Giải pháp tài chính bền vững cho Khu Bảo tồn biển từ phát triển du lịch – mô hình ở Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm

Viết bởi Biên Tập
5.9k lượt xem

Tóm tắt: Khu bảo tồn biển là công cụ hữu hiệu trong việc giảm thiểu sự suy giảm nguồn lợi từ biển do tác động của hoạt động khai thác, đồng thời giúp phục hồi sức khỏe các hệ sinh thái biển và cải thiện sinh kế cộng đồng địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều nghiên cứu gần đây còn chỉ ra vai trò của bảo tồn biển đối với việc thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để vận hành hiệu quả một khu bảo tồn biển, cần rất nhiều nguồn tài trợ, trong đó giải pháp huy động nguồn lực tài chính bền vững là một trong những tài trợ quan trọng nhất. Thực tiễn quản lý tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam cho thấy để duy trì nguồn tài chính bền vững cho hoạt động bảo tồn biển, cần phát huy các giá trị, hiểu được nhu cầu sử dụng dịch vụ sinh thái và thực hiện nguyên tắc người sử dụng dịch vụ phải trả tiền. Phát triển du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch bền vững cùng với các hình thức tổ chức đào tạo, nghiên cứu, khai thác hợp lý nguồn lợi từ giá trị dịch vụ sinh thái mà khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm mang lại là định hướng tốt tạo nguồn thu cho bên cung cấp dịch vụ. Cũng cần thấy rằng, nguồn tài chính thu được từ sự gia tăng giá trị lợi ích sinh thái cần ưu tiên tái đầu tư cho sức khỏe hệ sinh thái của khu bảo tồn.

Từ khóa: Khu bảo tồn biển, Cù Lao Chàm, du lịch bền vững, hệ sinh thái

Summary:

Marine protected areas (MPA) are an effective tool for minimizing a decline of marine resources affected by fishing activities and for rehabilitating marine ecosystems as well as improving local communities’ livelihoods, contributing to socio-economic development. Recent studies have indicated the MPA plays a crucial role in climate change adaptation. However, to effectively operate a marine protected area, a great deal of funding is needed, including mobilizing sustainable financial resources – an important one. Management practices in Cham islands MPA, Quang Nam demonstrates that it is essential to enhance various values, have a profound understanding of demands for ecological services and apply to customers a principle of paying for services they use as a mean to maintain the sustainable finance for marine conservation activities. For the purpose of generating revenue for service providers, it is highly recommended to promote tourism, produce sustainable tourism products together with training, studying and rationally exploiting the resources from ecological services provided by Cham islands MPA. In addition, reinvestment in restoring the MPA’s ecosystems needs to be prioritized from the budget derived from ecological services.

Keywords: MPA, Cham islands, sustainable tourism, ecosystems

Đặt vấn đề

Cấu trúc hệ sinh thái là nền tảng hình thành các chức năng dịch vụ của hệ sinh thái và là tiền đề của lợi ích mà hệ sinh thái mang lại cho chúng ta. Một khi cấu trúc hệ sinh thái bị phá vỡ, chúng ta sẽ phải mất hàng chục hoặc trăm năm mới gây dựng lại được, thậm chí đôi khi mất vĩnh viễn: như rừng ngập mặn bị san lấp, rạn san hô bị chết, bãi biển bị xói lở… Hiện nay, cấu trúc hệ sinh thái và sức khỏe hệ sinh thái như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi biển, vùng cửa sông tại các khu bảo tồn biển hoặc các vùng lân cận đã và đang bị uy hiếp, tổn thương ngày một trầm trọng. Do đó, chúng ta cần quản lý các khu bảo tồn biển theo hướng tổng hợp và điều phối tốt hoạt động bảo tồn này.

Nội dung

1. Quản lý khu bảo tồn biển theo hướng tổng hợp và điều phối

Hình 1: Khung điều phối hoạt động bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm. Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả.

Kết quả nghiên cứu về quản lý ở Cù Lao Chàm cho thấy hoạt động điều phối bảo tồn biển không chỉ đòi hỏi năng lực hiểu biết về các mô hình phát triển bền vững liên quan từ thượng nguồn đến biển khơi mà còn cần kỹ năng làm việc với cộng đồng cũng như trong nghiên cứu thực địa, trong phòng thí nghiệm và kể cả bảo tàng. Đặc biệt cần làm tốt trong quá trình phân tích, xây dựng chính sách, hỗ trợ tư vấn cho cộng đồng xây dựng chính sách phát triển bảo tồn biển và kinh tế – xã hội địa phương. Mục đích hoạt động DLBV của cộng đồng dân cư là cung cấp sản phẩm du lịch và thu lợi nhuận và mục đích này phù hợp với mục tiêu chung của đất nước nếu góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế – xã hội của địa phưong, quốc gia một cách bền vững, lấy con người làm trung tâm và phát triển con người (Bùi Đức Hùng, 2012). Việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá và tài nguyên con ngửời góp phần phát triển sinh kế, thu nhập cho ngưòi dân địa phưong Hội An (Trịnh Thị Thu và cộng sự, 2014). Tôn trọng, nâng niu, có kế hoạch phát huy trong quá trình bảo tồn những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể làm nền tảng trong hình thành nhân cách của cư dân, của người lao động, đạo đức và văn hoá trong kinh doanh của doanh nhân du lịch (Bùi Đức Hùng, 2016). Tập hợp, liên kết các nhóm yếu tố hoạt động cơ bản trong khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được thể hiện ở Hình 1.

Cụ thể, các hoạt động điều phối trong quá trình bảo tồn tại Cù Lao Chàm phần lớn tập trung vào hỗ trợ giới thiệu kiến thức, sử dụng kiến thức thông qua kỹ năng và thể hiện hành động. Vì vậy hoạt động giáo dục, truyền thông bảo vệ tài nguyên môi trường là nhiệm vụ hàng đầu của bảo tồn, bên cạnh đó là hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng kiến thức, hiểu biết và thông tin về nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, môi trường cũng như văn hóa xã hội trong và xung quanh khu bảo tồn. Ngoài ra, hoạt động xây dựng và phát triển sinh kế phù hợp với bảo tồn cũng được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho người dân địa phương có thể tham gia thể hiện hành động bảo tồn và kinh tế xã hội đi kèm. Hoạt động với sự tham gia đầy đủ các bên liên quan và người dân địa phương nhằm xây dựng công cụ quản lý như kế hoạch quản lý khu bảo tồn, quy chế quản lý khu bảo tồn, kế hoạch và quy chế quản lý chuyên đề về hệ sinh thái vùng cửa sông ven bờ.

 Hình 2: Tập hợp, liên kết các nhóm hoạt động cơ bản trong khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả

Về vấn đề chi phí và lợi ích của quá trình quản lý tổng hợp bảo tồn biển, đối với trường hợp Cù Lao Chàm, chi phí bảo tồn tập trung vào các nhóm hoạt động tư vấn truyền thông, giáo dục, nghiên cứu, sinh kế, tuần tra, giám sát, quan hệ quốc tế, tham quan học tập, vệ sinh môi trường, bảo vệ, phục hồi, bảo tàng (Trinh, C.M, 2014). Các lợi ích bảo tồn mang lại không chỉ là du lịch mà còn là thủy sản, nguồn lợi, giáo dục, nghiên cứu… Tuy nhiên, hiện tại, du lịch là hoạt động chiếm ưu thế tại các khu bảo tồn và nguồn thu chính đến từ sự đóng góp của du khách thông qua vé tham quan học tập (Trinh, C.M, 2013). Trong tương lai, trên cơ sở áp dụng các tiến bộ từ khoa học và công nghệ, việc tính toán chia sẻ trách nhiệm từ các hoạt động khác trong khu bảo tồn biển như thủy sản, nguồn lợi, giáo dục, môi trường, sức khỏe được tiến hành; khi lợi ích mang lại từ các hệ sinh thái khỏe mạnh sẽ được mở rộng và gia tăng.

Quá trình đầu tư xây dựng khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được bắt đầu từ 10/2003 đến 10/2011 với nguồn vốn đầu tư 2,5 triệu đô (tương đương khoảng 50 tỷ đồng) (Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm 2008, 2014) từ chính phủ Đan Mạch và sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan của Việt Nam. Từ năm 2011, hoạt động du lịch đã bắt đầu có sự đóng góp trở lại cho bảo tồn Cù Lao Chàm thông qua vé tham quan Khu Bảo tồn biển. Trong những năm gần đây, vé tham quan khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã được chấp thuận ở mức 70.000 đồng/người. Số lượng du khách trung bình khoảng 500.000 lượt khách/năm (Trinh, C.M, 2016), đã thu được một nguồn kinh phí đáng kể cho việc tái đầu tư trở lại các hệ sinh thái của khu vực.

Hình 3: Phân tích chi phí và lợi ích quá trình phát triển Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Nguồn: Đề xuất và tổng hợp dữ liệu của nhóm tác giả.

Nhìn chung, phân tích chi phí và lợi ích từ các khu bảo tồn biển cho thấy việc đầu tư ban đầu để đạt được sự đồng thuận cao trong cộng đồng thường kéo dài từ 8 đến 10 năm, đối với Cù Lao Chàm cũng vậy, thời gian đầu tư được tính từ những ngày đầu cho đến khi được đồng thuận cao và nguồn thu từ du lịch một cách đáng kể được tính tổng cộng đến hơn 11 năm (Trinh, C.M, 2011). Việc xây dựng và hoàn thiện các kỹ năng điều phối tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm từ việc tiếp nhận kiến thức đến thành thạo sử dụng và thể hiện được hành động được tính toán tổng từ 8 đến 10 năm, tuy nhiên các khu bảo tồn khác ngày nay, có thể rút ngắn được quãng thời gian này theo tiếp cận kinh nghiệm điều phối của Cù Lao Chàm.

Dự báo thời gian đạt được sự đồng thuận bảo tồn, nếu bắt đầu từ kinh nghiệm Cù Lao Chàm sẽ được rút ngắn còn lại từ 3 đến 5 năm. Câu hỏi đặt ra là tại sao, nếu học tập kinh nghiệm Cù Lao Chàm thì thời gian đồng thuận cho bảo tồn được rút ngắn còn lại từ 3 đến 5 năm? Thực ra trong quá trình xây dựng và phát triển bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thời gian tìm kiếm, nghiên cứu cho các phương pháp tiếp cận, giáo dục, truyền thông cộng đồng rất dài, chiếm hơn 1/3 đến 1/2 tổng số thời gian đạt được đồng thuận cao tại đây. Vì vậy, học tập Cù Lao Chàm là học tập các phương pháp tiếp cận, các kỹ năng từ thực tiễn trong công tác cộng đồng. Đồng thời Cù Lao Chàm đã và đang là hiện trường lớn cho việc đào tạo các nguồn lực này đến các khu bảo tồn mới tại địa phương và khu vực. Một vài khu bảo tồn mới như Khu Bảo tồn hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh, Khu Bảo tồn Đảo Bé, Lý Sơn, Quảng Ngãi cũng đang trong quá trình tiếp cận theo hướng Cù Lao Chàm.

Hình 4: Phân tích chuỗi thời gian hoạt động xây dựng năng lực điều phối quản lý bảo tồn biển (Nghiên cứu xây dựng năng lực điều phối hoạt động bảo tồn biển Cù Lao Chàm). Nguồn: Đề xuất và tổng hợp thông tin của nhóm tác giả

2. Các nguồn lực đầu vào của quá trình quản lý tổng hợp

Nguồn lực đầu vào của quá trình quản lý tổng hợp tại các khu bảo tồn, đặc biệt các khu bảo tồn biển trước hết phải là tại địa phương, trên cơ sở phân tích theo hướng tiếp cận tài sản cộng đồng. Kinh nghiệm của khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tập hợp được nguồn lực này là sức mạnh tổng hợp giúp cho Khu Bảo tồn biển vận hành quá trình quản lý bảo vệ, bảo tồn tài nguyên và môi trường tại địa phương (Trinh, C.M. 2014).

Hình 5: Mô phỏng các quan hệ của doanh nghiệp bảo tồn trong khung hợp tác với 4 thành phần cơ bản của xã hội (Chính quyền, khoa học, doanh nghiệp và người dân). Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả

Với sự mô tả các mối quan hệ giữa 4 thành phần cơ bản trong cộng đồng, năng lực điều phối bảo tồn được cải thiện dần theo nguồn nhân lực chuyên môn cùng với trang thiết bị, cơ sở vật chất và sự đồng thuận của cộng đồng. Sản phẩm của sự điều phối là sự đồng thuận, hay nói cách khác sản phẩm của điều phối bảo tồn là sự đồng thuận. Chất lượng của sự đồng thuận được diễn tả theo các mức độ biết, hiểu, làm, kiểm tra, ra quyết định (Trinh, C.M. 2016).

3. Doanh nghiệp bảo tồn

Thông thường, việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn, hoặc sử dụng các nguồn tài nguyên môi trường tại Việt Nam và Thế giới đều là nhiệm vụ của nhà nước. Tuy nhiên, nếu như quản lý bảo tồn biển được nhìn nhận tách biệt 2 góc độ về quản lý (governance) và quản trị/điều phối (management) thì cũng có thể phân chia hai nhóm chức năng chủ đạo này theo 2 chủ thể với trách nhiệm tương tác nhau một cách hài hòa hơn giữa các yếu tố thực thi và chỉ đạo thì chất lượng của các dịch vụ sinh thái, văn hóa và cộng đồng được cải thiện hiệu quả hơn nhiều. Đồng thời cũng dễ dàng trong đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư hoạt động bảo tồn. Vì vậy, một đề nghị bên cạnh chức năng quản lý (governance) chỉ toàn quyền Nhà nước thì chức năng quản trị/điều phối (management) có thể được đảm nhiệm theo một chủ thể chuyên môn gọi là doanh nghiệp bảo tồn.

Hình 6: Mô phỏng điều phối hoạt động bảo tồn được đảm nhiệm bởi một đơn vị kinh tế gọi là doanh nghiệp bảo tồn theo quy trình quản lý tổng hợp (Nghiên cứu chuyển giao mô hình điều phối bảo tồn biển Cù Lao Chàm đến các địa phương). Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả

Doanh nghiệp bảo tồn được hiểu như là một đơn vị kinh tế thực hiện các nhiệm vụ khoa học ứng dụng phục vụ cho công tác bảo tồn. Doanh nghiệp bảo tồn được gọi như vậy bởi vì đơn vị kinh tế này cũng là một doanh nghiệp, có nghĩa là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh họ vẫn là đơn vị thực hiện các quá trình lao động hình thành sản phẩm và sản phẩm của họ vẫn là một sự tồn tại các kết quả nhất định mà chúng ta thường gọi là “đồng thuận” hoặc “partnership” trong một hệ thống quản lý tổng hợp.

Doanh nghiệp bảo tồn được hiểu theo khung hợp tác với 4 thành phần cơ bản của xã hội là chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân (Trinh, C.M, 2016). Tuy nhiên, một điểm khác cơ bản của doanh nghiệp bảo tồn đối với doanh nghiệp truyền thống là doanh nghiệp bảo tồn đặt lợi ích của bảo tồn (thiên nhiên, văn hóa) làm mục tiêu phấn đấu đầu tiên, sau đó đến lợi ích của người dân, và cuối cùng là lợi ích của doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp truyền thống thường quan tâm hàng đầu là lợi nhuận cho doanh nghiệp, mặc dầu trong thực tiễn vẫn có những doanh nghiệp có chọn lựa sự quan tâm với bảo tồn, và con người trong quá trình kinh doanh của mình, tuy nhiên đó không phải là yếu tố bắt buộc. Nhưng đối với doanh nghiệp bảo tồn một nguyên tắc bắt buộc là phải đặt lợi ích của bảo tồn, con người và của doanh nghiệp theo thứ tự 1, 2, 3, không thể có trường hợp khác.

Như vậy vấn đề đặt ra là làm sao để quản lý doanh nghiệp bảo tồn này? Theo kết quả nghiên cứu thực tiễn tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam, doanh nghiệp bảo tồn có một nội dung hoạt động rất phong phú, đòi hòi phải trang bị một kiến thức và kỹ năng tối thiểu để có thể hoạt động. Kiến thức và kỹ năng của doanh nghiệp bảo tồn được mô tả theo khung logic hoạt động được yêu cầu trong mục 2 thảo luận ở phần trên.

4. Hoạt động giám sát đánh giá kết quả điều phối hoạt động bảo tồn

Hình 7: Chỉ tiêu giám sát, đánh giá điều phối hoạt động bảo tồn biển Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả

Giám sát đánh giá kết quả điều phối hoạt động bảo tồn là vô cùng quan trọng và được thực hiện, giúp cho Nhà nước nắm chắc được tiến độ hằng năm và theo định kỳ nhằm xác định được nguồn lực đầu tư cho hệ sinh thái của khu bảo tồn, thông qua chi trả dịch vụ sinh thái, văn hóa, và các giá trị cộng đồng (Trinh, C.M, 2011). Nhiệm vụ chính của điều phối hoạt động bảo tồn là chăm lo đến sức khỏe các hệ sinh thái, vì vậy giám sát đánh giá điều phối hoạt động bảo tồn cũng chính là giám sát đánh giá sức khỏe hệ sinh thái chủ đạo trong khu bảo tồn, cùng với đánh giá kinh tế xã hội tại địa phương.

Hình 8: Cấp độ tham gia của cộng đồng điều phối hoạt động bảo tồn biển Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả

Giám sát đánh giá kết quả điều phối hoạt động bảo tồn thường được tổ chức độc lập theo tư vấn được cơ quan quản lý Nhà nước chọn lựa. Hiện nay, đối với các khu Bảo tồn biển, hoạt động này được tổ chức thực hiện bởi hầu hết các BQL Khu Bảo tồn, vì tại đây vừa thực hiện cả hai chức năng quản lý (governance) và quản trị, điều phối (management) (Trinh, C.M, 2014). Tuy nhiên, để kêu gọi và bền vững nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo tồn biển, 2 chức năng này cần được tách rời, trong khi chức năng quản lý (governance) thuộc về Nhà nước, thì chức năng quản trị, điều phối (management) có thể được đảm nhiệm bởi sự hình thành từ một trong 4 thành phần quản lý nhà nước, khoa học, doanh nghiệp và người dân địa phương, với điều kiện hội đủ năng lực điều phối và khả năng tài chính khác.

Kết luận

Ngày nay, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và các hệ quả của nó đã và đang trở thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Các quốc gia thường định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững dựa trên sự phối hợp hài hòa giữa ba mục tiêu trụ cột: kinh tế – xã hội – môi trường. Nói cách khác, đảm bảo các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường đã dần trở thành những nhân tố quan trọng trong tư duy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trên thế giới (Bùi Đức Hùng, 2016). Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ của các khu bảo tồn biển nhằm bảo tồn và tăng cường sức khỏe hệ sinh thái cần kết hợp các công cụ và biện pháp kinh tế, tài chính, tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn để hình thành lối sống thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường (Bùi Đức Hùng, 2016). Bảo tồn và khai thác tốt các nguồn lực ở các khu bảo tồn biển để thúc đẩy tác động ảnh hưởng lan tỏa của các hệ sinh thái góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu làm cho môi trường bền vững hơn. Từ đó tác động lan tỏa sẽ thúc đẩy tăng cường hoạt động liên kết một cách tự nguyện giữa các bên liên quan trong hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch (Bùi Đức Hùng, 2013).

Trên cơ sở nhu cầu cần thiết cho việc quản lý tổng hợp các khu bảo tồn, theo tiếp cận hệ sinh thái, sự điều phối hỗ trợ hình thành sự đồng thuận giữa 4 nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân địa phương, được xây dựng và phát triển. Sự gia tăng giá trị dịch vụ sinh thái, văn hóa cộng đồng tại các khu bảo tồn biển được bảo vệ, bảo tồn cần được nghiên cứu tổ chức trao đổi một cách công bằng với người hưởng thụ giá trị này, theo nguyên tắc trao đổi hàng hóa.

Giải pháp tài chính bền vững cho các khu bảo tồn biển Việt Nam cần được xây dựng trên nền tảng của các giá trị dịch vụ sinh thái, văn hóa và cộng đồng mà khu bảo tồn biển duy trì được và trên nguyên tắc người hưởng lợi từ sự gia tăng các giá trị dịch vụ này phải trả tiền. Nguồn thu từ khách du lịch chi trả dịch vụ sinh thái, văn hóa và cộng đồng cần phải được sử dụng vào tái đầu tư cho các hệ sinh thái biển, công trình văn hóa, năng lực cộng đồng thông qua các hoạt động điều phối của bảo tồn biển.

Trong quá trình điều phối hoạt động bảo tồn biển, đặc biệt giai đoạn khởi đầu xây dựng bảo tồn biển, nguồn lực đầu tư ban đầu cần được xác định. Việc đầu tư nguồn lực này có thể được mở rộng với các thành phần kinh tế trong xã hội bao gồm nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, một khi các thành phần này đảm nhiệm điều phối hoạt động bảo tồn biển, điều tiên quyết là các thành phần phải có đủ năng lực điều phối, và được nhìn nhận việc đầu tư phục hồi, bảo vệ, bảo tồn là gia tăng giá trị dịch vụ sinh thái, văn hóa, năng lực cộng đồng như một doanh nghiệp đầu tư bảo tồn. Nhà nước giữ vai trò quản lý doanh nghiệp đầu tư bảo tồn này thông qua quy định về năng lực điều phối, chất lượng sức khỏe các hệ sinh thái, hoạt động điều phối bảo tồn biển.

Giá bán các giá trị gia tăng của chất lượng dịch vụ sinh thái, văn hóa, môi trường và cộng đồng thông qua hoạt động du lịch, tổ chức đào tạo, nghiên cứu, khai thác hợp lý nguồn lợi,…trong khu bảo tồn cần phải được dựa trên kết quả nghiên cứu, khảo sát ý kiến của người sử dụng, khai thác như du khách. Nguồn thu tài chính được huy động một cách lâu dài cho công tác bảo tồn do người sử dụng dịch vụ sinh thái, văn hóa phải chi trả.

Tài liệu tham khảo

[1] Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (2008), Xây dựng kế hoạch quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm 2009 – 2013.

[2] Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (2014), Đánh giá giữa kỳ kế hoạch quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm 2014-2018.

[3] Bùi Đức Hùng (2016), Tái cấu trúc kinh tế vùng Nam Trung Bộ nhằm phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

[4] Bùi Đức Hùng (2013), Phát triển bền vững kinh tế vùng Trung Bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, Nxb Từ Điển Bách Khoa, Hà Nội

[5] Bùi Đức Hùng (2012), Một số vấn đề cơ bản về phát triển bền vững vùng Duyên hải Nam Trung Bộ trong quá trình đô thị hóa, Nxb Từ Điển Bách Khoa, Hà Nội,

[6] Trinh, C.M. (2011), Đồng quản lý tài nguyên và môi trường tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển T11 (2011), 2, tr.79-95.

[7] Trinh, C.M. (2013), Du lịch sinh thái Cù Lao Chàm – Hội An, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. Số 6-7 (104-105).2013. Tr. 17-27.

[8] Trinh, C.M. (2014), “Building Resilience in Hoi An city, Viet Nam through the Cham Islands Marine Protected Area (Chapter 17 – Viet Nam. P.149)”, Safe Havens: Protected Areas for Disaster Risk Reduction and Climate Change Adaptation. Gland, Switzerland: IUCN. xii + 168 pp , (Murti, R. and Buyck, C. (ed.) (2014).

[9] Trinh, C.M. (2016), Du lịch Lý Sơn, Quảng Ngãi – Tiếp cận bảo tồn để phát triển bền vững, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam, Trang Thông tin Điện tử (www.culaochammpa.com.vn).

[10] Trinh, Thi Thu, Chris Ryan & Jenny Cave, 2014, Souvenir sellers and perceptions of authenticity–The retailers of Hội An, Vietnam, Tourism Management 45, 275-283.

Theo: Chu Mạnh Trinh ; Bùi Đức Hùng ; Trịnh Thị Thu

Bình luận