Sáng ngày 15/1/2014, BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tổ chức chuyến đi thực địa dọc vùng cửa sông Thu Bồn – Hội An đến rừng dừa Bảy mẫu ở xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An. Đây là chuyến khảo sát, tìm hiểu hoạt động sử dụng dịch vụ sinh thái trong vùng cửa sông Thu Bồn – Hội An gắn liền với Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nhằm thiết kế nội dung nghiên cứu về lĩnh vực này vào mùa hè năm 2014. Đoàn khảo sát bao gồm các thành viên chuyên môn của Khu Bảo tồn biển, Khu Dự trữ Sinh Quyển Cù Lao Chàm – Hội An và Đại học Portland, Hoa Kỳ.
Hình 1: Xuôi thuyền đi khảo sát vùng cửa sông Thu Bồn – Hội An.
Xuôi dòng Thu Bồn, con tàu chở đoàn khảo sát khởi hành từ bến đò Phố Hội qua chợ Hội An, băng qua cầu Cẩm Nam ra đến Cửa Sông Thu Bồn. Trong lúc tàu chạy không ai để máy ghi hình ngừng làm việc. Những hình ảnh làng quê ven hai bên bờ khiến mọi người không thể ngồi yên. Từng bãi đất bồi tụ từ dòng chảy của con sông được người địa phương sử dụng trồng bắp. Chính nhờ lượng phù sa hàng năm dòng sông mang lại mà trái bắp Hội An thơm ngon hơn so với những vùng trồng bắp khác. Và đây cũng chính là nguyên liệu tạo nên ly chè bắp thơm lừng khiến ai đã từng đến Hội An chẳng thể nào từ chối được.
Hình 2: Những bãi bắp Hội An xanh ngát trên các đụn cát dọc theo hạ lưu sông Thu Bồn.
Và rồi từng bụi cỏ Lát như cánh heo mây phất phơ giữa gió trời. Nhìn ngọn cỏ Lát vậy thôi nhưng tác dụng mang lại của nó là không hề nhỏ. Cỏ Lát được người dân địa phương thu hái, sau đó giặt sạch, phơi khô và đan lại thành những chiếc chiếu êm ái. Ngoài lợi ích từ mặt kinh tế mang lại cho người dân, Cỏ Lát còn có 1 nhiệm vụ âm thầm và lặng lẽ hơn. Những bụi Cỏ lát là nơi con Cá, con Tôm,… về trú ngụ và đẻ trứng. Cứ nghĩ nếu sau này, hai bên bờ sông là những khối bê tông kiên cố thay cho các bụi cỏ Lát mềm mại này, thì chắc cảnh vật của vùng hạ lưu sẽ đơn điệu biết chừng nào.
Hình 3: Những bụi cỏ Lát mềm mại chạy dọc theo dòng sông Thu Bồn vùng hạ lưu như những viền thảm nhung tuyệt trần tô điểm màu sắc cho cảnh vật thiên nhiên và sự trù phú cho nguồn lợi thủy sinh nuôi sống con người.
Trái với mặt nước yên bình, phẳng lặng trong lòng sông, khi đến vùng Cửa Đại -nơi giao nhau giữa sông Thu Bồn và biển, đoàn chúng tôi đã tận mắt nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của thiên nhiên – gió mạnh hơn khiến sóng tấp cả vào mạn tàu, tạt cả vào người đi thuyền.
Và thêm 10 phút đi tàu nữa về hướng rừng dừa Bảy mẫu của miền Trung Bộ, thế mà ai trong đoàn cũng có cảm giác mình đang lạc giữa miền Tây sông nước, với từng hàng dừa nối đuôi nhau quanh co.
Rừng ngập mặn nơi đây là chỗ trú ngụ của đa dạng các loài động thực vật. Người đi trên tàu có thể chứng kiến từng đàn cò trắng bay lượn trên bầu trời, có những chú cò ngại gió to nên cứ đứng vẫy cánh trên tán lá dừa, cùng với cả các chú chim bói cá lộng lẫy màu sắc.
Hình 4: Chiêm ngưỡng cảnh sông nước và động thực vật tại Cẩm Thanh, Tp. Hội An
Hình 5: Con đường dẫn vào rừng dừa Bảy mẫu
Hình 6: Mọi người thích thú trước vẻ đẹp của cảnh vật nơi đây
Sau khi tàu cập bến tại thôn Thanh Tam Đông – xã Cẩm Thanh, đoàn khảo sát bắt đầu đến thăm làng nghề tranh tre dừa nước. Thật ấn tượng! Dưới bàn tay tài hoa của người thợ nghề lâu năm Phan Mốt, lá dừa biến thành chiếc kính mát ngộ nghĩnh, những chiếc ly được ông mời đoàn uống nước cũng làm từ gáo dừa. Và đặc biệt hơn nữa, ngôi nhà vợ chồng ông ở và ngôi nhà đón tiếp khách tham quan cũng được làm hoàn toàn bằng tranh tre và dừa nước.
Hình 7: Nghịch ngợm cùng chiếc kính mát làm từ lá dừa tại nhà ông Phan Mốt
Hình 8: Nghệ nhân Phan Mốt đang giới thiệu với đoàn về chiếc ly ông tạo ra từ gáo dừa
Trao đổi với đoàn, ngoài chút tự hào vì du khách thường thích thú những món quà thủ công mình tạo ra, ông Phan Mốt còn băn khoăn về vấn đề nhận thức bảo vệ môi trường của một số người dân nơi đây. Họ đổ rác bừa bãi xuống sông. Khi khách tham quan nhìn thấy cảnh tượng như vậy, ông thường cảm thấy xấu hổ như chính mình là người vứt rác và thực tế thì đoàn cũng đã chứng kiến tận mắt điều đó trong chuyến khảo sát này.
Hình 9: Quả dâu tằm chín mọng ven đường là món quà cuối mùa đông dành cho khách đến thăm CẩmThanh.
Ông trăn trở về việc thực hiện một chương trình truyền thông hoặc tập huấn để nâng cao nhận thức người dân bảo vệ môi trường sống của mình hay đây cũng chính là cách để quảng bá du lịch đến với Cẩm Thanh.
Kết thúc chuyến đi, đoàn ghi nhận được cả điều hay lẫn điều chưa hay. Những điều nhận thấy đều được thành viên trong đoàn ghi chép đầy đủ. Đây là cách đoàn khảo sát thu thập thông tin, tư liệu phục vụ những nghiên cứu liên quan.
Nguyễn Thị Thanh Hoàng – CTV Đề tài Xây dựng mô hình đồng quản lý rác thải tại xã Cẩm Hà và phường Cẩm Phô, thành phố Hội An