VAI TRÒ CỦA CÁC HỆ SINH THÁI DƯỚI BIỂN TRONG KHU BẢO TỒN BIỂN CÙ LAO CHÀM

65 lượt xem

Hệ sinh thái biển là hệ sinh thái thủy sinh lớn nhất trên thế giới. Nước biển bao phủ hơn 70% bề mặt Trái Đất, chiếm hơn 97% lượng nước cung cấp cho Trái Đất và 90% những khu vực có sự sống trên hành tinh. Hệ sinh thái biển là hệ sinh thái rộng lớn được hình thành từ nhiều hệ sinh thái khác nhau tạo cho Đại dương bức tranh đầy màu sắc, trong đó phải kể đến các hệ sinh thái vô cùng đặc trưng của biển đó là “Rạn san hô”, “Thảm cỏ biển”, “Rong biển”…

San hô là gì?

San hô là các sinh vật biển tồn tại dưới dạng các thể polyp nhỏ, thường sống thành các quần thể gồm nhiều cá thể giống hệt nhau. Các polyp thuộc nhóm động vật có tên là Thích ti (Cnidaria), bao gồm cả hải quỳ và sứa. Rạn san hô là quần thể bao gồm nhiều cấu trúc san hô trong đó có thể có nhiều loài san hô cũng tồn tại, được xây dựng từ nhiều quần xã san hô tạo rạn và các sinh vật khác có cấu tạo cơ thể chứa canxi cacbonat tương tự như san hô

Phần lớn san hô phát triển tốt nhất trong môi trường nước ấm, nông, trong sạch, nhiều nắng và dao động. Chúng sinh trưởng và phát triển bằng cách sử dụng những xúc tu để bắt giữ những sinh vật và mảnh vụn dinh dưỡng trôi dạt. Các loài san hô sinh sống ở các vùng biển nông còn có một mối quan hệ cộng sinh đặc biệt với các loài vi tảo đơn bào gọi là Zooxanthellae. Các loài vi tảo này quang hợp và cung cấp thức ăn cho các polyp san hô, còn các polyp san hô tiêu hóa các thức ăn thải ra các chất dinh dưỡng giúp nuôi sống tảo. Chính mối quan hệ cộng sinh này giúp các loài san hô ở các vùng biển nông phát triển mạnh.

Hình 1: Rạn san hô ở Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Cu Lao Cham MPA)

Cỏ biển là gì?

Cỏ biển là loài thuộc họ cỏ biển (Posidoniaceae), là những loài thực vật có hoa mọc trong môi trường nước mặn. Sở dĩ những loài thực vật có hoa đặc biệt này được gọi là cỏ biển là do lá của nhiều loài trong số này thì dài và mảnh như cỏ, đồng thời chúng lại hay mọc thành từng “cánh đồng” lớn trông giống như đồng cỏ. Nói cách khác thì vẻ bề ngoài của nhiều loài cỏ biển trông giống với những loài cỏ mọc trên cạn. Cỏ biển không thể phát triển tốt ở những nơi mà chúng bị khô khi thủy triều xuống thấp. Do đó cỏ biển thường mọc ở những vùng nước nông ven bờ, nơi không có sóng lớn và dòng chảy mạnh. Cỏ biển ưa nước sạch (nước trong) nên chúng sẽ chết nếu có nhiều bùn đất phủ lên chúng. Lá cỏ biển mọc rất nhanh nhưng thân rễ lại phát triển khá chậm. Vì vậy, khi một thảm cỏ biển bị phá hủy, sẽ mất thời gian rất lâu chúng mới phục hồi lại được. Đa số cỏ biển thụ phấn và hoàn tất vòng đời dưới nước. Cỏ biển mọc thành từng bãi lớn đơn loài (chỉ gồm một loài cỏ) hoặc đa loài (gồm nhiều loài cỏ).

Hình 2: Thảm cỏ biển ở Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Tác giả: Lê Xuân Ái)

Rong biển là gì?

Rong biển là một loại thực vật biển thuộc nhóm tảo, đó là những sinh vật thực vật đa tế bào có khả năng tự chuyển hóa năng lượng mặt trời thành chất hữu cơ. Chúng là một phần quan trọng của hệ sinh thái biển và có mặt trong các khu vực biển và đại dương trên toàn thế giới. Rong biển có thể sống trong môi trường nước mặn, nước lợ và thậm chí cả nước ngọt, và chúng phát triển tốt trong các vùng có nhiệt độ và ánh sáng phù hợp. Rong biển có cấu trúc đơn giản hơn so với nhiều loại thực vật khác. Chúng không có rễ, thân hoặc lá thực sự. Thay vào đó, rong biển có thể có dạng dải, lá mỏng hoặc cấu trúc tương tự như lá. Chúng có màu sắc đa dạng từ xanh đến nâu, tùy thuộc vào loại rong biển và môi trường sống của chúng.

Hình 3: Rong biển ở Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Cu Lao Cham MPA)

Hiện trạng các hệ sinh thái rạn san hô, rong biển,cỏ biển tại Cù Lao Chàm.

Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm với tổng diện tích 23.530 ha trong đó diện tích  vùng biển tự nhiên là 21.889 ha, Cù Lao Chàm có hệ sinh thái dưới biển bao gồm rất nhiều hệ sinh thái đặc trưng và nổi bật trong đó phải kể đến là “Hệ sinh thái rạn san hô”, “Hệ sinh thái cỏ biển, rong biển”.

– Tổng  diện tích các vùng rạn san hô là 356,4 ha với 337 loài, trong đó có 292 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 23 họ và 45 loài san hô mềm thuộc 13 giống, 7 họ, là nơi nuôi dưỡng hơn 292 loài san hô, 277 loài cá, 156 loài nhuyễn thễ, 22 loài da gai, 24 loài giáp xác vô số các loài sinh vật phù du khác.

– Theo các khảo sát trước đây, diện tích các thảm cỏ biển tại CLC chiếm khoảng 50 ha, trong đó khu vực Bãi Ông chiếm nhiều nhất (20 ha), tiếp đến là Bãi Bắc với khoảng 10 ha. Thảm cỏ biển ở khu vực Bãi Nần và Bãi Ông có phân bố khá rộng từ ven bờ ra đến độ sâu 12 ÷ 14 m, trong khi đó các khu vực khác cỏ biển phân bố trong vùng nước cạn hơn. Diện tích thảm cỏ biển cũng bị thu hẹp theo thời gian ở khu vực CLC, giảm từ khoảng 50 ha trong năm 2004 xuống 37,1 ha trong năm 2008 và 17 ha vào năm 2016 (giảm 33 ha, tương đương 66%), đặc biệt tại các khu vực Bãi Ông và Bãi Hương gần như bị vùi lấp hoàn toàn và chỉ còn một số đốm nhỏ rải rác nên không hình thành thảm cỏ biển

– Kết quả điều tra về Đa dạng sinh học khu hệ rong biển Cù Lao Chàm trong những năm gần đây đã xác định được 101 thuộc 3 ngành trong 18 bộ của 30 họ thuộc 50 chi. Trong đó “Rong đỏ” chiếm số lượng loài nhiều nhất với 42 loài, “Rong lục” có số lượng loài là 34 loài và rong nâu có số lượng loài là 25 loài quanh là mặt biển với nhiều giá trị tài nguyên, đa dạng sinh học.

Vai trò của các hệ sinh thái đối với khu bảo tồn biển.

Là môi trường sống, nuôi dưỡng các loài sinh vật biển: Rạn San hô, thảm cỏ biển và rong biển cung cấp môi trường sống và nuôi dưỡng đại đa số các loài sinh vật biển, bao gồm cá, tôm, giun, sò, và nhiều loài động, thực vật biển khác. Ngoài ra, chúng còn đóng vai trò như là nguồn dinh dưỡng sơ cấp, nơi sinh sản của  nhiều loài sinh vật, nơi ẩn náu của các loài động vật nhỏ trước sự đe dọa của các nhóm động vật lớn săn mồi khác và cũng là nơi diễn ra các mối quan hệ dinh dưỡng quan trọng trong các mắc xích, chuỗi thức ăn của hệ sinh thái xung quanh chúng.

Hình 4: Cá ở rạn san hô trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Cu Lao Cham MPA)

Bảo vệ bờ biển: Môi trường biển luôn chịu sự tác động của sóng, gió, dòng chảy. Sự hiện diện của San hô, cỏ biển cũng như rong biển làm giảm tác động cơ học của sóng, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài sinh vật biển cư trú, ẩn nấp, trốn các sinh vật săn mồi (nhất là các ấu trùng, con non). Hệ thống rạn san hô hoạt động như một bức tường tự nhiên, hấp thụ năng lượng của sóng và giảm áp lực lên bờ từ đó giúp bảo vệ bờ biển khỏi các cơn sóng lớn và sự phá hủy do biến đổi khí hậu. Cỏ biển, rong biển còn có vai trò như lọc nước, làm cho nước trong hơn, lá có chức năng làm lắng cặn trầm tích. Hệ thống rễ và thân ngầm chằng chịt của cỏ biển giữ và cố định nền đáy, chống xói lở cho các vùng ven bờ.

Đa dạng sinh học: Rạn san hô, thảm cỏ biển với nhiều giống loài góp phần tạo nên một bức tranh đại dương đầy màu sắc, chúng góp phần lớn vào việc duy trì giá trị đa dạng sinh học tại vùng biển nơi có sự tồn tại của chúng, xung quanh chúng là đại đa số các loài sinh vật biển có giá trị cao về mặt sinh học như rùa biển, các loài cá, tôm….

Hình 5: Vẻ đẹp của các hệ sinh thái biển trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Cu Lao Cham MPA)

Ngăn chặn quá trình axit hóa đại dương: Sự giảm độ pH của nước biển bề mặt là mối đe đọa lâu dài và ngày càng tăng đối với các hệ sinh thái dưới biển….Lượng khí CO2 trong không khí tăng làm tăng lượng CO2 hòa tan trong nước biển. Dioxide cacbon tan trong các đại dương phản ứng với nước và tạo thành axít cacbonic, gây ra sự axít hóa đại dương.

Thảm cỏ biển, Rong biển, được mệnh danh là “lá phổi của đại dương”, chịu trách nhiệm sản xuất một lượng lớn oxy  (O2)  và hấp thụ carbon điôxít (CO2), giúp duy trì hàm lượng khí carbon ổn định trong nước biển. Các thảm cỏ biển được coi như một nguồn lợi biển quan trọng bởi khả năng tổng hợp các chất hữu cơ từ các chất vô cơ như cacbon, nitơ, oxy và phốt pho, tham gia vào chuỗi thức ăn, chu trình dinh dưỡng. Thảm cỏ biển cũng có khả năng lưu trữ một lượng lớn khí cacbon điôxít (CO2) từ khí quyển. Cũng giống như các loài thực vật trên cạn, cỏ biển hấp thụ khí (CO2)  từ không khí và nhả ra khí (O2) để sinh trưởng. Khi những cây cỏ biển chết đi và phân hủy tại đáy biển, (CO2)  mà chúng hấp thụ cũng sẽ bị chôn vùi vào các lớp trầm tích. Có thể thấy vai trò của các hệ sinh thái này trong việc cần bằng lượng (CO2) và (O2) trong môi trường biển, góp phần không nhỏ vào việc làm chậm tiến trình “Axit hóa Đại dương”.

Du lịch và kinh tế: Hệ sinh thái Rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển đã đem đến cho vùng biển Cù Lao Chàm lượng tài nguyên vô cùng to lớn. Hiện nay, ngoài việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản, người dân còn biết phát triển kinh tế du lịch trên chính vùng biển của mình, và vai trò của các hệ sinh thái này chính là nền tảng, môi trường để cộng đồng dựa vào đó mà khai thác. Các hệ sinh thái này đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế tại địa phương, cải thiện thu nhập cũng như tạo nhiều công ăn, việc làm cho cộng đồng khi kinh tế du lịch phát triển.

Hình 6: Du khách tham quan vẻ đẹp của hệ sinh thái “Rạn san hô” trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Tác giả: Nguyễn Ngọc Hòa)

Tuy nhiên cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, nhu cầu của người dân, cộng đồng cũng như du khách, các hoạt động khai thác, đánh bắt, tổ chức các dịch vụ, du lịch diễn ra ở Khu bảo tồn biển ngày một tăng và khó kiểm soát hơn, ngoài ra các tác nhân về biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết cực đoan, ô nhiễm môi trường… cũng là các yếu tố trực tiếp gây áp lực đến các hệ sinh thái Rạn san hô, rong biển, thảm cỏ biển. Và một trong các hệ sinh thái này nếu biến mất dù với bất cứ lý do gì cũng ảnh hưởng nghiêm trọng một cách trực tiếp đến hệ sinh thái biển và đại dương, và cũng ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống con người đặc biết với cộng đồng sống dựa vào biển.Vậy nên việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái dưới biển là việc hết sức cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết, nhiệm vụ này không chỉ những dựa vào các nhà chức trách, các cơ quan chức năng hay các nhà khoa học mà nhiệm vụ này còn dựa vào ý thức và hành động của các bạn…!

Trọng Trung-BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm