Tóm tắt.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận vào ngày 26/5/2009. Nơi đây thể hiện những thiện chí, sự nhường nhịn và trân trọng của con người đối với những giá trị của thiên nhiên ban tặng.
Tài nguyên và những giá trị tiêu biểu của KSQ Cù Lao Chàm.
Nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn đổ ra biển Cù Lao Chàm qua Cửa Đại, Khu sinh quyển đón nhận bầu không khí trong lành từ biển khơi cùng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch len lỏi trong các rừng ngập mặn đã tạo nên sự “mát mẻ sinh thái” cho du khách đến thăm.
Hình 1: Hạ lưu sông Thu Bồn (Photo – Bùi Kiến Quốc) và làng quê sông nước Cẩm Thanh.
Nơi đây có đầy đủ các hệ sinh thái đặc trưng quan trọng của vùng bờ và vùng biển đảo như: hệ sinh thái sông; hệ sinh thái vùng cửa sông; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái cồn cát và bãi biển; Các hệ sinh thái biển (San hô, cỏ biển, rong biển…vv); Các hệ sinh thái vùng triều bờ đá; Các hệ sinh thái rừng trên đảo Cù Lao Chàm; Các hệ sinh thái đất ngập nước và nhiều hệ sinh thái khác trong vùng bờ của tỉnh Quảng Nam. Điều quan trọng hơn đó chính là mối liên kết sinh thái giữa các vùng trong và ngoài khu sinh quyển.
Hình 2: Khu sinh quyển và sự liên kết sinh thái giữa các vùng.
Tính đa dạng sinh học luôn tồn tại, phát triển song hành cùng với các hệ sinh thái và các sinh cảnh. Điều này được thể hiện rõ nét nhất tại vùng biển đảo Cù Lao Chàm, nơi đây đã ghi nhận sự có mặt của 277 loài san hô cứng thuộc 40 giống trong 17 họ cùng với 15 loài thuộc 11 giống trong 6 họ san hô mềm.
Hình 3: Rừng dừa nước Cẩm Thanh và tính đa dạng sinh học biển Cù Lao Chàm.
Cùng với các rạn san hô là các thảm cỏ biển, rong biển, các vùng triều bờ đá, các bãi biển… chính là nơi cư ngụ, sinh trưởng, sinh sản của vô số các loài cá, giáp xác, nhuyễn thể. Tính đa dạng sinh học giữa các vùng KSQ từ sông, cửa sông, vùng bờ và biển đảo có sự liên kết rất chặt chẽ về mặt sinh thái. Do vậy trong chiến lược bảo tồn các giá trị tài nguyên, đa dạng sinh học của KSQ cần chọn cách tiếp cận sinh thái, sinh cảnh và vòng đời của các loài để có giải pháp bảo tồn hiệu quả.
Bên cạnh những giá trị nổi trội về tự nhiên, vùng chuyển tiếp của Khu sinh quyển Cù Lao Chàm là khu phố cổ Hội An, một nơi được bảo tồn gần như nguyên vẹn những giá trị văn hóa, văn học dân gian, nghệ thuật kiến trúc được ví như là một bảo tàng sống về những giá trị nhân văn.
Hình 4: Phố cổ Hội An – nơi thể hiện rõ nét các giá trị tài nguyên nhân văn của KSQ.
Khu sinh quyển còn thu hút khách đến thăm bằng những sự kiện, lễ hội, các sản phẩm du lịch cộng sinh thái gắn với cộng đồng địa phương rất độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được.
Hình 5: Hoạt động du lịch sinh thái tại Hội An – Cù Lao Chàm.
Danh hiệu Khu sinh quyển – Cơ hội song hành thách thức.
Việc đạt được danh hiệu Khu sinh quyển thế giới đã mở ra cơ hội lớn để phát triển toàn diện kinh tế xã hội của xã đảo Tân Hiệp và thành phố Hội An. Điều này được minh chứng qua số lượng du khách đến thăm Cù Lao Chàm:
Hình 6: Lượng khách đến Cù Lao Chàm (Photo: Lê Ngọc Thảo).
Lượng khách gia tăng đột biến, kéo theo nhu cầu sử dụng tài nguyên, dịch vụ rất lớn. Tính trong năm 2013, mỗi người dân Cù Lao Chàm đón tiếp đến 60 du khách. Điều này đã gây tác động mạnh mẽ đến môi trường, tài nguyên và công tác bảo tồn các giá trị của KSQ.
Hình 7: Du khách và nhu cầu sử dụng thực phẩm (Photo: Lê Ngọc Thảo).
Chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị của KSQ.
Truyền thông nâng cao nhận thức.
Đây là nhóm giải pháp quan trọng và là nền tảng để cộng đồng và toàn xã hội hiểu được bản chất, các giá trị và lợi ích của danh hiệu KSQ mà từ đó cùng nhau bảo vệ và phát huy những giá trị do KSQ mang lại.
Nghiên cứu khoa học và ứng dụng.
Đây là nhóm giải pháp xây dựng nền tảng, cơ sở khoa học và dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý và thực thi các nhóm giải pháp khác. Ngoài việc nghiên cứu, chia sẽ thông tin, kinh nghiệm cho KSQ, lực lượng nghiên cứu sẽ giúp truyền thông, quảng bá cho KSQ bằng các công trình nghiên cứu, các bài viết, tin tức…vv.
Phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng.
Các KSQ chắc chắn sẽ là những điểm thu hút khách du lịch đến để trải nghiệm những giá trị đặc trưng của KSQ mà các giá trị này phải gắn liền với đời sống cồng đồng địa phương. Do vậy, cần có chiến lược huấn luyện cộng đồng để họ đủ năng lực, kinh nghiệm và các điều kiện khác để có thể làm chủ được các dịch vụ, các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng trong KSQ.
Phát triển các lĩnh vực chuyên môn về bảo tồn và sinh quyển.
Mỗi KSQ đều có những giá trị nổi trội đặc trưng và để bảo tồn và phát huy những giá trị này. Hoạt động chuyên môn có thể được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước với sự hợp tác với các đối tác trong và ngoài KSQ đồng thời sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Trong tương lai, cần nghiên cứu đề xuất đưa một số bộ môn liên quan đến công tác bảo tồn và phát triển KSQ vào giáo dục để nâng cao nền tảng tri thưc địa phương.
Phát triển nguồn nhân lực và phối hợp đào tạo.
Bên cạnh nguồn nhân lực từ các bên liên quan tham gia với hình thức kiêm nhiệm, KSQ cũng sẽ có chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kể cả năng lực của cộng đồng để đảm nhận được nhiệm vụ phát triển của KSQ trong tương lai.
Việc đào tạo này có thể lồng ghép trong các chương trình hành động và sự hợp tác với các trung tâm đào tạo trong nước và quốc tế.
Nỗ lực thực hiện.
Quan điểm chủ đạo để phát triển KSQ là sự gắn kết giữa bảo tồn và sinh quyển. Việc phát triển du lịch bền vững chỉ khi các giá trị của KSQ được bảo tồn và phát huy. Như vậy có thể thấy rằng bảo tồn chính là nền tảng để phát triển du lịch và gìn giữ danh hiệu KSQ. Danh hiệu KSQ chính là điểm thu hút và tạo là cơ hội, môi trường rất tốt để phát triển du lịch bền vững.
Các giá trị của KSQ được bảo tồn và phát huy với sự tham gia có trách nhiệm, sự hợp tác liên ngành và đạt được sự đồng thuận của đại diện các bên liên quan chính là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch bền vững đồng thời giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng sinh sống trong Khu sinh quyển./.
Lê Ngọc Thảo – BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm