Khỉ vàng ở Cù Lao Chàm (gọi tắt là Khỉ) là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB tại Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật rừng hoang dã nguy cấp.

Hình 1: Khỉ vàng Cù Lao Chàm (Nguồn ảnh: CLC MPA)
Trong hai năm trở lại đây, một số đàn khỉ đã xuống các khu dân cư tại đảo để tìm kiếm thức ăn, quấy phá, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Xuất phát từ thực tế đó, với mục đích tìm kiếm giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực do Khỉ vàng gây ra, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) tổ chức các đợt nghiên cứu thực địa trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10/2023 để thu thập các thông tin liên quan.

Hình 2: Khỉ vàng xuống khu vực nhà dân (Nguồn ảnh: CLC MPA)
Theo kết quả nghiên cứu, ghi nhận có khoảng 200 cá thể Khỉ vàng tại tất cả khu vực dân cư trên đảo Cù Lao Chàm và hoạt động theo đàn. Các đàn khỉ có đặc điểm di chuyển và phân bố khác nhau. Một số đàn thường xuyên ở xung quanh nhà người dân, trong khi một số đàn khác thường chỉ xuống khu vực dân cư vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối để tìm kiếm thức ăn. Với sự xuất hiện của các đàn khỉ tại các khu dân cư như vậy, để thu hút du khách, một số hướng dẫn viên, xe ôm thường để du khách cho Khỉ thức ăn và nhử Khỉ cho du khách xem. Thêm vào đó, các thùng rác tại hộ gia đình, khu vực nhà hàng, thùng rác công cộng, các bãi biển chưa được che đậy kỹ, thức ăn thừa vẫn còn đổ tại các bìa rừng tạo cơ hội cho đàn khỉ tiếp cận nguồn thức ăn. Tất cả những điều này dẫn đến sự thay đổi về tập tính tự tìm kiếm thức ăn trong tự nhiên của Khỉ vàng. Một số cá thể Khỉ vàng không còn thói quen tìm kiếm thức ăn trong rừng mà chỉ đợi đến khung giờ cố định để được cho thức ăn và đang có hành động hung hăng, giật đồ đạc và thức ăn, tấn công du khách.
Với sự thay đổi về tập tính của Khỉ vàng như hiện nay đang là mối đe dọa đến cuộc sống người dân và tìm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái trên đảo. Để bảo tồn hệ sinh thái, đảm bảo tập tính tự nhiên của Khỉ vàng và ngăn chặn kịp thời các sự cố không mong muốn có thể xảy ra, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm khuyến nghị:
- Nghiêm cấm tuyệt đối các hành vi cho Khỉ ăn và tạo điều kiện Khỉ tiếp cận nguồn thức ăn trong khu dân cư. Nguồn thức ăn không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thay đổi bản năng kiếm ăn hoang dã của Khỉ.
- Thức ăn thừa không đổ tại các bìa rừng, bãi biển để cắt nguồn thức ăn đối với Khỉ.
- Trong hoạt động chăn nuôi gà, vịt, bò, … cần theo dõi, kiểm soát việc cho động vật ăn.
- Hãy thực hiện phân loại rác tại nguồn đúng quy định, kiểm soát và che đậy kỹ thùng rác để Khỉ không có cơ hội tiếp cận nguồn thức ăn.
- Chủ động xua đuổi, đồng loạt xua đuổi đàn khỉ khi chúng xuất hiện gần nhà bằng cách rượt đuổi hoặc dùng ná cao su bắn hù dọa.
- Hãy cảnh báo đến du khách không nên tiếp xúc, vui đùa với Khỉ, việc này có thể gây mất an toàn.
- Mọi hành vi săn bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã, trong đó có Khỉ vàng là trái pháp luật.
- Đề nghị các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã cùng phát động phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, vệ sinh ngăn nắp, xử lý và phân loại rác tại nguồn; kiểm soát các thùng rác để Khỉ không có cơ hội tiếp cận các nguồn thức ăn trong khu dân cư.
Hãy đối xử thân thiện, không nên có những hành động xung đột với Khỉ để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra.
Thanh Thảo – BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm