HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI MÔ HÌNH VÀ KẾT QUẢ BAN ĐẦU
Ngày 28 tháng 2 năm 2013, phiên họp thường kỳ của Tổ Khai thác và Bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm được tổ chức tại Trung tâm Du lịch xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, đã thảo luận, thống nhất và kiến nghị UBND xã cho phép ban hành 1.000 nhãn sinh thái dự tính cho việc khai thác trong tháng 3 năm 2013 với các thông số quy định bao gồm số lượng cá thể tối đa được khai thác là 1.000 con; kích thước tối thiểu của cá thể khai thác được tính theo chiều ngang mai cua là 7cm; cua không mang trứng.
Đến nay đã tròn hai tháng thực hiện, mô hình bước đầu đã mang lại nhiều kết quả khả quan cũng như những tồn tại cần giải quyết. Bài báo cập nhật thông tin hoạt động triển khai thực tiễn của mô hình trong tháng 3 và 4 năm 2013. Nội dung thảo luận và cam kết của các thành viên trong Tổ Khai thác và Bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm trong quá trình hoạt động được đính kèm. Đồng thời các số liệu giám sát cụ thể trong khai thác cũng được công bố.
Hình 1: Họp Tổ Khai thác và Bảo vệ cua Đá thống nhất số lượng cua Đá được khai thác trong tháng 3/2013.
Theo kế hoạch trong thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 7 năm 2013, tổng số cá thể cua Đá dự tính khai thác là 10.000 con tương ứng với 10.000 nhãn sinh thái được phép ban hành và được phân bổ như sau: Tháng 3 (1.000), tháng 4 (1.000), tháng 5 (2.000), tháng 6 (3.000), tháng 7 (3.000). Tuy nhiên, số lượng 10.000 nhãn sinh thái này sẽ được điều chỉnh theo từng tháng khác nhau, dựa vào kết quả hoạt động giám sát dán nhãn sinh thái ghi chép được trong mỗi tháng.
Hình 2: Cua Đá được dán nhãn sinh thái vào mỗi buổi sáng từ 7h – 8h, hàng ngày.
Mặc dầu được giới thiệu về cách chia sẻ lợi ích hưởng dụng tài sản chung như nguồn lợi cua Đá, các thành viên trong Tổ vẫn thống nhất với nhau rằng việc quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá là một sinh kế trong các sinh kế chung của cộng đồng Cù Lao Chàm. Vì vậy trong thời gian cho phép khai thác có kiểm soát, tùy theo điều kiện mỗi thành viên của Tổ có thể tham gia khai thác theo khả năng và đúng theo quy định. Tổ chỉ cần quản lý số lượng cho phép khai thác chung của Tổ, không cần phải chia đều cho từng thành viên…
Giá bán cua Đá dán nhãn sinh thái tối thiểu là 500.000 đồng/kg. Không một thành viên nào được phép bán cua Đá với giá thấp hơn quy định. Các thành viên có nghĩa vụ đóng lệ phí quản lý cua Đá 10% của giá bán 500.000 đồng/kg là 50.000 đồng/kg.
Thành viên của Tổ cua Đá hoặc người trong hộ gia đình bán cua Đá phải mặc đồng phục theo quy định và cua Đá dán nhãn được bán phải được giữ trong lồng có logo cua Đá và khẩu hiệu tuyên truyền “Cua Đá không dán nhãn là cua Đá bất hợp pháp”.
Hình 3: Cua Đá được đo đạc, dán nhãn sinh thái
Hình 4: Cua Đá Cù Lao Chàm là cua Đá dán nhãn sinh thái
Hình 5: Cua Đá dán nhãn sinh thái được bán tại Cù Lao Chàm.
Hình 6: Giá bán cua Đá dán nhãn sinh thái là 500.000 đ/kg được niêm yết
Nhằm tăng cường quản lý các trường hợp khai thác cua Đá bất hợp pháp, cũng như từng bước cũng cố hoạt động của mô hình, Tổ cua Đá kết nạp thêm 13 thành viên mới. Các thành viên này là các thành niên trẻ của Cù Lao Chàm đã từng đi làm ăn, học tập xa nhà trở về đảo làm ăn, sinh sông. Số thành viên hiện tại của Tổ cua Đá vào tháng 3/2013 là 31 người.
Hình 7: Họp Tổ kết nạp thêm thành viên mới
Tổ sẽ trích kinh phí quản lý mua sắm đồng phục và trang thiết bị phục vụ khai thác cua Đá cho các thành viên mới. Mọi thành viên của Tổ có trách nhiệm quản lý cua Đá dán nhãn, phát hiện và thông báo kịp thời cho Đội Môi trường của Xã các trường hợp cua Đá không có nhãn sinh thái tại Cù Lao Chàm.
Tổ trường và Ban điều phố tổ có nhiệm vụ phân công thành viên của Tổ đi tuần, giám sát trường hợp cua Đá không dán nhãn tại các nhà hàng phục vụ khách du lịch tại Cù Lao Chàm. Tổ khuyến khích những thành viên hỗ trợ Tổ liên ngành trong công tác tuần tra giám sát hiện tượng khai thác cua đá lén và buôn bán cua không dán nhãn.
Hình 8: Họp Tổ thống nhất chia đều số lượng cua Đá thuộc quyền được bắt trong tháng cho tất cả các thành viên của Tổ.
Sau một tháng hoạt động, Tổ cua Đá đã quyết định chia đều số lượng cua Đá thuộc quyền được bắt trong tháng cho tất cả các thành viên của Tổ như đề nghị ban đầu, vì một số thành viên trẻ trong Tổ đã bắt quá nhiều, lấn át các thành viên khác còn lại. Vì vậy, số lượng cua Đá cho phép khai thác trong tháng 4/2013 là 1.000 con chia đều cho 31 thành viên, mỗi thành viên được quyền khai thác 33 con. Các thành viên không khai thác trong tháng có quyền chuyển nhượng quyền khai thác của mình cho thành viên khác. Các thành viên cũng có quyền không chuyển nhượng để giữ lại cho bảo tồn. Số lượng cua Đá được quyền khai thác nhưng không chuyển nhượng, không bảo tồn cũng không được chuyển cho tháng sau. Các thành viên cần phải đóng lệ phí của số cua Đá đã được dán nhãn, thì mới được dán nhãn tiếp cho cua Đá vừa được khai thác.
Tổ thống nhất chi phí thù lao cho Tổ trường, tổ phó, thư ký, kế toán và cán bộ môi trường về ngày công làm việc phục vụ dán nhãn, tổ chức hội họp, báo cáo, giám sát, phân công trách nhiệm cho các thành viên (300.000đ/người/tháng).
Hình 9: Họp Tổ thống nhất số lượng cua Đá được khai thác trong tháng 4/2013
Theo thông báo của Tổ trưởng số lượng thành viên của Tổ đến cuối tháng 4/2013 là 33 người. Số lượng cua Đá được quyền khai thác trong tháng 5/2013 là 1.500 con chia đều cho 33 thành viên, mỗi thành viên được quyền khai thác 45 con. Kích thước tối thiểu chiều ngang mai cua là 7 cm.
Hình 10: Họp Tổ thảo luận và thống nhất số lượng cua Đá trong tháng 5/2013
Hình 11: Sa bàn cua Đá được xây dựng tại nhà anh Trần Ngào, thành viên Tổ cua Đá
Hình 12: Môi trường sống của cua Đá được mô phỏng trong sa bàn.
KẾT QUẢ GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC VÀ BÁN CUA ĐÁ TẠI CÙ LAO CHÀM TRONG THÁNG 3&4/2013
Hình 13: Diễn biến số lượng cua Đá (con) khai thác theo thời gian (ngày)
Hình 14: Số lượng cua Đá (con) được khai thác lũy tiến theo thời gian (ngày)
Hình 15: Số lượng cua Đá (con) khai thác phân theo kích thước chiều ngang mai cua (cm)
Hình 16: Phần trăm số lượng cua Đá (%) khai thác phân theo kích thước chiều ngang mai cua (cm)
Hình 17: Khối lượng cua Đá (kg), doanh thu (1.000 đ) và phí quản lý (1.000 đ) ghi nhận lũy tiến theo thời gian (ngày)
Tổng số ngày khai thác trong thời gian 2 tháng là 33 ngày (tháng 3 là 18 ngày và tháng 4 là 15 ngày)
Ngày cua bắt được nhiều nhất là 11/3 với số lượng là 250 con. Số lượng bắt ít nhất là 11 con/ngày vào 7/3, 23/3 và 26/3.
Kích thước trung bình chiều ngang mai cua bắt được là 8,14 cm. Trong đó kích thước trung bình lớn nhất là 8,72 cm và kích thước trung bình nhỏ nhất là 7,50 cm
Hầu hết cua Đá bắt được đều đạt kích thước quy định chỉ có 23 con có kích thước nằm trong khoảng 6,51-7,00 cm chiếm 0,80% trong tổng số cua Đá bắt được. Số cua này đã được phóng thích lại môi trường tự nhiên tại Ngân hàng cua Đá – Hòn Mồ.
Tổng số cua Đá bắt được trong 2 tháng 3&4/2013 là 2.031 con. Trong đó cua Đực là 1.726 con chiếm tỷ lệ 84,98% và cua Cái là 305 con chiếm tỷ lệ 15,02%.
Cua có kích thước chiều ngang mai cua nằm trong khoảng 7,01-7,50 cm chiếm 29,15% trong tổng số cua bắt được. Kế đến cua có kích thước trong khoảng 7,51-8,00 cm và 8,01-8,50 cm lần lượt là 27,57% và 14,77%.
Cua có kích thước lớn nhất nằm trong khoảng 10,51-11,00 cm chiếm tỷ lệ 1,13% trong tổng số cua bắt được.
Cua Đực có kích thước lớn nhất nằm trong khoảng 10,51-11,00 cm chiếm tỷ lệ 1,33% trong tổng số cua Đực được bắt. Trong khi cua Cái có kích thươc lớn nhất nằm trong khoảng 9,51-10,00 cm chiếm tỷ lệ 0,33% trong tổng số cua Cái bắt được.
Cua Đực có kích thước nhỏ nhất nằm trong khoảng 6,51-7,00 cm chiếm tỷ lệ 1,56% trong tổng số cua Đực được bắt. Trong khi cua Cái có kích thước nhỏ nhất nằm trong khoảng 6,51-7,00 cm chiếm tỷ lệ 0,98% trong tổng số cua Cái được bắt.
Tổng khối lượng cua bắt được là 323,8 kg, doanh thu là 161.900.000 đồng và phí quản lý thu được là 12.952.000 đồng.
KẾT LUẬN
Hoạt động của mô hình trong hai tháng 3&4/2013 đã tập hợp và “hấp dẫn” được các thành viên trong cộng đồng xin gia nhập vào Tổ cua Đá. Số liệu chứng minh được là khi thành lập Tổ, số thành viên là 18 người, phần lớn là người lớn tuổi với bề dày kinh nghiệm khai thác cua Đá. 10 ngày sau khi thực nghiệm (10/3), 13 thanh niên trẻ xin gia nhập Tổ, và đến cuối tháng 4, có 2 người địa phương nữa nộp đơn xin gia nhập Tổ. Đầu tháng 5/2013, tổng số các thành viên của Tổ là 33 người.
Tổng số vi phạm chỉ thị 04, không có sự can thiệp của quy chế hoạt động Tổ với cua Đá không có nhãn sinh thái là: 01 trường hợp nhà hàng bán cua Đá cho khách không có nhãn sinh thái; 04 trường hợp nhà hàng lưu giữ cua Đá không có nhãn sinh thái.
Tổ đã tổ chức được 06 cuộc họp (trung bình 10 ngày họp một lần) nhằm phản ảnh, thảo luận các hành vi vi phạm quy chế hoạt động của Tổ, các phát sinh trong “ứng xử” như quyền được dán nhãn cua khai thác, giá bán, giá trị nguồn lợi,…Sự chấp hành quy định về dán nhãn, thời gian, địa điểm, nộp phí quản lý…của các thành viên trong Tổ được thể hiện hàng ngày…
Nâng cao nhận thức và đào tạo cho các thành viên Tổ cua Đá là rất quan trọng. Các cuộc họp Tổ cần bổ sung thêm nội dung và thông tin về kết quả nghiên cứu cua Đá tại Cù Lao Chàm và các nơi khác cho Tổ. Nhận thức của các thành viên trong tổ phải được tăng cường và phải ngày một nâng cao. Các thành viên phải hiểu và nhận rõ giá trị của cua Đá tại Cù Lao Chàm và giá trị gia tăng nếu cua Đá được bảo vệ một các nghiêm ngặt.
Truyền thông đại chúng và các hỗ trợ khác như poster bảo vệ cua Đá dán nhãn sinh thái cần phải được phổ biến rộng rãi tại Cù Lao Chàm, tại các nhà hàng, trên tàu vận chuyển khách, trung tâm du lịch, homestay, trung tâm bảo tồn biển… Nhóm chuyên gia cần tiến hành thiết kế poster, pano, brochure,…và tìm nguồn tài chính để in ấn.
Xây dựng thuyết minh cho hoạt động dán nhãn sinh thái cua Đá vào mỗi buổi sáng tại địa điểm Thôn Cấm và sa bàn cua Đá tại nhà anh Trần Ngào hỗ trợ cho nghiên cứu, giảng dạy và kết nối du lịch sinh thái.