đang làm để bảo tồn và phát triển, đồng thời cũng chính họ cần phải tổ chức hoạt động cho người du khách học tập, tìm tòi và khám phá ra điều mới lạ, những câu chuyện mà cộng đồng ở đây gầy dựng nên [8].

Hình 4: Tiếp cận quy hoạch không gian phát triển du lịch bền vững [1].

6.3. Đối với du lịch cộng đồng, người đi du lịch như người học, còn hướng dẫn du lịch như là người thầy, môi trường du lịch là trường học. Cũng giống như người đi học, người đi du lịch cần kết quả mang về nhà từ các chuyến du lịch.Các món quà mang về không chỉ là hiện vật mà còn là các kinh nghiệm, cảm xúc, kỷ niệm, câu chuyện, bài học…khi về nhà [1]. Muốn vậy, người đi du lịch cần phải được thưởng thức các sản phẩm du lịch một cách say sưa, với nhiều sáng tạo. Người đi du lịch phải được tham gia, trao đổi, trải nghiệm, học tập và nếu được chính họ cần phải được tham gia khảo sát, nghiên cứu, đánh giá chất lượng du lịch, cũng như toàn bộ môi trường tạo nên hoạt động du lịch tại nơi đó.

Hình 5: Du lịch bền vững và các cấu thành tại Khu DTSQ được biểu diễn theo giá trị bằng tiền tích lũy theo tri thức, kỹ năng và thời gian [1].

Trong khi đó người hướng dẫn du lịch cần phải có phương pháp… Người hướng dẫn du lịch cũng giống như người thầy giảng bài trên lớp, tuy nhiên thường tại các điểm du lịch người hướng dẫn viên làm một nhiệm vụ chung là cung cấp thông tin, “thuyết giảng” là phương pháp chính và người du lịch thường chỉ nghe để biết và hiểu các vấn đề. Tại Khu DTSQ ngày nay, người hướng dẫn du lịch thường phải làm nhiều nhiệm vụ, tại đó phần lớn công việc là phải tổ chức cho người đi du lịch tìm hiểu, trải nghiệm, học tập và sáng tạo được cái mới mang về từ chuyến du lịch mình tham gia, bởi lẽ ở đó, tại Khu DTSQ, một hiện thực khách quan đã và đang tạo cơ hội cho người hướng dẫn làm được công việc tổ chức ấy. Tuy nhiên kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, không ai có thể tổ chức tốt các hoạt động du lịch trong Khu DTSQ bằng người dân địa phương ở đó, bởi lẽ chính họ thường “diễn thuyết”, hướng dẫn bằng chính con tim của họ, bằng chính đôi bàn tay khéo léo tài hoa của họ, bằng chính kinh nghiệm mà cả cuộc đời họ gắn bó với quê hương mình tạo nên, bằng chính những vấp ngã và trưởng thành mà họ đã và đang từng trải qua…Đó chính là cuộc sống của người dân địa phương tại Khu DTSQ, đó chính là văn hóa, đó chính là thiên nhiên và đó chính là cộng đồng được gắn kết. Tất cả đã và đang tạo nên phần hồn của du lịch!

6.4. Quản lý Khu DTSQ theo hướng tổng hợp và điều phối

Hình 6: Khung điều phối hoạt động Khu DTSQ [6].

Kết quả nghiên cứu về quản lý ở Khu DTSQ cho thấy hoạt động điều phối không chỉ đòi hỏi năng lực hiểu biết về các mô hình phát triển bền vững liên quan từ thượng nguồn đến biển khơi mà còn cần kỹ năng làm việc với cộng đồng cũng như trong nghiên cứu thực địa, trong phòng thí nghiệm và kể cả bảo tàng. Đặc biệt cần làm tốt quá trình phân tích, xây dựng chính sách, hỗ trợ tư vấn cho cộng đồng xây dựng chính sách phát triển bảo tồn biển và kinh tế – xã hội địa phương. Mục đích hoạt động của du lịch cộng đồng là cung cấp sản phẩm du lịch và thu lợi nhuận và mục đích này phù hợp với mục tiêu chung của đất nước nếu góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế – xã hội của địa phưong, quốc gia một cách bền vững, lấy con người làm trung tâm và phát triển con người [1]. Việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá và tài nguyên con ngửời góp phần phát triển sinh kế, thu nhập cho ngưòi dân địa phương[3]. Tôn trọng, nâng niu, có kế hoạch phát huy trong quá trình bảo tồn những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể làm nền tảng trong hình thành nhân cách của cư dân, của người lao động, đạo đức và văn hoá trong kinh doanh của doanh nhân du lịch [1]. Cụ thể, các hoạt động điều phối trong Khu DTSQ phần lớn tập trung vào hỗ trợ giới thiệu kiến thức, sử dụng kiến thức thông qua kỹ năng và thể hiện hành động. Vì vậy hoạt động giáo dục, truyền thông bảo vệ tài nguyên môi trường là nhiệm vụ hàng đầu của bảo tồn, bên cạnh đó là hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng kiến thức, hiểu biết và thông tin về nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, môi trường cũng như văn hóa xã hội trong và xung quanh Khu DTSQ. Ngoài ra, hoạt động xây dựng và phát triển sinh kế phù hợp với bảo tồn cũng được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho người dân địa phương có thể tham gia thể hiện hành động bảo tồn và kinh tế xã hội đi kèm.Hoạt động với sự tham gia đầy đủ các bên liên quan và người dân địa phương nhằm xây dựng công cụ quản lý như kế hoạch và quy chế quản lý Khu DTSQ.

Hình 7: Tập hợp, liên kết các nhóm hoạt động cơ bản trong Khu DTSQ [3].

Chi phí của quá trình quản lý tổng hợp Khu DTSQ tập trung vào các nhóm hoạt động truyền thông, giáo dục, nghiên cứu, sinh kế, tuần tra, giám sát, quan hệ quốc tế, tham quan học tập, vệ sinh môi trường, bảo vệ, phục hồi, bảo tàng[6]. Các lợi ích Khu DTSQ mang lại không chỉ là du lịch mà còn là thủy sản, nguồn lợi, giáo dục, nghiên cứu… Tuy nhiên, hiện tại, du lịch là hoạt động chiếm ưu thế tại Khu DTSQ và nguồn thu chính đến từ sự đóng góp của du khách thông qua vé tham quan học tập[4]. Trong tương lai, trên cơ sở áp dụng các tiến bộ từ khoa học và công nghệ, việc tính toán chia sẻ trách nhiệm từ các hoạt động khác trong Khu DTSQ như thủy sản, nguồn lợi, giáo dục, môi trường, sức khỏe sẽ được mở rộng và gia tăng. Quá trình đầu tư xây dựng vùng lõi Khu DTSQ được bắt đầu từ 10/2003 đến 10/2011 với nguồn vốn đầu tư 2,5 triệu đô (tương đương khoảng 50 tỷ đồng) [3] từ chính phủ Đan Mạch và sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan của Việt Nam. Từ năm 2011, hoạt động du lịch đã bắt đầu có sự đóng góp trở lại cho Khu DTSQ thông qua vé tham quan.Trong những năm gần đây, vé tham quan vùng lõi Khu DTSQ đã được chấp thuận ở mức 70.000 đồng/người và vùng đệm 30.000 đồng/người. Số lượng du khách trung bình khoảng 500.000 lượt khách/năm tại vùng lõi và 700.000 lượt khách/năm tại vùng đệm[8], [2] đã thu được một nguồn kinh phí đáng kể cho việc tái đầu tư trở lại các hệ sinh thái của khu vực.

Hình 8: Phân tích chi phí và lợi ích quá trình phát triển vùng lõi Khu DTSQ [3].

Nhìn chung, phân tích chi phí và lợi ích từ các khu bảo tồn thế giới cho thấy việc đầu tư ban đầu để đạt được sự đồng thuận cao trong cộng đồng thường kéo dài từ 8 đến 10 năm, đối với vùng lõi Khu DTSQ cũng vậy, thời gian đầu tư được tính từ những ngày đầu cho đến khi được đồng thuận cao và nguồn thu từ du lịch một cách đáng kể được tính tổng cộng đến hơn 11 năm [5]. Việc xây dựng và hoàn thiện các kỹ năng điều phối từ việc tiếp nhận kiến thức đến thành thạo sử dụng và thể hiện được hành động được tính toán tổng từ 8 đến 10 năm, tuy nhiên các khu bảo tồn khác ngày nay, có thể rút ngắn được quãng thời gian này theo tiếp cận kinh nghiệm điều phối Khu DTSQ. Dự báo thời gian đạt được sự đồng thuận bảo tồn, nếu bắt đầu từ kinh nghiệm Khu DTSQ sẽ được rút ngắn còn lại từ 3 đến 5 năm [3].Câu hỏi đặt ra là tại sao, nếu học tập kinh nghiệm Khu DTSQ thì thời gian đồng thuận cho bảo tồn được rút ngắn còn lại từ 3 đến 5 năm. Thực ra trong quá trình xây dựng và phát triển vùng lõi Khu DTSQ, thời gian tìm kiếm, nghiên cứu cho các phương pháp tiếp cận, giáo dục, truyền thông cộng đồng rất dài, chiếm hơn 1/3 đến 1/2 tổng số thời gian đạt được đồng thuận cao tại đây [6]. Vì vậy, học tập Khu DTSQ là học tập các phương pháp tiếp cận, các kỹ năng từ thực tiễn trong công tác cộng đồng.Đồng thời Khu DTSQ đã và đang là hiện trường lớn cho việc đào tạo các nguồn lực này đến các khu bảo tồn mới tại địa phương và khu vực. Một vài khu bảo tồn mới như Khu Bảo tồn Đảo Bé, Lý Sơn, Quảng Ngãi cũng đang trong quá trình tiếp cận theo hướng Khu DTSQ [7].

Hình 9: Phân tích chuỗi thời gian xây dựng năng lực điều phối quản lý [3].

VII. KẾT LUẬN

Du lịch học tập tại làng quê Cẩm Thanh, nói riêng và tại Khu DTSQ nói chung đã và đang ngày được hình thành và lan rộng trong toàn thành phố, nhằm liên kết các yếu tố thành phần trong du lịch, tạo thành một sản phẩm mới mang tính tổng hợp tại địa phương, vừa góp phần nâng cao giá trị hoạt động du lịch thông qua một sản phẩm mới, vừa tạo không gia gắn kết nhằm duy trì và phát huy các giá trị bảo tồn, truyền thống, văn hóa, cộng đồng, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, vừa thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo, tiếp cận với văn minh và phát triển bền vững. Du lịch được thỏa mãn với các nhu cầu cơ bản, cấp thiết và nảy sinh của du khách từ cách tiếp cận không những các yếu tố thành phần mà còn mở rộng kết nối phạm vi quốc gia và quốc tế, xứng tầm với một khu dự trữ sinh quyển thế giới. Du lịch học tập tại Khu DTSQ đã bước đầu khẳng định vị trí của mình tại địa phương thông qua các hoạt động xây dựng, tổ chức, duy trì kết nối và lan tỏa, đồng thời qua du lịch Học tập cũng là một công cụ để tiếp cận phát triển bền vững hơn trong tương lai. Vì vậy, những bài học kinh nghiệm từ du lịch học tập cần được quan tâm nghiên cứu và đúc kết, nhằm tăng cường hỗ trợ cho quá trình cải thiện chính sách phát triển lâu bền.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bùi Đức Hùng, Chu Mạnh Trinh, Trịnh Thị Thu (2018), “Phát triển du lịch bền vững dựa vào người dân địa phương; Nghiên cứu trường hợp: Bảo tồn cua Đá (Gecarcoidea lalandii) Cù Lao Chàm – Hội An”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất: Phát triển du lịch bền vững ở Miền trung Việt Nam và ASEAN, trang 447 – 459, Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, ISBN: 978-604-956-319-5, 5/2018.

[2] Báo cáo kết quả các dự án GEF – SGP tại Hội An;(VNM/ICCA-GSI/2017/3).

[3] Chu Mạnh Trinh, Bùi Đức Hùng, Trịnh Thị Thu (2018), “Giải pháp tài chính bền vững cho khu bảo tồn biển từ phát triển du lịch – Mô hình ở Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất: Phát triển du lịch bền vững ở Miền trung Việt Nam và ASEAN, trang 601 – 619, Viện Khoa học Xã hội vùng Trung bộ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, ISBN: 978-604-956-319-5, 5/2018.

[4] Chu Mạnh Trinh (2013). Du lịch sinh thái Cù Lao Chàm – Hội An, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. Số 6-7 (104-105).2013. Tr. 17-27.

[5] Chu Mạnh Trinh (2011), Đồng quản lý tài nguyên và môi trường tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển T11 (2011), 2, tr.79-95.

[6] Chu Mạnh Trinh (2014), “Building Resilience in Hoi An city, Viet Nam through the Cham Islands Marine Protected Area (Chapter 17 – Viet Nam. P.149)”, Safe Havens: Protected Areas for Disaster Risk Reduction and Climate Change Adaptation. Gland, Switzerland: IUCN. xii + 168 pp , (Murti, R. and Buyck, C. (ed.) (2014).

[7] Chu Mạnh Trinh (2017), Du lịch Lý Sơn, Quảng Ngãi – Tiếp cận bảo tồn để phát triển bền vững, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam, Trang Thông tin Điện tử (www.culaochammpa.com.vn).

[8] Chu Mạnh Trinh (2016), Ứng dụng luận điểm 4 cột trụ giáo dục vào đào tạo truyền thông giáo dục cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường; Nghiên cứu trường hợp điển hình về hoạt động môi trường của sinh viên Đại học Quảng Nam cùng cộng đồng ở Hội An, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Quảng Nam, ISSN 0866-7586. Số 08/2016.

[9] Cộng đồng tham gia phục hồi tự nhiên và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm (VN/SGP/UNEP-SCS/09/01) ;

[10] Dự án tăng cường năng lực quản lý môi trường cho thành phố Hội An (VN/06/003);

[11] Hoạt động của Vườn rau hữu cơ Thanh Đông trong giai đoạn từ năm 2015, 2016, 2017, 2018; (Tổ Cộng đồng Vườn rau hữu cơ Thanh Đông, Cẩm Thanh).

[12] Lịch sử hình thành vườn rau Thanh Đông, 2014; (Tổ Cộng đồng Vườn rau hữu cơ Thanh Đông, Cẩm Thanh).

[13] Phục hồi và bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh phục vụ du lịch sinh thái và phát triển bền vững (VN/SGP/UNEP-SCS/09/02);

[14] Thêm một tuyến du lịch sinh thái tại Cẩm Thanh, Đài Truyền thanh – Truyền hình, Hội An, http://www.hoianworldheritage.org.vn/vi/news/Du-lich-Hoi-An/them-mot-tuyen-du-lich-sinh-thai-tai-cam-thanh-1711.hwh

[15] Tour thử nghiệm được hình thành kết nối vườn rau Thanh Đông với du lịch(VNM/ICCA-GSI/2017/3);

[16] Xây dựng mô hình xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt tại thành phố Hội An (VN/SGP/0P4/Y3/CORE/10/07);

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Hình h: Người nông dân tham gia giảng bài về sinh thái nông nghiệp tại vườn rau hữu cơ Thanh Đông, Cẩm Thanh

Bình luận