CÙ LAO CHÀM: HỆ SINH THÁI CỎ BIỂN

5.9k lượt xem

Thành phần và tầm quan trọng

Các nhà khoa học thế giới đã thống kê trong lòng đại dương của hành tinh chúng ta có khoảng hơn 60 loài cỏ biển (Seagrass).Biển Việt Nam có 14 loài cỏ biển (Nguyễn Văn Tiến và cs, 2004).So với các nước trong khu vực thì Việt Nam đứng thứ 3 về đa dạng các loài cỏ biển, chỉ sau Australia (20 loài) và Philippine (16 loài) (UNEP, 2004).

Theo các kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học biển Cù Lao Chàm, thống kê cho thấy tại các khu vực biển ven bờ của Cù Lao Chàm có 05 loài cỏ biển, bao gồm: Cỏ xoan (Halophila major), Cỏ xoan đơn (H. decipiens), Cỏ kim (Halodule pinifolia), Cỏ hẹ ba răng (H. uninervis), Cỏ kiệu tròn (Cymodocea rotundata) [Nguyễn Văn Long, 2017].

Cỏ biển là những loài thực vật bậc cao, có hoa sống hoàn toàn trong môi trường nước mặn, lợ. Do hinh thái lá của cỏ biển có màu xanh, dài, hình xoan, mảnh như cỏ phân bố trên đất liền và phân bố thành “cánh đồng” dưới nền đáy nông nên người ta gọi chúng là các loài cỏ biển, thảm cỏ biển.


 

Bàn mai sống trong thảm cỏ biển tại Cù Lao Chàm.

Ảnh: Lê Xuân Ái, tháng 10/2017

Cỏ biển có nhu cầu quang hợp tương tự như các loài thực vật tự dưỡng khác nên chúng chỉ sống được ở những nơi có đầy đủ ánh sáng mặt trời và thường phân bố trên nền đáy cát hay bùn ở vùng nước nông ven bờ được che chắn và mọc thành từng bãi lớn đơn loài (chỉ gồm một loài cỏ) hoặc đa loài (gồm nhiều loài cỏ).

Cùng với các hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển đóng vai trò rất quan trọng trong cả hệ thống các hệ sinh thái ven biển rộng lớn và có mối tương tác qua lại với môi trường sống này. Các thảm cỏ biển được coi như một nguồn lợi biển quan trọng bởi khả năng ổn định nền đáy, tổng hợp các chất hữu cơ từ các chất vô cơ như cacbon, nitơ, oxy và phốt pho, tham gia vào chuỗi thức ăn, chu trình dinh dưỡng và là ngôi nhà chung cho nhiều loài có giá trị kinh tế cao.

Hải sâm sinh sống trong Thảm cỏ biển tại Cù Lao Chàm.

Ảnh: Lê Xuân Ái, tháng 10/2017

Cỏ biển thường phát triển thành một cánh đồng rộng lớn, đó là môi trường sinh sống cho các loài động, thực vật biển. Tất cả các sinh vật này cùng với môi trường cỏ biển tạo nên hệ sinh thái cỏ biển vô cùng phong phú và đa dạng, trong đó cỏ biển là sinh vật sản xuất đứng đầu các chuỗi thức ăn có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các động vật biển khác. Sinh vật bám như tảo, vi khuẩn, nấm, động vật, là thành phần quan trọng của thảm cỏ biển. Chúng đóng góp một phần đáng kể cho dòng carbon tổng số trong thảm cỏ biển và trở nên có ý nghĩa sinh thái đối với vùng ven bờ nhiệt đới.Những nơi có thảm cỏ biển, số lượng loài cá nhiều hơn 5 lần so với trên nền đáy biển là bùn, xác sinh vật và cát. Các loài động vật thường gặp trong thảm cỏ biển gồm các loài cá, tôm, hải sâm, cầu gai, cua, điệp, vẹm và ốc.

Thảm cỏ biển có mối quan hệ mật thiết với các loài động vật lớn quý hiếm ở biển như Bò biển Dugong dugon (truyền thuyết hay gọi là nàng tiên cá) và các loài rùa biển. Mỗi ngày, một chú bò biển trưởng thành có thể ăn khoảng 28 đến 40 kg cỏ biển; một chú rùa biển trưởng thành cũng tiêu thụ khoảng 2 kg – hãy tưởng tượng nếu các thảm cỏ biển bị mất các loài động vật này sẽ chẳng còn gì để ăn nữa!

Hiện trạng thảm cỏ biển tại Cù Lao Chàm

Tại vùng biển nước ta, theo thống kê từ các tài liệu hiện có thì diện tích cỏ biển đang suy giảm từ 40% đến 50% bởi hàng loạt các tác động do con người gây ra (Nguyễn Hữu Đại và cs, 2002; Nguyễn Văn Tiến, 2004). Trong đó, vùng biển Khánh Hòa đã mất đi 30% trong vòng 5 năm từ năm 1997 đến 2002 (Nguyễn Hữu Đại và cs, 2006) do các hoạt động nuôi trồng thủy sản. Diện tích thảm cỏ biển vùng biển phía bắc giảm đi đến 90% do các hoạt động xây dựng phát triển ven bờ. Một số thảm cỏ biển Zostera japonica ở vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng đã bị biến mất hoàn toàn. Đây là loài cỏ biển ôn đới chỉ xuất hiện ở vùng biển Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Nhìn chung, các thảm cỏ biển rất nhạy cảm với sự biến đổi của môi trường nước và chúng giảm đi nhanh chóng khi môi trường bị tác động mạnh.

Thảm cỏ biển tại Bãi Bấc Cù Lao Chàm bị ô nhiễm chất thải rắn

Ảnh: Lê Xuân Ái, 2017

Tương tự tại vùng biển Cù Lao Chàm – Quảng Nam, diện tích thảm cỏ biển bị suy giảm đáng báo động theo thời gian, từ 50 ha năm 2004 (Võ Sĩ Tuấn và cs, 2004); còn 37,1 ha (Nguyễn Văn Long và cs, 2008) đến năm 2016 chỉ còn 17 ha (Nguyễn Văn Long và cs, 2017). Như vậy trong vòng 12 năm từ 2004 đến 2016 thảm cỏ biển tại Cù Lao Chàm bị giảm 33 ha, chiếm hơn 66%.

Theo báo cáo kết quả giám sát cỏ biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm năm 2019, đánh giá chung độ phủ cỏ biển trung bình toàn vùng là 26,26% tăng 13,3% so với năm 2018; trong đó độ phủ cỏ biển tăng cao nhất tại khu vực Bãi Bắc (76,97%) và thấp nhất tại Bãi Bìm (11,97%), tại Bãi Ông và Bãi Hương (0%). Như vậy các thảm cỏ biển tại Bãi Ông 20 ha, Bãi Hương 8ha (Võ Sĩ Tuấn và cs, 2004) bị chôn vùi gần như bị xóa sổ hoàn toàn.

 Thảm cỏ biển tại Bãi Bắc bị trốc cả thân ngầm

Ảnh: Lê Xuân Ái, 2017

Sự suy giảm và nguy cơ biến mất của các thảm cỏ biển tại Cù Lao Chàm vô cùng đáng lo ngại sẽ dẫn đến hậu quả “sức khỏe” của hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển và sinh kế của người dân vùng biển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các loài sinh vật biển quý hiếm sống dựa vào nguồn dinh dưỡng từ cỏ biển như rùa biển, bò biển cũng bị đe dọa ảnh hưởng lớn và lâu dài đến kế hoạch bảo tồn và phục hồi loài rùa biển tại Cù Lao Chàm mà tỉnh Quảng Nam, thành phố Hội An đã chỉ đạo triển khai thực hiện.

Sự giảm sút các thảm cỏ biển tại Cù Lao Chàm về nguyên nhân chủ yếu là sự hoạt động của các ca nô cao tốc du lịch. Bãi Ông đã biến thành bến đưa, đón du khách, xây dựng cầu cảng tại Bãi Hương. Việc quy hoạch lại các điểm, tuyến du lịch biển, điều chỉnh quy hoạch bảo tồn biển, phục hồi lại các thảm cỏ biển tại Cù Lao Chàm là những nhiệm vụ cần được triển khai trong thời gian tới.

Lê Xuân Ái, tháng 10/2019

Bình luận