Rừng Cù Lao Chàm, một kiểu hệ sinh thái rừng thường xanh đặc trưng trên núi đá khu vực nhiệt đới gió mùa, có thể được xem như là báu vật tại vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới CLC-Hội An. . Thế nhưng, thời gian gần đây, hệ thực vật rừng tại Cù Lao Chàm đang phải chịu nhiều tác động của con người từ việc quy hoạch, xây dựng các công trình trên đảo làm diện tích bị thu hẹp, việc khai thác lá rừng làm nước uống, thức ăn và phục vụ cho du lịch đã gây ra một thách thức không nhỏ, dẫn đến nhiều loài thực vật có nguy cơ cạn kiệt và tuyệt chủng.
Hình 1: Góc nhìn về Đa dạng thành phần thực vật rừng tại Cù Lao Chàm
Để nghiên cứu giá trị tiềm ẩn của rừng và tìm ra các giải pháp quản lý, bảo tồn và khai thác một cách bền vững các giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Trung tâm GreenViet) tiến hành thực hiện đề án “Điều tra thành phần loài và xây dựng danh lục thực vật bậc cao trên cạn tại đảo Hòn Lao thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, tỉnh Quảng Nam”
Hình 2: Nhóm nghiên cứu tại thực địa (Nguồn ảnh: GreenViet)
Trong năm 2017, với sự nhiệt tình, đam mê, trách nhiệm, nhóm nghiên cứu đã thực hiện và xử lý trên 600 mẫu thực vật và thiết lập cơ sở dữ liệu của 304 loài thuộc 40 bộ, 87 họ và 4 ngành thực vật bậc cao gồm ngành thực vật Hạt kín (thực vật có hoa) Angiospermae, ngành Tuế – Cycadophyta, ngành Dây gắm – Gnetophyta và ngành Dương xỉ – Pteridophyta. Ghi nhận 5 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm nằm trong Danh lục đỏ thế giới và Sách đỏ Thực vật Việt Nam cần được ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt, ghi nhận vùng phân bố mới của 1 loài Lan hoại sinh (loài địa lan Didymoplexiella siamensis (Rolfr ex Downie) Seidenf. Loài có phân bố ở Thái Lan, Hồng Kông, Taiwan và mới được ghi nhận ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vào năm 2010.
Hình 3: Công tác điều tra, thu mẫu thực vật;
Hình 4: Giải phẫu, chụp ảnh mẫu để phân loại thực vật
Ngoài ra, đề án còn tạo lập 80 bộ mẫu tiêu bản thực vật lần đầu tiên được trưng bày tại Trung tâm truyền thông Cù Lao Chàm, với mục đích làm cơ sở giáo dục giới thiệu đến người dân và du khách các loài thực vật mang các thông tin về giá trị làm cây thuốc, làm nước uống của người dân và các loài cây nguy cấp, quý hiếm cần ưu tiên được bảo vệ.
Hình 5, 6: Chia sẻ thông tin mẫu tiêu bản rừng
Để chia sẻ rộng rải kết quả nghiên cứu, ngày 13/4/2018 Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tổ chức Hội thảo chuyên đề giới thiệu, và thảo luận về công tác quản lý, bảo tồn hệ sinh thái rừng đặc dụng Cù Lao Chàm. Đến dự buổi hội thảo có đại diện các bên liên quan như UBND xã Tân Hiệp, Đồn biên phòng và Tiểu đoàn HH 70, Hạt Kiểm lâm Bắc Quảng Nam, Trạm Kiểm lâm Cù Lao Chàm, đặc biệt có sự tham dự của bà con nhân dân trên đảo.
Hình 7: Cán bộ bảo tồn biển nêu Hiện trạng và tính pháp lý liên quan đến rừng đặc dụng Cù Lao Chàm;
Hình 8: Ý kiến phát biểu đầy trách nhiệm của Ông Trần Hữu Vỹ – Giám đốc Trung tâm GreenViet về công tác bảo tồn Đa dạng sinh học
Tại buổi hội thảo, các bên liên quan và người dân cũng nêu ra được các vấn đề còn bất cập trong công tác quy hoạch, tính pháp lý trong công tác quản lý rừng đặc dụng Cù Lao Chàm và hiện trạng khai thác, sử dụng hiện nay có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rừng. Các bên cũng đã đề xuất các giải pháp, hành động cụ thể, đặc biệt là đề xuất xây dựng một quy chế phối hợp liên ngành giữa Tiểu đoàn HH 70, Đồn biên phòng, Kiểm lâm, UBND xã Tân hiệp, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, các ban ngành của thành phố Hội An và cộng đồng địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng hệ sinh thái rừng đặc thù của đảo.
Hình 9, 10,11: Tham gia góp ý kiến của các bên liên quan
Phan Công Sanh – Khu BTB Cù Lao Chàm