Quy định đối với nghề mành đèn, lưới rê tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

28 lượt xem

Theo số liệu thống kê của BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, trong thời gian gần đây, tình hình vi phạm vùng khai thác thủy sản được ghi nhận có liên quan nhiều đến nghề lưới rê và nghề mành đèn trong đó, nghề lưới rê có 04 lượt và nghề mành đèn 02 lượt vi phạm. (Nghề lưới rê theo phân loại tầng nước hoạt động được chia thành 3 loại: rê tầng mặt (rê nổi), rê tầng giữa (tức lưới cản) và rê tầng đáy (lưới quét); tại vùng biển Cù Lao Chàm ngư dân thường sử dụng lưới rê tầng mặt (rê nổi) để khai thác các loại cá tầng nổi như cá chim, cá chang,….và dùng lưới này vào mùa cá chim là chủ yếu nên có tên gọi khác là “lưới chim”)

Hình 1: Nghề mành đèn vi phạm tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Nguồn ảnh: Đức Thuận)

Các trường hợp vi phạm chủ yếu là ngư dân đến từ phường Điện Dương, huyện Điện Bàn và xã Bình Minh, huyện Thăng Bình. Mặc dù, hằng năm, tại các đợt truyền thông, đối thoại với cộng đồng ngư dân 16 xã ven biển của tỉnh Quảng Nam, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã trao đổi và giải đáp thắc mắc với ngư dân về những quy định của pháp luật khi tham gia khai thác thủy sản tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ban hành kèm theo Quyết định số 09/2020/QĐ-UBND ngày 17/7/2020 của UBND tỉnh Quảng Nam,…) song, do mức độ tham gia không đồng đều dẫn đến người dân chưa nắm bắt hết các nội dung và đến nay nghề mành đèn và lưới chim vẫn còn vi phạm.

Nghề mành đèn hoạt động theo nguyên lý dùng ánh sáng để thu hút đàn cá vào ban đêm; nghề mành đèn thường đánh bắt cá nhỏ như: cá cơm, cá nục, cá trác, cá bạc má, cá de… Tuy nhiên, theo quy định tại bảng 1, phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022 của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số thông tư trong lĩnh vực thủy sản, quy định nghề mành đèn xếp vào loại nghề, ngư cụ kết hợp ánh sáng trừ nghề câu tay mực) không được phép hoạt động trong phạm vi vùng ven bờ, chỉ được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi. Trong khi đó toàn bộ phạm vi của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được quy định là vùng biển ven bờ (quy định tại Điểm a, Khoản 1, Mục 18, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP). (Vùng ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển dọc theo bờ biển và tuyến bờ. Đối với các đảo, vùng ven bờ là vùng biển được giới hạn bởi ngấn nước thủy triều trung bình nhiều năm quanh bờ biển của đảo đến 0hải lý).

Nghề lưới rê có nguyên lý hoạt động là vàng lưới nổi trôi theo dòng nước, do đặc tính này, nghề lưới rê trong một vài trường hợp có thể mang đến những rủi ro vi phạm khai thác thủy sản cho ngư dân và gây tác động đến nguồn lợi thủy sản như:

– Nếu chiều dài của vàng lưới rê quá lớn và khai thác gần bờ sẽ chặn tất cả đường di chuyển của các loài thủy sản nhất là trong mùa sinh sản sẽ làm cạn kiệt nguồn lợi.

– Trong quá trình lưới trôi theo dòng nước, vô tình kéo theo các loại lưới khác trong cùng khu vực cùng thời điểm sẽ gây ra sự mâu thuẫn lợi ích với các ngư dân đang hoạt động ngành nghề khác.

– Hoặc nếu trôi vào phạm vi bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái (khu vực cấm khai thác thủy sản) và phân khu dịch vụ hành chính (đối với người ngoài địa phương xã Tân Hiệp) thì sẽ vi phạm quy định về vùng khai thác thủy sản được quy định tại Quy chế Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Do vậy, để đảm bảo hài hòa về mặt lợi ích và góp phần vào sự phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, người dân cần lưu ý về phạm vi khai thác của mỗi ngành nghề; tuân thủ các quy định thuộc Quy chế quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (trong đó có quy định về việc đăng ký khai thác thủy sản với BQL) và các quy định hiện hành về lĩnh vực khai thác thủy sản. Hiện nay, tại Cù Lao Chàm có 15 phương tiện KTTS bằng nghề mành đèn và lưới chim, đối với nghề mành đèn theo quy định không được phép khai thác tại vùng biển Cù Lao Chàm ngư dân cần lưu ý để tránh vi phạm; đối với nghề lưới chim hiện tại BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đang nghiên cứu xem xét lại vùng hoạt động của nghề này trong phạm vi Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm để tránh xảy ra mâu thuẫn giữa các ngành nghề KTTS và sẽ thông tin cho người dân trong thời gian đến.

Thanh Thảo, Thúy Trang – BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Thông tin bổ sung

Tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định 38/2024/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2024 của chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nêu rõ

  1. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu mực) khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác thuỷ sản hoặc khu vực cấm khai thác thuỷ sản có thời hạn mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo các mức phạt sau:
  2. a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét;
  3. b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét;
  4. c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét;
  5. d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét;
  6. đ) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên.