Rạn san hô là hệ sinh thái có năng suất sinh học cao, không những có giá trị về mặt sinh thái mà còn có giá trị về mặt kinh tế lâu dài nếu được khai thác một cách hợp lý. Chỉ với 0,1% diện tích nhưng rạn san hô có khả năng góp phần cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp 10% tổng sản lượng nghề cá trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, với giá trị thẩm mỹ và những điều thú vị trong hệ sinh thái này đã thu hút con người tìm đến để khám phá, các dịch vụ du lịch ở những nơi có rạn san hô ra đời kéo theo sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay các rạn san hô đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân: sự tác động của con người (hoạt động khai thác thủy hải sản, neo đậu tàu thuyền, phát triển du lịch…), biến đổi khí hậu (nhiệt độ tăng, ), tai biến thiên nhiên (bão, lũ, ngọt hóa…). Theo những thống kê gần đây, diện tích rạn san hô trên thế giới đã mất khoảng 11% và khoảng 20% số rạn đang trong tình trạng có chiều hướng suy thoái nghiêm trọng và không có khả năng phục hồi (Wilkinson, 2004).
Hình 1: Khung vườn ươm san hô
Kỹ thuật phục hồi san hô từ đó được ra đời với mục đích chung nhằm cải thiện độ phủ của rạn san hô, giúp khôi phục các rạn và nguồn lợi đi kèm. Ở một số nơi trên thế giới, san hô được phục hồi bằng cách tạo rạn nhân tạo, di dời san hô, nuôi phục hồi ấu thể, tách tập đoàn san hô, làm trang trại hay sử dụng kỹ thuật hệ thống cực điện. Mỗi phương pháp có những ưu-nhược điểm và yêu cầu khác nhau. Tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương mà lựa chọn phương pháp phục hồi thích hợp.
Cùng với mục đích trên, tại Cù Lao Chàm công nghệ phục hồi san hô cứng cũng đã được áp dụng dựa trên việc chuyển giao công nghệ từ Viện Hải Dương học Nha Trang từ nền tảng của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phục hồi san hô cứng ở một số Khu bảo tồn biển trọng điểm” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt trong thời gian từ năm 2011 đến 2013. Tiếp theo đó, từ năm 2015-2017, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có sự tham gia của cộng đồng”.
Hình 2: Kiểm tra tốc độ tăng trưởng của san hô – Ảnh: Lê Xuân Ái
Đề tài đã sử dụng hai phương pháp: tách tập đoàn san hô và xây dựng trang trại san hô để tiến hành phục hồi tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Kết quả đã phục hồi được gần 3000 tập đoàn san hô trải đều trên nền diện tích 4000m2 và 02 vườn ươm với tổng cộng 30 khung tại Bãi Bò và Bãi Nần. Sau 02 năm triển khai, tỷ lệ sống chung cho toàn khu vực đạt khá cao (gần 80%), tốc độ tăng trưởng của từng vùng là 5,36cm/năm. Trong đó, giống Acropora sp có tốc độ tăng trưởng cao nhất (5,82mm/tháng), do đó, đây là giống cần được ưu tiên lựa chọn để phục hồi nếu tiếp tục nhân rộng mô hình phục hồi san hô trong Khu bảo tồn biển.
Hình 3: Rạn san hô là ngôi nhà của nhiều loài thủy sinh vật
Bên cạnh đó, các chỉ thị khác trong rạn san hô đều không có sự thay đổi lớn về số lượng như cá rạn, động vật đáy không xương sống. Điều này cho thấy, việc tách chiết tập đoàn san hô từ các vùng cho giống đều không gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản trong vùng rạn.
Đề tài mang ý nghĩa lớn hơn khi lôi kéo được sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn biển nói chung và bảo vệ rạn san hô nói riêng. Một tổ cộng đồng được ra đời, tham gia vào việc tổ chức các buổi tham vấn về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tham gia tuần tra trên biển, đưa ra một số đề xuất cho công tác bảo vệ ngư trường và khai thác thủy sản trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Từ đó giúp cho người dân hiểu hơn về vai trò và tầm quan trọng của hệ sinh thái rạn san hô và thể hiện sự đóng góp của cộng đồng vào công tác bảo tồn.
Với những kết quả đạt được như trên, việc ứng dụng thành công Công nghệ phục hồi san hô cứng trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm còn mở ra nhiều cơ hội khác:
– Như đã đề cập ở trên, các rạn san hô đang chịu một số tác động làm suy giảm mật độ và chất lượng rạn. Sự gia tăng nhiệt độ, mực nước biển dâng, bão lũ, ngọt hóa, khai thác thủy hải sản, thả neo,… là những nguyên nhân gây nên tình trạng trên. Việc ứng dụng thành công Công nghệ phục hồi san hô cứng tạo cơ hội phục hồi sự suy thoái các rạn san hô này. Dĩ nhiên điều đó còn tùy thuộc vào tình trạng rạn và điều kiện cụ thể của mỗi nơi, nhưng với những kết quả đạt được như trên việc nhân rộng mô hình phục hồi san hô có khả năng thành công cao, giúp gia tăng độ phủ của rạn.
– Rạn san hô được xem là ngôi nhà của các loài thủy hải sản, là nơi cư trú, ẩn nấp và cung cấp thức ăn cho các loài thủy hải sản khác. Do đó khi rạn san hô được phục hồi kéo theo sự phát triển nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học được giữ gìn.
– Việc ứng dụng thành công Công nghệ phục hồi san hô cứng trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm mở ra nhiều cơ hội cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và những người làm công tác bảo tồn nói chung được tiếp cận, tìm hiểu thêm về công nghệ này. Nó không chỉ áp dụng riêng trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm mà còn mở ra cơ hội cho các nơi khác đến học tập và ứng dụng cho mỗi địa phương.
– Khi mô hình thành công, sự phục hồi của rạn san hô có những dấu hiệu tích cực, độ phủ rạn san hô tăng lên, nguồn lợi phát triển, cảnh quan được cải thiện… thu hút du khách đến tham quan, lặn ngắm san hô, bơi lặn biển. Các dịch vụ du lịch kèm theo được ra đời góp phần nâng cao mức thu nhập của người dân, đời sống vật chất và tinh thần ngày cảng được cải thiện. Xây dựng mô hình rạn san hô nhân tạo phục vụ du lịch cũng là một hướng đi mới vừa hỗ trợ phát triển kinh tế, vừa gắn kết vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp vào công tác bảo tồn.
Hình 4: Một số hoạt động dịch vụ du lịch mang lại từ rạn san hô
Như vậy, ngoài những lợi ích mà rạn san hô mang lại, công nghệ phục hồi san hô nói chung và mô hình phục hồi san hô cứng nói riêng tại Cù Lao Chàm còn mở ra nhiều cơ hội có ý nghĩa về mặt sinh thái, khoa học – giáo dục, kinh tế…
Lê Vĩnh Thuận, Nguyễn Thúy – BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm