Cua Đá Cù Lao Chàm có tên khoa học là Gecarcoidea lalandii là động vật biển nhưng lại ở trên rừng, chỉ xuống biển trong mùa sinh sản và sau đó lại lên rừng để sinh sống. Cua Đá Cù Lao Chàm được mọi người biết đến từ rất lâu; người ngư dân thỉnh thoảng bắt cua Đá về làm thức ăn, quà biếu vào đất liền.
Cua Đá quen thuộc và gần gủi với người dân xứ đảo như con cá, con tôm dưới biển. Tuy nhiên trong những năm gần đây, một khi Cù Lao Chàm tràn ngập với khách du lịch mỗi ngày thì cua Đá đang phải gánh chịu nhiều rủi ro “tuyệt chủng”. Khách du lịch rất thích thưởng thức cua Đá. Người dân săn lùng cua Đá khắp đảo đến tận hang. Và như thế, cua Đá như hiếm dần, nhỏ dần và xa dần,…Nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái trên, cuối năm 2009, UBND thành phố Hội An đã ban hành Chỉ thị 04 với nội dung tạm dừng việc khai thác, vận chuyển, buôn bán cua Đá trên địa bàn Cù Lao Chàm, để phục hồi đối tượng tài nguyên quý giá này của địa phương, và đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm một giải pháp khai thác cua Đá một cách bền vững cho cộng đồng.
Hình 1: Cua Đá Cù Lao Chàm
Trong thời gian từ năm 2010 đến nay, với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu GEF SGP và UBND thành phố Hội An, chính quyền địa phương và cộng đồng Cù Lao Chàm đã có nhiều nỗ lực nhằm xây dựng một mô hình đồng quản lý cua Đá Cù Lao Chàm. Thông qua hoạt động của dự án “Cộng đồng tham gia phục hồi tự nhiên và khai thác bền vững cua Đá Cù Lao Chàm” (mã số VN/SGP/UNEP-SCS/09/01), các sáng kiến trên đã và đang được thể hiện một cách hiệu quả và đạt được sự đồng thuận cao trong cộng đồng.
Hình 2: Chuyên gia trao đổi kinh nghiệm bảo tồn và khai thác văn minh cua Đá
Hình 3: Hội thảo xây dựng mô hình đồng quản lý cua Đá Cù Lao Chàm
Cộng đồng Cù Lao Chàm, đặc biệt là những người trực tiếp khai thác cua Đá đã tham gia nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng quản lý cua Đá tại địa phương, tập huấn nâng cao nhân thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường, khai thác văn minh, hội thảo xây dựng mô hình đồng quản lý, thi sáng tác logo cua Đá, thí nghiệm dán nhãn sinh thái cua Đá, thành lập Tổ bảo vệ và khai thác hợp lý, xây dựng quy chế quản lý cua Đá Cù Lao Chàm, tham quan học tập…một cách tích cực.
Hình 4: Cộng đồng tham gia cuộc thi sáng tác logo cua Đá Cù Lao Chàm
Hình 5: Các mẫu sáng tác logo cua Đá Cù Lao Chàm được chọn lựa
Hình 6: Cộng đồng những người khai thác cua Đá Cù Lao Chàm tham quan học tập kinh nghiệm đồng quản lý tài nguyên tại Bến Tre
Hình 7: Cộng đồng tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm đồng quản lý tại Hợp tác xã Nghêu Thạnh Phong, Bến Tre
Hình 8: Hội thảo cộng đồng thống nhất các giải pháp kỹ thuật bảo vệ và khai thác bền vững cua Đá Cù Lao Chàm.
Mô hình lý thuyết đồng quản lý cua Đá Cù Lao Chàm đã được xây dựng. Mô hình cần được triển khai thí điểm trên diện rộng nhằm ứng dụng thực tiễn và kiểm chứng các thông số kỹ thuật, trước khi nghiệm thu, bàn giao cho địa phương triển khai thực hiện. Mô hình tổng quát được mô tả theo khung chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi cua Đá Cù Lao Chàm trong Hình 9 dưới đây:
Hình 9: Khung chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi cua Đá Cù Lao Chàm
Mô hình lấy Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm làm trọng tâm. Tổ này trong thời gian thử nghiệm mô hình sẽ là tập hợp những người khai thác cua đá thường xuyên hoặc không thường xuyên, hoặc là yêu thích cua đá, tự nguyện tham gia, cam kết thực hiện các quy định của Tổ, để cùng với chính quyền địa phương, chuyên gia tư vấn, và các bên liên quan nghiên cứu, giám sát, quản lý, bảo vệ cua đá Cù Lao Chàm.
Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm sẽ áp dụng phương thức khai thác cua Đá một cách văn minh. Lợi ích mà Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm thu được sẽ phải đảm bảo các lợi ích cho các thành phần sau:
– Lợi ích từ hoạt động dịch vụ du lịch. Cua Đá phải là một sản phẩm du lịch mang lại lợi ích không chỉ cho Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá mà còn cho các nhóm cộng đồng khác tại Cù Lao Chàm
– Lợi ích mang lại cho việc bù đắp các dịch vụ sinh thái, môi trường đặc biệt là đảm bảo sự bền vững cho sự tồn tại và phát triển của cua Đá
– Lợi ích mang lại cho sự phát triển sinh kế của cộng đồng Cù Lao Chàm
– Lợi ích mang lại từ việc khẳng định dấu ấn của cua Đá tại Cù Lao Chàm đối với du khách
– Cua Đá là tài sản chung của cộng đồng Cù Lao Chàm
Cũng từ đây, thông điệp được ghi nhận là: “Cua Đá phải được bảo tồn vì lợi ích của toàn cộng đồng và bảo tồn Cua Đá phải là trách nhiệm của toàn cộng đồng”
Hình 10: Lễ ra mắt Tổ khai thác và bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm
Hình 11: P.Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp trao Quyết định thành lập Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm
Hình 12: Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm
Hình 13: Các thành viên Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm nhận trang thiết bị tham gia thực thi mô hình đồng quản lý cua Đá.
Hình 14: Hướng dẫn dán nhãn sinh thái cua Đá Cù Lao Chàm
Hình 15: Cua Đá Cù Lao Chàm được dán nhãn sinh thái
Tiến trình thực hiện khai thác một cách văn minh cua Đá Cù Lao Chàm được mô tả theo Hình 16 dưới đây:
Hình 16: Tiến trình thực hiện khai thác có kiểm soát một cách văn minh cua Đá Cù Lao Chàm
Tiến trình được thực hiện theo các bước:
+ Bước 1: Từ thông tin nghiên cứu, chuyên gia tư vấn kỹ thuật sẽ đề nghị các thông số khai thác cho chính quyền địa phương một cách khoa học.
+ Bước 2: Trên cơ sở khoa học của chuyên gia tư vấn kỹ thuật đề nghị, chính quyền địa phương sẽ ra lệnh cho Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá các thông số liên quan đến việc khai thác bao gồm:
– Số lượng cua Đá được khai thác trong một đêm
– Kích thước tối thiểu của chiều ngang mai cua Đá được khai thác
– Vùng khai thác, tình trạng mang trứng
+ Bước 3: Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá thực hiện lệnh khai thác từ chính quyền địa phương và triển khai hành động theo vùng khai thác cho phép.
+ Bước 4: Sáng sớm ngày hôm sau của đêm trước thực hiện hành động khai thác cua Đá, các thành viên của Tổ khai thá, bảo vệ cua Đá sẽ mang cua Đá bắt được đến Trung tâm Du khách của Khu Bảo tồn biển để kiểm tra và dán nhãn sinh thái. Tại đây Đội giám sát sẽ thực hiện nhiệm vụ cân, đo, ghi chép các thông số của cua Đá bắt được.
+ Bước 5: Dán nhãn sinh thái cua Đá sẽ được thực hiện bởi Đội giám sát. Số lượng nhãn sinh thái được dán sẽ được cấp theo lệnh của chính quyền địa phương. Nhãn sinh thái chỉ được dán cho những con cua Đá có các thông số đúng với lệnh của chính quyền địa phương về kích thước chiều ngang mai cua, không mang trứng…
+ Bước 6: Những con cua Đá không đạt tiêu chuẩn quy định như kích thước chiều ngang mai cua nhỏ hơn quy định, mang trứng…sẽ bị Đội giám sát lập biên bản và mang lên trả lại môi trường tự nhiên tại Ngân hàng sinh thái cua Đá – Hòn Tai, Hòn Mồ.
+ Bước 7: Những con cua Đá đạt tiêu chuẩn theo lệnh khai thác của chính quyền địa phương sẽ được Đội giám sát dán nhãn sinh thái lên mai cua. Những con cua Đá có dán nhãn sinh thái trên mai cua là những con cua Đá thành phẩm hợp pháp được lưu thông, buôn bán tại Cù Lao Chàm.
+ Bước 8: Những con cua Đá thành phẩm có dán nhãn sinh thái trên mai cua sẽ được Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá bán tại Cù Lao Chàm. Khi bán những con cua Đá này, các thành viên trong Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá phải mặc đồng phục, đeo bảng tên của chính quyền địa phương cấp. Chỉ có các thành viên của Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá mặc đồng phục và bảng tên của chính quyền địa phương cấp mới được bán cua Đá có dán nhãn sinh thái trên mai cua. Những con cua Đá không có dán nhãn sinh thái trên mai cua mà các thành viên Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá bán là không hợp pháp và sẽ bị tịch thu, đem trả lại môi trường tự nhiên của Ngân hàng sinh thái cua Đá.
+ Đội tuần tra: Đội tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác, bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm được UBND xã Tân Hiệp thành lập. Đội tuần tra bao gồm các thành viên từ Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Tổ Môi trường xã Tân Hiệp, Ban Bảo tồn thôn, Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá, và các cơ quan liên quan.
+ Đội giám sát: Đội giám sát kỹ thuật và dán nhãn sinh thái cua Đá Cù Lao Chàm được UBND xã thành lập. Đội giám sát kỹ thuật và dán nhãn sinh thái cua Đá bao gồm các thành viên từ chuyên gia tư vấn kỹ thuật, Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm, Ban Bảo tồn thôn, Ban Quản lý Du lịch xã, Tổ Môi trường xã, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
+ Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm: Tổ này là tập hợp những người khai thác cua Đá thường xuyên hoặc không thường xuyên, hoặc là yêu thích cua đá, tự nguyện tham gia, cam kết thực hiện các quy định của Tổ, để cùng với chính quyền địa phương, chuyên gia tư vấn kỹ thuật và các bên liên quan nghiên cứu, giám sát, quản lý, bảo vệ cua đá Cù Lao Chàm.
Hình 17: Đây là con cua Đá hợp pháp (có dán nhãn sinh thái) được tiêu thụ tại Cù Lao Chàm
Theo quy chế quản lý cua Đá Cù Lao Chàm, trong thời gian từ 1/3/2013 đến 31/7/2013, mô hình đồng quản lý cua Đá Cù Lao Chàm sẽ được triển khai thực nghiệm tại Cù Lao Chàm. Trong thời gian này, những con cua Đá xuất hiện trên thị trường Cù Lao Chàm mà không dán nhãn sinh thái là cua Đá bất hợp pháp và sẽ bị xử lý theo chị thị 04 của UBND thành phố Hội An.
Hình 18: Thành viên Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm
Hình 19: Xin quý khách hãy cùng chúng tôi bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm và chỉ mua những con cua Đá có dán nhãn sinh thái
Chu Mạnh Trinh, Võ Quảng Lâm, Trần Thành, Lê Ngọc Thảo, Phạm Thị Kim Phương, Phạm Văn Hiệp, Lê Vĩnh Thuận, Huỳnh Ngọc Diên – Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm