Cơ hội và thách thức trong hoạt động quản lý bảo tồn đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An

3.4k lượt xem

Nằm cuối dòng sông Thu Bồn, thành phố Hội An được thừa hưởng một sự đa dạng các hệ sinh thái vùng cửa sông và ven bờ. Các bãi sậy, cồn cát, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô, quần cư rong biển, rừng tự nhiên Cù Lao Chàm, cũng như cảnh quan trên cạn và dưới nước đã và đang mang lại cho Hội An – Cù Lao Chàm một sự giàu có các dịch vụ sinh thái, tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội địa phương nhất là hình thức du lịch sinh thái [4] (Hình 1,2,3,4). Với tư cách là khu bảo tồn biển (KBTB) được thành lập vào tháng 12 năm 2005 và sau đó là khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) được UNESCO công nhận vào tháng 5 năm 2009, hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm và Hội An đã và đang ngày một được quan tâm và gắn liền với du lịch phát triển ngày một mạnh mẽ [16].

Hình 1: Sông Thu Bồn và cuôi dòng sông là Đô thị cổ Hội An và Cù Lao Chàm (Photo: Bùi Kiến Quốc).

Hình 2: Vùng cửa sông Thu Bồn – Hội An (Photo: Bùi Kiến Quốc)

Hình 3: Đồng Cói ven sông Thu Bồn (Photo: Bùi Kiến Quốc)

Hình 4: Các thảm thực vật mềm mại dọc theo bờ sông Thu Bồn

Vùng cửa sông Thu Bồn – Hội An đa dạng các hệ sinh thái điển hình miền nhiệt đới là rừng ngập mặn mà đại diện là cây dừa nước và cỏ biển. Diện tích phân bố các hệ này khoảng hơn 100 ha, tập trung chủ yếu tại xã Cẩm Thanh, nơi có hai hệ sinh thái này đan xem với nhau. Tài nguyên thực vật trong vùng này được tìm thấy khoảng 33 loài bao gồm thảm thực vật tiểu vùng trên triều có 9 họ, 16 loài; thảm thực vật tiểu vùng triều có 6 họ, 9 loài; và thảm thực vật tiểu vùng dưới triều có 8 loài. Động vật thân mềm xác định được 14 loài thuộc 8 họ; giáp xác có 6 loài thuộc 2 họ; cá được tìm thấy 18 loài thuộc 9 họ (Hình 5,6,7).

Hình 5: Cây Đước đôi (Rhizophora apiculata) tại cửa sông Thu Bồn – Hội An

Hình 6: Cây Dừa nước Nippa fructicans tại vùng hạ lưu sông Thu Bồn – Hội An

Hình 7: Cửa sông Thu Bồn – mùa chim về

Toàn bộ diện tích KBTB nằm trong vùng lõi của KDTSQ được bảo tồn nguyên vẹn về đa dạng sinh học. Nơi đây luôn duy trì sự tập trung cao nhất về thành phần loài, các quần thể, quần xã sinh vật từ trên rừng xuống lòng đại dương. Với trên 736 loài thuộc 263 giống của các nhóm sinh vật chủ yếu trong hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển đã được ghi nhận cho thấy khu hệ sinh vật trong vùng nước của KBTB Cù Lao Chàm khá phong phú và đa dạng. Cỏ biển có 5 loài thuộc 3 giống, rong biển kích thước lớn có 76 loài thuộc 46 giống, san hô tạo rạn có 277 loài thuộc 40 giống, cá rạn san hô có 270 loài thuộc 105 giống, thân mềm có 97 loài thuộc 61 giống và da gai có 11 loài thuộc 8 giống [6] (Hình 8,9,10,11).

 Hình 8: Cù Lao Chàm, Hội An

Hình 9: Phân bố các quần cư chủ yếu (rạn san hô, thảm cỏ biển và thảm rong biển) trong KBTB Cù Lao Chàm năm 2008 [6].

Hình10: Nghiên cứu cỏ biển Cù Lao Chàm

Hình 11: Rạn san hô Cù Lao Chàm

Cua Đá (Gecarcoidea lalandii), trong năm 2013 đã được cộng đồng quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý với số lượng gần 7.000 con được bắt và kích thước mai cua đảm bảo với cam kết ban đầu là trên 7 cm khi được dán nhãn sinh thái. Đối tượng tài nguyên này bước đầu được bảo vệ và quản lý khai thác một cách khoa học gắn liền với hệ thống giám sát đảm bảo được tính bền vững trong tương lai [12] (Hình 12,13,14,15,16).

Hình 12: Cua Đá được đo kích thước mai cua đúng quy định trước khi được dán nhãn sinh thái.

Hình 13: Cua Đá đạt tiêu chuẩn kích thước chiều ngang mai cua tối thiểu 7 cm, được dán nhãn sinh thái

 Hình 14: Cua Đá dán nhãn sinh thái được lưu thành hợp pháp tại Cù Lao Chàm.

Hình 15: Biểu diễn số lượng cua Đá khai thác trong thời gian cho phép từ 1/3 đến 31/7/2013

Hình 16: Phần trăm số lượng cua Đá (%) khai thác phân theo kích thước chiều ngang mai cua (cm) trong thời gian cho phép khai thác từ 1/3 đến 31/7/2013.

Tổng sản lượng tôm Hùm được khai thác tại Cù Lao Chàm là khoảng 15 tấn/năm trong đó 70% được bắt bởi người địa phương còn lại 30% bởi người ngoài (Hình 17,18). Trong khi đó 4 loại ốc Vú Nàng thì chỉ còn ốc Vú Nàng Con là khoảng 5 tấn/năm, các loại ốc Vú Nàng Vú và ốc Vú Nàng Hang hiện đang trong tình trạng bị tấn công rất mãnh liệt với kích thước khai thác rất bé [8] (Hình 19,20).

 Hình 17: Tôm hùm bông (sao) Panulirus ornatus (Fabricius, 1798), [8].

 Hình 18: Tôm hùm sen Panulirus versicolor (Latreille, 1804), [8]. Ốc vú nàng hang Cellana testudinaria (Linne, 1758). Ốc vú nàng vú Cellana grata (Gould, 1859).

Hình 19: Ốc vú nàng hang Cellana testudinaria (Linne, 1758); Ốc vú nàng vú Cellana grata(Gould, 1859), [8]. Ốc vú nàng sao Cellana radiata (Born, 1778). Vú nàng sao Cellana rota(Gmelin, 1791).

Hình 20: Ốc vú nàng sao Cellana radiata (Born, 1778); Vú nàng sao Cellana rota (Gmelin, 1791), [8].

Sản lượng khai thác hải sản trước đây của Cù Lao Chàm khoảng hơn 1.500 tấn mỗi năm, nhưng chỉ còn 800 tấn/năm từ khi có KBTB và du lịch sinh thái [10]. Hiện tại, người dân tập trung vào khai thác các sản phẩm phục vụ du lịch. Một số vùng ngư trường được bảo tồn, phần lớn là nơi có hệ sinh thái rạn san hô nhạy cảm. Tuy nhiên, một số đối tượng nguồn lợi đang bị khai thác quá mức, biểu hiện qua số lượng cá thể giảm dần, kích thước cá thể bé dần (Hình 21). Đây là thách thức lớn đối với nguồn lực tự nhiên phục vụ phát triển du lịch sinh thái lâu bền.

 Hình 21: Mực ống – Squid (Sepioteuthis lessoniana) bị khai thác với kích thước bé dần

Kết quả điều tra chung quanh các khu vực dân cư và các vùng rừng tại khu Bãi Hương, Bãi Chồng, Bãi Làng và thôn Cấm thuộc sườn tây Hòn Lao (gọi chung là Cù Lao Chàm) đã phát hiện và thống kê được 288 loài thuộc 107 họ thực vật có mạch bậc cao trong đó đại diện ngành Dương Xỉ (Polypodiphyta) có 5 loài, thuộc 5 chi, 5 họ; đại diện ngành thông / Hạt trần (Pinophyta / Gymonospermae) có 3 loài thuộc 3 chi, 3 họ và đại diện ngành mộc lan/Hạt kín (Magnoliophyta/Angiospermae) có 280 loài thuộc 235 chi, 99 họ (Hình 22,23).

Hình 22: Rừng cây thuốc Cù Lao Chàm Trong số 280 loài cây thuốc thuộc ngành Mộc lan đã biết kể trên, có 233 loài nằm trong lớp Mộc lan/hai lá mầm (Magnoliopsida/Dicotyledones) và 47 loài nằm trong lớp Hành/Một lá mầm (Liliopsida/Monocotyledones).

 Hình 23: Cỏ nhung (Anoectochilus sp.), họ Phong lan (Orchidaceae) và Lạc tiên, địa phương gọi là “Bầu đường” (Passiflora foetida L.).

Mặt khác trong 107 họ thực vật đã phát hiện có cây làm thuốc ở Cù Lao Chàm, có một số họ có nhiều loài được dùng làm thuốc. Họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) có 20 loài, họ Cúc (Arteraceae) có 17 loài, họ Cà phê (Rubiaceae) có 11 loài, họ Đậu (Fabaceae) có 10 loài, họ Lúa (Poaceae) có 9 loài, họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae) có 9 loài, các họ Cam quýt (Rutaceae), Bầu bí (Cucurbitaceae), Rau dền (Amaranthaceae) có 6 loài và các họ Hoa môi (Lamiaceae), Long não (Lauraceae), Bông (Malvaceae), Na (Annonaceae), Cà (Solanaceae), Trúc đào (Apocynacea), Cau dừa (Arecaceae) có 5 loài. Tất cả 288 loài cây thuốc kể trên đã được biên tập và xây dựng thành tập “ DANH LỤC CÂY THUỐC Ở SƯỜN TÂY CÙ LAO CHÀM”.

Yến Sào là tên gọi địa phương của một loài chim yến có tên khoa học là Collocalia francica sinh sống trong các hang của bờ đông hòn Cù Lao Chàm và mố số hòn khác như hòn Tai, hòn Khô, hòn Lá, và hòn Ông. Ước tính quần thể loài chim yến này có chừng khoảng 100.000 con. Chim yến ăn các côn trung nhỏ bắt được khi chúng bay lượn trên bầu trời. Nhóm thức ăn này, theo nguồn thông tin trong cộng đồng, có khoảng 50% thành phần là các loại rầy, mà chủ yếu là rầy nâu. Một điều đặc biệt là tổ của loài chim yến này được làm bằng chính nước bọt của nó. Tổ của chim yến đã từ lâu là một sản phẩm rất có giá trị, được dùng làm thức ăn quý giá cho con người (Hình 24).

Hình 24: Hang yến Cù Lao Chàm

KBTB Cù Lao Chàm đã góp phần hỗ trợ người dân địa phương đa dạng hoá sinh kế thay thế, giảm khai thác nguồn lợi, nhưng vẫn đảm bảo được sự phát triển kinh tế địa phương. Mức độ phụ thuộc của người dân địa phương với đa dạng sinh học trước khi xây dựng KBTB chủ yếu vào việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản với sản lượng trung bình là 1.467 tấn/năm. Sau khi có KBTB sự phụ thuộc này dần được thay thế bằng sự đa dạng các nguồn sinh kế thay thế mà cụ thể là sự phong phú các sản phẩm du lịch. Hoạt động khai thác thuỷ sản đã được kiểm soát và định hướng theo quản lý hệ sinh thái, với sản lượng khai thác trung bình năm là 865 tấn/năm, tuy nhiên nguồn thu của cộng đồng Cù Lao Chàm đã được cải thiện đáng kể, từ doanh thu 21 tỷ/năm trong thời gian (2001-2004) đến 30 tỷ vào năm 2010. Và đặc biệt, tuy sản lượng khai thác chỉ hơn một nửa của sản lượng trước khi có KBTB, nhưng doanh thu từ hoạt động thuỷ sản đã đạt tương đương 21 tỷ vào năm 2010. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, nhưng đời sống kinh tế xã hội của người dân địa phương vẫn được cải thiện đi lên.

Tuy nhiên, nhu cầu hưởng dụng tài nguyên thiên nhiên như tiêu thụ nguồn lợi sinh vật biển, sản phẩm rừng ngày càng gia tăng và mãnh liệt theo số lượng du khách đến thăm đảo (Hình 25). Điều này được phản ảnh qua giá bán sản phẩm tại địa phương. Đồng thời thông qua kết quả tuần tra kiểm soát, cũng như độ phủ rạn san hô, mật độ cá rạn, việc khai thác một số đối tượng tài nguyên như Bào Ngư, điệp Quạt, ốc Vú Nàng, ốc Nón, Sao Biển, trai Tai Tượng, cá Cảnh hiện đang phức tạp tại Cù Lao Chàm [1]. Cùng với hiện trạng khai thác khó kiểm soát của người ngoài địa phương, thế mạnh về nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm có khả năng bị suy giảm, nếu không có giải pháp ngăn chặn, sẽ dẫn đến tình trạng nghèo nguồn lực tự nhiên trong tương lai không xa.

 Hình 25: Diễn biến số lượng khách du lịch đến thăm đảo Cù Lao Chàm theo thời gian [1].

Hiện tại doanh thu từ các hoạt động du lịch tại Cù Lao Chàm đã ngày một gia tăng và chiếm tỷ trọng hơn 30% tổng doanh thu của các hoạt động kinh tế tại Cù Lao Chàm bao gồm thu từ hoạt động du lịch (8.380 triệu), thu từ phí dịch vụ môi trường (PES) (849 triệu), thu từ hoạt động khai thác thủy sản (16.309 triệu). Tuy nhiên phần lớn doanh thu du lịch này dựa trên các nguồn sản phẩm khai thác biển và khai thác rừng. Các sản phẩm du lịch có nguồn gốc từ dịch vụ, chế biến, chăn nuôi, trồng trọt rất nghèo. Hơn nữa, tài nguyên biển và rừng của Cù Lao Chàm theo đánh giá là phong phú về chủng loại nhưng hạn chế về số lượng.

Sản phẩm du lịch hiện tại phong phú và được du khách ưa chuộng, tuy nhiên hơn 70% nguồn sản phẩm này lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn lợi đánh bắt biển và rừng. Sản phẩm dịch vụ biển, rừng, thủ công mỹ nghệ chỉ mới chiếm 30% và chất lượng còn hạn chế. Vì vậy trong tương lai Cù Lao Chàm cần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phong phú lợi ích du lịch cho cộng đồng thì mới đảm bảo được tính bền vững trong sự phát triển kinh tế địa phương, gắn liền với bảo tồn.

Khái niệm du lịch sinh thái được áp dụng vào Cù Lao Chàm trong thời gian 10 năm qua chỉ mới phát triển được ý nghĩa của du lịch trên nền tảng của tiềm năng tự nhiên mà cụ thể thông qua diễn biến các dấu hiệu về phát triển sinh kế, số lượng khách du lịch và sự diễn biến tình trạng của các hệ sinh thái và các sinh vật đi kèm. KBTB Cù Lao Chàm chưa phát huy được tính tích cực của khái niệm là hoạt động du lịch và cộng đồng phải là một thành phần của hệ sinh thái, khai thác có sự tái đầu tư để hệ sinh thái này được hoạt động một cách bền vững.

Thông qua phương thức đồng quản lý, KBTB Cù Lao Chàm đã góp phần xác định được diễn biến các mâu thuẩn trong quản lý đa dạng sinh học của địa phương. Nếu như khi bắt đầu bảo tồn biển, mâu thuẩn chính trong quản lý đa dạng sinh học là khai thác không hợp lý được thể hiện qua loại hình khai thác và cường lực khai thác cũng như đối tượng khai thác theo thời gian và không gian tại vùng biển Cù Lao Chàm, mâu thuẩn giữa bảo tồn và sinh kế thay thế cho người dân địa phương, thì ngày nay các mâu thuẫn đó chủ yếu tập trung vào chia sẻ lợi ích trong hoạt động du lịch trên cơ sở bảo tồn, của người dân địa phương và người ngoài KBTB, mâu thuẩn giữa nhu cầu về các sản phẩm du lịch có nguồn gốc khác nhau trong KBTB, mâu thuẩn giữa cung và cầu do sự lượng khách du lịch ngày càng gia tăng, và mâu thuẩn quan hệ giữa các nhóm cộng đồng nghề nghiệp trong KBTB. Phương thức đồng quản lý đã chỉ ra lợi ích cộng đồng chỉ đạt ngưỡng cao nhất khi nó thoả mãn được lợi ích của các nhóm nghề nghiệp khác nhau tại KBTB, vì vậy đã đến lúc cộng đồng KBTB Cù Lao Chàm cần tiếp cận chọn lọc sản phẩm du lịch mục tiêu, đề cao tính liên kết giữa các sản phẩm trong chuỗi sản phẩm du lịch, và tính toán ngưỡng hợp lý cho việc điều tiết lượng khách du lịch đến tham quan.

Các nguyên nhân gián tiếp liên quan đến suy giảm nguồn lợi là sự phối kết hợp trong quản lý nguồn lực tài nguyên thiên nhiên chưa đủ mạnh và thuyết phục cộng đồng tham gia bảo vệ. Các lực lượng chức năng như công an xã, biên phòng, kiểm ngư, dân quân xã và bảo tồn biển cần có sự phối kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhau trong công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý và bảo vệ.

Các dấu hiệu về chất lượng nước của vùng cửa sông Thu Bồn – Hội An đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến Cù Lao Chàm, đặc biệt trong mùa mưa, bão. Hiện tượng nước ngọt, phù sa, rác thải đã có ảnh hưởng tăng dần tại các vùng rạn san hô. Hiện trạng mở đường quanh đảo, xây dựng bờ kè, sửa chữa lại âu thuyền, và các công trình hạ tầng phần nào cũng đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan của Cù Lao Chàm trong một thời gian nhất định. Nhằm khắc phục các tình trạng nêu trên, KBTB Cù Lao Chàm đã đề nghị mở rộng tiếp cận bảo tồn biển vào vùng bờ, hạ lưu sông Thu Bồn, gắn bảo tồn biển với phục hồi rừng ngập mặn, các bãi sậy, đụn cát trong vùng cửa sông. Đồng thời trong năm 2013, Cù Lao Chàm cũng đã ứng dụng công nghệ phục hồi san hô và đã nuôi cấy tại vùng phục hồi 4.800 tập đoàn, tại vườn ươm 750 tập đoàn san hô. Tỷ lệ sống của san hô nuôi cấy tại vườn ươm khoảng 87% và tại vùng phục hồi là 74%. Số tập đoàn san hô tách từ vườn ươm sang phục hồi là hơn 400 tập đoàn [2]. Đồng thời một số tập đoàn san hô bàn, cành mới cũng đã được ghi nhận tại các gềnh đá Cù Lao Chàm. Đây là dấu hiệu phục hồi tự nhiên của các loài san hô tạo rạn tại các vùng nước được giữ gìn sạch sẽ (Hình 26,27,28,29).

Hình 26: Nước ngọt, phù sa từ trong vùng cửa sông tấn công vùng nước KBTB vào mùa mưa

Hình 27: Sao Biển Gai bùng nổ đang hủy diệt các tập đoàn san hô tạo rạn

Hình 28: Nhân giống san hô trong vườn ươm

Hình 29: Cấy phục hồi lại san hô

DIỄN BIẾN QUẢN LÝ ĐA DẠNG SINH HỌC TRONG KDTSQ CÙ LAO CHÀM – HỘI AN THEO THỜI GIAN

KBTB Cù Lao Chàm đã hỗ trợ cộng đồng tham gia tích cực vào hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển sinh kế thay thế tại địa phương. Thông qua phương thức đồng quản lý, KBTB Cù Lao Chàm giới thiệu và cộng đồng tiếp nhận cách tiếp cận mới về quản lý đa dạng sinh học trên cơ sở hệ sinh thái một cách kịp thời. Đồng thời KBTB Cù Lao Chàm đã lồng ghép được các khái niệm về quản lý tổng hợp và quản lý thích ứng vào việc quản lý đa dạng sinh học tại địa phương. KBTB Cù Lao Chàm đã thể hiện được sự đồng thuận cao của cộng đồng trong quy hoạch phân vùng và xây dựng quy chế và kế hoạch quản lý, cũng như sự phê chuẩn của UBND tỉnh Quảng Nam cho các cam kết này của cộng đồng.

Diễn biến nguồn lực xã hội trong du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm được thể hiện qua sự thành lập, ban hành và duy trì các thể chế cộng đồng theo thời gian từ tháng 10/2003 đến tháng 10/2013. Các thể chế này là kết quả của sự đồng thuận giữa các thành phần cộng đồng với nhau trong hoạt động du lịch sinh thái và bảo tồn. Đồng thời Nhà nước có trách nhiệm thành lập và phê chuẩn các cam kết của cộng đồng làm cơ sở pháp lý tại địa phương hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái. Diễn biến các thể chế cộng đồng theo thời gian từ 10/2003 đến 10/2013 được trình bày trong Bảng 1.

Bảng 1: Diễn biến các thể chế cộng đồng được thành lập, ban hành và duy trì.

Như vậy theo Bảng 1 có thể nhận thấy trong thời gian từ tháng 10/2003 đến tháng 10/2006, hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm đã bắt đầu được tiếp cận với khái niệm quản lý tổng hợp và quản lý thích ứng trên cơ sở tiếp cận hệ sinh thái. Cộng đồng đã được giới thiệu về bảo tồn biển, phân vùng bảo vệ, kiểm soát khai thác thông qua mùa vụ, và ngư trường (Bảng 2).

Bảng 2: Quy chế quản lý KBTB Cù Lao Chàm [11].

Năm 2006 là năm bản lề chuyển biến mạnh mẽ trong bảo tồn biển tại Cù Lao Chàm. Quy hoạch phân vùng chức năng để bảo vệ, khai thác hợp lý và phát triển du lịch sinh thái được UBND tỉnh phê chuẩn, các tổ chức cộng đồng được thành lập để thực thi. Đặc biệt đội tuần tra bảo tồn biển được thành lập làm cầu nối phối hợp với các bên liên quan là bộ đội biên phòng, công an địa phương, thanh tra thuỷ sản và cộng đồng để giám sát, kiểm tra các hoạt động bảo tồn và du lịch sinh thái tại các rạn san hô, thảm cỏ biển. Năm 2008 là năm cộng đồng Cù Lao Chàm được tiếp cận bảo tồn và du lịch sinh thái trên các đối tượng tài nguyên mục tiêu cụ thể bao gồm rạn san hô, thảm cỏ biển, tôm Hùm, cua Đá, ốc Vú Nàng và bãi biển.

Năm 2009 và 2010 là thời gian cộng đồng được hướng dẫn tăng cường công tác quản lý các hoạt động du lịch tại địa phương. Đồng thời chất lượng môi trường cũng được cộng đồng ưu tiên quan tâm. Cộng đồng đã tham gia phong trào “nói không với túi nylon” và hành động này không chỉ dừng lại ở vấn đề môi trường mà nó đã trở thành một sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng Cù Lao Chàm. Sự phát triển của du lịch đã và đang là cơ hội nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều thách thức đối với công tác bảo tồn tại Cù Lao Chàm. Chỉ thị 04 về việc cấm khai thác cua Đá được thành phố Hội An ban hành đã và đang hỗ trợ cho việc thực thi cam kết cộng đồng đối với phát triển du lịch sinh thái tại địa phương. Các thể chế cộng đồng gắn liền với bảo tồn và du lịch sinh thái theo tiến trình đồng quản lý đã phát triển mạnh mẽ theo thời gian cả về số lượng và chất lượng, nhằm đảm bảo lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan được chia sẻ một cách công bằng. Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, các nỗ lực của cộng đồng đã trở thành hiện thực với sự ra đời của Tổ cua Đá, Tiểu Khu Bảo tồn biển Bãi Hương, một lần nữa đã chứng tỏ sự lớn mạnh và khả năng chia sẻ trách nhiệm và lợi ích của từng nhóm cộng đồng với hoạt động bảo tồn hỗ trợ cho phát triển du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm.

Trước tác động của những tai biến thiên nhiên trong những năm qua và sự ảnh hưởng của các hoạt động từ đất liền thông qua nguồn nước lũ phát tán từ sông Thu Bồn đã và đang đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của tài nguyên đa dạng sinh học trong KBTB Cù Lao Chàm. Việc quản lý ở phạm vi của KBTB đã và đang gặp nhiều khó khăn do những tác động bất lợi từ bên ngoài có nguồn gốc từ đất liền hoặc các hoạt động ở những khu vực lân cận. Vì vậy, vấn đề quản lý hiện nay đòi hỏi cần phải được nhìn nhận và tiếp cận theo quan điểm quản lý tổng hợp vùng bờ một cách tổng thể nhằm hạn chế các tác động từ đất liền hoặc các vùng lân cận đối với KBTB Cù Lao Chàm. Với sự gia tăng tần suất và phạm vi ảnh hưởng của các tác động từ sông đối với KBTB, việc thiết lập các trạm và tiến hành quan trắc chất lượng môi trường nước theo 2 mùa (mùa khô và mùa mưa) tại khu vực Cù Lao Chàm nhằm theo dõi diễn biến, đồng thời cảnh bảo các tác động tiềm tàng từ đất liền đối với tài nguyên đa dạng sinh học ở đây là điều cần thiết và mang ý nghĩa thiết thực.

Mở rộng phạm vi bảo tồn biển vào trong vùng bờ mà cụ thể là vùng cửa sông Thu Bồn và dọc theo đường bờ của Quảng Nam, đề nghị này được hỗ trợ bằng các kết quả nghiên cứu về đánh giá bảo tồn biển. Hiện tại, chất lượng nước của khu bảo tồn biển đang bị ảnh hưởng bởi nguồn thải trong đất liền mà cụ thể là từ vùng cửa sông Thu Bồn. Sự mở rộng phạm vi của bảo tồn biển vào cửa sông sẽ có điều kiện tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường giảm thiểu chất thải, phục hồi rừng dừa nước Cẩm Thanh. Đồng thời liên kết trong việc bảo vệ nguồn lợi biển và san hô từ xa thông quan nâng cao nhận thức cho việc khai thác đánh bắt một cách hợp lý tại Cù Lao Chàm.

Trong quá trình làm bảo tồn, cộng đồng Cù Lao Chàm đã nhận được lợi ích từ du lịch sinh thái phát triển trên nền tảng của bảo tồn, tuy nhiên người dân địa phương trong KBTB Cù Lao Chàm mới chỉ nhận được khoảng 1/3 tổng giá trị đó, phần còn lại là thuộc về người ngoài KBTB, vì vậy KBTB Cù Lao Chàm cần tiếp tục nghiên cứu hành động các diễn biến này nhằm tư vấn quản lý có chính sách phù hợp bảo vệ lợi ích cho cộng đồng người dân địa phương, để cân bằng với trách nhiệm của cộng đồng về quản lý bảo vệ TN&MT tại KBTB.

Tuy số lượng quần thể sao biển gai có giảm xuống theo thời gian nhưng một số rạn vẫn còn có sự hiện diện tương đối cao mật độ của sao biển gai ở những khu vực Vũng Ráng và Vũng Đá Bao (Hòn Lá), Bãi Đâu Tai và Bãi Bắc (tây Cù Lao Chàm), Vũng Đá Đen và Vũng Thùng (Hòn Tai). Sao biển gai là sinh vật địch hại nguy hiểm của san hô, vì vậy sự hiện diện của chúng với số lượng lớn sẽ làm cho nhiều khu vực rạn bị chết và suy thoái. Việc tổ chức chương trình định kỳ thu gom sao biển gai với sự tham gia của các bên liên quan (các đơn vị kinh doanh du lịch, bộ đội, biên phòng và cộng đồng) được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất trong điều kiện hiện nay.

Sự ra đời của KBTB và sau đó là KDTSQ đã hỗ trợ cho cộng đồng Cù Lao Chàm – Hội An cơ sở thuận lợi trong quản lý bảo tồn đa dạng sinh học thông qua phát triển du lịch sinh thái. Và thực tế trong 10 năm qua từ khi KBTB bắt đầu xây dựng đến nay Cù Lao Chàm – Hội An đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ cùng với hình thức du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học. Qua mô hình Cù Lao Chàm – Hội An, một lần nữa khái niệm bảo tồn cho phát triển và phát triển phải bảo tồn đã và đang được minh chứng rất rõ nghĩa thông qua “ Du lịch sinh thái là bảo tồn đa dạng sinh học và lợi ích cộng đồng”.

Tuy nhiên, qua phân tích chúng ta cũng nhận thấy rõ sự phát triển mạnh mẽ và “ào ạt” du lịch sinh thái đã và đang gây nên một áp lực rất lớn về bảo tồn đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm – Hội An. Một lần nữa Cù Lao Chàm – Hội An cần phát huy lợi thế của du lịch cùng văn hóa và con người để tăng cường sự bảo vệ và phục hồi nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của địa phương.

Một trong những khái niệm mà Cù Lao Chàm – Hội An đang rất cần phát huy là sử dụng tích cực danh hiệu KDTSQ tại địa phương, nhất là tại vùng cứa sông Thu Bồn – Hội An. 7 tiêu chí của KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An cần được triển khai sâu rộng trong cộng đồng nhằm tăng cường sức mạnh của toàn dân cho bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái tại vùng này [13]. Cù Lao Chàm cần phải được bảo vệ cho sự phát triển của toàn vùng hạ lưu. Sự chuyển biến trong nhận thức cũng như trong ứng xử tốt dần với thiên nhiên của con người trong KDTSQ sẽ góp phần phát triển bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái. Hai dòng vật chất và tri thức – văn hóa tại KDTSQ cần được xác định rõ trong nhận thức của con người hưởng lợi tại đây. Dòng vật chất được bảo tồn để cung cấp cho con người, đó là nguồn lợi thủy sản, yến sào, rau rừng, lá thuốc, bánh ít, võng ngô đồng, cua Đá, cảnh quan…được duy trì và trao đổi với dòng tri thức – văn hóa từ con người ứng xử với thiên nhiên, đó là các mô hình phân loại rác tại nguồn, nói không với túi ni lông, bảo tồn biển, bảo tồn di sản văn hóa, bảo tồn cua Đá, homestay, du lịch cộng đồng (Hình 30).

Hình 30: Bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái Cù Lao Chàm – Hội An được nhìn nhận là điểm nhấn cho sự phát triển của toàn vùng hạ lưu sông Thu Bồn.

Chiến lược phát triển bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái Cù Lao Chàm – Hội An cần phải được đặt nền tảng trên sự phát triển của KBTB và KDTSQ Cù Lao Chàm – Hội An. Trong chiến lược phát triển bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái ấy cần phải bao gồm các nội dung về truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng, nghiên cứu khoa học và trình bày kết quả, phối kết hợp các bên liên quan trong quản lý bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên, môi trường, sức chứa du lịch, giáo dục và đào tạo về bảo tồn và sử dụng bền vững, giám sát, đánh giá, báo cáo và phát triển nguồn nhân lực cho hôm nay và trong tương lai [13].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (2013), Báo cáo đánh giá kế hoạch quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm giai đoạn 2009-2013, UBND thành phố Hội An.

[2] BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm (2013), Xây dựng cơ chế quản lý và sử dụng vùng phục hồi rạn san hô tại KBTB Cù Lao Chàm; Một số vấn đề liên quan đến khai thác và sử dụng, UBND thành phố Hội An.

[3] Nguyễn Thị Thùy Dương (2012), Xây dựng mô hình “Nói không với túi ni lông”, Trường hợp nghiên cứu Quần đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, Đồ án tốt nghiệp đại học, Bộ môn Kỹ thuật và Quản lý Môi trường, Khoa Công nghệ Môi trường, Đại học Duy Tân.

[4] Nguyễn Hữu Đại (2006), Đánh giá hiện trạng tài nguyên đất ngập nước hạ lưu sông Thu Bồn và giải pháp quản lý, bảo vệ, phục hồi. BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Quảng Nam, Việt Nam.

[5] Trần Thị Hồng Hoa (2013), Tìm hiểu vai trò của cộng đồng trong hoạt động du lịch sinh thái tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Tỉnh Quảng Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

[6] Nguyễn Văn Long (2008), Đánh giá đa dạng sinh học và chất lượng môi trường khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm 2004 – 2008, Viện Hải Dương học, Viện Khoa học Việt Nam.

[7] Nguyễn Đức Minh (2013), Khu Dự trữ Sinh Quyển Cù Lao Chàm – Hội An; Những vấn đề cần quan tâm, Hội thảo Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, ngày 24/10/2013, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam.

[8] Lê Ngọc Thảo, Huỳnh Ngọc Diên (2013), Điều tra thành phần loài, vùng phân bố, hiện trạng khai thác và xây dựng mô hình đồng quản lý tôm Hùm, ốc Vú Nàng tại Cù Lao Chàm, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

[9] Nguyễn Hoàng Trí (2013), Khu Dự trữ Sinh Quyển Cù Lao Chàm – Hội An; Thay đổi để thành công, Hội thảo Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, ngày 24/10/2013, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam.

[10] Chu Mạnh Trinh (2010), Lợi ích cộng đồng trong hoạt động du lịch tại Khu Dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Quảng Nam.

[11] Chu Mạnh Trinh (2011), “Đồng quản lý tài nguyên và môi trường tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển T11 (2011), 2, tr.79-95.

[12] Chu Mạnh Trinh, Lê Ngọc Thảo (2013), Cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm (Gecarcoidea lalandii) góp phần khẳng định thương hiệu biển Việt Nam, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

[13] Chu Manh Trinh (2013), Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An; Định hướng phát triển bền vững, Hội thảo Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, ngày 24/10/2013, Hội An, Quảng Nam, Việt Nam.

[14] Angus McEwin (2007), Livelihoods Analysis of Cu Lao Cham, Quang Nam MPA Project.

[15] Angus McEwin, Nguyen To Uyen, Tham Ngoc Diep, Ha Minh Tri and Keith Symington (2008), Sustainable Livelihood Strategy: Vietnam Marine Protected Areas, published by “Sustainabel Livelihoods in and around Marine Protected Areas” (LMPA), Ministry of Agriculture and Rural Development (MARD) – a component of Danish Development Cooperation in the Environment (DCE) Programme (2005-2010), Hanoi, Vietnam.

[16] UNESCO – MAB (2009), Cu Lao Cham – Hoi An, Viet Nam has been designated for inclusion in the World Network of Biosphere Reserves, 26/5/2009. Chu Mạnh Trinh – Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm

 Chu Mạnh Trinh – BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Bình luận