CÙ LAO CHÀM PHÁT HIỆN NHÓM CÁ HẢI QUỲ – nguồn lợi quý cần được bảo tồn

5.5k lượt xem

Tham gia nhiều chuyến lặn khảo sát, nghiên cứu các hệ sinh thái biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam, tôi bị lôi cuốn bởi một nhóm sinh vật biển mềm mại, màu sắc sặc sỡ, đẹp và đặc biệt là rất hiếu động, chúng có phân bố rải rác và quan hệ gần gũi với các rạn san hô, thảm cỏ biển. Đó là nhóm hải quỳ và cá hải quỳ hay còn được gọi là cá hề (tên tiếng Anh gọi là Clownfish).

Các nhà khoa học đã thống kê trên thế giới có 29 loài cá hải quỳ đã được xác định. Vùng biển Việt Nam đã thống kê được 7 loài, riêng tại vùng biển Cù Lao Chàm qua hai năm 2016 và 2017, kết hợp với những lần khảo sát, nghiên cứu biển, tôi đã xác định thống kê được 6 loài cá hải quỳ, chiếm hơn 85% số loài trong cả nước đã được phát hiện cho đến nay. Có thể nói, các rạn san hô vùng biển Cù Lao Chàm là nơi tập trung số loài cá hề nhiều nhất trong cả nước.

(Cá hải quỳ đuôi vàng – Yellowtail clownfish. Photo: LXA, tháng 9/2017)

Về phân loại, cá hải quỳ thuộc họ cá thia (Pomacentridae). Tại vùng biển Cù Lao Chàm có 5 loài cá hải quỳ phân bố trên các rạn san hô gồm: Amphiprion frenatus – cá hề màu đỏ cà chua (Tomato clownfish); Amphiprion sandaracinos – cá hề màu vàng (Yellow clownfish); Amphiprion perideraion – Cá hề hồng xám (Pink skunk clownfish); A. clarkia – cá hề đuôi vàng (Yellowtail clownfish); A. chrysopterus – cá hề vây cam (Ogangefin clownfish) và duy nhất có một loài phân bố trên nền cát gần rủi với thảm cỏ biển, đó là loài Amphiprion polymnus – cá hề yên ngựa (Saddleback clownfish).

(Cá hề yên ngựa- Saddleback clownfish. Photo: LXA, tháng 7/2016)

Các nhà khoa học trên thế giới đã thống kê có khoảng hơn 1.000 loài hải quỳ khác nhau, chúng là những loài động vật thân mềm, sống bám vào đá ngầm và các rạn san hô. Về hình thái, hải quỳ là loài có rất nhiều xúc tu, mềm mại, có nhiều màu sắc, trông có vẽ vô hại, đẹp như những bông hoa đa sắc màu, gợi cảm dưới đáy đại dương, nhưng thật ra chúng là loài động vật ăn thịt rất đáng sợ, vì các xúc tu của chúng có chứa chất độc làm tê liệt và ăn trọn các loài cá, tôm, giáp xác,…khi chúng bắt được. Nhưng rất đặc biệt, duy nhất chỉ có các loài cá hải quỳ được sống chung với vật chủ của mình là hải quỳ, có lẽ vì thế mà con người đặt tên cho chúng có tên là cá hải quỳ.

Thật ra hải quỳ và cá hải quỳ là các loài khác nhau, trong môi trường tự nhiên hoang dã dưới biển, chúng có mối quan hệ cộng sinh, đồng tiến hóa, nghĩa là thường xuyên mang lại lợi ích cho nhau để cùng tồn tại và phát triển. Tìm hiểu mối quan hệ hợp tác này phát hiện nhiều điều thật thú vị: Cá hề là loài cá nhỏ với nhiều màu sắc sinh động (kích thước lớn nhất khoảng 18cm), chúng là loài ăn tạp, chúng có thể vệ sinh sạch sẽ bằng cách ăn những thức ăn không tiêu hóa, dư thừa bỏ lại từ vật chủ hải quỳ, cá hề ăn cả các xúc tu của hải quỳ bị chết, ăn cả những động vật không xương sống nhỏ mà chúng có khả năng đe dọa đến vật chủ của nó; ngoài ra cá hề còn bài tiết lượng ni-tơ làm tăng số lượng tảo đưa vào mô giúp hải quỳ tái sinh và phát triển mô, và sự hoạt động bơi lội thường xuyên của cá hề làm xáo trộn, tăng nguồn ô xy hòa tan cho hải quỳ. Các loài cá hề có tĩnh lãnh thổ rất cao, có lẽ sự hoạt náo, chào đón sinh động, làm vui mắt “ du khách lạ” khi xuất hiện bất ngờ trước “lâu đài” của chúng mà con người đặt cho chúng cái tên gọi thân thiện là “cá hề – Clownfish”, nhưng thực ra đó là những hoạt động tích cực, rất có trách nhiệm, nhằm ngăn cản, xua đuổi, chúng còn giao tiếp nhau bằng cách đập hai hàm răng vào nhau để tạo ra một chuổi tiếng kêu lách cách khi phát hiện kẻ xâm lược, thậm chí chúng có khả năng cảnh giác từ xa và can đảm tấn công cắn vào người vào đầu thợ lặn để bảo vệ lãnh thổ hải quỳ của mình mà tôi đã chứng kiến trong các lần khảo sát, nghiên cứu.

Và để trả ơn người “bạn tốt” chung thủy này, hải quỳ cung cấp nơi ẩn nấp lý tưởng và an toàn nhất cho cá hề khi gặp nguy hiểm, vì hải quỳ là loài có nọc độc và chỉ cá hề không gặp nguy hiểm bởi độc tố từ hải quỳ, có thể nói cá hề là một điển hình nhất về loài cá có khả năng sống bình thường trong những xúc tu chứa nọc độc của hải quỳ.

(Cá hề màu đỏ cà chua- Tomato clownfish. Photo: LXA, tháng 6/2016)

Hải quỳ và cá hề là những sinh vật mềm mại, quyến rũ, đa sắc màu, tuyệt đẹp là một bộ phận gắn kết sinh thái với các rạn san hô, thảm cỏ biển và làm tăng tính thẩm mỹ tuyệt vời trong thế giới đại dương, chính vì vậy chúng rất có giá trị trong ngành thương mại xuất, nhập khẩu cá cảnh nước mặn trên phạm vị toàn cầu trong đó có Việt Nam. Đó là lý do nguồn lợi các cảnh biển trong đó có hải quỳ và các loài cá hải quỳ trong tự nhiên ở nước ta bị suy giảm nghiêm trọng, nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, ngư dân vùng biển bằng nhiều cách đã sử dụng độc tố Cyanide (xianua natri) để khai thác cá hải quì hết sức tinh vi và nguy hại, không những làm suy kiệt nguồn lợi, mà còn gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường biển, giết chết các loài sinh vật khác và hủy hoại các rạn san hô.

Một số nhà khoa học quốc tế còn đánh giá hải quỳ là các loài động vật bất tử, dường như không biết đến tuổi già, là một bí ẩn trường thọ mà đã thu hút một số nhà khoa học thế giới đã và đang nghiên cứu khám phá để phục vụ cho con người. Trước thực trạng khai thác trái phép các loài sinh vật biển, công tác quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái biển, nguồn lợi cá hải quỳ và hải quỳ tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm là một thách thức cần được quan tâm đúng mức.

Việc phát hiện tại vùng biển Cù Lao Chàm có 6 loài cá hải quỳ quí hiếm đã góp phần khẳng định giá trị nổi trội của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An và sự đa dạng sinh học cho vùng biển miền Trung nước ta.

Hội An, tháng 3/2018; Bài và ảnh: Lê Xuân Ái

Bình luận