Sáng ngày 22/12/2023, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, số 10 Tôn Thất Thuyết, Hà Nội, Ban chỉ đạo Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam “Dự án BR”) tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả hoạt động năm 2023 và định hướng hoạt động năm 2024. Tham dự và chủ trì Hội nghị gồm có ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban chỉ đạo Dự án BR cùng các thành viên trong Ban chỉ đạo, Ban quản lý dự án và lãnh đạo đại diện các Ban triển khai dự án tại 03 địa phương (tỉnh Đồng Nai, tỉnh Nghệ An và tỉnh Quảng Nam). Ban triển khai Dự án tỉnh Quảng nam có bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Phó Ban thường trực Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Phó Ban triển khai Dự án BR, cùng cán bộ kỹ thuật của Ban triển khai Dự án, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tham dự hội nghị tổng kết.
Dự án BR do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chủ Dự án; Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là cơ quan thực hiện và 03 Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Tây Nghệ An và Cù Lao Chàm – Hội An là cơ quan đồng thực hiện. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2024 tại Hà Nội và tại 03 Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Tây Nghệ An và Cù Lao Chàm – Hội An.
Mục tiêu của Dự án là Quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học được lồng ghép hiệu quả vào các quy hoạch phát triên kinh tế – xã hội của các tỉnh địa bàn thực hiện dự án và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam. Dự án sẽ tập trung giải quyết vấn đề ở 2 cấp độ:
– Cấp độ quốc gia: Các hoạt động của dự án ở cấp độ quốc gia hỗ trợ các hoạt động xây dựng, hoàn thiện chính sách, tạo môi trường pháp lý nhằm quản lý tổng hợp hệ sinh thái tại các khu dữ trữ sinh quyển cũng như lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam; các hoạt động nâng cao năng lực để thực thi các chính sách.
– Cấp độ khu dự trữ sinh quyển: Triển khai các hoạt động cụ thể nhằm thí điểm các chính sách được xây dựng ở cấp độ quốc gia và các hoạt động cụ thể nhằm sử dụng bền vững tài nguyên, quản lý khu bảo tồn và các phương thức phát triển thân thiện với đa dạng sinh học.
Hội nghị đã nghe cán bộ điều phối viên Dự án báo cáo kết quả các hoạt động tại trung ương, cụ thể: Hướng dẫn xây dựng và lấy ý kiến góp ý nhiều lần tại các cuộc họp kỹ thuật và hội thảo tham vấn trong quá trình đề cử Khu dự trữ sinh quyển mới. Dự kiến trong năm 2023-2024 sẽ hướng dẫn xây dựng hồ sơ đề cử cho ít nhất 01 Khu dự trữ sinh quyển mới; Hướng dẫn tiếp cận tổng hợp tài nguyên, tích hợp các mục tiêu quản lý tổng hợp tài nguyên vào kế hoạch quản lý Khu dự trữ sinh quyển và đáp ứng được các nội dung theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTBMT vào kế hoạch quản lý Khu dự trữ sinh quyển tại 03 Khu dự trữ sinh quyển của Dự án trước khi nhân rộng ra các Khu dự trữ sinh quyển khác;Hướng dẫn về bộ tiêu chí, quy trình công nhận và quản lý các cơ sở du lịch thân thiện đa dạng sinh học đã được áp dụng để thực hiện chương trình chứng nhận cơ sở du lịch thân thiện đa dạng sinh học tại 03 Khu dự trữ sinh quyển tham gia Dự án; Trong năm 2023, Dự án đã hỗ trợ tổ chức một số cuộc họp kỹ thuật, diễn đàn và hội thảo chuyên đề để trao đổi, thảo luận và lấy ý kiến đóng góp của các bên liên quan cho các hoạt động liên quan đến hệ thống Khu dự trữ sinh quyển; Hội thảo và chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày quốc tế Khu dự trữ sinh quyển được tổ chức vào ngày 03/11/2023 tại Hà Nội. Ngoài ra, còn xây dựng tài liệu tập huấn và tiến hành 15 khóa tập huấn cho các bên liên quan của Khu dự trữ sinh quyển theo 05 nhóm chủ đề: (1) Quản lý tổng hợp Khu dự trữ sinh quyển và lồng ghép các mục tiêu bảo tồn trong quá trình lập kế hoạch; (2) Quản lý rừng bền vững, tăng cường thực thi pháp luật hạn chế nạn săn trộm động vật hoang dã; (3) Hướng dẫn xây dựng quy hoạch tỉnh có lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh hoạc và áp dụng đánh giá tác động đa dạng sinh học; (4) Bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ; (5) Thực thi chính sách, pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài ra, còn hướng dẫn xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông tại các Khu dự trữ sinh quyển theo yêu cầu của UNESCO; Hướng dẫn và hỗ trợ triển khai các hoạt động truyền thong về Khu dự trữ sinh quyển tại cấp trung ương và tỉnh (các hoạt động truyền thong tại cấp Khu dự trữ sinh quyển sẽ do 03 Khu dự trữ sinh quyển tham gia Dự án thực hiện); Dự thảo tài liệu giới thiệu hệ thống Khu dự trữ sinh quyển dự kiến sẽ hoàn thành trong quý I/2024; Trong năm 2023, một số hoạt động truyền thong của Dự án được thực hiện như: xây dựng Fanpage, website của Dự án; xây dựng một số ấn phẩm truyền thong (sổ dự án, 25 loại poster, standee về các Khu dự trữ sinh quyển và các hoạt động của Dự án BR).
Hội nghị đã nghe cán bộ điều phối viên hiện trường các Khu dự trữ báo cáo đánh giá những kết quả đã phối hợp triển khai thực hiện trên cơ sở các hợp phần đã được giao nhiệm vụ, cụ thể: Các hoạt động do Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai thực hiện: Tổ chức hoạt động quan trắc các loài chỉ thị tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (các loài chỉ thị gồm Bò tót, Vượn má vàng và Chà vá chân đen); Hỗ trợ triển khai các hoạt động sử dụng bền vững tài nguyên tại 20,000ha khu vực dành riêng (Set-aside); Hỗ trợ thành lập, kiện toàn các Tổ tuần tra bảo vệ rừng, hỗ trợ cho hoạt động của Tổ tuần tra bảo vệ rừng cộng đồng; triển khai các hoạt động truyền thông và tập huấn nâng cao năng lực về sử dụng bền vững tài nguyên; triển khai một số mô hình sinh kế quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn đã được huy động từ tháng 7/2023 và đã triển khai được các hoạt động như tập huấn nâng cao năng lực, hoạt động truyền thông về bảo vệ rừng, hoạt động nuôi dưỡng rừng cho khu vực rừng bị suy thoái … Ngoài ra, còn tổ chức tư vấn đánh giá các cơ sở du lịch tiềm năng theo các tiêu chí cơ sở du lịch thân thiện với đa dạng sinh học để triển khai các hoạt động chứng nhận cơ sở du lịch thân thiện đa dạng sinh học và hỗ trợ một số mô hình/sản phẩm du lịch tiềm năng.
Các hoạt động do Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An thực hiện: Hoạt động quan trắc các loài chỉ thị tại Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An (các loài chỉ thị gồm Vượn má vàng và Vượn đen má trắng); Đã triển khai các hoạt động tại hiện trường, hoàn thành báo cáo tập huấn nâng cao năng lực và báo cáo quan trắc đa dạng sinh học giữa kỳ sẽ được thực hiện nữa đầu năm 2024. Hỗ trợ triển khai các hoạt động sử dụng bền vững tài nguyên tại 40,000ha khu vực dành riêng (Set-aside); Trong năm qua đã hỗ trợ thành lập, kiện toàn các Tổ bảo vệ rừng, hỗ trợ cho các hoạt động của Tổ tuần tra bảo vệ rừng cộng đồng; triển khai các hoạt động truyền thông và tập huấn nâng cao năng lực về sử dụng bền vững tài nguyên; triển khai một số mô hình sinh kế quy mô nhỏ. Đơn vị tư vấn đã được huy động từ tháng 7/2023 và đã triển khai Hội thảo khởi động, xây dựng hồ sơ thiết kế phục hồi rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai các hoạt động tại hiện trường. Ngoài ra, còn đánh giá các cơ sở du lịch tiềm năng theo các tiêu chí cơ sở thân thiện với đa dạng sinh học để triển khai các hoạt động chứng nhận cơ sở du lịch thân thiện đa dạng sinh hoạt và hỗ trợ một số mô hình, sản phẩm du lịch tiềm năng.
Các hoạt động do Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An thực hiện: Triển khai và hoàn thành báo cáo tập huấn và quan trắc giữa kỳ các loài chỉ thị tại Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An (độ phủ san hô sống và Cua đá); Cập nhật, rà soát, điều chỉnh dự thảo Quy chế hoạt động của Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển và Quy chế quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm – Hội An, dự thảo đã được tư vấn xây dựng và đang tiến hành tham vấn các bên liên quan; Tổ chức đánh giá và xây dựng kế hoạch quản lý 05 năm Khu bảo tổn biển Cù Lao Chàm, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An dựa trên cách tiếp cận IBRMA và IRNM, kế hoạch đang được tư vấn khẩn trương xây dựng để lấy ý kiến của các bên liên quan và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài các hoạt động nêu trên, Ban triển khai Dự án phối hợp cùng Tư vấn triển khai hoạt động thiết lập vườn ươm, xây dựng tài liệu và tổ chức tập huấn kỹ thuật nhân giống các loài cây bản địa tại Cù Lao Chàm để phục vụ công tác phục hồi rừng tại địa phương; Hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng tại 02 xã thuộc vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển (Cẩm Thanh và Cẩm Kim) thông qua chương trình tài trợ nhỏ (LVGs) thuộc dự án BR. Với những lợi thế sẵn có của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm và Khu phố cổ Hội An cũng như các làng nghề truyền thống, Ban triển khai Dự án cùng tư vấn đã đánh giá các cơ sở du lịch tiềm năng theo các tiêu chí cơ sở du lịch thân thiện với đa dạng sinh học để triển khai các hoạt động chứng nhận cơ sở du lịch thân thiện đa dạng sinh học và hỗ trợ một số mô hình, sản phẩm du lịch tiềm năng. Đã xây dựng xong “Bộ tiêu chí, quy trình đánh giá công nhận cơ sở du lịch thân thiện đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An” đã được lãnh đạo thành phố Hội An phê duyệt và Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An thống nhất ban hành ngày 20/11/2023 để bắt đầu triển khai áp dụng.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban chỉ đạo Dự án BR Võ Tuấn Nhân chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết:
Năm 2023, Ban quản lý, Ban triển khai dự án tại các địa phương, UNDP, cũng như cán bộ Dự án ở trung ương và địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai các hoạt động của Dự án;
Các đơn vị liên quan trong quá trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch hoạt động năm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu đã phối hợp và hỗ trợ hiệu quả các Dự án;
Các đơn vị liên quan cũng phối hợp tích cực trong quá trình thẩm định, phê duyệt các kế hoạch của Dự án và tổ chức triển khai Dự án.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban triển khai dự án tại các địa phương, UNDP còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, cụ thể:
– Dự án có nhiều bên đồng thực hiện (UNDP, Cục bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học và địa phương 03 Khu dự trữ sinh quyển được lựa chọn) đó là: Thời gian trao đổi, thống nhất giữa các bên, công tác điều phối và quản lý các hoạt động Dự án;
– Đầu năm 2023 phải tiến hành các thủ tục kiện toàn Ban quản lý Dự án, điều chỉnh Quy chế hoạt động của Ban quản lý Dự án để phù hợp với cơ cấu tổ chức mới tại trung ương và có sự thay đổi nhân sự tại địa phương (Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An);
– Dự án phải tuân thủ các quy định của cả UNDP và các quy định của Việt Nam nên khối lượng công việc hành chính lớn và phức tạp;
– Hoạt động của Dự án có hoạt động chuyên môn sâu và địa bàn thực hiện rộng bao gồm các vùng sâu và vùng xa tại các Khu dự trữ sinh quyển;
– Thủ tục điều chỉnh, bổ sung kế hoạch năm của Dự án mất nhiều thời gian nên không kịp hoàn thành công tác đấu thầu cho các gói thầu mới trong năm 2023;
Ngoài ra, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân còn đánh giá, nhấn mạnh những việc mà Ban chỉ đạo, Ban quản lý dự án và các Ban triển khai dự án tại 03 địa phương đã triển khai thực hiện Dự án trong năm 2023, đó là:
- Về tiến độ hoạt động: Các hoạt động được triển khai, bám sát theo kế hoạch hoạt động được nhà tài trợ thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt;
- Về Tiến độ giải ngân Dự án: Tỉ lệ giải ngân năm 2023 dự kiến của toàn Dự án đạt 73% (so với kế hoạch điều chỉnh) và 85,7% (so với kế hoạch hoạt động được phê duyệt ban đầu);
- Về số lượng, chất lượng sản phẩm: Về cơ bản đáp ứng đúng yêu cầu của Dự án về số lượng và chất lượng của sản phẩm;
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân còn định hướng kế hoạch hoạt động dự kiến của Dự án năm 2024, tiếp tục kế thừa và đẩy mạnh hơn nữa các hợp phần đã triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2023 để làm cơ sở hoạch định các hoạt động chính của Dự án trong năm 2024 gồm:
* Hợp phần 1: Tăng cường pháp luật, chính sách và năng lực quốc gia để tích hợp quản lý đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên bền vững vào quản lý Khu dự trữ sinh quyển;
* Hợp phần 2: Sử dụng bền vững tài nguyên, quản lý khu bảo tồn và các hoạt động phát triển thân thiện với đa dạng sinh học được lồng ghép vào việc quản lý ba Khu dự trữ sinh quyển tham gia Dự án;
* Hợp phần 3: Quản lý tri thức, lồng ghép giới, giám sát và đánh giá Dự án;
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, thay mặt Ban chỉ đạo thống nhất đề xuất của Ban quản lý Dự án gia hạn Dự án thêm 06 tháng; thời gian thực hiện Dự án kéo dài đến hết ngày 31/12/2024 với những lý do như sau:
– Văn kiện Dự án được phê duyệt ngày 11/7/2019 nhưng cần kiện toàn Ban quản lý dự án, tuyển nhân sự văn phòng Dự án nên đến đầu năm 2020 mới bắt đầu triển khai;
– Trong quá trình triển khai Dự án năm 2020-2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới việc triển khai các hoạt động tại hiện trường (đặc biệt là hoạt động hỗ trợ khu vực dành riêng, hỗ trợ phát triển sinh kế, phục hồi rừng, chương trình chứng nhận cơ sở du lịch thân thiện đa dạng sinh học …) ảnh hưởng chung đến tiến độ triển khai của toàn Dự án;
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị và yêu cầu Ban quản lý dự án, các Ban triển khai Dự án nhanh chóng trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kế hoạch hoạt động năm 2024 vào tháng 01 năm 2024; Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và gởi văn bản đến 3 tỉnh có Khu dự trữ sinh quyển được lựa chọn để đôn đốc triển khai các hoạt động của Dự án và tiếp tục xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ tham mưu phê duyệt quy chế Khu dự trữ sinh quyển;
Lê Công Tuấn – BQL Khu BTB.CLC-Hội An
(Ban triển khai Dự án tại tỉnh Quảng nam được thành lập theo Quyết định số 4055/QĐ-UBND ngày 12/12/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam nhằm tổ chức thực hiện các hoạt động của Dự án tại hiện trường theo hướng dẫn của Ban quản lý Dự án. Ban triển khai Dự án do ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, Trưởng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm làm Trưởng Ban Dự án bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Phó Ban thường trực Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm làm Phó Ban triển khai Dự án BR).